Wednesday, February 17, 2016

Tự ứng cử Đại biểu Quốc hội - “Trò chơi” hay “Cuộc chiến”?

Có thể nói một cách chủ quan rằng: Quyền tự ứng cử của công dân là một quyên căn bản được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên trên thực tê thì lại không hề như vậy! Để một công dân 21 tuổi trở lên ở Việt Nam có thể ra ứng cử Đại biểu Quốc hội, không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Có rất nhiều rào cản được tạo ra bằng những quy định vi hiến hoặc nhiều thủ đoạn được các cơ quan Nhà nước sử dụng để loại những người tự ra ứng cử ngay từ khi làm hồ sơ thủ tục.

Tôi xin phép được chia sẻ cùng quý vị, ông bà, anh chị em, bạn bè câu chuyện tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 của tôi để mọi người có thể hiểu được phần nào sự thật của cái gọi là “Quyền tự do ứng cử”.

Sáng ngày 15 tháng 2 năm 2016 vừa qua, sau khi tìm hiểu những quy định về ửng cư Đại biểu Quốc hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi quyết định làm hồ sơ ứng cử. Hồ sơ bao gồm:

1- Đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (mẫu số 1/bcđbqh)

2- Sơ yếu lý lịch của người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (mẫu số 2/bcđbqh)

3- Tiểu sử tóm tắt của người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (mẫu số 3/bcđbqh)

4- Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (mẫu số 3/bcđbqh)


Theo quy định thì người ứng cử Đại biểu Quốc hội phải tới UBND xã, phường, thị trấn, hoặc cơ quan mình công tác để xin xác nhận vào Sơ yếu Lý lịch. Vậy nên chiều ngày 15 tháng 2 năm 2016 (ngày 08 tháng Giêng năm Bính Thân) tôi mang hồ sơ tới UBND xã Quảng Yên để đề nghị xác nhận vào hồ sơ của mình. Sau khi đã để xe máy vào đúng nơi quy định, tôi đi thẳng vào nhà vệ sinh để “giải quyết thủ tục cá nhân”. Vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh, tôi gặp ngay chủ tịch UBND xã Lê Quang Kỳ.

Tôi mở lời: “Chào anh Kỳ”.

Anh Kỳ cũng chào lại tôi rất niềm nở ngay trước cửa nhà vệ sinh: “Chào chú! Có việc gì đấy?” (Chắc anh Kỳ nhìn thấy trên tay tôi cầm hai túi hồ sơ!)

Tôi trả lời: “À! Tôn ra để nhờ Ủy ban xác nhận lý lịch”. 

Anh Kỳ nói: “Xác nhận lý lịch thì chú cứ vào gặp chú huyện phó chủ tịch. Bây giờ tôi bận đi họp rồi”.

Tôi rảo bước tiến về phòng phó chủ tịch Nguyễn Văn Huyên, gặp chú ấy ngay hành lang.

Chú Huyên phó chủ tịch niềm nở chào tôi: “Chào anh! Có việc gì không anh?”

Tôi nói: “Chào chú! Anh ra đây để xác nhận lý lịch, anh Kỳ bảo anh sang gặp chú, chú xem và xác nhận cho anh nhé”.

Chú Huyên hỏi: “Anh định đi đâu hay sao mà làm hồ sơ vậy?”

Tôi trả lời: “Không phải định đi đâu mà là anh đang làm hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội”.

Chú Huyên nói: “Anh cầm xuống văn phòng em ký cho, bây giờ em phải đi họp”.

Tôi và Huyên cùng tiến về phía văn phòng UBND xã Quảng Yên.

Tôi đưa hai bộ hồ sơ ứng cử có dán ảnh 4x6 cho chú Huyên. Chú Huyên cầm xem qua thì anh Kỳ cũng bước vào văn phòng. Thấy anh Kỳ vào, chú Huyên để hồ sơ của tôi xuống và đi.

Tôi nói: “Anh Kỳ xem và ký xác nhận vào lý lịch cho Tôn cái”.

Anh Kỳ nói: “Chú cứ để đấy, phó chủ tịch sẽ ký”.

Cả Chủ tịch và Phó chủ tịch đều đi vào phòng họp. 

Tôi nói với cô Nguyễn Thị Lý là cán bộ tư pháp xã cũng là một trong hai nhân viên trực tại Văn phòng Ủy ban: “Em cho anh gửi bộ hồ sơ ở đây. Khi nào các lãnh đạo tới thì báo họ ký giúp anh, chiều tối anh ra anh lấy”.

Cô Lý nói: “Em sắp về rồi, nhưng anh cứ để đấy. Lát nữa Hoàn tới, em giao lại cho nó” (Hoàn là nữ nhân viên văn phòng UBND xã).

Tôi yêm tâm ra về. Khoảng 16h15, thấy cuộc họp đầu năm của các lãnh đạo xã đã giải tán, tôi quay lại văn phòng UBND xã. Tại đây tôi gặp cả cô Lý và cô Hoàn. 

Tôi hỏi: “Hồ sơ của anh đã được xác nhận chưa các cô?”

Cô Hoàn trả lời: “Các xếp nói rằng không xác nhận cho anh được”.

Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”

Hoàn trả lời: “Lý lịch của anh ghi là tôn giáo Tin lành, rồi là Mục sư, trong khi đó Chính quyền chưa công nhận anh. Vậy anh nên ra ngoài mua một bộ hồ sơ xin việc, lấy tờ lý lịch trong đó và khai theo mẫu. Anh cứ khai tôn giáo “không”, nghề nghiệp “làm ruộng” bình thường thì bọn em sẽ xác nhận. Mà anh ứng cử làm sao được?! Có quy định là người ứng cử Đại biểu Quốc hội phải có bằng đại học anh ạ!”

Tôi nói: “Sao lại vớ vẩn vậy nhỉ? Anh theo tôn giáo Tin lành thì khai Tin lành chứ. Chẳng lẽ anh lại khai man lý lịch à? Mà luật ứng cử quy định mọi công dân Việt nam từ 21 tuổi trở lên có quyền tự ứng cử mà em?” 

Hoàn nói: “Thì đây cũng là quy định của pháp luật. (Hoàn vừa nói vừa chìa về phía tôi một tập giấy có chữ in). Anh xem đây này”.

Tôi chìa tay ra và nói: “Đưa anh xem nào! Sao lại có cái quy định vi hiến như vây?”

Hoàn rút tay lại, bỏ tập giấy xuống bàn làm việc và nói: “Anh cứ về vào mạng mà xem, có quy định mới về tiêu chuẩn ứng cử Quốc hội đấy anh ạ!”

Tôi nói: “Anh là công dân chứ không phải là thần dân, Công dân là ông chủ chứ không phải là nô lệ. Ai ra quy định vi hiến người đó sẽ phải chịu trách nhiệm”. 

Hoàn nói: “Thôi bọn em không thể xác nhận vào hồ sơ của anh được. Anh cứ về làm lại, mai lên gặp các xếp nhé. Bây giờ cũng hết giờ làm việc rồi”.

Tôi cầm lại hai túi hồ sơ rồi chào mấy cô văn phòng để ra về.

Chiều hôm qua, ngày 16 tháng 2 năm 2016, tôi tiếp tục cầm hai túi hồ sơ cũ tới Ủy ban. Đưa mắt nhìn quanh, thấy cả phòng Chủ tịch và Phó chủ tịch đều vắng người, tôi rảo bước đi qua các phòng ban để tìm họ. Nghe trên gác 2 có tiếng phát biểu của bà bí thư đảng ủy, tôi đoán rằng cả hai người tôi cần tìm đang họp trên đó. Tôi định bước lên cầu thang để tìm gặp họ thì thấy chú Huyên Phó chủ tịch bước xuống.

Chú Huyên chào tôi trước: “Chào anh Tôn, có việc gì không anh?”

Tôi trả lời: “Anh ra gặp chú về việc hôm qua còn chưa xong, thấy mấy cô văn phòng bảo anh về mua bộ hồ sơ khác khai lại mới được xác nhận. Anh ra gặp trực tiếp các chú xem sao”.

Chú Huyên nói: “Hôm qua bận họp nên các em giao cho các cô văn phòng tiếp nhận và xem hồ sơ, cái nào ổn thì đưa các em ký, cái nào chưa ôn thì gác lại làm sau. Hồ sơ của anh chưa ổn, anh nên về lấy đúng mẫu đơn này nhưng khai lại. Anh cứ ghi là tôn giáo “không”, nghề nghiệp “làm ruộng” bình thường, vì anh theo đạo chưa được chính quyền công nhận thì cứ xem như là không theo đạo anh ạ”. 

Tôi nói: “Quyền tự do tôn giáo, theo đạo hay không là quyền của công dân chứ chú. Anh theo Tin lành thì anh khai Tin lành chứ chẳng lẽ anh lại khai man lý lịch sao? Hơn nữa chính quyền làm gì được phép can thiệp vào tín ngưỡng tôn giáo của công dân.

Huyên nói: “Quyền tự do ứng cử là quyền của anh, xác nhận lý lịch là nghĩa vụ của bọn em. Nhưng nói thật là: Nếu anh cứ để nguyên lý lịch thế này, bọn em không xác nhận được. Anh về làm lại đi, mai lên em ký cho”.

Tôi chào Huyên rồi ra về.

Về nhà tôi suy nghĩ mãi: “Sao có những chuyện trớ trêu vậy nhỉ!? Chẳng lẽ họ đang cố tình loại mình ra khỏi danh sách ứng cử ngay từ vòng “gửi xe”!? Mình không thể khai lại hồ sơ, vì mình không thể nào “chối Chúa” trước mặt thiên hạ”. 

Tôi quyết định để nguyên hồ sơ lý lịch như cũ và tôi sẽ làm đơn khiếu nại gửi lên Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa về việc Chính quyền cơ sở gây khó khăn cho tôi trong việc xác nhận lý lịch, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm Luật Bầu cử ứng cứ; Thậm chí xúi giục công dân làm hồ sơ man…

Tôi biết chắc một điều: phía trước tôi còn rất nhiều khó khăn mà tôi cần phải vượt qua để có thể thực hiện được cái quyền căn bản của một công dân Việt Nam. Nhưng tôi không bỏ cuộc, tôi sẽ tiếp tục cố gắng trong mọi khả năng để ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa này. Mặc dù sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách, đơn thuần như sư đeo bám của các nhân viên an ninh. (Mấy ngày nay có hàng chục người liên tục canh gác ngay cổng nhà tôi, đi theo tôi và vợ tôi).

Tôi biết kể cả có vượt qua được bước thứ nhất là xác nhận lý lịch, tôi còn phải đối diện với nấc thang thứ hai nằm ngay trong điểm 4 điều 37 của “Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân”. Điều đó quy định như sau: 

Điều 37. Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

2. Người đang bị khởi tố bị can.

3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Không những vậy lại còn thêm bước cản tiếp theo được quy định trong điều 65 Luật Xóa án tịch như sau:

Điều 65. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

1. Toà án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

b) Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

c) Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

2. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích.

Tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin của mình về việc tự ứng cử trong những ngày tới để quý vị được rõ thêm.

Thanh Hóa ngày 17/02/2016

0 comments:

Powered By Blogger