Bộ LĐ-TB & XH: VN thuộc nhóm có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới!
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và
Xã hội, tỉ lệ thất nghiệp của cả nước trong quí 2-2014 chỉ khoảng 1,84%,
thấp nhất trong vòng một năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia
có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Tại buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 3-2014
diễn ra chiều ngày 3-9, bà Hương cho hay tính đến ngày 1-7-2014 cả nước
có 871.800 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm gần
174.000 người so với quí 1-2014 và giảm 155.000 người so với quí
2-2013.
Trong tổng số hơn 870.000 người thất nghiệp này, số người thất nghiệp
thuộc nhóm không có chuyên môn kỹ thuật (CMKT) chiếm phần lớn, gần 60%
tổng số lao động thất nghiệp, đạt 521.400 người. Tiếp đến là lao động có
bằng đại học và trên đại học, chiếm gần 17% với 147.000 người.
Mặc dù vậy, số lượng lao động thất nghiệp trong nhóm không có chuyên môn
kỹ thuật và nhóm có bằng đai học trở lên đã giảm đi rõ rệt, lần lượt
giảm 10,37 và 1,47 điểm phần trăm so với quí 1-2014.
Lý giải về việc tỉ lệ thất nghiệp giảm, bà Lan Hương cho hay số việc làm
tạo ra trong quí 2-2014 tăng chậm so với các quí trước nhưng do cung
lực lượng lao động tăng chậm hơn nên đã làm giảm áp lực lên tỉ lệ thất
nghiệp.
Theo bản tin, trong quí 2-2014 nguồn lao động đạt 69,3 triệu người, tăng
134.000 người (0,2%) so với quí 1-2014 và tăng 361.000 người (0,5%) so
với quí 2-2013.
Bà Lan Hương cho hay, cung lao động phản ánh xu thế già hoá dân số. Lực
lượng lao động thanh niên giảm mạnh, giảm 385.000 người (4,84%) so với
quí 2-2013; trong khi lực lượng lao động cao tuổi tiếp tục tăng nhanh,
tăng 203.000 người (3,33%) so với quí 2-2013.
“Tỉ lệ già hoá dân số sẽ làm giảm áp lực cho việc tạo công ăn việc làm
nhưng lại làm tăng gánh nặng cho vấn đề an sinh xã hội về sau” – bà
Hương nói.
Số việc làm ở công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng
Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng việc làm trong quí 2-2014 là sự phục hồi
khá ấn tượng của các ngành “công nghiệp chế biến, chế tạo” và “xây
dựng”. Theo bản tin, số việc làm tăng thêm của những ngành này tương ứng
là 154.800 và 190.800 so với quí trước đó.
Tuy nhiên, các ngành giảm việc làm bao gồm tài chính ngân hàng và bảo
hiểm, giảm 66.600 người do tác động của cải cách ngành tài chính ngân
hàng; ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ
khác, giảm 23.500 việc làm.
Đáng chú ý là việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm
mạnh nhất, 101.000 người. Điều này một phần do đà khởi sắc của nền kinh
tế nên lao động khu vực này đã quay trở lại khu công nghiệp và khu chế
xuất.
Quí 2-2014, có trên 22 triệu người không có chứng chỉ bằng cấp đang làm
những nghề đòi hỏi có CMKT, phản ánh cung lao động không đáp ứng cầu
CMKT, đặc biệt là các nghề “lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp”,
“thợ thủ công có kỹ thuật” và “thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy
móc”.
Trái lại, có tới 0,75 triệu người có trình độ đại học và trên đại học
đang làm các nghề yêu cầu CMKT thấp hơn, phản ánh cung lao động đã vượt
cầu, đặc biệt các ngành nghề “nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự
an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật”, “nhân viên, chuyên môn sơ cấp,
kỹ thuật làm việc tại văn phòng, bàn giấy” và “chuyên môn kỹ thuật bậc
trung”.
Nghề gì "hot" trong tương lai?
Đánh giá về triển vọng thị trường lao động, ông Phạm Minh Huân, Thứ
trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng kinh tế tiếp tục phục
hồi sẽ có tác động tích cực đến thị trường lao động.
Dự kiến, nhu cầu lao động tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp
chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí đốt; thông tin và
truyền thông; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội.
Dự báo mức tăng trưởng đối với những ngành nghề trên khoảng từ 3,5% đến 4% so với 6 tháng đầu năm 2014.
Lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế
vẫn là thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian tới.
0 comments:
Post a Comment