Monday, February 1, 2016

Vụ án phúc thẩm Nguyễn Mai Trung Tuấn


Em Nguyễn Mai Trung Tuấn trong phiên toà sơ thẩm
  - Ngày 24-11-2015, Tòa án huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An xét xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, học sinh lớp 9, vì em đã bênh vực và bảo vệ mẹ em bị công an đánh đập tàn nhẫn khi đến giải tỏa nhà của gia đình nầy. Theo cáo trạng, Tuấn sử dụng chai xăng và acid sunfurid ném vào trung tá Nguyễn Văn Thủy, chỉ huy lực lượng công an, gây thương tích với tỷ lệ 35%, và bị truy tố theo khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự của Cộng sảnViệt Nam.

Tuy nhiên, ba nhân chứng được Tòa án huyện Thạnh Hóa mời hôm đó, đều xác nhận trước Tòa rằng họ không chứng kiến cảnh Tuấn tạt acid, mà khai chỉ thấy Tuấn ném một chai sành có chất lỏng ra giữa đường về phía đoàn cưỡng chế. Đại diện nhà trường huyện Thạnh Hóa, giáo viên chủ nhiệm của em Tuấn, thì nhận xét em Tuấn là học trò ngoan, học lực khá giỏi.

Bào chữa cho em Tuấn, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng những quy trình đưa đến phiên tòa Thạnh Hóa không đúng quy định, việc bắt giam em Tuấn vi phạm các công ước quốc tế về quyền trẻ em, và đã yêu cầu Tòa án triệu tập hai giám định viên pháp y của bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Long An bằng công văn để bảo đảm tính khách quan khi xử án, nhưng bị viện công tố bác bỏ. 

Sau phần tranh luận, Toà án Thạnh Hóa tỉnh Long An tuyên án Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù giam, bồi thường cho bị hại là ông Thủy 42,600,000 đồng (VN). (Em Tuấn sinh 31-3-2000.). Gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn tiếp tục kháng cáo và luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng Tuấn vô tội, cũng tiếp tục kháng cáo.

Theo tin báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn ngày Chủ Nhật 31-1-2016, thì vụ án phúc thẩm Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ được xét xử tại Tòa án lưu động ngày Thứ Hai 1-2-2016, cũng tại trụ sở tòa án huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Lần nầy, ngoài luật sư NguyễnVăn Miếng, sẽ còn có 9 luật sư thuộc Luật sư đoàn Sài Gòn tham gia bào chữa cho Nguyễn Mai Trung Tuấn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Cộng sản xử phúc thẩm Nguyễn Mai Trung Tuấn tại Tòa án lưu động mà không xử tại Tòa cấp trên của huyện Thạnh Hóa, tức là Tòa án tỉnh Long An. Trụ sở xét xử vẫn là chỗ cũ. Tòa án tỉnh Long An mưu tính ý đồ gì đây? Không ai biết, kể cả luật sư bào chữa và cả báo chí Sài Gòn.

Ngoài ra, theo báo Tuổi Trẻ, “Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận thương tích ban đầu của ông Thủy chỉ khoảng 16%, nhưng chứng nhận thương tích sau đó của Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa đến 35%.” (Trích nguyên văn bản tin báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-2016). Như thế là những yêu cầu xác minh của Luật sư Nguyễn Văn Miếng trước đây rất là hữu lý.

Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cũng chưa viết đúng kết luận thương tích ban đầu của ông Thủy. Có thể phóng viên báo Tuổi Trẻ đọc không rõ giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thực sự mức độ thương tích của ông Thủy do bện viện Chợ Rẫy xác nhận ban đầu là 10% mà thôi, chứ không phải 16% như báo Tuổi Trẻ đưa tin. Sau đây là bản photocopy giấy CHỨNG NHẬN THƯƠNG TÍCH của ông NguyễnVăn Thủy do Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy ký ngày 13-5-2015


Sau đây là trang 2 phần kết luận thương tích do Bệnh viện của một đơn vị quân dội ở huyện Thạnh Hóa cấp cho ông Thủy, theo đó thương tích là 35%, do Bác sĩ Phó giám Đốc Phạm Hồng Trường ký. Tòa án Thạnh Hóa đã dựa vào tỷ lệ 35% nầy để kết án em Tuấn.


Có hai điểm đáng chú ý trong vụ việc này:

1) Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn trong việc giám định thương tích của ông Thủy từ 10% (Bệnh viện Chợ Rẫy) lên 35% (Bệnh viện Long An)? Phải chăng có gì mờ ám trong việc nầy nên Viện công tố Tòa án huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã bác lời của luật sư Nguyễn Văn Miếng yêu cầu triệu tập hai giám định pháp y để đối chất? 

2) Giữa 10% và 35% có một khác biệt lớn về luật pháp. Đó là một người bị chấn thương 10% không đủ yếu tố để khởi tố người gây án ra xét xử tội hình sự trước Tòa án về tội xâm phạm thân thể, mà phải từ 30% trở lên mới kiện ra Tòa án được. Vì vậy ông Thủy không dùng giấy chứng nhận của Bệnh viện Chợ Rẫy, mà về xin bệnh viện của một đơn vị quân đội ở Long An, dựa vào thế lực và quen biết địa phương để được chứng nhận thương tích 35%, mới có thể đưa Nguyễn Mai Trung Tuấn ra Tòa đòi bồi thường. (Dưới 30% là trường hợp hai luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam đến gặp thân mẫu em Đỗ Đăng Dư ngày 3-11-2015 để thảo luận trường hợp em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi bị công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội bắt giam và tra tấn đến chết trong đồn Công an ngày 10-10-2015. Khi trở về, hai ông bị 8 công an giả dạng côn đồ vây đánh trọng thương. Bệnh viện cấp giấy chứng thương cho hai luật sư không quá 30% nên hai ông không thể kiện tụi côn đồ do công an bảo kê ra Tòa xét xử.) Một câu hỏi phụ là giấy chứng nhận của bệnh viện quân đội cấp cho một người không phải là quân nhân, có giá trị để làm bằng chứng trước Tòa án hay không?

Khi toàn thể gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị tù giam, thì Tuấn còn có mộtem gái 14 tuổi, sống một mình ngoài đời. Em nầy tên là Thảo Vy, đã kể về trường hợp anh mình nổi giận đánh trả công an như sau: “…Hành vi của anh cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai [Tuấn] thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.” (RFA, 24-11-2015)

Dựa vào một giấy chứng nhận thiếu trung thực, nếu không muốn nói là gian lận, để kết án nặng nề một em nhỏ 15 tuổi tức còn vị thành niên, đã can đảm xả thân bảo vệ mẹ của mình, đúng là thứ cường hào ác bá đỏ trong câu ca dao thịnh hành ở Việt Nam ngày nay: "Ai ơi nhớ lấy câu nầy/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.” Quan đây là quan tham cộng sản, hiện đang hoành hành trong nước.

(Toronto, chiều 31-01-2016)

0 comments:

Powered By Blogger