Sunday, November 2, 2014

Từ việc blogger Điếu Cày đến Hoa Kỳ (phần 1)

Người cộng sản rất sợ: Tổ chức với những lãnh đạo có uy tín và thực lực. Họ đã từng thành công trong thời gian rất dài với sách lược hữu hiệu: bằng mọi giá, chia rẽ để phá nát lòng tin lẫn nhau của người Việt. Trong khi người CS làm điều đó, tự thân "nguyên lý" hoạt động này cũng xảy ra trong nội bộ, ngay từ những ngày đầu ĐCSVN manh nha hình thành cho đến tận hôm nay. 

Giờ đây, tính hai mặt của một vấn đề đã bộc lộ thật rõ. Người CS bế tắc và trực tiếp nhận hậu quả không còn có thể cứu vãn từ "nguyên lý" đó. Những dấu hiệu mới cho thấy, họ không còn che giấu nổi và đang hoang mang tột độ.

Cộng sản đang hốt hoảng

Nội bộ người CS rã rời. Những dấu hiệu hốt hoảng dễ nhận ra: ăn nói lung tung, hồn ai nấy giữ, hạ nhục lẫn nhau bằng nhiều hình thức, đấu đá kịch liệt không cần che giấu.

Đỗ Văn Đương, với tư cách đại biểu Quốc hội, nhưng hạ nhục giới luật sư với câu nói: "Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền". Kiểu nói này đang gây bão táp mà báo Thanh Niên có riêng một bài với tên "bạn đọc tranh luận" [1]. Trong khi đó, ông Đương cố bào chữa rằng [2]: "Hiến pháp quy định đại biểu phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm". Đã sai lại còn ngoan cố, bởi không có một điều khoản nào trong Hiến pháp quy định như vậy. Do đó, ông Đương càng chứng tỏ hiểu biết quá kém cỏi về Hiến pháp mà ông là một trong gần 500 người bấm nút thông qua chưa lâu.

Không riêng Đỗ Văn Đương, đài RFA có bài [3] "Trình độ của Đại biểu Quốc Hội VN: Điều thực sự đáng lo ngại", trong đó chỉ ra những đại biểu QH khác: Nguyễn Thị Nhung (đòi ra Luật Đặt Tên), Thích Thanh Quyết (muốn xây dựng lực lượng QĐNDVN mạnh như... Bắc Triều Tiên).

Một biểu hiện hốt hoảng nữa: đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm [4] "...đề nghị QH cần xem xét, nghiên cứu, cho phép một số giải pháp tình thế đối với công tác cai nghiện tại TP.HCM...". Với chữ "giải pháp tình thế" mà bà Quyết Tâm sử dụng, cho thấy tình hình hỗn loạn nghiêm trọng của người nghiện ma túy, đầy dẫy tại thành phố lớn nhất nhì Việt Nam. 

Tệ nạn nghiện hút cùng với cướp trộm giết người ngày càng lộng hành như là một "căn bệnh trầm kha" của Tp.HCM. Giới công an sở tại tỏ ra không kham nổi, nên thay bằng việc "phát tờ rơi" cảnh báo cho du khách ngoại quốc - một việc làm cũng gây tranh cãi trong dư luận hiện nay - tựa nhắn gởi thông điệp "mệt mỏi và bất lực".

Cho ý kiến về việc làm này của Tp.HCM, ông Phạm Quang Nghị trả lời báo giới [5]: "Hà Nội đâu có đến mức như vậy mà phát tờ rơi". Đó chẳng khác chi, lời chê trách nặng nề về năng lực quản trị trật tự trị an đối với người đồng cấp tại Tp.HCM - Lê Thanh Hải. Người ta cũng biết hai ông này đều nằm trong số 16 người thuộc bộ Chính trị - hầu như mọi quyết sách cho nước CHXHCNVN đều từ đây mà ra.

Ông Nguyễn Phú Trọng - tư cách Tổng bí thư ĐCSVN, bị Tập Cận Bình từ chối gặp mặt khi vụ giàn khoan HD981 đặt vào vùng biển Việt Nam xảy ra trước đây. Đó là chỉ dấu của một vụ "thất bại chính trị".

Hình như không thấy sự việc đó tệ hại đến mức độ như thế nào, trong ngoại giao giữa tình trạng bơ vơ và lạc lõng, ông Trọng đã đồng thuận với Tổng thống Nam Hàn - trong một chuyến viếng thăm chính thức - "không dung thứ" Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân [6]. 

Những tưởng một chính khách hàng đầu từ một quốc gia "có chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ", nhưng nền kinh tế hầu như không tự chủ nổi, luôn hiểu rằng, không nên có những phát ngôn mang tính can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác - nguyên tắc bất di bất dịch khi giao thiệp. Đây không chỉ là lỗ hổng về kiến thức ngoại giao quốc tế quá lớn mà ông Trọng lại tỏ ra vội vã khi đồng thuận với Nam Hàn "không dung thứ" Bắc Hàn - một quốc gia cùng chung ý thức hệ với CHXHCNVN.

Mới đây, chỉ vì một tội không phải quá nghiêm trọng: chế lời hát quốc ca, viên tướng Kim Kyong Ok đã bị xử tử ngay lập tức [7] cùng với một số phụ tá thân cận khác, dù ông này được biết là một trong những người hết lòng giúp Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo. Trước việc xử tử này, ông Kim Jong Un "...cho rằng việc đó đã hạ thấp các chuẩn mực đạo đức...", chứng tỏ người đứng đầu Bắc Hàn vô cùng nghiêm khắc.

Nợ công và nợ xấu là quốc đề kinh khủng nhất hiện nay. Nơi đó cũng phát lộ mâu thuẫn tối đa, giữa ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng [8]. Ngày 15/10/2014, ông Sang cho rằng nợ công rất nguy ngập trong cách nói mà ông ta tự nhận "hơi gay gắt", thì hai tuần sau, ngày 29/10/2014, ông Dũng cho rằng "Nợ công của Việt Nam trong giới hạn cho phép". 

Trong khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, ông Hà Văn Thắm - một người nổi tiếng thuộc giới tài phiệt đã bị bắt trong một vụ án được biết là "không khắc phục được sai lầm" [9] - ông Nguyễn Văn Nên - Chủ nhiệm VPCP thông báo trước báo giới.

Liên quan đến vụ án ông Thắm, trên mạng lan truyền chóng mặt nhiều ngày qua, hàng loạt bài báo cho rằng cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương có liên quan mật thiết đến ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, cùng thân bằng quyến thuộc của ông ta. Trong các nguồn tin, có cả băng ghi âm lại những đàm thoại mang chất nội bộ tế nhị nhưng đầy ám muội giữa ông Thắm và một số người khác.

Một trong các biểu hiện nữa, chứng tỏ người CS hốt hoảng tột cùng: chĩa mũi dùi về giới bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, tôn giáo và dân oan. Họ dường như sử dụng các giới này như là công cụ hữu hiệu nhằm mục đích đánh phá lẫn nhau.

Sau khi ông Cù Huy Hà Vũ đi Mỹ chữa bệnh, nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành xử lý tranh chấp đất đai gia đình ông, với sự vắng mặt của vợ chồng ông Vũ. Một hành vi khó có thể gọi là quang minh chính đại, xuất phát từ "chính quyền" "của dân, do dân, vì dân".

Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng được Đức Giáo Hoàng tiếp xúc gặp gỡ, không bao lâu việc tranh chấp đất đai với nhà thờ Thái Hà - lâu nay âm ỉ - tiếp tục bị chính quyền thủ đô Hà Nội đẩy lên một mức độ nóng hơn nữa. Trước đó không lâu lắm, các vị trụ trì chùa Liên Trì tại quận 2 cũng bị yêu cầu di dời khỏi đó, theo hình thức tự tìm chỗ lập chùa với số tiền gọi là đền bù hơn 5 tỉ đồng.

Sau khi ông Nguyễn Văn Hải - blogger Điếu Cày bị tống khứ ra khỏi Việt Nam, giới cầm quyền Tp.HCM tiếp tục sách nhiễu và đe dọa những người thuê nhà của gia đình ông Hải, nhằm triệt đường sinh sống của người thân blogger Điếu Cày. Một hành vi càn rỡ vừa vụn vặt vừa bủn xỉn - nó không xứng với thành phố mang tên Hồ Chí Minh, vốn được biết là "vĩ đại"(!).

Đặc biệt hơn, một số tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, Lê Văn Sóc, Phạm Thanh Nghiên đã bị đánh đập dã man, vô cớ [10] hay khóa cửa nhốt họ trong nhà riêng: Điều rất lạ mà quen đối với ông Hải và ông Sóc, công an Nghệ An "..."tống" (họ) lên tầu hỏa ngồi toa ghế cứng và điểm đến là Đà Nẵng". Từ đó, ông Hải và ông Sóc tự xoay sở để về Sài Gòn. Một biểu hiện như cảnh báo"đi đâu thì đi" như lời nhắn đậm đặc chất địa phương cát cứ lâu nay.

Người CS yếu hơn bao giờ hết vào thời điểm hiện nay. Đối diện trước việc nới lỏng vũ khí sát thương, tham gia TPP, cùng nỗi bất an ám ảnh từ hàng trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu, người CS dường như không có ý định làm sao giải quyết hiệu quả những việc hệ trọng tầm quốc gia như thế? Có vẻ tầm nhìn xa - yếu tố quan trọng nhất cần có đối với những người đúng đầu quốc gia và các địa phương quan trọng - đã bị che khuất giữa phân hóa mãnh liệt hiện nay?

Tố chất để trở thành lãnh đạo

Những hiện trạng ngổn ngang và xấu xí dẫn ra như trên, cho thấy thật khó thuyết phục thế giới, khi nhìn vào người CS hiện nay, với tư cách "lãnh đạo" cần đảm bảo một số chuẩn mực tối thiểu.

Có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia về các tố chất trở thành lãnh đạo. Trong đó, một nghiên cứu và đúc kết của Robert House và Phillip Podsakoff vào năm 1994, gây nhiều chú ý. Cả hai chuyên gia này cho rằng những người có đủ khả năng trở thành lãnh đạo cần hội đủ các yếu tố sau [11]:

1. Tầm nhìn.
2. Say mê và đức hy sinh.
3. Tự tin, kiên quyết và bền bỉ.
4. Xây dựng hình ảnh tốt.
5. Gương mẫu.
6. Đại diện đối ngoại.
7. Tạo sự tin tưởng cho những người đi theo.
8. Có khả năng phát động khi cần.
9. Có khả năng liên kết trong khuôn khổ.
10. Có khả năng truyền cảm hứng.

Tạm căn cứ theo chuẩn mực thượng dẫn, để trở thành một lãnh đạo không hề là chuyện đơn giản. 

Chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Văn Hải là chuyến đi độc nhất vô nhị đối với tù nhân lương tâm Việt Nam từ trước đến nay. Cho đến ngày ông lên máy bay, không thấy một loại giấy tờ nào mà nhà cầm quyền CSVN cấp cho ông như là thủ tục cần thiết và hợp pháp để đảm bảo ông đến Mỹ trong tư cách này hay tư cách khác. Thêm vào đó, quá trình thụ án 12 năm tù, giới quan sát cũng thấy, ông chưa bao giờ nhận quyết định thi hành án chính thức có hiệu lực, cũng như bản thân ông cho biết, chưa bao giờ ký vào bất kỳ giấy tờ nào để "nhận tội".

Nó lạ lùng hơn nữa, bởi Nguyễn Văn Hải được nồng nhiệt chào đón với hàng trăm đồng hương tại Mỹ, trong không khí hân hoan, nôn nóng trông chờ một cách tự nguyện như đón một người thân yêu lâu ngày không gặp, dù tuyệt đại đa số chưa bao giờ giáp mặt trực diện ngoài đời với ông. Quang cảnh cho thấy, gần như người Mỹ gốc Việt đón tiếp một "celebrity" quốc tế. 

Nó lạ lùng, bởi lần đầu tiên yếu tố chính trị và nghệ thuật như hòa quyện thật tự nhiên, trong khi blogger Điếu Cày không phải là người có học vấn thâm cao hay sở hữu bằng cấp nào đó từ các đại học danh tiếng thế giới.

Nó càng lạ lùng khi những trang báo hàng đầu thế giới, trong đó có Bloomberg, AP v. v... đã phỏng vấn ông với tư cách một nhân vật đáng ngưỡng mộ. Cũng lần đầu tiên, đài truyền hình SBTN - một đài nổi tiếng nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại toàn thế giới - tổ chức long trọng một cuộc hội luận hơn hai giờ đồng hồ với Blogger Điếu Cày - trong phong thái giản dị mà lại tự nhiên từ chính bản thân ông toát ra, cùng những hồi đáp sắc sảo, chân thật lại dung dị.

Giả sử các tố chất để trở thành một nhà lãnh đạo được tính trên thang điểm 100 cho mỗi tiêu chí, nghĩa là tổng điểm 1.000, không rõ ông Nguyễn Văn Hải - blogger Điếu Cày sẽ ở thang bậc nào? 

(còn nữa)




_________________________________











0 comments:

Powered By Blogger