Hoàng Ngọc Tuấn, viết từ Australia. 2014-09-26
Tôi vừa tình cờ gặp lại một ông bạn học ngày xưa. K. đã từng ngồi chung lớp với tôi ở đại học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975. Hồi đó K. là con nhà rất giàu, kiêu ngạo lắm, nhưng K. lại rất thích nhạc guitar, nên K. hay mời tôi đi uống cà-phê rồi chở tôi về nhà K. để tôi chơi vài bản nhạc với cây đàn guitar đắt tiền của K.
Năm 1978, tôi có gặp lại K. một lần tại Sài Gòn trong một quán cà-phê cóc. K. than thở là gia đình đã bị “cách mạng” tịch thu tài sản và trấn lột cho đến mức khánh tận… Khi kể chuyện, giọng K. run run và đôi mắt long lên một nỗi căm hờn…
Thế rồi suốt 36 năm qua tôi không hề gặp K. lần nào nữa.
Đạo đức suy đồi
Sáng hôm nay tôi tình cờ gặp lại K. trong quán cà-phê Sun Break ở Auburn. Trông K. rất bảnh bao, mập mạp. K. sang Úc để du lịch và trao đổi business với một số công ty xuất nhập cảng của Úc.
Tôi hỏi K. đã làm cách nào để trở nên giàu có như thế. K. tự hào kể lại những mưu mô và thủ thuật tinh vi và liều lĩnh mà K. đã thực hiện để có thể trở thành một đại gia, từ hai bàn tay trắng. Tất nhiên tôi chẳng thích nghe những chuyện toàn là mánh mung và đút lót như thế, nhưng vì lịch sự, tôi để cho K. nói thoả thích…
Thế rồi tôi hỏi K. nghĩ thế nào về tình trạng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam hiện nay. K. tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi như thế.
K. nói Việt Nam không có vấn đề gì về nhân quyền và dân chủ cả.
Tôi nói với K. rằng Việt Nam khét tiếng là một trong những nước tệ hại nhất thế giới về nhân quyền và dân chủ.
Các nhà tranh đấu với phong trào vận động “Tôi muốn biết” từ cuối tháng 8 năm 2014.
K. nói: “Những đòi hỏi về nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam hiện nay là không thiết thực. Chỉ có một số nhà văn, nhà báo thích tranh cãi chuyện chính trị cao xa thì mới đòi hỏi nhân quyền và dân chủ, còn tuyệt đại đa số nhân dân thì không cần những thứ đó. Họ chỉ cần có công việc làm để kiếm ăn. Họ không cần tranh cãi về những chuyện cao xa đó.”
Tôi nói: “Nhân quyền và dân chủ không phải là những chuyện cao xa. Đó là những chuyện vô cùng thiết thực cho đời sống của bất cứ ai có ý thức rằng mình phải sống như một con người trong xã hội của con người. Khi nhân quyền và dân chủ được tôn trọng, thì cuộc sống của người dân sẽ dễ dàng hơn, xã hội sẽ công bình hơn, giới cầm quyền sẽ không thể mặc tình vơ vét, bóc lột, đàn áp, bạc đãi nhân dân như hiện nay…”
K. nói: “Nghe mấy chuyện đó nhức đầu quá… Tôi chỉ muốn làm ăn kiếm tiền rồi đi chơi nước nọ nước kia cho vui. Chứ còn mấy cái chuyện nhân quyền, dân chủ, biển đảo, lãnh thổ, chính chị chính em gì đó thì tôi xin kiếu. Mấy chục năm nay tôi không cần nhân quyền dân chủ gì cả, nhưng tôi vẫn thành công phát đạt. Tôi thấy cuộc sống như vầy là đủ. Tôi không muốn nghĩ điều gì cao xa hơn nữa.”
Biết rằng có nói thêm hay có tranh luận thì cũng vô ích, tôi ngồi im lặng để giữ lịch sự.
Thế là K. lại bắt đầu say sưa tự hào nói về những sự “khôn ngoan” đã giúp K. trở thành giàu có. Tất nhiên tôi thấy rằng những sự “khôn ngoan” ấy chỉ là những hành vi điêu trá của con người trong một xã hội mà đạo đức đã bị ung rữa đến cùng tột.
Thình lình điện thoại của K. reo lên. Có người muốn bàn bạc chuyện làm ăn với K… Nhân cơ hội đó, tôi bắt tay từ giã K.
Bắt tay vĩnh biệt K. thì đúng hơn, vì tất nhiên tôi không bao giờ muốn gặp K. lại một lần nữa trong đời.
Khi rời khỏi quán và đi dọc theo đường phố, tôi cứ lẩm nhẩm trong óc một ý nghĩ mà đáng lẽ tôi phải nói với K.:
“Cuộc sống của con người — đúng nghĩa là Con Người — thì không chỉ sống để kiếm ăn và khi có nhiều đồ ăn thì hả hê mãn nguyện, bất chấp công lý, bất chấp đạo đức. Con heo chỉ cần có nhiều đồ ăn trong cái máng của nó. Con người khác con heo vì con người có ý thức và lương tâm. Với ý thức và lương tâm, con người không thể chỉ sống như con heo…”
Hoàng Ngọc Tuấn, Australia 26/09/2014
0 comments:
Post a Comment