Thursday, February 11, 2016

Tập trung dân chủ chỉ để độc quyền, đặc lợi

Đảng Cộng sản Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực đề cao chủ trương “tập trung dân chủ” sau Đại hội đảng XII để tiếp tục cai trị độc tài, chống đòi hỏi dân chủ trong dân hầu bảo vệ đặc quyền, đặc lợi cho đảng.

Bằng chứng đã phát ra từ cửa miệng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân ngày 03/02/2016.

Ông Trọng nói: "Qua thành công của Đại hội, bài học lớn tiếp tục được khẳng định là việc mở rộng dân chủ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Dân chủ để phát huy trí tuệ của toàn Đảng; để thắt chặt đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là trong công tác nhân sự, lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực tư duy chiến lược, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh chủ chốt của cơ quan Đảng, Nhà nước."

Nhưng nếu chỉ dân chủ trong đảng để tiếp tục phủ nhận dân chủ trong dân thì đó là thứ dân chủ trá hình. Bởi vì nguyên tắc được gọi là “tập trung dân chủ” của Cộng sản Việt Nam là tập quán sinh hoạt trong nội bộ. Nó cho phép đảng viên được tự do phát biểu, góp ý kiến, dù trái chiều, nhưng khi đa số đã quyết định thì thiểu số phải phục tùng quyết định của số đông. Và sau khi rời phòng họp thì không ai được phép bàn tán hay bất tuân quyết định, hay nghị quyết đã chấp thuận.

Đó là tiêu chuẩn công tác theo nội quy của tổ chức, hội đoàn hay điều lệ của một đảng là việc riêng của các tổ chức này. Trong trường hợp đảng CSVN thì khác. Lãnh đạo đã lạm dụng nguyên tắc “tập trung dân chủ” để buộc nhân dân phải chấp nhận Tổng Bí thư, người đứng đầu đảng được nhân danh đảng để cai trị cả nước.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 không có bất cứ điều nào cho phép đảng CSVN làm như thế, kể cả việc đảng được quyền giới thiệu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Ngồi lên hiến pháp

Khi Tổng Bí thư đảng cũng là người cai trị cả nước trong thực tế là đảng đã nhổ nước bọt vào mặt các Đại biểu Quốc hội.

Đội ngũ dư luận viên hàng đầu của Đảng trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo có thể lý luận vắt chầy ra nước rằng, điều đó không có gì là sai trái vì Điều 4 Hiến pháp đã quy định đảng CSVN là “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” . Vì vậy Tổng Bí thư đảng cũng là người lãnh đạo nước trong thực tế là đương nhiên!

Nhưng mà cái sự “đương nhiên” lý luận cùn này chẳng hay ho gì đâu. Vì “rằng-thì-là” Quốc hội là tổ chức của đảng chọn cho dân bầu. Các Đại biểu lại toàn là đảng viên hay phải là người được đảng cho ra ứng cử giả vờ cho có mầu mè dân chủ để làm nhiệm vụ lót đường cho người ủa đảng, hay chỉ để đóng dấu chấp thuận các quyết định của đảng. Bản Hiến pháp năm 2013 do đảng soạn thảo được phổ biến lấy ý kiến dân, nhưng sau khi sửa lên, sửa xuống cho có vẻ “ý đảng lòng dân” thì nó vẫn độc tài và đảng trị như cũ chả có gì là “của dân, do dân và vì dân” cả.

Do đó khi Ban Chấp hành Trung ương đảng XI tự ý chấp thuận trước để giới thiệu với Ban Chấp hành Trung ương XII tán thành 3 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 13, bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội khóa 14 và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên chức Thủ tướng thay Nguyễn Tấn Dũng là đảng đã “lấy thịt đè người” và công khai chà đạp lên Hiến Pháp.

Lý do vì Điều 87 Hiến pháp đã quy định:”Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội.”

Điều 98 viết: "Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội” , sau khi được Chủ tịch nước đề cử.

Và khoản 7 của Điều 70 cũng viết về nhiệm vụ của Quốc hội là: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội…"

Như vậy, ngoài chức danh Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng được cầm quyền ngay, 3 chức danh kia phải chờ cuộc bỏ phiếu diễn tuồng của Quốc hội khóa 14, sau cuộc bầu cử ngày 22/05/2016.

Như vậy có phải là đảng đã đặt cái cầy trước con trâu Quốc hội không?

Ấy vậy mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể hô hoán lên rằng: “Thêm một lần nữa, chúng ta thấm thía sâu sắc bài học về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng mà Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình"; "có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến".

Trích lời ông Hồ nói như thế thì có phải người sáng lập ra đảng CSVN đã nói nước đôi không, hay ông Trọng đã đánh lận con đen giữa “dân chủ trong đảng” với “phát huy dân chủ”?

Khi ông Hồ nói “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” là rất rõ ràng, không thể nào lẫn lộn để đảng tiếp tục phủ nhận quyền tự quyết định vận mệnh đất nước của dân, hay không để cho dân được tự do thực thi dân chủ. Do đó, rõ ràng là ông Trọng đã thiếu thành khẩn khi sử dụng nhóm chữ “phát huy dân chủ” để che đậy ý đồ chỉ dành cho đảng mà thôi.

Bở lẽ tự nhiên, nếu không được tự do phát biểu, tự do đưa ra ý kiến, nhất là ý kiến trái chiều với chủ trương của đảng, thì ai dám đưa ra sáng kiến trước ám ảnh của dao găm và nhà tù?

Bằng chứng trong đợt lấy ý kiến dân để sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đảng đã bác yêu cầu bỏ Điều 4 trong Hiến pháp dành quyền cai trị độc tôn cho đảng để tiếp tục suy tôn Chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lênin và tư tưởng thoái trào Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Việt Nam tiếp tục bị kiềm chế trong gông cùm tụt hậu và chậm tiến cũng chì vì lãnh đạo đảng chưa tẩy não được tư duy lạc hậu trong tư tưởng, vẫn bám lấy mớ giáo điều bảo thủ “cà cuống chết đến đít vẫn còn cay” để không làm mất lòng đàn anh Trung Quốc. 

Sự thật Việt Nam cứ mãi đì đẹt phía sau các nước trong khu vực và không ngóc đầu lên nổi sau 30 năm đổi mới là do lỗi của đảng và do đảng tạo ra. Nhưng trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nói như vòi nước chảy rằng: “Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đánh dấu một bước phát triển, trưởng thành của Đảng và khẳng định mạnh mẽ bản chất giai cấp công nhân của Đảng.”

Hỡi các anh chị em Công nhân yêu dấu và lam lũ ơi, ông Trọng đã cho anh chị em uống nước đường và đưa lên tận mây xanh rồi đấy. Có ai hãnh diện không, và đã có bao nhiêu anh chị được chui vào Trung ương đảng để làm giầu hay được nắm giữ các chức vụ hái ra bạc, khạc ra tiền trong guồng máy cai trị của đảng và nhà nước?

Đảng CSVN đã nhân danh công nhân để bóc lột anh chị và nông dân đến tận xương tủy bao nhiêu năm rồi mà chưa buông tha cho con cháu các anh chị?

Thế mà, cũng giống như bao đời Tổng Bí thư khác, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ca bài con cá nó sống vì nước nghe mãi nhức tai: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. 86 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đất nước ta, nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Trong những năm chưa giành được chính quyền, các tổ chức đảng, cán bộ của Đảng, dựa vào sự nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, bảo vệ của dân để lãnh đạo cách mạng, lập nên nhiều chiến công hiển hách; trong hòa bình, nhất là 30 năm đổi mới, Đảng lãnh đạo toàn dân, dựa vào sức mạnh vô bờ bến của nhân dân mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Không có Đảng lãnh đạo làm cách mạng, nhân dân ta không thể có cuộc sống như ngày nay; không dựa vào nhân dân - lực lượng cách mạng hùng hậu nhất, Đảng sẽ không tồn tại và phát triển.”

Rõ ràng là ông Trọng đã suy tôn công lao của dân lên đến tận cung trăng, để kể công của đảng đã lãnh đạo thành công hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách miệng khác. Ai cũng thấy ông Trọng đã đi nước đôi trong ván cờ đánh cá với dân, nhưng ông lại quên rằng, thành công của đảng chỉ có đảng viên được hưởng mà thôi. Đội ngũ công nhân viên vẫn phải làm đầu tắt mặt tối mà chưa đủ ăn, vẫn thiếu quần áo mặc và con cái chưa được học hành đến nơi đến chốn.

Nền kinh tế của Việt Nam, trên lý thuyết phát triển khá từ 5.5 đến 6.5 phần trăm năm 2015, nhưng con số thống kê không phản ảnh trong cuộc sống của người dân. Lợi tức đồng đều của mỗi đầu người Việt Nam chưa đến ngưỡng 3,000 dollars mỗi năm vì Việt Nam chỉ biết đi làm thuê và lệ thuộc quá sâu mỗi ngày vào kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan từng nói: "Việt Nam không thể để rơi vào sự lệ thuộc với kinh tế Trung Quốc, vì đã lệ thuộc thì không thể có được sự bình đẳng, không thể cùng có lợi cho cả 2 bên. Bên bị lệ thuộc sẽ là bên thua thiệt. Ví dụ như ở Việt Nam, 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, điều này là không hợp lý." (báo Một Thế Giới, 04/01/2016)

Nhưng muốn thoát khỏi lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc thì Việt Nam phải dứt khoát từ bỏ chủ trương giữ “kinh tế nhà nước giữ vai chủ đạo”

Bà Phạm Chi Lan nói tiếp: "Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.

Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng cần phải hiểu khác, không thể giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân bổ nguồn lực thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường như hiện nay."

Quan điểm của đảng CSVN đòi hỏi kinh tế nhà nước phải “chủ đạo”, có nghĩa các Doanh nghiệp Nhà nước luôn luôn được coi là trọng tâm đi trước, đón đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã chứng minh lầm đường lạc lối. Cái đuôi xã hội chủ nghĩa đã kìm hãm đất nước tiến lên để hội nhập với thế giới, nhất là trong bối cảnh Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất. 

Điều này cũng giống như chiêu bài được gọi là “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa” ghi trong Báo cáo Chính trị của khóa đảng XI tại Đại hội đảng XII, kết thúc ngày 28/01/2016. Mặc dù đảng CSVN nói chủ trương này là nhằm “bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”, nhưng dân chưa hề được làm chủ đất nước thì phát huy cái gì?

Lý do vì, theo lời Báo cáo Chính trị: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân: Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Không ít cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội.”

Như vậy thì dân chủ ở đâu và cho ai, hay đảng viên đã làm theo đúng lời ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn “dân chủ trong đảng”, nhưng không để cho dân có dân chủ?

Trong nhiều năm qua, tuy nhà nước luôn luôn cổ võ tôn trọng quyền làm chủ của dân qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng người dân chẳng có quyền hành gì với công việc của nước.

Đã có nhiều người thờ ơ và lạnh cảm trước nguy cơ xâm chiếm thêm biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông vì đảng đã nói với dân: “mọi việc đã có nhà nước lo”.

Các cuộc biểu tình tự phát của dân từ Sài Gòn ra Hà Nội chống hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh còn bị nhà nước đàn áp. Công an đội lốt côn đồ và đám dư luận viên phản quốc còn phá hoại, xỉ vả những người đi biểu tình trước ống kính máy thu hình của phóng viên nước ngoài là một bằng chứng nhu nhược và phản dân chủ khác của nhà nước.

Như vậy, dân chủ tập trung để làm gì nếu không phải chỉ để bảo vệ quyền cai trị độc tôn và những đặc quyền, đặc lợi khác cho đảng? -/-

(02/016)

0 comments:

Powered By Blogger