Thursday, August 22, 2013

Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ tại Ai Cập

Các tổ chức người Mỹ gốc Ai Cập bảo vệ dân chủ, nhân quyền biểu tình trước Đại sứ quán Ai Cập tại  Washington ngày 19/08/ 2013.
Các tổ chức người Mỹ gốc Ai Cập bảo vệ dân chủ, nhân quyền biểu tình trước Đại sứ quán Ai Cập tại Washington ngày 19/08/ 2013.
REUTERS/Yuri Gripas
Cuộc khủng hoảng Ai Cập đã làm nổi bật cái thế tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ. Trước Cairo, Washington bị giằng co giữa việc gắn bó với những giá trị dân chủ, và ý muốn duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với quốc gia Ả Rập đông dân nhất.
Suốt 35 năm qua vẫn ủng hộ chế độ độc tài, thân phương Tây và chống Hồi giáo của các Tổng thống Anouar Al Sadate và Hosni Mubarak, người Mỹ hết sức bối rối từ khi ông Mubarak bị lật đổ vào tháng 2/2011. Tiếp theo đó là việc Mohamed Morsi của phe Huynh đệ Hồi giáo được bầu lên làm Tổng thống vào mùa xuân năm 2012, rồi bị quân đội lật đổ vào ngày 03/07/2013, và các cuộc bạo động đẫm máu trong những ngày gần đây.
Đối với các chuyên gia được AFP tham khảo, thì Hoa Kỳ đang nằm giữa hai gọng kềm : vấn đề đạo đức và chính sách thực dụng. Washington gặp nhiều khó khăn khi quyết định một chính sách với Ai Cập. Làm thế nào có thể kết hợp việc xúc tiến dân chủ và nhân quyền – những giá trị mà người Mỹ luôn đề cao, với việc bảo vệ « lợi ích an ninh quốc gia » – có nghĩa là quan hệ đồng minh với một đất nước trụ cột cho ổn định tại Trung Đông ?
Tổng thống Barack Obama hồi tháng 7/2009 trong bài diễn văn đọc tại Cairo đã cổ vũ cho việc dân chủ hóa các quốc gia Ả Rập. Chuyên gia Hussein Ibish của trung tâm American Task Force on Palestine giải thích, kể từ phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Hoa Kỳ đã áp dụng một chính sách «thực tế » hơn. Đó là một dạng được gọi là Realpolitik, tức chính trị thực dụng, pha trộn giữa một nền ngoại giao thực dụng và các giá trị đạo đức.
Trước Ai Cập, Washington « cố gắng phát huy các giá trị (đạo đức) càng nhiều càng tốt, mà không làm tổn hại đến cơ sở của quan hệ chiến lược đôi bên ». Theo phân tích của ông Ibish, thì đây là « một sự thăng bằng tế nhị ».
Một mặt, chính quyền Obama lên án việc đàn áp đẫm máu những người biểu tình ủng hộ ông Morsi, đòi hỏi quay lại với nền dân chủ, đe dọa đóng băng số tiền viện trợ quân sự và kinh tế lên đến 1,55 tỉ đô la hàng năm. Mặt khác, người Mỹ thận trọng tránh né gọi việc lật đổ ông Morsi là một vụ « đảo chính », chấp nhận trên thực tế tân chính phủ được quân đội dựng lên, và không muốn nói đến một cuộc « nội chiến ».
Bản thân những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho thấy rõ tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Phát ngôn viên Marie Harf của Bộ này tuyên bố : « Chúng tôi phải quyết định dựa trên các lợi ích an ninh quốc gia, nhưng cũng phải dựa vào các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi. Đó là một màn xiếc thăng bằng ».
Dưới mắt Gregory Gause, giáo sư chính trị học tại đại học Vermont, thì cuộc tranh cãi giữa giá trị đạo đức và lợi ích chiến lược quốc gia vẫn diễn ra trong ngành ngoại giao Mỹ kể từ thời Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981), vốn đề cao nhân quyền trong chính sách đối ngoại.
Chuyên gia Gause cho rằng : « Luôn có sự căng thẳng đó. Lợi ích chiến lược quốc gia trong ngắn hạn nói chung thường vượt qua dân chủ và nhân quyền. Tại Ai Cập cũng thế ».
Bởi vì, theo ông Ibish, thì Ai Cập vẫn là « một ngoại lệ quan trọng » đối với Hoa Kỳ. Người Mỹ đã làm việc với ông Mubarak trong suốt ba thập kỷ qua, rồi với quân đội trong năm 2011, với Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi năm tiếp theo, và ngày nay với tân chính phủ Ai Cập.
Từ hiệp ước hòa bình Israel – Ai Cập ký kết tại trại David năm 1978, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, cho đến việc lưu thông qua kênh đào Suez và bay qua không phận Ai Cập, việc hợp tác quân sự và tình báo, Washington luôn duy trì « một quan hệ chiến lược sống còn với Nhà nước Ai Cập ».
Dưới áp lực của Quốc hội và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đòi hỏi ngưng viện trợ cho Cairo, chính quyền Obama đã hủy cuộc tập trận chung và hoãn lại việc giao cho Ai Cập các phi cơ tiêm kích. Một số biện pháp trừng phạt khác có thể sẽ tiếp tục được đưa ra.
Tuy nhiên nếu cắt hẳn viện trợ cho Ai Cập « sẽ đưa ra thêm một dấu hiệu thụt lùi của Hoa Kỳ tại Trung Đông » – Salman Shauikh, giám đốc Brookings Doha Center cảnh báo. Phát ngôn viên Jennifer Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhắc nhở : « Sự hỗ trợ của chúng ta cho Ai Cập là hết sức quan trọng đối với chính các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ và vì sự ổn định trong khu vực ».

0 comments:

Powered By Blogger