Saturday, May 21, 2011

Bán trôn giữ đất



VietVoiNhau
- Nhân một comment trong bài Hũ hèm Việt Nam về chuyện các cô gái Việt phải khỏa thân cho Hàn Quốc chọn, làm nhục quốc thể như vị này nói, xin kể thêm vài nét về hoàn cảnh của họ.

Trong bài này, tôi không dẫn chứng dài dòng, mà chỉ xin nói trích lược các ý mà các nghiên cứu, các phóng sự gần đây đã đề cập.

Phải thấy rằng những cô gái chủ động “bán trôn nuôi miệng” thì từ thời Hai Bà Trưng đến nay, lúc nào cũng có, nhưng không nhiều. Những cô gái “bắt phong trần, phải phong trần” thì nhiều hơn - thường là do hoàn cảnh đưa đẩy. Chưa nói đến chuyện làm gái, vốn rất đông, lên đến con số hàng triệu, riêng hàng trăm ngàn cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong… chưa hẳn họ vì tiền, mà đa phần là vạn bất đắc dĩ, phải “bán mình chuộc cha”.

Cũng như nói gái miền Tây làm “gà” khắp Việt Nam, lấn sang cả Campuchia, Singapore, Thái Lan, Lào…, nhưng thực chất, cũng chỉ có vài ba tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ… với những cô gái “thuần Việt” trắng trẻo, xinh xắn, chứ những tỉnh “lai Khmer” da ngăm đen thì thường chọn kế đi làm ô-sin, với sự đức độ và trung thành với chủ nổi tiếng.

Trung bình mỗi cô gái làm “gà” ở Việt Nam mà tôi biết được, có thu nhập tối thiểu vào khoảng 10 triệu đồng/ 1 tháng, trung bình mỗi ngày kiếm 300 ngàn đồng; mỗi năm làm 10 tháng, kiếm được khoảng 100 triệu đồng, gấp 5 lần GDP bình quân của Việt Nam (khoảng 1.000 USD một năm).

Số tiền làm ra này sẽ đi đâu? Phổ biến nhất là các cô giúp đỡ cho gia đình ở quê, nơi mà đàn ông chỉ có làm ruộng và uống rượu quanh năm, còn phụ nữ thì chẳng mấy khi học hành tử tế, chỉ quanh quẩn ở nhà.

Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, miền Tây Nam bộ mấy chục năm qua, dù thụ hưởng chung một nền giáo dục (với chủ đích ngu dân), nhưng họ lại học hành yếu kém hơn các vùng miền khác, tỷ lệ đậu đại học rất thấp. Chỉ khoảng 5 năm qua, tỉnh Vĩnh Long với các chủ trương linh hoạt hơn, các học sinh ở đây (mà phần nhiều cũng là nam sinh) đã nổi lên vì học giỏi, nổi tiếng cả nước. Các cô gái ở miền Tây thường ít khi học xong lớp 9, hoặc lớp 12.

Phần còn lại của số tiền kiếm được, các cô hoặc tiêu xài theo kiểu đổi đời, hoặc dành dụm chờ ngày giải nghệ kiếm vốn lấy chồng, làm ăn.

Trong một vài tìm hiểu sơ bộ từ cha mẹ của các cô ở Đồng Tháp, với số tiền gởi về khoảng 5 triệu đồng một tháng, thì giúp ích được gì. Phải nói là rất nhiều, vì lúa gạo, rau cá đã sẵn có quanh nhà, số tiền này chỉ dùng cho mua sắm, từ phân bón, thuốc trừ sâu… cho đến xe máy, tủ lạnh, tivi, đầu đĩa… và cả bia rượu.

Nên nhớ rằng, miền Tây Nam bộ đang bị phân rã mạnh bởi các điền chủ mới phất lên từ miền Bắc vào, người Hoa ở Sài Gòn xuống. Họ tranh thủ mua từng tấc đất, có người sở hữu đến hàng ngàn công đất. Mỗi công đất ở miền Tây hiện nay có giá trung bình khoảng 30 triệu đồng, mà phần nhiều dân miền Tây thì thích xe máy hơn thích cày ruộng, nên túng tiền là bán ngay.

Có nhiều nhà nói mình gả con lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… chứ thực chất là bán, với giá trung bình khoảng 5.000 USD một cô dâu. Nếu còn trẻ đẹp, trinh tiết, thì giá cao hơn chút đỉnh. Nhiều cô gái nói trong nước mắt, chữ hiếu phải đáp đền, chứ có biết tiếng đâu, về bên ấy chắc sẽ khổ. Mà 100 triệu đồng (tương đương 3 công đất) thì một gia đình 5-7 miệng ăn, với kiểu tiêu xài phóng khoáng, bao lâu thì hết? Cho nên, khi con gái biệt xứ vài năm, ở nhà đất ruộng vẫn cứ bán.

So với mấy cô lấy chồng xa xứ, “nước xa không cứu được lửa gần”, thì mấy cô làm “gà” loanh quanh các thành phố có vẻ giữ đất tốt hơn. Tuổi nghề trung bình của họ vào khoảng 12 năm (từ 16 cho đến 28 tuổi), nếu biết giữ gìn cẩn thận. Nếu khéo, họ có thể giúp gia đình giữ đất được trong khoảng 15 năm, lượng lúa và nông sản làm ra cũng đáng kể.

Ở Cần Thơ có một kiều nữ mà tôi tình cờ biết được, trong 14 năm làm nghề của mình, giải nghệ ở tuổi 30, cô đã cứu được 40 công đất của gia đình trước miệng lưỡi mồi chài của những tân phú hộ. Khi giải nghệ, cô còn dư được khoảng 1 tỷ đồng, không nghiện ma túy, chưa nhiễm HIV và mắc bệnh tình dục, chỉ có một đứa con không xác định cha. Giờ cô về quê lập kế mưu sinh, làm nông kiểu mới, với mảnh đất mà cha ông mình đã khai hoang lập ấp.

Cũng xin nói thêm, trung bình mỗi năm nông dân Việt Nam ăn khoảng 10 dạ lúa (khoảng 200kg gạo), mà một công đất thu hoạch trung bình khoảng 50 dạ/ 1 vụ (tương đương 1 tấn lúa). Nếu đo đúng “tầm điền”, 1 công bằng 12 tầm vuông: 2,60m x 12 = 973,44 mét vuông. Ở Sóc Trăng, một “tầm cấy” bằng 1,3 công tầm điền, tương đương 1.265 mét vuông.

Kiều nữ ở Cần Thơ cứu được 40 công đất trong hơn 10 năm, số lúa làm ra bao nhiêu, không cần tính cũng đã biết được.

Cho nên, giữa vô số những thị phi dành cho nghề bán trôn, thì ẩn tàng phía sâu vẫn là những câu chuyện nhức nhối. Khi mà có đến hàng triệu cô phải bán trôn để cứu nhiều thứ, chứ không phải nuôi miệng, thì không thể nói là do tự phát, mà là bị đời sống dồn ép đến bước đường cùng. Nếu nhà cầm quyền có chính sách tốt, người dân có đủ an sinh và việc làm, thì ở lứa tuổi 16-20 đầy mơ mộng, có mấy cô dám chọn cái nghề này.

VietVoiNhau

http://www.rfavietnam.com/node/618

0 comments:

Powered By Blogger