Tuesday, November 4, 2014

Việt Nam bàn về thay đổi dự luật nghĩa vụ quân sự


Trong buổi họp ngày 3.11.2014, Quốc hội Cộng sản Việt Nam bàn về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi, do Bộ Quốc phòng đề xuất.
Tại phiên họp, Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN đã nêu lên những lập luận và phương hướng sửa đổi Luật NVQS. Theo đó, Bộ Quốc phòng mong muốn sửa đổi theo các hướng: Nâng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của hạ sỹ quan và binh lính lên thành 24 tháng, so với 18 tháng như hiện hành ; Độ tuổi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình sẽ được kéo dài lên thành 18-27 tuổi, so với 25 tuổi như hiện nay.
Bên cạnh đó, dự án Luật đã thu hẹp phạm vi được tạm hoãn và quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”. Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc nâng thời gian thực hiện NVQS để nhằm nâng cao chất lượng quân đội, tiết kiệm chi phí tuyển quân hàng năm, nhưng vẫn có 1 số ít nói nên giữa nguyên hoặc giảm xuống còn 12 tháng. Về độ tuổi gọi nhập ngũ cũng tương tự, có nhiều ý kiến trái chiều.
So với luật hiện hành, các đối tượng được tạm hoãn đã cho thấy sự phân biệt giữa các hình thức đào tạo đại học: đai học chính quy được tạm hoãn NVQS, đại học tại chức, từ xa, liên thông, đào tạo nghề đều không được tạm hoãn NVQS.
Mặt khác, với các thay đổi như vậy, lượng quân hàng năm nhập ngũ sẽ tăng lên đáng kể, gây sức ép lên chính ngân sách nhà nước. Chưa kể một lượng lớn lao động vừa được đào tạo, có trình độ và kỹ năng phục vụ cho các hoạt động kinh tế thì nay phải tham gia quân ngũ, điều này sẽ khiến thị trường lao động sẽ thiếu hụt đi một phần lao động có trình độ, ngân sách cũng sẽ mất đi một phần đáng kể nguồn thu đáng lẽ có được từ các hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn, nợ công đang ở mức báo động thì việc Quân đội gây sức ép cho ngân sách thông qua những biện pháp này thật sự không phù hợp và khôn ngoan.
Nhiều giới tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam nên chuyển đổi mô hình từ chế độ quân dịch sang chế độ tuyển dụng công việc trong quân đội. Theo đó, việc đi lính sẽ là một nghề, phục vụ dài hạn hơn so với thời gian đi nghĩa vụ, quân đội sẽ thực hiện việc đăng tuyển như tuyển dụng lao động với các cơ hội việc làm trong quân ngũ. Điều này, nếu được thực hiện sẽ giống hầu hết các quốc gia hiện nay. Chuyển đổi chế độ tuyển quân giúp làm giảm áp lực cho ngân sách, tăng chất lượng quân đội và đặc biệt giúp tinh giảm biên chế trong quân ngũ.
Hiện nay, theo các chuyên gia quân sự thì quân số Việt Nam thuộc hàng đông nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng hơn 640.000 sỹ quan, binh lính, chưa kể các loại hình dân quân, tự vệ địa phương. Với quân số cao, cùng với các căng thẳng với Trung Cộng, ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam đang có chiều hướng tăng đáng kể, đặc biệt là dành cho mua sắm trang bị quốc phòng từ Nga, Ấn Độ, Israel và một số trang bị không vũ trang từ phương Tây.
Nhật Nam / SBTN

0 comments:

Powered By Blogger