“Thế gian vạn sự bất như thường”, đó là một triết lý sống hay
mà nhiều người hằng theo đuổi, nhất là trong bối cảnh đương thời. Quan
niệm ôn hoà tuyệt diệu này cũng được nhiều bậc thức giả ẩn dật lựa chọn,
vì nó mang lại sự yên ổn và thanh thản trong tâm hồn. Như vậy không chỉ
người sở hữu chủ thuyết mà cộng đồng nhân loại cũng được hưởng thái
bình. Lối ứng xử đó rất tốt và đáng được khuyến khích, khen ngợi. Tuy
nhiên trong một số trường hợp người ta không thể tránh khỏi bất bình, vì
sự việc diễn ra quá đổi vô lý. Đến lúc đó thì chúng ta cũng nên bỏ quá
cho những bậc thức giả đã trót lựa chọn triết lý “Thế gian vạn sự bất
như thường”, vì thực ra họ cũng là những con người. Mà đã con người thì
ai cũng phải có tình cảm đời thường cả.
Hai bác Nhân – Quyền vốn là đôi bạn già tri kỷ ở cùng thôn. Bác Nhân
là nông dân chính hiệu, vì phải vất vả vật lộn nuôi 5 đứa con khôn lớn
nên trông bác già hơn nhiều so với cái tuổi 60.
Khác với bạn của mình, bác Quyền lại được người ta mệnh danh là nhà
thông thái ẩn dật. Có người ngưỡng mộ quá còn gọi bác là “Quân sư Ngô
Học Cứu” (tức là Trí đa tinh Ngô Dụng – vị Quân sư đắc lực trong
cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc đời nhà Tống bên Tàu). Hai bác làm bạn với
nhau, cùng sẻ chia những vui buồn thế sự, mặc cho hoàn cảnh và nhận
thức khác nhau xa. Tuy vậy, khác biệt đó lại là sự bổ sung hoàn hảo cho
đôi bạn già. Người ta thấy hai người lúc nào cũng tâm đầu ý hợp, như là
Tử Kỳ và Bá Nha vậy. Đôi bạn hoà hợp về tâm hồn nhưng lại có vẻ bề ngoài
tương phản gần như đối lập. Bác Nhân thì cơ thể rắn chắc như cây gỗ lim
vững vàng trước sương gió cuộc đời, nước da cháy nắng với khuôn mặt
khắc khổ kiên nghị. Những nét đó như chở che, nâng đỡ cho vóc dáng thư
sinh trắng trẻo với vầng trán cao uyên bác của người bạn hiền vốn là trí
thức nghỉ hưu. Họ đại diện cho hai tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng
điểm chung đáng quý là tâm hồn luôn hướng thiện và ưu ái cho cái tốt,
cái đẹp ở đời.
Thường ngày đôi bạn già vẫn chọn một góc tĩnh lặng nơi vườn cây ăn
trái của bác Nhân để mà uống trà đàm đạo, xa lánh cái ồn ào bụi bặm của
thế nhân. Tại đây có kê bộ bàn ghế đá thật hoà hợp với môi trường thiên
nhiên chung quanh. Những cành quả trĩu nặng sà xuống góc bàn nơi hai
người ngồi, như một xứ sở thần tiên mơ mộng vậy. Điều đối lập duy nhất
được tạo ra cho khung cảnh là cái Loa Xã trên cột điện gần nhà, mà ngồi
tại đây, hai bác có thể nghe rõ mồn một những gì nó nói. Mỗi lần Loa Xã
phát, cái không khí yên tĩnh hiếm hoi quý báu của hai bác lại bị phá vỡ,
lúc này những nếp nhăn trên trán bác Quyền dường như lại hằn sâu hơn.
Theo bác thì cái Loa xã (ở thành phố thì gọi là Loa Phường) vốn là đặc
trưng của chế độ Cộng Sản chủ nghĩa, một chế độ tồn tại dựa trên sự
tuyên tuyền và lừa dối. Ngày xưa bác xin nghỉ hưu sớm cũng vì chán ghét
cái nhà nước nói một đàng làm một nẻo này. Nay về quê thấy cái Loa thì
như là gặp lại “cố nhân” vậy, nó tượng trưng cho sự cưỡng bức thông tin
mà chế độ áp đặt lên mọi người dân. Điều đó khiến bác nhớ lại một thời
tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đã bị người ta lợi dụng cho một mục tiêu dối
trá.
Một buổi sáng yên bình, hai bạn già lại chọn góc vườn như mọi hôm để
ngồi thưởng trà và đàm đạo. Chuyện xóm làng, chuyện thế sự lãng đãng
trong không khí êm đềm của tiết thu. Vừa lúc đó thì tiếng Loa Xã cất
lên, mở đầu là bản nhạc “19 tháng 8” hào sảng, kế đó là bài tuyên truyền
kỷ niệm quốc khánh 2/9 do tay phát thanh viên của xã đọc. Cuối bài có
đoạn “…Toàn dân tộc chúng ta nguyện trung thành và đi theo con đường
đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội. Với mục tiêu: xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cả nước ta nhất
định sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa Cộng Sản…”. Theo như đó thì ý của họ muốn nói là: Cả thế giới sai bét cả, chỉ có Karl Marx là đúng thôi.
Nghe đến đây, bác Nhân quay sang hỏi bạn:
- Tôi hỏi bác câu này nhé…
Bác Quyền vồn vả:
- Có việc gì ông cứ hỏi.
Chút đắn đo, rồi bác Nhân rụt rè:
- Cả thế giới có bao nhiêu nước ông nhỉ?
- Có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ông ạ.
Nghe bạn trả lời như vậy, bác Nhân liền đỏ mặt lên vì bực tức:
- Càng nghĩ tôi lại càng thấy bất bình…
Ít khi thấy bạn mình có thái độ nóng nảy lạ lùng như vậy, điều này
trái với bản tính điềm tĩnh hàng ngày. Thoáng chút lo lắng, bác Quyền
hỏi:
- Ông bất bình chuyện gì vậy? Ít khi tôi thấy ông bực tức như hôm nay?…
Ánh mắt bác Nhân như toé lửa, nhưng vẻ mặt lại toát lên vẻ thiểu não
chán chường. Bác đấm tay xuống chiếc bàn đá mà dường như không có cảm
giác đau, rồi gằn giọng:
- Tôi thấy bất bình cái bọn thế giới!…
Bác Quyền liền phì cười khiến cho ly nước trà đang uống dở bắn tung
toé. Rồi dường như thấy sự vô duyên của mình, bác lấy khăn lau mặt rồi
nghiêm nghị hỏi:
- Bác bất bình bọn thế giới thì biết tìm ai, họ nhiều thế cơ mà, những mấy trăm quốc gia?…
Bác Nhân lại đấm tay xuống bàn mà không cảm thấy đau:
- Thì thế mới tức, những mấy trăm nước mà chỉ có 5 nước theo Cộng
Sản, như thế có ngu không chứ? Tại sao họ lại không theo Cộng Sản như
Việt Nam ta cho sướng cái đời nhỉ?…
Thoáng chút ngạc nhiên, nhưng liền hiểu ngay ý của bạn, bác Quyền cúi đầu chua chát:
- Số những nước kia họ khổ thì phải chịu thôi ông ạ. Họ đâu được may
mắn hạnh phúc như dân Việt Nam mình, có Đảng và Bác Hồ dìu dắt tới nơi
tới chốn?…
Mấy từ cuối “…có Đảng và Bác Hồ dìu dắt tới nơi tới chốn…” bác nói gằn từng tiếng một, với một vẻ đắng cay vô bờ bến.
Bác Nhân nói thêm:
- Cả thế giới rộng lớn thế mà không ai biết suy nghĩ sao? Tại sao lại
không nhân rộng mô hình chế độ Cộng Sản như ở Việt Nam để cho loài
người tiến bộ, nhân loại được hạnh phúc. Ít nhất cũng phải để lãnh đạo
các quốc gia Cộng Sản nói chuyện để bày cho họ cách lãnh đạo đất nước
chứ?…
Nhắp chén trà để xua tan đi cái u mê lúc này đang tràn về xâm chiếm
lấy tâm hồn, khi đầu óc đã tỉnh táo, bác Quyền khẳng định với một vẻ chí
lý chưa từng thấy:
- Thì người ta vẫn nói “Chủ nghĩa Cộng Sản” là đỉnh cao của trí tuệ
loài người mà. Đã là đỉnh cao trí tuệ thì chỉ có số ít người đủ thông
minh để lĩnh hội được thôi ông ạ, còn với số đông nhân loại thì vẫn
không “giác ngộ” được. Vì thế không có gì là lạ khi số quốc gia Cộng Sản
chỉ đếm được trên đầu ngón tay…
Lần này thì đôi bạn già tâm đắc với ý kiến của nhau thực sự, cả hai
cùng vỗ tay mà cười vang. Rồi họ lại rót cho nhau những tuần trà ngon
sóng sánh để mà thưởng thức cái phát kiến tư duy mới của hai người.
Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc đó chỉ là khiên cưỡng, vì nó chứa đựng trong
đó sự chua chát đắng cay. Nỗi niềm này là của cả một dân tộc, chứ nào có
riêng gì đôi bạn già đáng kính của chúng ta?
Minh Văn, 01/9/2013
0 comments:
Post a Comment