Tuesday, August 27, 2013

Hãm hiếp tập thể : Dư luận đòi cảnh sát Ấn phải hiệu quả

Ấn Độ : Các nghi can bị áp giải đến sở cảnh sát - Reuters
Ấn Độ : Các nghi can bị áp giải đến sở cảnh sát – Reuters
Liên quan đến Ấn Độ, báo Le Figaro chú ý đến vụ cưỡng hiếp tập thể mới đang làm chấn động cả nước. Tờ báo chạy tựa « Hãm hiếp tại Ấn Độ : cảnh sát buộc phải tiến lên ». Ba ngày sau khi xảy ra vụ hãm hiếp tập thể một nữ thực tập sinh phóng viên ảnh cảnh sát Bombay thông báo đã bắt đủ năm nghi can.
Vụ việc lần này gợi nhắc lại một vụ hãm hiếp tương tự xảy ra hồi cuối năm rồi. Một nữ sinh viên bị tấn công ngay trên xe buýt tại thủ đô New Dehli và đã qua đời do vết thương quá nặng. Sự việc xảy ra khiến cả nước nổi giận, ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối thái độ lãnh đạm của cảnh sát.
Kể từ vụ biểu tình năm rồi, « thái độ của cảnh sát đã thay đổi » là nhận xét của một nữ luật gia, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, chuyên giúp những chị em nào là nạn nhân của nạn bạo hành. Bà cũng cho hay kể từ khi chính phủ ban hành đạo luật trừng trị những kẻ phạm tội ác tình dục, cảnh sát ngay khi nhận được các đơn kiện, buộc phải hợp tác với tổ chức của bà để hỗ trợ các nạn nhân về mặt pháp lý và tâm lý.
Tại New Dehli, cảnh sát cũng đã có nhiều tiến bộ. Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm nay, số đơn kiện đã tăng vọt lên 144% so với năm rồi, biến New Dehli thành thủ đô của nạn cưỡng hiếp. Tuy nhiên, sau làn sóng phẫn nộ năm rồi nổ ra, cảnh sát New Dehli buộc phải xem xét các đơn kiện nghiêm túc hơn. Bởi vì họ nhận thức được rằng « nếu không làm gì cả, một khi bị rò rỉ lên báo chí, họ sẽ bị trừng phạt », theo như nhận định của một nữ luật gia khác tại New Dehli.
Tuy vậy, các luật gia tại Ấn Độ cũng nhận thấy là mỗi bang thực hiện việc trấn áp nạn bạo hành mỗi kiểu. « Tại các vùng nông thôn, cảnh sát hầu như phớt lờ các đơn kiện hãm hiếp », theo như lời thuật của một nữ luật gia tại địa phương. Thậm chí là cảnh sát còn không biết thu thập các tình tiết.
Cuối cùng, tình trạng thiếu thẩm phán cũng khiến cho phiên xử bị kéo dài. Cứ một triệu dân chỉ có 13 thẩm phán, ít hơn của Pháp đến 7 lần. Kết quả là trong năm 2012, ngành tư pháp chỉ kết án khoảng 24% số vụ dự kiến phải được xét xử. Le Figaro lưu ý là phiên tòa xét xử vụ hãm hiếp chấn động năm rồi cho đến giờ vẫn còn chưa kết thúc.
Fukushima làm xói mòn niềm tin vào hạt nhân
Trong lãnh vực hạt nhân, báo Le Monde cho biết thủ tướng Nhật Bản đang thực hiện vòng công du các nước Trung Cận Đông, bắt đầu từ ngày 24/8 vừa qua, với mục đích chính là rao bán công nghệ hạt nhân của nước này. Vấn đề đặt ra từ nhiều ngày nay, nhiều sự cố « nghiêm trọng » đã xảy ra tại nhà máy Fukushima.
Hàng trăm tấn nước nhiễm xạ đã bị rò rỉ ra ngoài. Philippe Pons, thông tín viên tờ báo tại Tokyo có bài viết phân tích sâu sắc đề tựa « Fukushima làm xói mòn niềm tin vào hạt nhân ». Theo tác giả, sự thiếu minh bạch và sự thông đồng giữ nhà nước và các tập đoàn khai thác điện hạt nhân là những tác nhân chính gây ra thảm họa đau buồn này.
Tác giả cho rằng từ gần hai năm rưỡi nay, nhà máy điện hạt nhân Fukushima, bị tai nạn do thảm họa sóng thần ngày 11/03/2011, liên tục phát ra nhiều tin tức « đáng lo » và « gây hoang mang » cho dân chúng.
« Đáng lo » là do những hậu quả của thảm họa để lại. Theo ước tính của tập đoàn Tepco, cơ quản chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, từ hơn hai năm nay lượng chất phóng xạ trong mạch nước ngầm đổ ra biển (cesium và strontium) đã lên đến mức 30 ngàn tỷ becquerel. « Đáng lo » cũng là gần đây nhất, Cơ quan an toàn hạt nhân đã phải nâng mức báo động lên « nghiêm trọng » do hơn 300 tấn nước nhiễm xạ đã rò rỉ từ một bồn chứa. Kết quả là : việc đánh bắt cá ngoài khơi Fukushima sẽ bị đình lại vào tháng 9 sắp đến.
« Gây hoang mang » là do bởi thiếu sự minh bạch. Từ cuối năm xảy ra thảm họa, các cơ quan hữu trách về hạt nhân liên tục khẳng định là nhà máy đã « ổn định », các lò phản ứng được cho là trong « trạng thái làm nguội »… Vậy mà, từ đó, nhiều sự cố xảy ra liên tục nghiêm trọng đến mức người dân không khỏi tự hỏi phải chăng công tác điều hành của Tepco đang gây ra thêm một thảm họa mới.
Tác giả cho rằng, ngoài sự bất lực của Tepco trước tầm mức của thảm họa rõ ràng đã vượt quá khả năng của họ, thêm vào đó là sự thụ động của nhà nước. Chính phủ chỉ chăm chăm vào việc tái khởi động lại các trung tâm hạt nhân (48 trong tổng số 50 hiện đang ngưng hoạt động) và tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu công nghệ hạt nhân tương lai hơn là chú trọng đến tính chất nghiêm trọng nhất của tai nạn hạt nhân kể từ sau thảm họa Tchernobyl (xảy ra vào1986).
Đối với Philippe Pons, ông Shinzo Abe có lẽ đang khoác lác với các đồng nhiệm nước ngoài trong vòng công du Trung Cận Đông, bắt đầu từ hôm 24/8 về công nghệ hạt nhân Nhật Bản, nhằm nâng cao uy tín của Tokyo ở phía bên ngoài lãnh thổ. Thế nhưng, ông đã quên rằng chính thái độ chờ thời của chính phủ và sự thiếu sự cương quyết của của Cơ quan điều tiết hạt nhân nên Tepco mới ngày càng trở nên bất lực trong công tác quản lý.
Tác giả cho hay là đến tháng 10/2012, Tepco cuối cùng cũng phải thú nhận đã giảm thiểu tối đa các rủi ro của sóng thần do e sợ phải đóng cửa trung tâm hạt nhân để tiến hành công tác tu sửa. Từ đó, hàng loạt các tiết lộ mới nối đuôi nhau xuất hiện về những điều giấu diếm, những chuyện nửa thật hay dối trá của nhà điều hành trước và sau thảm họa.
Điều đáng phê phán là hành động bao che của chính phủ. Thay vì phải đặt vấn đề trách nhiệm của con người trong đợt thảm họa này, nhà nước chỉ xoáy quanh việc tìm hiểu nguyên nhân của tai nạn. Theo một báo cáo điều tra do một ủy ban của thượng viện thực hiện, lẽ ra nhiều biện pháp đã có thể thực hiện nhằm hạn chế tác động của vụ việc. Tác giả nhận xét là dĩ nhiên « lợi nhuận là nguyên tắc chính của doanh nghiệp, nhưng có lẽ không phải bằng với cái giá đặt mạng sống con người vào chốn nguy hiểm như là Tepco đã làm ».
Bất chấp các phán xét về cái được cái không hay tính chất an toàn của điện hạt nhân, thảm họa Fukushima đặt ra câu hỏi về công tác quản lý của các nhà điều hành và nhà nước về công cụ này. Tác giả lấy làm buồn bã cho rằng, sự thông đồng giữa các nhà điều hành, các thể chế nhà nước, một bộ phận các nhà khoa học và nhiều hãng báo lớn không chỉ có duy nhất ở Nhật Bản. Một loạt các tiết lộ mới đã xảy ra tại nhiều nước trong khu vực.
Báo chí Đài Loan tiết lộ cách đây hai tuần, một trong ba trung tâm hạt nhân đã để rò rỉ nước nhiễm xạ ra biển từ ba năm nay không ai hay biết. Hay như là vụ tai tiếng tham nhũng trong ngành điện hạt nhân tại Hàn Quốc để có được giấy chứng nhận an toàn các linh kiện rời…khiến cho số người phản đối hạt nhân tại quốc gia này tăng lên.
Cuối cùng tác giả kết luận, cùng với Fukushima, khủng hoảng niềm tin vào năng lượng hạt nhân hay ít ra vào vào cách thức quản lý đang dần dần lan ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Phiên xử Bạc Hy Lai : « vở kịch buông màn »
Phiên xử Bạc Hy Lai kết thúc ngày hôm qua, thứ Hai 26/08/2013, vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của báo giới Pháp ngày hôm nay. Báo Le Monde và L’Humanité lần lượt dự báo là « Viện Công tố đề nghị ‘mức án cao nhất’ cho cựu lãnh đạo Trung Quốc Bạc Hy Lai » và « Tại Trung Quốc, Bạc Hy Lai lãnh án tử hình ». Nhật báo công giáo La Croix có bài giải thích cho rằng « Phiên xử Bạc Hy Lai cuốn hút cả nước Trung Quốc ».
Tuy nhiên, nhật báo thiên tả Libération, lại có cái nhìn châm chọc mỉa mai hơn về « phiên xử thế kỷ » này. Đối với tờ báo, vở tuồng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến thành một vở hài kịch. Tờ báo mỉa mai chạy tựa « Vụ xử bạc Hy Lai : vở kịch đã buông màn ».
Đầu tiên, tờ báo nhận thấy các từ « minh bạch » và « công lý » hầu như là những từ chủ đạo xuất hiện trên khắp các mặt báo tại Trung Quốc. Libération nhìn nhận việc ông Bạc Hy Lai được quyền tự do biện hộ cũng là một điều hiếm thấy. Tòa án cung cấp thông tin và tiết lộ các tình tiết hàng ngày. Tuy nhiên, giới chuyên gia cùng đồng tình cho rằng số phận của ông Bạc đã được an bài từ trước khi có phiên tòa.
Libration công nhận phiên xử Bạc Hy Lai lần này có nhiều yếu tố bất ngờ. Từ việc tổ chức phiên tòa đầy kịch tính, cho đến chuyện phát trực tiếp từ tòa án trên trang tiểu blog. Chỉ có điều tất cả những chuyện đó đã được tính toán từ trước. Bởi vì Nhà nước hiểu rất rõ các công nghệ mới là niềm đam mê của giới trẻ Trung Quốc ngày nay. Do đó, không có cách nào hiệu quả nhất để phô bày bộ mặt cởi mở của chính phủ bằng việc đưa lên trang mạng Vi Bác, vốn được hàng triệu cư dân mạng sử dụng hàng ngày.
Thế nhưng, nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy có nhiều điểm không bình thường. Giới báo chí nước ngoài không được tham dự phiên tòa. Những ai được dự, không được phép tường thuật lại các cuộc tranh luận và các bút lục vốn dĩ do tòa án nắm giữ và quyết định xem ai được quyền đăng. Nhưng thật ra đó chẳng qua chỉ là một sự ảo tưởng trực tiếp ; một ảo tưởng minh bạch, tờ báo nhận định.
Điều ngạc nhiên kế tiếp là độ dài của phiên xử : năm ngày thay vì chỉ có vài giờ là đủ theo như thông thường. Với nhiều nhân vật ở nhiều vai trò được quy định rất rõ. Người theo dõi có cảm giác như đang xem một màn kịch với ai trong vai nào. Đến hồi nào thì diễn cảnh gì. Đối với tờ báo các màn kịch này được diễn ra như thật qua các phần đối chất, giữa ông Bạc với hai vị doanh nhân Từ Minh và Đường Tiêu Lâm ; với vợ mình là bà Cốc Khai Lai và đặc biệt nhất là với cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người đã làm sụp đổ sự nghiệp chính trị của ông.
Đối với Libération, việc để cho ông Bạc tự biện hộ lần này chỉ làm nổi rõ sự thiếu vắng quyền tự bào chữa và sự bảo vệ công dân trong những trường hợp bình thường. Cuối cùng, tờ báo kết luận, phiên xử « hoàng tử đỏ » thất sủng rõ ràng là một được dàn dựng hiện đại. Tuy nhiên, bài viết cũng lưu ý rõ đón chẳng qua chỉ « bình mới rượu cũ » mà thôi.
Phương Tây chuẩn bị can thiệp vào Syria
Những diễn biến mới tại Syria cũng là chủ đề được chú ý nhiều trên các báo Pháp. Hầu hết các báo đều cho rằng khả năng can thiệp quân sự vào Syria là rất cao, bất chấp quyền phủ quyết của Nga.
« Washington, Luân Đôn và Paris chuẩn bị đáp trả » là tít lớn trên trang nhất của Le Figaro. Theo quan sát của tờ báo, sau cú sốc việc sử dụng khí độc để chống lại chính dân tộc mình hôm thứ tư tuần rồi tạ, các nhà lãnh đạo phương Tây hầu như đều đồng tình phải có hành động.
Thế thì, hành động đó sẽ được thực hiện dưới hình thức nào ? trong khung pháp lý nào ? là câu hỏi của tờ Le Parisien. Tờ báo trích dẫn phân tích của giới quân sự Pháp cho rằng khả năng tấn công có mục tiêu bằng tên lửa từ vùng Địa Trung Hải dường như là hợp lý nhất. Bởi vì, ngay tại đó, Hoa Kỳ cũng đã cho triển khai một chiến khu trục thứ tư có trang bị tên lửa. Tờ báo cũng khẳng định rằng can thiệp quân sự vào Syria có thể được Liên HIệp Quốc bật đèn xanh, bất chấp quyền phủ quyết của Matxcơva.
Báo Libération chạy tựa nhận định « Matxcova kiên định trong vai trò lá chắn cho Damas ». Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov bày tỏ thái độ quan ngại với đồng nhiệm Hoa Kỳ trước chiến dịch mới của Washington và các rủi ro mà chiến dịch này có thể đem lại cho vùng Trung Đông và Bắc Phi, những nơi mà các quốc gia như Irak hay Libya sau các chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây vẫn trong tình trạng bất ổn.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga còn cảnh cáo rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về mối hiểm họa cho việc chọn can thiệp quân sự mà không có sự đồng tình của Liên Hiệp Quốc. Serguei Lavrov cảnh báo trước là Syria là một vùng đất dễ sa lầy và đầy nguy hiểm. Và đây sẽ là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
Về phần mình, nhật báo Le Monde nêu rõ lập trường : phải hành động một cách chính xác, đúng lúc và đúng mục tiêu, mà không nên vội vã trong cuộc phiêu lưu quân sự của phương Tây. Tờ báo cũng cho hay là hiện « Tổng thống Obama đang nghiên cứu các kịch bản đánh trả tại Syria ». Theo đó, các mục tiêu tấn công rất có thể sẽ là những điểm tồn trữ khí độc (điều này khá nguy hiểm), các bệ phóng tên lửa và sân bay, thậm chí là các cảng hành không.
Cuối cùng là báo công giáo La Croix, tỏ ra khá cẩn trọng hơn. Tờ báo đồng ý là phải can thiệp, nhưng ở thế nào, với những hậu quả nào để lại cho khu vực vốn dĩ đã rất mong manh. Đối với tờ báo, nếu phải xảy ra can thiệp quân sự, dù cho có gì đi nữa, đó sẽ là thảm kịch chồng thêm thảm kịch. Bởi vì, nếu chẳng may chọn phải một kịch bản tồi, thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Trong vấn đề này, cũng có phần trách nhiệm của các nước phương Tây, bởi vì « phương Tây đã từ lâu quá thụ động trước những kẻ độc tài, thậm chí đôi khi họ còn ủng hộ chúng nữa ». Tờ báo nhắc lại rằng : « Hòa bình được xây dựng trước khi phát súng đầu tiên khai hỏa ».

0 comments:

Powered By Blogger