Trước đây có người bạn đi du lịch và thăm thân nhân bên Âu châu về than: mua đồ bên Âu châu về lỡ không thích món đồ đó mà đem trả lại thì bị nhân viên bán hàng hoạnh họe đủ điều rồi mới chịu cho trả lại; còn vào tiệm thực phẩm mua trái cây, muốn mua trái nào thì nhặt trái ấy lên cho vào giỏ chứ không như ở Mỹ được tự do nắn bóp đến méo mó rồi sau đó để lại không mua mà cũng chẳng bị ai dòm ngó khinh bỉ hay nói nặng nhẹ gì.
Nếu thế thì cuộc sống ở Mỹ (và cả Canada nữa), chỉ riêng chuyện mua sắm và trả đồ thôi, quả thật là quá ư thoải mái. Muốn mua gì thì cứ mua cái đã rồi tính sau, không mua bị đứa khác mua mất thì lại tiếc hùi hụi. Người mua chỉ cần nhớ giữ lại nhãn ghi giá và biên nhận để khi mang đồ trả lại thì cửa tiệm thường chẳng bao giờ hỏi lý do, mà nhiều khi người mua không giữ biên nhận thì cũng chả sao, cửa tiệm vẫn có thể phát cho một thẻ tín dụng để người mua có thể mua một món đồ khác.
Thực ra, cách đây độ vài thập niên, quy định cho trả đồ dễ dãi ở các cửa tiệm rất hiếm, chỉ một ít cửa tiệm bán lẻ loại nhỏ là có để chiêu dụ khách hàng. Nhưng rồi càng về sau này, vì cạnh tranh trên thương trường, nhiều cửa hàng bán lẻ của các đại công ty cũng cho áp dụng quy định này và từ đó lan ra khắp nơi. Nay thì luôn cả những cửa tiệm bán lẻ lớn trên internet, cũng vì lý do cạnh tranh ráo riết, không chỉ miễn cho người mua hàng chi phí chuyên chở mà còn được trả đồ lại cũng dễ dàng, và nhiều khi bao luôn chi phí chuyên chở món đồ đó khi quay trở lại tiệm. Một cuộc thăm dò của văn phòng tham vấn Granify thuộc lãnh vực bán lẻ trên internet cho biết, đối với việc mua sắm trên mạng, quy định dễ dãi cho trả đồ lại thu hút khách hàng còn nhiều hơn là hạ giá món đồ đó.
Thời gian mua sắm bận rộn nhất trong năm tại Bắc Mỹ là mấy tuần lễ trước Lễ Giáng sinh, và một trong những ngày bận rộn nhất trong năm tại các cửa tiệm bán lẻ là một ngày sau Giáng sinh khi có rất nhiều người mang đồ đi trả. Lý do thì nhiều nhưng chính yếu là vì người nhận không thích món quà của mình. Liên đoàn Bán lẻ Toàn quốc (NRF) phỏng đoán riêng trong năm 2015 số hàng được mang trả lại cho các cửa tiệm trị giá lên đến $260 tỉ. Và theo trang mạng Marketplace.org, với 600 triệu gói hàng mua qua internet được chuyển giao trong khoảng thời gian giữa Lễ Tạ ơn và Lễ Giáng sinh, khoảng 10%, hay 62 triệu gói, được gửi trả lại trong tháng Giêng.
Vậy, những món đồ này đi đâu? Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ là chúng được đưa xếp lại trên các kệ của các cửa tiệm, nhưng thực ra thường chúng được bán lại với giá rẻ mạt cho các cửa tiệm bán đồ cũ – hoặc nhiều khi được đưa thẳng ra bãi rác, nếu đây là chọn lựa đỡ tốn kém hơn cho công ty.
Theo phỏng đoán của các chuyên viên, có khoảng hai triệu tấn đồ do khách hàng trả lại – mà phần lớn không bị hư hại chút nào – bị vất ra ngoài bãi rác mỗi năm, đủ để chất đầy 200.000 xe đổ rác loại lớn.
Những món đồ bị trả lại đó, nói một cách ngắn gọi, là những mặt hàng gây thua lỗ cho các cửa tiệm bán lẻ. Và càng ngày thì nạn khách hàng trả lại đồ càng nhiều vì sự dễ dãi của các cửa tiệm để cạnh tranh lấy lòng khách hàng.
Nếu món đồ người mua không vừa ý đem trả lại theo đúng quy định của tiệm thì cũng là điều bình thường, không có gì phải phàn nàn. Nhưng trong trường hợp người mua lạm dụng sự dễ dãi của các cửa tiệm và có chủ ý mua về xài một hai lần rồi đem trả lại thì chuyện đó có vấn đề. Việc người mua lạm dụng như thế được xem như một hình thức gian lận, nhưng các cửa tiệm không có cách gì để chứng minh nên họ cũng phải bấm bụng phớt lờ coi như không biết. Theo nghiên cứu của NRF, tính ra ngành bán lẻ ở Mỹ thiệt hại mỗi năm từ $9,6 đến $14,8 tỉ do các hình thức gian lận trên.
Và có lẽ hình thức gian lận hay lạm dụng thường xảy ra nhất là “mặc chùa” (wardrobing) hoặc “mượn chùa” (free-renting).
“Mặc chùa” là mua một món đồ từ một cửa tiệm (thường là những loại quần áo hàng hiệu), dùng trong một thời gian ngắn, và sau đó trả lại cho tiệm như một món đồ chưa dùng tới và nhận lại đầy đủ số tiền, không thiếu một xu. Ví dụ, một người cần có một bộ đồ để đi dự một bữa tiệc quan trọng (tiệc cưới hay tiệc cuối năm có đông người dự) và để lấy le nhưng không chịu tốn kém bèn lợi dụng sự dễ dãi trong quy định trả lại đồ của các cửa tiệm liền “mượn” đỡ bộ đồ đó ít ngày mà không tốn một xu.
Tính làm bữa tiệc đãi bạn bè và nhân tiện khoe căn nhà mới dọn vào. Nhà mới thì đồ trưng trong nhà cũng phải mới và xịn thì mới xứng. Phòng khách còn thiếu cái tivi loại màn ảnh cong mới nhất ngoài thị trường nhưng giá còn khá mắc chủ nhà không đủ khả năng tài chánh. Thế là bèn giải quyết bằng cách ghé cửa hàng điện tử “mượn” đỡ một chiếc về đặt trong phòng khách ít ngày. Tiệc tùng xong cũng là lúc mang tivi đi trả mà không tốn xu nào. Trường hợp này gọi là “mượn chùa”.
Thay vì mua món đồ mà họ cần như những khách hàng bình thường khác, những khách hàng loại xài chùa này đã biến các cửa tiệm thành một thư viện “sưu tầm” hàng của riêng họ. Họ được xài những món hàng đó không mất tiền miễn là nhớ mang trả lại đúng thời hạn, mà việc này thì quá dễ, cứ xài xong đem trả lại liền thì chẳng bao giờ lỡ hẹn. Và đương nhiên việc làm này gây ra biết bao nhiêu tổn thất cho các cửa tiệm.
Đối với các cửa tiệm bán lẻ, “mặc chùa” hay “mượn chùa” đồng nghĩa với gian lận. Một cửa tiệm bán một món hàng mới cho khách hàng, nhưng nhận lại là món hàng đã qua sử dụng thì thường không thể bán lại như một món hàng mới hay với giá như cũ. Một số cửa tiệm giải quyết bằng cách đưa ra những quy định khắt khe hơn và tăng giá tiền của món hàng để bù lại thua lỗ, do đó người bị thiệt hại là những khách hàng thật thà chỉ trả lại đồ khi món đồ đó thật sự có vấn đề.
Ngoài việc mặc hay mượn chùa được xem như một hành động gian lận thì đây còn là vấn đề đạo đức. Khách hàng chùa không phải trả một xu nào để sử dụng những món hàng họ mua và sau đó trả lại cùng món hàng đó nhưng giá trị đã kém hơn lúc ban đầu. Chính những khách hàng xài chùa này đã làm giảm giá trị của món hàng nhưng lại không đền bù cho cửa tiệm.
Hơn nữa, nếu món hàng còn có thể bán được, chắc chắn là nó sẽ phải bán với giá rẻ hơn. Kết quả là số tiền mất mát đó ăn vào doanh thu của cửa tiệm, và vì vậy cửa tiệm phải tìm cách bù lại ở những chỗ khác. Như nói ở trên, cửa tiệm có thể tăng giá, làm cho những khách hàng thật thà bị thiệt thòi vì phải mua với giá mắc hơn. Do đó, những khách hàng xài chùa đó về cơ bản đã bắt những khách hàng khác trả giá cho những hành động gian dối của họ.
Vậy có gì khác biệt giữa mặc hay mượn chùa và ăn cắp không? Thực ra thì không có gì khác biệt cả. Người mua lợi dụng cửa tiệm và trên thực tế là bòn rút thẳng từ túi tiền của cửa tiệm và những khách hàng khác. Một số khách hàng chùa lấy lý do là họ chỉ thử món hàng đó và vì giá mắc buộc họ phải “mượn” đỡ lúc đầu rồi trả lại. Nhưng đó chỉ là ngụy biện và chẳng thể có lý do chính đáng nào để bào chữa cho việc “mượn” một món hàng mà mình không đủ khả năng hay không muốn trả với giá cao đó.
Trong một số nghiên cứu trước đây cho thấy quy định dễ dãi về việc trả đồ có lợi cho cả cửa tiệm lẫn khách hàng. Khách hàng được lợi khi họ có thể trả lại đồ một cách dễ dàng và nhanh chóng nếu họ thấy không cần tới món hàng đó khi mang từ tiệm về nhà. Qua đó khách hàng cảm thấy mối quan hệ giữa họ và cửa tiệm gần gũi hơn và nhờ sự dễ dãi đó cửa tiệm tạo được sự tin cậy và trung thành từ khách hàng. Khách hàng sẽ trở lại và tiệm sẽ bán được thêm hàng vì trong nhiều trường hợp, có những khách hàng còn đang lưỡng lự chưa biết có nên mua món hàng đó không thì thường họ sẽ mua khi biết rằng họ có thể trả lại món hàng đó mà không gặp khó khăn nào.
Tuy nhiên, nhiều cửa tiệm bán lẻ càng ngày càng thấy cần phải siết chặt quy định về trả đồ để giảm bớt những thua lỗ do một số nhỏ khách hàng đã lợi dụng sự dễ dãi này. Như quy định về trả đồ của cửa tiệm Bloomingdale, chẳng hạn, đòi hỏi bất kỳ món hàng nào mang trả lại phải còn nguyên nhãn hiệu cũng như nhãn ghi giá còn đính vào món hàng đó.
Với quần áo, Bloomingdale còn đi thêm bước nữa là họ sẽ đính những nhãn đó ở những vị trí dễ nhận diện nhất trên những bộ quần áo để ngăn chặn việc khách hàng có thể tìm cách “mặc chùa” rồi sau đó đem trả lại.
Các cửa tiệm biết rằng một khi họ siết chặt quy định trả đồ cũng có nghĩa là họ mất đi một số khách hàng. Nhưng việc này cũng không hoàn toàn bất lợi vì trong số những khách hàng bị mất đi đó có một số không nhỏ là những khách hàng thường hay lợi dụng quy định dễ dãi trước kia. Các cửa tiệm vẫn hy vọng là sự thay đổi quy định này chỉ xua đuổi những loại khách hàng xài chùa mà thôi.
Theo một bài báo của Associated Press cho biết kể từ năm ngoái, một số cửa tiệm bán lẻ lớn như Home Depot, J.C. Penney, Victoria’s Secret, và Best Buy đã sử dụng một số phương tiện kỹ thuật mới để theo dõi số lần trả đồ của khách hàng. Nếu trong hồ sơ của khách hàng cho thấy người đó thường hay trả lại đồ hay trả lại đồ quá nhiều lần, thì người khách hàng đó có thể bị cấm không được trả đồ trong một thời gian, hoặc là có thể bị mời đi chỗ khác mà mua hàng.
“Mặc chùa” hay “mượn chùa” rất dễ làm cho chúng ta bị cám dỗ, nhất là vào những lúc khi tình hình kinh tế khó khăn. Nhưng việc làm này có thể làm thiệt hại tới những khách hàng khác và ngay cả bạn bè của chúng ta nữa, mà sự thiệt hại vật chất đáng kể nhất là túi tiền của họ. Hơn nữa, “mặc chùa” hay “mượn chùa” như thế là chúng ta làm giảm giá trị về lòng tự trọng của chính chúng ta mà chắc chắn là đâu ai muốn đánh mất đi lòng tự trọng ấy.
Thích một món hàng đẹp nhưng không đủ khả năng tài chánh thì ráng chờ thêm một thời gian đến khi cửa tiệm có chương trình hạ giá rồi hãy mua cũng đâu muộn. Sống lương thiện là điều không dễ trong một thế giới mà sự cám dỗ nhan nhản ở khắp nơi. Tuy nhiên, các nhà tâm lý nói rằng làm một người lương thiện thì cuộc sống chúng ta vui vẻ hơn và ít phải lo lắng hơn. Một cuộc sống như vậy thì ai lại không muốn.
Huy Lâm
......
......
0 comments:
Post a Comment