Khác với nhiều nước trên thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam không
những chỉ có “quan hệ máu thịt” mà còn cả về “tiền bạc” với đảng nên
việc các “dư luận viên” quân nhân và dân sự ra sức bảo vệ chủ nghĩa
thoái trào Mác-Lênin cho đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi cầm quyền không
còn là chuyện xưa nay không ai biết.
Chẳng hạn như trước khi Hiến pháp 2013 được hoàn chỉnh, ban soạn thảo Điều 65 đã đặc biệt dành cho “Lực lượng vũ trang nhân dân” được ưu tiên “tuyệt đối trung thành với Đảng” rồi sau đó mới đến lượt Tổ quốc, Nhân dân, và Nhà nước.
Nhưng nhân dân, cha mẹ của bộ đội coi đó là chuyện “trái đạo” phải thay đổi. Cuối cùng thì điều này đã viết nguyên văn: “Lực
lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân,
với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã
hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng
toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”
Trên nguyên tắc thì nhân dân phải là chủ của đất nước, quân đội, đảng và
nhà nước, nhưng quân đội đã cùng với đảng không thôi cho dân ăn bánh vẽ
“của dân, do dân và vì dân” để ép dân phải tôn sùng chủ nghĩa thoái
trào và ngoại lai Mác-Lênin, phải chấp nhận một Chính phủ không do họ bỏ
phiếu bầu ra và không được quyền lên tiếng và hành động chống kẻ thù
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tổ quốc.
Hãy nghe Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên
Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội hô
hoán như thế này: “Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ phong trào đấu
tranh cách mạng của quần chúng, được ĐCSVN tổ chức, lãnh đạo, giáo dục
và rèn luyện. Vì vậy, không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập
dân tộc gắn liền với CNXH, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân
dân.”
(Trích trong “Đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội”, Tạp chí Cộng sản, ngày 15/9/2014)
Tại sao quân đội của một nước độc lập lại gắn liền mục tiêu chiến đấu
của mình với Chủ nghĩa xã hội Cộng sản (CNXHCS) đã gây ra không biết bao
nhiêu tội ác cho nhân loại và tại Việt Nam từ khi nó ra đời vào Thế kỷ
19?
Từ sự chọn lựa sai lầm lịch sử của ông Hồ Chí Minh, người lập ra đảng
Cộng sản năm 1930, mà nhân dân Việt Nam đã phải sa vào 30 năm nội chiến
nồi da xáo thịt từ 1945 đến 1975. Hàng chục triệu người Việt Nam ở cả
hai đầu giới tuyến đã chết vô nghĩa. Đất nước đã bị hủy hoại và lòng
người đã li tan chưa biết đến bao giờ mới thấy bóng dáng một Hội nghị
Diên Hồng thứ hai.
CNXHCS ở Việt Nam đã tạo ra lớp người cầm quyền chậm tiến, lạc hậu,
thích bạo lực, độc tài và tự do vi phạm nghiêm trọng các quyền con người
từ chiến tranh sang thời bình, kể từ sau khi chính thức thống nhất đất
nước, ngày 25 tháng 4 năm 1976.
Việt Nam ngày nay, sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, tuy đã có miếng
cơm manh áo cho nhiều người nhưng còn cả triệu người khác ở vùng sâu,
vùng cao và vùng xa chưa có đủ cơm ăn, áo mặc trong một đất nước có số
gạo xuất khẩu đứng nhì Thế giới, chỉ sau Thái Lan, nhưng trình độ giáo
dục đại chúng lại sa sút hơn nhiều quốc gia nhược tiểu trong khu vực Á
Châu và Thái Bình Dương.
Vì chính sách giáo dục chậm tiến như thế, trong tổng thể chưa thoát khỏi
từ chương thầy đọc trò chép nên con người hóa ra chậm tiến cả trong tư
tưởng lẫn hành động đã thể hiện trong mánh mung, chạy bằng, chạy chức,
chạy quyền và tham nhũng thối nát đang làm ruỗng hệ thống cầm quyền và
xã hội trên mọi lĩnh vực.
Trên khắp miền đất nước, bên cạnh những ngôi biệt thự trị giá hàng triệu
dollars của các viên chức, đảng viên thì vẫn còn đầy rẫy những mái
tranh xiêu vẹo chắp vá chỗ nắng, chỗ mưa và những trẻ em, phụ nữ không
đủ áo quần che thân lang thang đầu đường xó chợ hoặc quây quần chồng vợ
với đàn con quanh nồi khoai luộc, cơm cháy quanh niêu ở các tỉnh vùng
núi miền Trung.
Đại đa số trong 90 triệu người dân sống trong chế độ CNXHCS Việt Nam năm
2014 vẫn còn nằm trong số 40 Quốc gia chậm tiến và lạc hậu trên Thế
giới. Số tội ác xã hội và tai nạn lưu thông xảy ra hàng ngày trong nhân
dân đã vượt cao hơn nhiều nước trong vùng Đông Nam Á, trung bình có từ
50 đến 100 người chết mỗi ngày.
Đáng chú ý là trong các loại tội ác xã hội, số vụ bạo loạn trong gia
đình như con giết cha mẹ lấy tiền, đánh đập nhau trong các vụ tranh của,
giựt nợ, đâm thuê, chém mướn xuất hiện trên các phương tiện truyền
thông cũng đã gây chóng mặt và nhức nhối.
Trong một báo cáo trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 12/09/2014, Thanh tra Chính phủ nói rằng:
“Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức được triệt phá; nhiều vụ án kinh
tế, tham nhũng lớn được phát hiện, khởi tố nhưng dự báo, tình hình tội
phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp…” (Trích báo Thanh Tra)
Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương lại cho biết: "Năm 2014,
trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình an ninh,
trật tự, làm gia tăng tội phạm nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của
Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích
cực của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, hoạt
động của các loại tội phạm đã được kiềm chế.
Số vụ án khởi tố mới là hơn 65.000 vụ với hơn 100.000 bị can, tăng
2,24% về số vụ, giảm 2,08% số bị can so với cùng kỳ năm ngoái. Chất
lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm có chuyển biến tích cực. Nhiều
băng nhóm tội phạm có tổ chức được triệt phá. Nhiều vụ án kinh tế, tham
nhũng lớn được phát hiện và khởi tố như vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo
chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh thành phố Hồ Chí
Minh; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam…”
Mặc dù đã có những con số khích lệ nhưng ông Vương vẫn nhìn nhận: "Ngoài
những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tham nhũng
vặt diễn ra khá phổ biến, khó phát hiện do người dân ngại tố cáo, tố
giác và thiếu bằng chứng xử lý. Xu hướng sản xuất, mua bán và sử dụng
các loại ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng đá tăng nhanh."
Báo Thanh Tra viết tiếp: “Theo Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao
Nguyễn Hải Phong, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến
phức tạp, nhất là, tội phạm có tính chất “xã hội đen”.
Tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng diễn biến
phức tạp, phát hiện nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây thất thoát lớn
tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp... Tình hình vi phạm hành chính cũng
diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực.”
Vậy đó có phải đó là kết quả của tình trạng thi hành luật pháp chưa
nghiêm, hay do tham nhũng của các quan chức, cán bộ, đảng viên đã nuôi
dưỡng và tạo ra các loại tội ác trong xã hội?
Trước tình hình này, nhân dân có trách nhiệm gì trong hoàn cảnh đảng và
nhà nước bị kẹt giữa “trên đe dưới búa” của Trung Quốc, hay vì Việt Nam
đã bằng lòng để cho Bắc Kinh lôi vào quỹ đạo tự hủy 16 chữ “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan"
("Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới
tương lai") mà đất nước mới lâm vào hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan như
bây giờ?
Trong cố gắng tìm lối thoát, một làn sóng đòi nhà nước can đảm tìm đường
chui ra khỏi cái xiềng kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự Trung
Quốc đang đù đưa trĩu nặng trên cổ mỗi người dân Việt đã nổi lên trong
giới Trí thức, Thanh niên, cựu đảng viên và cựu chiến binh.
Những người này cho rằng, nếu chỉ vì phải “sống chết với lời hứa cùng nhau bảo vệ chủ nghĩa Cộng sản cho đến chết từ đời này qua đời khác” để làm hại đất nước, kìm hãm đà tiến của dân tộc thì những người Cộng sản Việt Nam sẽ muôn đời có tội với dân tộc và Tổ tiên.
Vì những trăn trở này mà một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, bộ đội,
công an và những đơn vị khác trong dây chuỗi “lực lượng võ trang nhân
dân” hơn 5 triệu người, trong số này có lối 450,000 quân chính quy, đã
“tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” vì họ không còn tin vào đảng nữa, nhất
là việc đảng cứ mãi “kiên định xây dựng đất nước trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng (thoái trào) Hồ Chí Minh”.
Sự chểnh mảng trong công việc hàng ngày, đề cao “chủ nghĩa cá nhân” để
trục lợi, tạo thế lực, tổ chức quyền lợi phe đảng, tham gia các “nhóm
lợi ích” để đục khoét công quỹ, tiền dự án, tham nhũng, ăn chia với các
Doanh nghiệp nướcngoài trong đấu thầu dự án kinh tế, xây dựng, tổ chức
chạy án, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy các đơn vị “hét ra
bạc khạc ra vàng” và bảo vệ quyền lợi cho nhau đã “trăm hoa đua nở” trên
mọi lĩnh vực, từ trung ương xuống cơ sở.
Một số Trí thức và cựu chiến binh Sĩ quan cao cấp trong nước đã khuyên
Quân đội nên “đứng về phía nhân dân” theo đúng chức năng bảo vệ Tổ quốc
là trên hết để tạo áp lực buộc đảng phải thay đổi đường lối để cứu nước
ra khỏi vũng lầy chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay.
Luận điệu lạ giòng
Vậy phản ứng của đảng và quân đội ra sao trước khuyến nghị Quân đội nên
can đảm nhận lấy trách nhiệm “giữ nước” mà dứt bỏ tính ràng buộc toàn
diện vào đường lối chính trị lệ thuộc Trung Quốc của Bộ Chính trị?
Kết luận chung của các “dư luận viên” Ban Tuyên giáo Trung ương của
đảng, Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân đã lên án yêu cầu nghiêm túc
này và cáo buộc điều được gọi là các “thế lực thù địch” và “những kẻ cơ
hội trong nước” cấu kết với nhau thực hiện âm mưu muốn “phi chính trị
hóa quân đội” để làm cho đảng tan rã, mất vị trí lãnh đạo “toàn diện” vì
không còn được bảo vệ, cuối cùng thay đổi chế độ.
Bài viết trên Tạp chí Cộng sản (15/09/2014), cơ quan lý luận hàng đầu
của đảng của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch như dẫn chứng ở trên là một bằng
chứng.
Ông viết: “Phi chính trị hóa” quân đội là một âm mưu, thủ đoạn nham
hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
hòng chống phá cách mạng Việt Nam, với mục đích tách Quân đội nhân dân
Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Quân
đội biến chất, không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị
tin cậy của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu
“phi chính trị hóa” quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.”
Sau khi kết luận rằng sự tan rã của các nước Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô
và Đông Âu (từ 1989-1991) là do quân đội đã đứng ngoài, không can thiệp
để bảo vệ chế độ, tướng Lịch nói: "Hòng tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã
hội (CNXH) ở các nước còn lại, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh
triển khai một cách bài bản chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chúng đã
thành công ở Liên Xô và Đông Âu, trong đó, “phi chính trị hóa” quân đội
vẫn là một thủ đoạn được chúng đặc biệt coi trọng và triệt để vận dụng.
Đối với Quân đội ta, chúng đã và đang sử dụng mọi biện pháp, hòng vô
hiệu hóa, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối
với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận,
chúng ra sức tuyên truyền phủ nhận quan điểm Mác - Lê-nin về giai cấp và
đấu tranh giai cấp; xuyên tạc tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, quan
điểm, đường lối quân sự của Đảng ta, nhất là quan điểm về xây dựng lực
lượng vũ trang nhân dân, QĐND; làm lu mờ bản chất, truyền thống của Quân
đội; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ
(CB, CS), làm mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu của Quân
đội. Cùng với những luận điệu kích động chống phá nền tảng tư tưởng, lý
luận của ĐCSVN, nói xấu chế độ XHCN, các phương tiện truyền thông phương
Tây ra sức công kích phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực
tiếp về mọi mặt” đối với QĐND Việt Nam. Chúng lập luận rằng: Quân đội
“chỉ là công cụ của quốc gia, dân tộc”, vì thế “không cần phải đặt dưới
sự lãnh đạo của đảng phái nào”... "
Vì những lý do tự vệ, bảo hoàng hơn vua, bất kể lợi hại cho dân cho nước
miễn sao đảng tồn tại mãi để độc quyền lãnh đạo sai lầm, ông Tướng này
khuyến cáo quân đội: “Trước hết, cần nắm vững phương pháp luận của
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó vạch trần có cơ sở
khoa học luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù
địch. Trong xã hội có giai cấp, bất kỳ quốc gia nào, dù thời chiến hay
thời bình đều tổ chức ra quân đội để bảo vệ chế độ chính trị và lợi ích
của giai cấp cầm quyền. Bàn về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp
công nhân, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khẳng định: về bản chất, quân đội
là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định, nhằm
bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng,
sử dụng; quân đội được xây dựng theo đường lối, quan điểm chính trị của
giai cấp tổ chức ra nó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ
phương châm xây dựng quân đội “người trước, súng sau”; “Quân sự mà không
có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Điều đó có
nghĩa, không có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “phi đảng
phái” như một số kẻ vẫn rêu rao. Trên thực tế, bất kỳ giai cấp nào khi
lên cầm quyền điều hành đất nước cũng phải nhanh chóng nắm lấy quân đội
và sử dụng quân đội làm công cụ để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình…
Việc đòi hỏi quân đội các nước XHCN chỉ phục tùng nhà nước, không phục
tùng đảng cộng sản (cầm quyền), về thực chất là tuyên truyền cho sự
chuyển hóa lập trường chính trị, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” đối với quân đội và trong xã hội.”
Một “dư luận viên” khác, Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng
cũng phang lên báo Quân đội Nhân dân ngày 15/09/2014 bài viết gọi là “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự "ảo tưởng"
Ông chỉ trích những ai bảo Chủ nghỉa Mác-Lênin đã “về vườn” không ai còn
muốn lôi nó ra xài, ngoài đảng CSVN, Trung Cộng, Bắc Hàn và Cuba.
Ông cao giọng: “Những luận điệu chống phá tinh vi và thâm độc trên
được phát tán trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng
in-tơ-nét và được lặp đi, lặp lại nhiều lần, tấn công vào mọi đối tượng.
Sự tấn công này rất nguy hiểm, nó dễ làm cho một số người, nhất là thế
hệ trẻ lầm tưởng rằng những người đó cũng "khách quan, khoa học" khi
đánh giá chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thế nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy rằng,
mục đích của họ là rất rõ ràng. Họ cho rằng, làm những điều đó nếu chưa
thể xóa bỏ được chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thì cũng có thể gây nên sự hoài
nghi, dao động trong một bộ phận cán bộ và nhân dân ta. Đồng thời cũng
có thể làm nhiễu loạn tư tưởng xã hội, dễ bề cho sự thâm nhập của các
loại tư tưởng phi vô sản.”
Nói về đảng của ông, Tác giả báo động: “Hiện nay, những ngón đòn
chống phá trên lại càng trở nên nguy hiểm khi gắn với việc công kích
trực tiếp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Họ lợi
dụng những hạn chế, thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta để gieo rắc sự bất
bình và kích động nhân dân…”
Cần gì mà phải lợi dụng, hàng triệu chuyện đã và đang tác hại cho dân
cho nước vì đảng cứ “miệt mài quá độ mãi mà không sao vượt qua nổi một
đoạn đường”, đến nỗi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải cảnh giác đến
cuối Thế kỷ 21 cũng chưa chắc đã man “đến ngưỡng cửa Thiên đàng” của Xã
hội chủ nghĩa kiểu Việt Nam hãy còn mù mờ thì làm sao mà các dư luận
viên Quân đội có thể giải thích được thế nào là “Chủ nghĩa xã hội đặc
sắc Trung Quốc” của Bắc Kinh?
Bởi vì chính ông Tiến sĩ Đại tá Hưởng cũng đã “đi nước đôi” khi viết rằng: “Cũng
phải thừa nhận rằng, chúng ta còn có nhiều hạn chế, còn nhiều khó khăn,
thách thức trên con đường phát triển, nhưng những tiến bộ mà Việt Nam
đạt được đã nói lên bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, một
chế độ đang được xây dựng trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin. Đó đang là hiện thực, thực tế, không phải là đi theo một CNXH
"viển vông", "ảo tưởng" như họ cố tình gán ghép, xuyên tạc. Bản chất tốt
đẹp và tính chất ưu việt của chế độ ta không phải tự nhiên mà có mà là
kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ
người Việt Nam kiên định đi theo con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và
CNXH.”
Lý luận như ông Hưởng là “trăm phẩn trăm” quân đội phải bảo vệ cho được
Chủ nghĩa Mác-Lenin để cho đảng cầm quyền vĩnh viễn rồi còn gì nữa?
Dư luận viên tiêu biểu thứ ba là Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng cũng nhả ra những “khuôn vàng thước ngọc” bênh vực chủ nghĩa “đã bị nhân dân Nga nhổ nước bọt vào trong cuộc cách mạng không đổ máu năm 1991”, sau 70 năm sống giở chết dở với nó.
Dưới nhan đề "Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cần tiếp tục được bảo vệ và phát triển", ông Thắng đã báo động và kêu gào trên báo Quân đội Nhân dân ngày 01/09/2014: “Trong
hàng ngũ những người cộng sản và nhân dân, thực tế có một số người đã
nhiễm phải những luận điệu tuyên truyền hết sức tinh vi, hiểm độc của
các thế lực thù địch, từ đó nảy sinh t ư tưởng bi quan, dao động, bàng
quan, thậm chí đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH.
Trước tình hình đó, những người cộng sản chân chính cần phải bình tĩnh,
tăng cường đoàn kết thống nhất ý chí và hành động để bảo vệ các giá trị
đích thực của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và toàn bộ thành quả của cuộc cách
mạng XHCN.”
Vì vậy, ông đã không tiếc lời ca tụng cái chủ nghĩa đã “bị đào thải”: "Đối
với cách mạng Việt Nam, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thể hiện
trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của cách mạng từ khi
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 đến nay. Chủ tịch Hồ Chí
Minh, người có công truyền bá và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lê-nin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, Người đã
cùng Đảng ta luôn giữ vững sự trung thành, vận dụng và phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin luôn tràn đầy
sức sống hiện thực trên đất nước Việt Nam thân yêu. Thực tiễn của cách
mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua, đặc biệt những thành tựu to lớn của
công cuộc đổi mới đất nước trong gần 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của
Đảng ta, càng củng cố vững chắc niềm tin, niềm tự hào của mỗi đảng viên,
cán bộ và nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào con đường đi lên
CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn."
Nhưng “nhân dân ta nào” đã “lựa chọn” cái chủ nghĩa vô thần và đã giết
hại hàng trăm triệu người trên thế giới và ở Việt Nam? Ông Đại tá, Thạc
sĩ Nguyễn Đức Thắng có dám kêu gọi đảng cho phép tổ chức một cuộc trưng
cầu ý dân có Quốc tế và các Tổ chức Nhân quyền và xã hội độc lập trên
thế giới kiểm soát cuộc bỏ phiếu để xem dân sẽ nói “yes” hay “no” thì sẽ
rõ trắng đen ngay số “nhân dân ta” này có được bao nhiêu người?
Sau bức màn sắt
Sau khi đã đọc hết những “tư tưởng cao siêu” của các ông Ngô Xuân Lịch,
Nguyễn Mạnh Hưởng và Nguyễn Đức Thắng thì có ai biết tại sao phe Quân
đội đã ra sức bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin để bảo vệ quyền lãnh đạo độc
tôn, độc tài và mãi mãi cho Đảng không?
Tất nhiên đây là chuyện “hòn đất ném đi thì hòn chì phải ném lại”, hay
là chuyện “có vay thì phải trả”, sòng phẳng quyền lợi “cưa 2” bình đẳng
trong thế giới giang hồ hảo hán.
Nghĩa là đảng còn thì quân còn mà đảng có ăn thì quân cũng phải có phần.
Vì vậy không ai phải ngạc nhiên khi thấy Quân đội đang là chủ nhân của
nhiều Công ty “khủng” trong toàn bộ guồng máy kinh tế của Đảng và Nhà
nước.
Guồng máy kinh tài của quân đội là do vốn đầu tư 100% của Nhà nước mà
Nhà nước thì lấy tiền đóng thuế của dân và của các Doanh nghiệp khác.
Về nhân lực, hệ thống Doanh nghiệp, Ngân hàng, Công ty của quân đội sử
dụng quân đội làm việc là phần lớn do đó thành công hơn các Công ty
khác, dù của Nhà nước hay hợp doanh nhờ vào tinh thần “làm việc có kỷ
luật”, không làm đàng hoàng sẽ “mất nồi cơm” nên anh nào cũng sợ xanh
mặt.
Theo thông tin trên Nhịp Cầu Đầu Tư tháng 01/2013 thì đứng đầu các Công
ty do Quân đội Nhân dân làm chủ là: ”Tập đoàn Viễn thông Quân đội
(Viettel) là gương mặt tiêu biểu nhất trong các doanh nghiệp quân đội.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết doanh thu năm
2012 của Viettel đạt hơn 140.058 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2011,
lợi nhuận gần 25.000, tăng gần 40% so với năm 2011.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam trong năm qua gặp nhiều khó khăn nhưng những
con số này đã cho thấy rằng, Viettel đã có một năm kinh doanh ấn tượng.
Điều này càng nổi trội khi đặt Viettel bên cạnh một ông lớn khác trong
ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Theo đó, doanh
thu của VNPT trong năm qua đạt 130.390 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của
hãng thu về chỉ đạt 8.500 tỷ đồng.”
Báo này viết tiếp: “Không chỉ hơn về mặt doanh thu và lợi nhuận, tầm
vóc của Viettel cũng vượt trội khi đưa thương hiệu ra nước ngoài và biến
Viettel trở thành một thương hiệu quốc tế. Trong khi đó, VNPT gần như
vẫn chỉ dẫm chân tại thị trường Việt Nam. Tính đến năm 2012, doanh thu
riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu
USD, tăng trưởng 45%. Hiện tại Viettel đã có mặt tại 7 thị trường nước
ngoài, trong VNPT mới chỉ bắt đầu lên kế hoạch vào Myanmar.”
“Sau Viettel có lẽ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)”, báo này viết tiếp, “Vào
những ngày đầu năm 2013, MB công bố đạt trên 3.024 tỷ đồng lợi nhuận
năm 2012, giữ vị trí quán quân trong khối các ngân hàng thương mại cổ
phần. Đây được xem là một trong những tin tốt lành hiếm hoi trong lĩnh
vực ngân hàng, lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tỉ lệ
nợ xấu cao và lợi nhuận bị suy giảm.
Đây không phải là năm duy nhất Ngân hàng Quân đội kinh doanh tốt.
Nhìn lại chỉ số kinh doanh trong 3 năm gần đây cho thấy sự phát triển
bền vững ổn định chứ không chỉ là ăn may. Điều này thể hiện rất rõ qua 4
chỉ số tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2011 của MB doanh thu
(52,6%), lợi nhuận (45,4%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE (21,2%)
và lợi nhuận trên vốn - ROC (31,9%)."
Ngoài ra, vẫn theo Nhịp cầu Đầu tư, Quân đội còn làm chủ các đại công ty khác như: “Tổng
công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty 28, Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công
ty Đông Bắc, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xuất nhập khẩu
Tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco), Công ty Bay dịch vụ Miền Nam, Tổng công ty
Thành An, cũng hoạt động kinh doanh khá tốt.”
Như vậy là đã rõ tại sao phe Quân đội không chỉ “tuyệt đối trung thành”
với Tổ quốc, Nhân dân thôi mà còn với Đảng nữa như đã ghi trong Hiến
pháp 2013.
Nhưng không có gì tồn tại mãi mãi trên cõi đời này. Tan rã “trong nháy
mắt” của các Chính phủ Xã hội chủ nghĩa Cộng sản trong Liên bang Xô viết
và Đông Âu từ 1989 đến 1991 là bài học nhãn tiền.
Vậy khi đảng không còn nữa thì gia tài “vĩ đại” của Quân đội sẽ về tay ai, Tổ Quốc và Nhân dân có được đồng xu nào không?
(09/014)
0 comments:
Post a Comment