Phong trào Chúng Tôi Muốn Biết
do Mạng Lưới Blogger Việt Nam khởi xướng hôm 2/9/2014, tính đến thời
điểm này đã nhận được tuyên bố ủng hộ của 11 tổ chức dân sự như: Hội Ái
Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương
Thân, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, Khối
8406, No-U FC, Hội Nhà Báo Việt Nam Độc Lập, Lao Động Việt, No-U Sài
Gòn, Phong Trào Liên Đới Dân Oan...
Đồng thời, chiến dịch cũng đã được rất nhiều người dân cả trong và ngoài
nước cùng tham gia, đồng hành. Các trang mạng xã hội Facebook đã bày tỏ
sự ủng hộ bằng cách chụp hình làm Avata với các thông điệp “Tôi/Chúng Tôi Muốn Biết; Được Biết Là Quyền Của Công Dân” bằng tiếng Việt, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.
Chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết đã khơi nguồn cảm hứng cho không chỉ
người dân trong nước mà còn lan rộng trong cộng đồng người Việt hải
ngoại. Và đây là thông báo của một trong những nhóm Facebook:
“Phong Trào "Chúng Tôi Muốn Biết” đáp ứng đúng trăn trở tâm tư người
yêu nước và tạo nguồn cảm hứng cho nhóm Facebook “Hát Cho Tự Do” tổ chức
một Đêm Ca Nhạc Đấu Tranh với chủ đề “Chúng Tôi Muốn Biết” vào ngày
Quốc Tế Quyền Được Biết (International Right To Know Day) 28/9 hàng năm
để đồng hành cùng thế giới hưởng ứng chiến dịch.”
Tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ một chương trình Hỗ-trợ phong-trào "Chúng
Tôi Muốn Biết" đã được các bạn trẻ tổ chức ngày 10/9/2014.
Để góp sức cùng chiến dịch này, Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong
thôn bài phỏng vấn với nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi và cựu tù nhân lương tâm
Nguyễn Phương Uyên về thông điệp Chúng Tôi Muốn Biết.
Dân Làm Báo: Xin cảm ơn nghệ sĩ Kim Chi và Nguyễn Phương Uyên
đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúng tôi rất ấn tượng với
những hình ảnh trên các trang mạng xã hội về thông điệp Tôi Muốn Biết mà
nghệ sĩ Kim Chi và Phương Uyên là những người tham gia trực tiếp. Hai
vị có thể cho độc giả DLB biết vì sao mình lại tham gia Phong trào này
không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Vài năm nay nhờ có Internet nên mọi hành vi bành
trướng của CS Trung Quốc đã bị phơi bày ra trước công luận quốc tế. Năm
xưa CSTQ muốn Việt Nam đánh Mỹ đến người VN cuối cùng để họ rảnh tay
thục hiện giấc mộng Đại Hán - hòng bá chủ hoàn cầu. Họ không bằng lòng
khi ta chấm dứt chiến tranh nên họ đã bày ra đủ trò để làm cho Việt Nam
khốn đốn. Rồi năm 1979 CSTQ đã đánh ta ở biên giới phía Bắc với luận
điệu: “Phải dạy cho VN một bài học...”
Họ liên tục phá hoại nền kinh tế của VN bằng đủ mọi trò hèn hạ: Nào ốc
bươu vàng, nào phong trào mua đỉa, mua củ hũ dừa, mua rễ hồi v.v... Họ
liên tục đưa vào VN những thực phẩm tẩm độc để hòng giết dần, giết mòn
chúng ta với chiêu anh em “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Gần đây nhất là sự
kiện giàn khoan HD-981 đã đưa vào vùng biển thuộc chủ quyền củaViệt Nam.
Dư luận thế giới lên tiếng phản đối nên họ đã phải tạm rút về. Nhưng họ
đã kịp hoàn thiện sân bay Gạc Ma.
Thời gian gần đây, “Hiệp ước Thành Đô" 1990 giữa CSTQ và những người
lãnh đạo đảng CSVN đã bị các trang trên Internet phanh phui. Lòng dân
sôi sục oán hận dã tâm của bọn cướp nước và bán nước. Lúc nào trong đầu
tôi cũng không rời bỏ được ý nghĩ : “CS Trung Quốc đang quyết tâm biến
Việt Nam thành một tỉnh của họ, rồi họ ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải
của VN mà tại sao lãnh đạo VN im thin thít, không chịu kiện họ ra tòa
án quốc tế ? Vì sao CSTQ xấu xa như thế mà nhà nước VN lại bắt bớ, giam
cầm, đàn áp những người có hành động chống lại CSTQ?”
Lương tri của một con người, trách nhiệm của một công dân đã thúc giục
tôi phải góp một tiếng nói trong cuộc đấu tranh đòi QUYỀN ĐƯỢC BIẾT.
Nguyễn Phương Uyên: Trên thực tế, ngoại trừ những người mê mụội,
tôn sùng chế độ cộng sản ra, ai cũng thấy được dù các điều luật về nhân
quyền được nhà cầm quyền ghi nhận, nhấn mạnh thế nào đi chăng nữa thì
việc hành xử những quyền đó luôn gặp khó khăn. Nghịch lý là chính nhà
cầm quyền lại ra sức ngăn chặn việc thực thi các quyền này.
Chủ điểm tháng 9 là ngày Quốc tế Quyền Được Biết và hiện nay đã có 68
quốc gia ban hành luật về quyền được thông tin. Năm 1946 theo nghị quyết
59 Liên Hiệp Quốc đã tuyên cáo đây là một quyền cơ bản của con người và
là nền tảng cho mọi quyền tự do mà Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh. Là một
quốc gia nằm trong sự tương quan của cộng đồng quốc tế, Việt Nam không
thể cưỡng lại xu thế tất yếu này.
Xét về khía cạnh nào đó, cũng như “cướp chính quyền là việc của nhà
nước, còn đòi chính quyền luôn là việc của nhân dân” thì chúng ta đang
đòi lại quyền làm người, cụ thể ở chiến dịch này là Quyền Được Biết. Mục
đích tôi tham gia vào chiến dịch là để cùng mọi người đoàn kết tạo ra
áp lực lớn hơn hòng yêu cầu nhà cầm quyền bạch hóa thông tin trên mọi
lĩnh vực, trong đó Hội nghị Thành Đô là cấp thiết nhất với một nền
“chính trị ngoại tình” – cách mà luật sư Lê Quốc Quân từng đánh giá.
Danlambao: Nghệ sĩ Kim Chi và Phương Uyên có thể cho một số ý kiến đánh giá về Phong trào cho đến thời điểm này được không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Phong trào này sẽ giúp cho những ai còn thờ ơ
với cuộc đấu tranh đuổi giặc phương Bắc và đòi NHÂN QUYỀN ở VN phải quan
tâm tới vận mệnh của đất nước. Phong trào này sẽ làm cho mọi người hiểu
rằng nếu chúng ta nhu nhược thì sẽ có ngày chúng ta bị nghiền nát dưới
xích xe tăng của Tàu cộng như năm 1989 đã xảy ra ở Thiên An Môn Bắc
Kinh.
Trong cuộc đấu tranh này chúng ta rất cần sức mạnh của toàn dân. Phong
trào CHÚNG TÔI MUỐN BIẾT nhất định sẽ được sự ủng hộ của đông đảo mọi
người vì nó là thông điệp của những người yêu nước.
Phong trào CHÚNG TÔI MUỐN BIẾT rất có ý nghĩa và nó thật sự cần thiết
trong đời sống nhân dân, vì chúng ta không thể để mất nước và dân VN
không thể sống trong tủi nhục mãi được.
Nguyễn Phương Uyên: Chiến dịch “Chúng tôi muốn biết” trong gần
một tháng qua đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tổ chức dân sự
và nhiều người Việt. Trên mạng xã hội facebook, mọi người ủng hộ chiến
dịch này bằng cách chụp hình với khẩu hiệu tương tự như “Tôi muốn biết”,
“Được biết là quyền của công dân”. Hành động rất ôn hòa và khá đơn giản
nhưng mọi người đã tạo ra được sức cộng hưởng lớn.
Để chuẩn bị cho một thể chế mà nhân dân thật sự làm chủ vận mệnh đất
nước. Tôi nghĩ rất cần có những chiến dịch tương tự. Những chiến dịch
này có thể tập cho người dân làm quen với cách tham gia vào tiến trình
chính trị xã hội, hay các hình thức dân sự bất phục tùng một cách chính
đáng để phản đối những chính sách, những đạo luật bất công đi ngược với
các lợi ích và các quyền căn bản của con người.
Danlambao: Nếu được, xin Nghệ sĩ Kim Chi và Phương Uyên có thể
chia sẻ một số ý kiến, hay sáng kiến để góp phần thúc đẩy Phong trào
này không? Vì như chúng ta đã biết, tuy Mạng lưới Blogger Việt Nam là
nơi khởi xướng, nhưng nó không còn là công việc của Mạng Lưới nữa. Nó là
mong muốn, là tiếng nói, là Nhân quyền, là công việc chung của những
người quan tâm đến số phận Dân tộc mình.
Nghệ sĩ Kim Chi: Tôi nghĩ rằng tất cả những ai tham gia trong
phong trào CHÚNG TÔI MUỐN BIẾT nên tích cực lấy thông tin và chia sẻ các
thông tin để mọi người kịp thời nắm bắt. Điều quan trọng là thông tin
đưa ra phải chính xác để không mất uy tín. Điều cuối cùng tôi mong mỏi
là tất cả anh em đấu tranh cho Dân chủ phải đoàn kết và đồng thuận thì
công việc của chúng ta mới tốt đẹp được. Cầu chúc phong trào ngày một
lớn mạnh.
Nguyễn Phương Uyên: Khác với việc đấu tranh để giải phóng, đấu
tranh cho dân chủ và nhân quyền là một công cuộc xuyên suốt. Tuy đã đạt
được những thành quả đáng khích lệ nhưng chiến dịch cần có những hướng
đi nhất định để tiếp tục mở rộng cho mọi người, cũng như chuẩn bị đối
phó với trường hợp khi nhà cầm quyền không thể bạch hóa các hội đàm mua
bán và có thể quay sang tấn công chúng ta một cách mù quáng.
Chúng ta có thể phát triển chiến dịch bằng cách đưa ra lần lượt chủ đề
mà mọi người quan tâm và phát triển nó thành một diễn đàn đại chúng, nơi
mà mọi người có thể cùng nhau phân tích, giải thích, thảo luận và sau
đó được trình bày trước công chúng. “Tôi muốn biết”, phải là những điều
gì đó cụ thể, ví dụ như Hội nghị Thành Đô, công hàm Phạm Văn Đồng, Cải
cách ruộng đất, Hoàng Sa – Trường Sa, tham nhũng, những gì chính phủ
đang làm với tiền thuế của nhân dân... Tại sao chúng ta có rất nhiều
tiến sĩ nhưng rất ít phát minh,….
Cách mà tôi đang đề cập trên đây giống như một hệ thống thông tin song
hành theo cách gọi của Václav Benda - một nhà hoạt động và là nhà toán
học của Cộng hòa Séc. Để bảo vệ nhân quyền cũng như dân quyền được thực
thi, chúng ta phải có tiếng nói riêng, tiếng nói của một tập thể độc lập
với nhà cầm quyền và các hệ thống song hành đối trọng với các hệ thống
đã xây dựng trên nền tảng chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà cầm quyền.
*
Để kết thúc bài phỏng vấn này, Dân Làm Báo xin trích lời Nghệ sĩ Kim Chi
và cựu Tù nhân luơng tâm Nguyễn Phương Uyên, hai nhân vật trong bài
phỏng vấn này về thông điệp Tôi Muốn Biết:
“Tôi nghĩ rằng mọi việc thuộc về vận mệnh của đất nước phải được quốc
hội thông qua và toàn dân phải có quyền được biết. Không ai có quyền
đem dâng TỔ Quốc cho Tàu cộng”. (Nghệ sĩ Kim Chi)
Và đây là lời lẽ đanh thép của cô sinh viên, Cựu Tù nhân lương tâm Nguyễn Phương Uyên:
Thời gian gần đây rộ lên các bài viết liên quan đến cụm từ “Giải mật
hội nghị Thành Đô”, xuất phát từ công bố hồi tháng 07/2014 của tờ Hoàn
Cầu và Tân Hoa Xã về “Kỷ yếu hội nghị”. Theo công bố này năm 2020 Việt
Nam sẽ bị chính quyền cộng sản sát nhập vào Trung Quốc. Với một tuyên bố
nhạy cảm liên quan đến vận mệnh dân tộc như thế này, nhà cầm quyền vẫn
giữ thái độ im lặng. Thường có câu rằng “im lặng là đồng ý,” vậy chăng
cách im lặng của nhà cầm quyền cộng sản cũng là câu trả lời cho toàn dân
Việt?
Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau lên tiếng...
Vì Chúng Ta Muốn Biết và Được Biết là Quyền Của Mỗi Chúng Ta.
0 comments:
Post a Comment