Tự do ngôn luận liên quan chặt chẽ tự do tiếp cận thông tin. Mỗi người
dân đều có quyền tiếp cận những thông tin từ nhà nước như chính sách
quốc gia, hoạt động của chính khách nhà nước và/hoặc đảng cầm quyền trên
mọi lĩnh vực: giáo dục, môi trường, y tế, an sinh xã hội... đến chủ
quyền quốc gia. Đó là một trong những quyền hết sức cơ bản của người
dân.
Cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và có trách nhiệm là bổn phận của nhà nước.
Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin từ nhà nước giúp người dân có thể
tiếp thu, đánh giá, lên tiếng phê bình hay ủng hộ. Đây là yếu tố nền
tảng của dân chủ. Động thái phớt lờ quyền cơ bản đó chỉ có ở những thể
chế phản dân chủ, độc tài.
Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: người dân có quyền được biết những thỏa
thuận, những ký kết có liên quan đến chủ quyền quốc gia hay không?
Tháng 5/2014 vừa qua, khi Trung Cộng đem giàn khoan HD-981 xâm lấn vùng
biển Việt Nam, lần đầu tiên Công hàm 1958 liên quan đến chủ quyền Hoàng
Sa - Trường Sa do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã được đề cập công khai
trên truyền thông nhà nước. Và rất nhiều người Việt Nam sửng sốt, kinh
ngạc về cái công hàm vô cùng tai hại này.
Dù biện bạch thế nào, Công hàm 1958 được ký với nội dung tán thành Công
bố của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chủ quyền và lãnh
hải (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) khiến người dân quan
tâm, lo lắng đến vận mệnh đất nước phải đặt câu hỏi: Tại sao những thỏa
thuận ký kết liên quan đến chủ quyền Tổ quốc Việt Nam lại bị ém nhẹm
suốt hơn nửa thế kỷ? Và những thông tin này nhà nước Việt Nam chỉ bất
đắc dĩ công bố khi Trung Cộng trưng ra như bằng chứng về cái gọi là
quyền “sở hữu” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa & Trường Sa.
Quyền được thông tin là cơ sở để người dân thực hiện quyền làm chủ đất
nước. Trong trường hợp này, mỗi chủ nhân của nước Việt Nam phải nắm bắt
thông tin, mới có thể chung sức hữu hiệu bảo vệ quyền lợi chính đáng của
chính họ, cũng là của cả dân tộc Việt Nam.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa chóp bu lợi ích nhóm trong hai đảng cộng
sản Việt Nam và Trung Quốc luôn che lấp những thông tin liên quan đến
chủ quyền, nhân quyền, các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa ở Việt Nam.
Hậu quả của “vùng tối” này là gì?
Nhân dân Việt Nam thường bị động trước các động thái gây hấn, lúng túng
trước các thông tin do Trung Cộng đưa ra. Trong khi đó, nhà nước Việt
Nam lại chủ trương đàn áp những ai muốn bạch hóa cái “hố đen” đó, khi
người dân lên tiếng đòi hỏi hoặc tìm mọi cách để biết sự thật những gì
đã và đang diễn ra.
Một trong những ký kết có liên quan đến vận mệnh quốc gia Việt Nam là
“mật” ước Thành Đô 9-1990. Cho đến nay, gần một phần tư thế kỷ đã trôi
qua, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến hội nghị này được nhà
nước Việt Nam chính thức công bố.
Mọi người lo ngại trước viễn cảnh Việt Nam sắp biến thành xứ sở phiên thuộc của Trung Quốc qua những thông tin rò rỉ.
Đã có những cá nhân, tập thể yêu cầu nhà nước Việt Nam công bố thông tin
này. Đáp lại, đang là động thái “mũ ni che tai”, phớt lờ trịch thượng,
vô trách nhiệm.
Vận nước đang nguy nan, đòi hỏi người dân phải được biết và có quyền
được biết những thỏa thuận ký kết trên lưng người dân, 24 năm trước,
giữa các yếu nhân hai đảng và nhà nước, gây phương hại nền độc lập của
Việt Nam từ đó đến nay và tương lai.
Chúng tôi có quyền được biết, và chúng tôi muốn biết những gì đã và đang diễn ra.
Các bạn - những người dân Việt Nam nặng lòng yêu nước, với trách nhiệm
trước cha ông và hậu thế, hãy cùng chúng tôi cương quyết tranh đấu và
kiên trì đòi hỏi trên cơ sở quyền được biết này.
Hãy bắt đầu từ nội dung Hiệp ước Thành Đô 9-1990.
Chúng Tôi Muốn Biết
0 comments:
Post a Comment