Thursday, January 1, 2015

Tại Sao Những Người Tù Vì Tranh Đấu Cho Dân Chủ Tự Do Tại VN Khi ra Khỏi Nước Không Còn Ảnh Hưởng Nữa


Bùi Hồng Lĩnh


Từ tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt, đến nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, đến tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, và sau này có thể đến Điếu Cầy, … sau khi rời Việt Nam qua Mỹ hay các quốc gia khác sau thời gian bị tù vì chống lại CSVN dươi nhiều lý do, mà đòi hỏi CSVN phải bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo đất nước là một trong những sự chống đối chính, đã không tạo được ảnh hưởng đến người Việt trong và ngoài nước như lúc còn bị tù ở Việt Nam. Đâu là lý do cho sự mất hay giảm ảnh hưởng này? Một trong những lý do chính là khi ra ngoài nước những người tù lương tâm này chỉ là một trong hàng trăm ngàn người Việt Nam cũng đang chống CSVN như họ. Hơn thế nữa, những người đã và đang chống CSVN ở ngoài VN lại là những nạn nhân thật của CSVN. Nhiều người, nhất là những cựu quân cán chính của VN trước năm 1975, đã bị tù đầy nhiều năm, mất vợ con, tài sản và phải bị ngừng chiến đấu trong khi họ còn tâm huyết. Họ chống CSVN với cả cuộc đời của họ, một cuộc đời mà những năm tháng còn thanh niên đã phải tiêu mòn trong chiến tranh chống CS và sau đó bị tù đầy trong nhà tù CS. Vì thế, sự chống cộng của họ rất bền bỉ và liên tục. Họ cũng có khả năng viết bài, viết sách, biện luận về những kinh nghiệm xương máu của họ trong việc chống CS, cũng như vạch trần được những sự gian dối của CSVN trong mấy chục năm nay cho đến nay, có thể nhiều hay ít hơn kinh nghiệm của những người tù lương tâm.

Khi chung sức với những người Việt đang chống cộng tại nước ngoài với những kinh nghệm và khả năng nêu trên, những người tù nhân lương tâm khi ra nước ngoài, để có “chỗ đứng đặc biệt” trong hàng ngàn người tích cực chống CS qua ngòi bút hay tổ chức kín, hở, họ cần phải viết về những kinh nghiệm khác hơn là những kinh nghiệm của nạn nhân trực tiếp của quân cán chính VNCH, mà những kinh nghiêm với CS của người tù lương tâm đã được họ nói đến bằng xương máu của họ lúc còn ở VN. Lúc cái giá trị bằng xương máu đã không còn được mang ra để hy sinh cho sự đòi hỏi tự do dân chủ nữa, thì những kinh nghiệm của họ đối với CSVN đã trở thành những kinh nghiệm đã được nói đến nhiều lần, bởi nhiều người rồi.

Không thể phủ nhận và không thể không cảm phục sự hy sinh của những ngươì tù lương tâm khi quên bản thân và sự an nguy của gia đình để đòi hỏi CSVN phải thực thi đa đảng cũng như trả lại cho dân quyền làm chủ đất nước. Sự cảm phục này đã tạo ra hàng ngàn bài viết ca ngợi và ủng hộ tinh thần của những người tù nhân này khi họ phải tranh đấu chống CS từ trong nhà tù, hay dưới những ngọn đá cú đấm của CSVN trên đường phố đầy nguời qua lại. Nhưng sự cảm phục này không thể cứ mang ra mãi để giúp những người tù lương tâm này có tiếng nói mạnh hơn, hiệu quả hơn khi họ lên tiếng sau khi rời khỏi Việt Nam. Họ phải tự tạo nên một sự cảm phục mới, họ phải tự tạo nên một uy tín mới và nhất là họ phải viết hay hành động những gì khác và tác động hơn những bài viết và hành động mà hàng trăm hàng ngàn người chống cộng hải ngoại đã và đang làm từ gần 40 năm nay.

Một điều cần nhắc lại, là sự cảm phục đối với sự tù tội của những ngườ tù lương tâm chưa thể so sánh với cảm phục về sự hy sinh, bị giết, bị hành quyết của hàng trăm hàng ngàn cựu tù nhân VNCH trong gông cùm CS sau khi bất khuất, chống đối đám cai tù. Đã có người CS nào chống đối đảng bị chết trong tù đầy chưa? Hay chỉ có những tù nhân là cựu quân nhân VNCH bị chết sau hàng chục năm bị CSVN đầy đọa trong tù. Đó là điều mà những người Việt chống cộng cần phải suy nghĩ.

Đòi hỏi những người tù lương tâm phải có những hành động (viết lẫn hành động) vượt trội hẳn những người đang chống cộng từ 40 năm nay để họ tiếp tục được biết đến là sự đòi hỏi nhiều khi quá sức của những người bị CSVN đẩy ra nước ngoài. Sau một thời gian cố gắng, hành động của họ cũng không thể khác gì “đám đông người chống cộng có khả năng” vì họ không có khả năng “đứng riêng một cõi”. Sự ganh tị, ganh ghét từ những người đang chống cộng hải ngoại đối với những người tù lương tâm này, nếu có, cũng không thể cản được một thực lực, nếu có, nơi người tù lương tâm. Hải ngoại là nơi chốn của tự do, dân chủ và cơ hội, họ đã và đang học từ đời sống thật, những bài học này, xấu hay tốt. Khi còn trong tù CS, họ biết chắc là những ngươi chung quanh họ đều là CS, dễ đề phòng, nhưng khi sống tại nước ngoài, họ không thể biết được những người đang cười nói với họ, ai là địch ai là thù. Đó là một phần cái bản chất tự do dân chủ nơi cộng đồng hải ngoại, không có sự kiểm soát lập trường và tư tưởng của cá nhân. Đó cũng là những sự tự do dân chủ mà họ nên biết rằng, sự tranh đấu của họ cho người dân trong nước, nếu đạt được, cũng sẽ là như vậy. Tự do và dân chủ không là chỉ là những giấc mơ đẹp mà có thể còn là những ác mộng cho cá nhân, nếu kỳ vọng quá đáng về kết quả của nó. Cái giá trị của tư do dân chủ nó phát triển song song với tri thức và nhận thức của người có nó. Và cái giá trị nữa của tự do, là mỗi cá nhân là một bản thể riêng về suy nghĩ, khác hẳn những con trừu cùng cách suy nghĩ mà CSVN đang áp đặt lên người dân. Đối với CSVN, sự “suy nghĩ” của cá nhân cũng như cái tay cái chân, CS muốn “thấy” và kiểm soát được.

Một trở ngại quan trọng nữa cho những người tù lương tâm khi qua sống và hoạt động ở ngoài nước, đó là sự lệ thuộc vào “tiền bạc” nơi những cơ quan hay chính phủ tiếp đón và cung cấp những tiện nghi cho đời sống của họ. Họ cần phải biết tách rời và ra khỏi những sự lệ thuộc này trước khi cái ảo tưởng “quan trọng là được tiếp đón nồng hậu” biến họ thành một công cụ của những tổ chức hay chính phủ đó. Họ phải kiếm sống như hàng trăm hàng ngàn người Việt làm công việc chống cộng sau khi đổ mồ hôi kiếm cơm, và từ đó họ sẽ biết cái tấm lòng của những người chống cộng hải ngoại đối với họ lúc trước và tấm lòng đối với đa số những người dân đang suy sụp tinh thần lẫn vật chất trong Việt Nam. Đó là sự lên tiếng cho những người dân không thể tự lên tiếng được.

Bùi Hồng Lĩnh


Source :  http://ngaymaivietnam.blogspot.com/2014/12/tai-sao-nhung-nguoi-tu.html#comment-form

0 comments:

Powered By Blogger