Wednesday, September 3, 2014

Liên minh Ấn –Nhật : Trường thành chống Trung Quốc

Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường quan hệ phòng thủ. Ảnh chụp ngày 01/09/2014.

Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường quan hệ phòng thủ. Ảnh chụp ngày 01/09/2014.
Reuters
Về thời sự quốc tế, hàng tít lý thú đáng chú ý hôm nay 01/09/2014 là trên báo Libération, trang Thế giới : « Nhật Bản -Ấn Độ : Trường thành chống Trung Quốc », nói đến chuyến viếng thăm Nhật của Thủ tướng Ấn Modi, muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai chàng khổng lồ châu Á cùng chung quyền lợi.
Nhận định đầu tiên của Libération, đây là chuyến công du ngoại quốc quan trọng đầu tiên của Thủ tướng Ấn Modi và kéo dài đến 5 ngày, cho thấy tầm quan trọng cuộc « hẹn » giữa hai chàng khổng lồ châu Á.
Trước sự bành trướng và đà quân sự hóa của Trung Quốc, Tokyo và New Delhi nêu bật mối lo ngại và quyền lợi chung của đôi bên.
Tác giả bài báo nêu lại câu hỏi : Tại sao có chuyến viếng thăm hiện nay ?
Libération nhắc lại là ngay từ khi được bầu vào tháng 5/2014, ông Modi đã tuyên bố dành chuyến đi đầu tiên cho nước Nhật của ông Abe. Đây cũng không lạ vì hai đại diện của cánh hữu xu hướng dân tộc chủ nghĩa này đã có những mối quan hệ thân thiết từ nhiều năm nay. Ông Modi trước đây đã mấy lần đến Tokyo. Libération trích lời một nhà phân tích, nhận định ông Abe và Modi cùng chia sẻ một quan điểm là không để Bắc Kinh dẫm chân nhưng cũng tránh cô lập Trung Quốc.
Modi chờ đợi gì ?
Tác giả bài báo nêu câu hỏi ông Modi hy vọng gì nơi Tokyo ? Và liệt kê từ hạ tầng cơ sở, giao thông, để phát triển kinh tế Ấn Độ, cho đến hạt nhân dân sự mà ông Modi muốn Tokyo giúp đỡ.
New Delhi muốn xây dựng 20 lò phản ứng hạt nhân trong hai thập niên tới. Theo bài báo, đề án này làm cho cộng đồng quốc tế e ngại, nghi ngờ Ấn Độ muốn làm giàu uranium. New Delhi chưa bao giờ ký hiệp định không phổ biến hạt nhân và muốn được sự hỗ trợ của Tokyo.
Theo Libération, quốc tế thận trọng cũng có cơ sở vì đảng BJP, của ông Modi đã nhiều lần đánh giá là ‘chủ thuyết hạt nhân phải được điều chỉnh để phù hợp với thách thức của thời đại’. Nói cách khác, theo tờ báo, Ấn Độ muốn trang bị cho mình một lực lượng răn đe có thể đối phó với kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc và Pakistan.
Còn ông Abe thì chờ đợi gì ?
Đối với Tokyo, New Delhi là một bạn hàng chiến lược, một thị trường to lớn từ nhà máy điện cho đến vũ khí, thiết bị quân sự, máy bay tàu ngầm v.v… Libération trích dẫn nhà phân tich Jeffrey Kingston, đánh giá ông Shinzo Abe muốn ‘cụ thể hóa một công cuộc đối tác chiến lược thật sự trước sự vươn lên của Trung Quốc’.
Từ khi trở lại chiếc ghế Thủ tướng, ông Abe muốn đóng vai trò ‘sen đầm hòa bình’, và đang vận động để đào sâu đối thoại an ninh 4 bên – Nhật, Ấn, Úc, Mỹ – vẫn đang trong thời kỳ phôi thai.
Dĩ nhiên trong đối tác chiến lược Ấn – Nhật, vấn đề Trung Quốc là trọng tâm. Cả Ấn lẫn Nhật đều có tranh chấp với Trung Quốc, từ bang Arunachal Pradesh cho đến các đảo Senkaku. Tokyo, theo Libération, đang trong tình trạng chiến tranh lạnh ngoại giao với Bắc Kinh. Và hai bên Ấn – Nhật đều có mối quan ngại chung về chính sách của Trung Quốc từ khi Tập Cận Bình nắm quyền.
Thủ tướng Modi muốn tìm một thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, và với chuyến thăm Tokyo, ông gởi một thông điệp mà Bắc Kinh nhận được rất rõ. Bài báo nhắc lại vào tháng Sáu, ông Tập Cận Bình đã cử một đặc sứ đến New Delhi, trước khi chính ông đến Ấn Độ trong những tuần lễ tới đây.
Về chuyến đi Tokyo của Thủ tướng Ấn, báo Les Echos, cũng ghi nhận như Libération, mối quan hệ ‘nồng ấm’ giữa hai lãnh đạo khi mà ông Modi bắt đầu chuyến thăm bằng Kyoto và đã có bữa ăn tối riêng với ông Abe. Đây là một nghi thức không nằm trong thông lệ. Tờ báo cũng nhấn mạnh là hai bên đang củng cố mối liên minh chống Trung Quốc của mình.
Hồng Kông sắp bị tê liệt ?
Nhìn về Trung Quốc, Les Echos cũng như báo La Croix chú ý đến quyết định của phe đòi dân chủ Hồng Kông làm tê liệt khu kinh doanh, vì Băc Kinh vẫn duy trì việc chọn lựa ứng viên lãnh đạo Hồng Kông trong giới ‘yêu nước’ cho cuộc bầu cử 2017.
Dưới tựa đề ‘Hồng Kông bị đe dọa tê liệt’, La Croix tỏ mối lo ngại trước căng thẳng ngày càng cao lên ở khu vực tài chính phồn thịnh của thế giới.
Cho đến nay theo La Croix, Hồng Kông vẫn chừng mực tuy là cương quyết trên vấn đề chính trị, đòi dân chủ. Nhưng bây giờ Hồng Kông đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà hậu quả rất khó lường. Tờ báo cũng nhìn thấy là Bắc Kinh ngày càng siết chật kiểm soát sinh hoạt Hồng Kông, nhất là trong ngành truyền thông, giáo dục.
Les Echos chạy một tựa hình tượng hơn : ‘Bắc Kinh liều lĩnh chia tay với các nhà dân chủ Hồng Kông’, ghi nhận sự tức giận của người Hồng Kông sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định theo đó ứng viên vào chiếc ghế lãnh đạo phải là người yêu nước, và chỉ được 2 hoặc 3 ứng cử viên mà thôi.
Les Echos cho là trong mắt người Hồng Kông, đây chỉ là một thủ đoạn để Bắc Kinh cho phép bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu nhưng vẫn tiếp tục nắm vận mệnh của Hồng Kông.
Tờ báo trích lời nhận xét của Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông Lý Trụ Minh (Martin Lee Chu-ming) : « Có khác biệt gì giữa một quả cam thối, một quả táo thối và một quả chuối thối ?”
Đối với Les Echos, các sự kiện hiện nay cho thấy quan hệ ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và vùng lãnh thổ mà ông Đặng Tiểu Bình đã hứa một sự tự trị tương đối về mặt chính trị, dựa trên quy tắc « một đất nước, hai chế độ ».
Tờ báo cũng nêu câu hỏi là giới dân chủ có thể hành động đến đâu. Vì đối với họ cũng đặt ra vấn đề tính chính đáng : theo một cuộc thăm dó của Đại học Hồng Kông thì 56% dân chúng tại đây cho biết không tán đông phong trào đấu tranh Occupy Central, làm tê liệt trung tâm Hồng Kông.
Nhưng theo Les Echos, phe dân chủ chiếm 27 ghế trong nghị viện Hồng Kông trên tổng số 70 ghế. Họ chiếm như thế hơn 1/3 ghế, đủ để phủ quyết quyết định về cải tổ bẩu cử mà Bắc Kinh vừa đưa ra.
Một Nhà nước ở Đông Ukraina ?
Ukraina, một hồ sơ lớn được theo dõi hôm nay, sau tuyên bố của tổng thống Nga, hôm 31/08, gợi lên việc thành lập một Nhà nước ở Đông Ukraina, tựa của Le Figaro ở trang quốc tế.
Tờ báo mỉa mai : trong lúc mà Châu Âu chần chừ thì Putin lại nhấn ga. 24 tiếng đồng hồ sau thượng đỉnh Bruxelles, hoãn lại mọi trừng phạt mới đối với Matxcơva, Tổng thống Nga đã gợi lên một yêu sách mới ; sau thắng lợi quân sự của họ, lực lượng ly khai có quyền tổ chức Nhà nước của họ ở vùng Đông Nam Ukraina.
Đối với Le Figaro lần đầu tiên gợi lên khái niệm Nhà nước, ông Putin đã « tiến thêm một bước trên mặt ngôn từ, tuy rằng điện Kremly đã giảm nhẹ tầm quan trọng ».
Le Monde trong bài xã luận tỏ ra rất bực bội, kêu gọi phải đưa ra những « trừng phạt mới trước thái độ thách thức của Putin ».
Tờ báo nêu câu hỏi : Còn có thể nghi ngờ gì nữa ? Mỗi ngày đều mang lại bằng chứng Nga trực tiếp can thiệp quân sự vào Ukraina. Muốn gọi hành động này là gì cũng được : Can thiệp quân sự, chiếm đóng v.v… nhưng điều rõ nhất là Nga, một cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đang vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Le Monde nhận định là cộng đồng quốc tế không thể nào không có phản ứng, và phải thấy các biện pháp trừng phạt nêu trong hai đợt vừa qua không hề làm ông Putin thay đổi thái độ.
Báo La Croix tìm hiểu ông Putin muốn gì khi gợi lên Nhà nước ở Đông Ukraina. Tờ báo đặt câu hỏi cho chuyên gia Thomas Gomart, thuộc Viện quan hệ Quốc tế Pháp –Ifri, phân tích là Matxcơva muốn thể hiện trên mặt chính trị thắng lợi quân sự trên hiện trường của lực lượng ly khai.
Theo chuyên gia này thì từ khi cựu Tổng thống Ianoukovitch bỏ chạy, Matxcơva muốn Ukraina trở thành một liên bang, để vùng phía đông có quyền tự trị rộng lớn, hay tách biệt.
Rõ ràng chính sách của Nga đối với Ukraina là tạo một tình trạng mà số phận của Kiev vẫn phải lệ thuộc vào Matxcơva. Vùng trái độn như Nga muốn thành lập, là một cách để Nga giữ ảnh hưởng trên Ukraina, vùng đất được xem như thành trì bảo vệ Nga trước những mối ‘đe dọa’ đến từ phía Tây.
Giàn lãnh đạo mới của châu Âu là giới thân Đức ?
Trong tình hình căng thẳng với Nga hiện nay, việc đề cử lãnh đạo mới của Châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Đại diện Ngoại giao được đặc biệt theo dõi. Chiếc ghế Chủ tịch Châu Âu được trao cho Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, trong lúc Đại diện Ngoại giao được chọn là Ngoại trưởng Ý bà Federica Mogherini.
Nhận định về các lãnh đạo mới này, báo giới Pháp nhấn mạnh trước tiên, là người thân cận của thủ tướng Đức được đề cử.
Les Echos đánh giá việc chọn ông Donald Tusk cho thấy là cần phải cho Ba Lan một vị trí hàng đầu. Quốc gia này gia nhập Châu Âu từ 10 năm nay, nhưng có vai trò thứ yếu. Nhưng điều đáng chú ý là trong quan hệ căng thẳng với Nga hiện nay trên hồ sơ Ukraina, việc chọn ông Donald Tusk có một tầm mức khác nữa. Thủ tướng Ba Lan luôn chủ trương cứng rắn đối với Nga.
Báo La Croix nhìn thấy một cặp bài trùng phải chơi trò đi dây. La Croix nhấn mạnh như các đồng nghiệp về quan điểm của chủ tịch Châu Âu đối với Nga : Châu Âu theo tờ báo, đã chọn một người luôn chủ trương cứng rắn đối với Matxcơva, trong lúc lại chọn một phụ nữ trẻ Ý, ít ai biết đến để làm đại diện Ngoại giao cho mình.
La Croix nhìn thấy điểm thuận lợi là ông Donald Tusk chủ trương cứng rắn với Nga nhưng không rơi vào cạm bẫy bài Nga. Đây là điều đã thuyết phục được Paris và các nước Baltic, Trung, Đông Âu, lúc đầu đã chống đối việc đề cử bà Federica Mogherini bị cho là thân điện Kremly.
Hội thảo hè của đảng Xã hội Pháp, sau khi cải tổ nội các, là thời sự chính được bình luận nhiều hôm nay, 01/09/2014 với nhận định chung là tuy không có va chạm lớn nhưng đảng Xã hội chưa bao giờ phơi bày chia rẽ, rạn nứt như hiện nay, và cánh’ nổi dậy’ ngày tự tin hơn.

0 comments:

Powered By Blogger