Monday, October 6, 2014

Tổ Quốc gọi tên mình

"...Muốn thay đổi một chế độ, nhất là một chế độ độc tài tham nhũng thối nát nắm quyền sinh sát trong tay, không còn con đường nào để lựa chọn ngoài một cuộc cách mạng vùng lên, dù dưới bất cứ hình thức nào thì sự hy sinh vẫn là điều tiên quyết để dành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Thà đổ máu một lần hơn là chết dần mòn trong nhục tủi. Tôi mong sẽ có một ngày được trở về để cùng với các bạn xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam, ở nơi đó không còn những ngăn cách lòng người, không có chủ nghĩa này hay chủ thuyết nọ. Chúng ta chỉ có một ngôi nhà Việt Nam để cùng yêu thương và giữ gìn. Đừng để Tổ Quốc phải thêm một lần khóc hận..."

*

Mấy ngày qua... sự kiện Hong Kong đã khiến bao nhiêu người con dân Việt trăn trở khi nhìn về Tổ Quốc thân yêu. Nhiều câu hỏi được đặt ra và so sánh giữa tuổi trẻ Việt Nam và tuổi trẻ Hong Kong. Có rất nhiều bài viết đã phân tách nguyên nhân đưa đến sự khác biệt về tư duy nhận thức của giới trẻ hai nước. Tôi đồng cảm với nhận định chung của đa số khi cho rằng có sự khác biệt trong ý thức hệ qua bối cảnh lịch sử mà tuổi trẻ Hong Kong đã may mắn được sinh ra, được hưởng một nền giáo dục văn minh-tự do của Anh Quốc. Từ trong nền tảng đã có sẵn những ý thức về Dân Chủ-Nhân Quyền, họ hiểu được giá trị đích thực của hai chữ Tự Do. Vì thế đã không có những "bạo động" đáng tiếc xảy ra từ phía sinh viên cũng như không xảy ra những sự "đàn áp" nghiêm trọng từ bên chính quyền Hong Kong, như đã từng xảy ra trong bối cảnh Việt Nam qua những cuộc biểu tình rất chính đáng khi tuổi trẻ xuống đường chống Trung Cộng xâm lược.
Tuổi trẻ Việt Nam "sinh bất phùng thời", vừa mở mắt chào đời đã phải gánh trên vai một gia tài rách nát từ những hệ lụy của cha anh để lại, sống trong một nền giáo dục bị nhồi nhét từ những chủ thuyết hoang tưởng cho đến tôn thờ lãnh tụ một cách "điên cuồng". Khi vừa biết nhìn… từ trong nhà ra đến ngoài ngõ họ (tuổi trẻ ngày nay) chỉ thấy lá cờ máu của tỉnh Phúc Kiến mà nhà cầm quyền cộng sản đã đem về bắt con dân Việt "tôn thờ" như cờ Tổ Quốc. Khi biết nghe… từ trong nhà (TV) đến ngoài ngõ họ chỉ nghe "đảng đã cho ta mùa xuân". Khi biết nói… vừa bước vào trường đã được dạy "dối trá" về năm điều bác "Hồ" dạy, được hát "ai yêu bác HCM hơn chúng em nhi đồng". Kể từ đó hình ảnh và âm thanh đã ăn sâu trong tiềm thức và hình tượng HCM ngày một "vĩ đại" qua những câu chuyện vừa đi vừa kể của bác, nghe thật xúc động, các cháu không thương, không kính nể mới là chuyện lạ.

Khi trưởng thành… qua một quá trình nhồi nhét từ học đường, những người trẻ nếu may mắn biết nhận thức và so sánh những gì mình học hoàn toàn khác biệt với đời sống xã hội, những bất công… những dối trá ngay từ trong học đường về nạn mua bán thi cử của các thầy cô. Từ đó các em tự đặt cho mình một câu hỏi và đi tìm hiểu. Sự nhận biết chưa hẳn đã được khai sáng từ đây mà còn tùy thuộc vào những trữ liệu các em nghiên cứu, nếu như ma đưa lối, quỷ dẫn đường đến nhà xuất bản Sự Thật hay Bảo Tàng Hồ Chí Minh, thì nơi đây sẽ là mồ chôn kiến thức của tuổi trẻ thêm một lần nữaxuống tận đáy vực của niềm tin.

Vào năm 2012… tôi còn nhớ đó là ngày 9 tháng 12. Trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng, tôi cùng với một số anh chị em trẻ thuộc nhóm Phong Trào Liên Kết Dân Chủ, tổ chức một buổi ca nhạc đấu tranh trên mạng để ủng hộ cuộc biểu tình trong quốc nội. Cư ngụ tại Paris khác múi giờ bên Mỹ nên tôi thức nguyên đêm để hát yểm trợ tinh thần các nhà đấu tranh dân chủ cho đến khi cuộc biểu tình bên VN bắt đầu và bị đàn áp giải tán ngay sau đó. Vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc biểu tình ngày hôm ấy, nên khi thấy cuộc biểu tình chỉ xảy ra trong vòng một tiếng đồng hồ, liền lập tức bị công an đàn áp và giải tán, khiến tinh thần tôi suy sụp và đau lòng, tất cả sức chịu đựng của một đêm không ngủ đã khiến tôi ngã quỵ. Đau buồn ngồi nghe lại bản nhạc "Còn Ai Thương Dân Tôi" của nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ từ thơ của Đinh Tuấn… và tôi khóc. Sau những cảm xúc đớn đau tôi không cho phép mình ngã gục, và tôi đã ngồi dậy đi tìm những bản hùng ca để hun đúc lại tinh thần. Vô tình nhìn thấy bài hát với tựa đề "Tổ Quốc Gọi Tên Mình", vừa mở ra nghe, thấy hai nhân vật trong bộ quân phục mà hẳn quý vị cũng đồng ý với tôi rằng… quân trang quân dụng của quân đội nhân dân Việt Nam là rập khuôn của tàu. Đang trong lúc đau buồn và mang nặng thành kiến, nên tôi đã bỏ qua cơ hội nghe bài nhạc "Tổ Quốc Gọi Tên Mình".

Khi phong trào tuổi trẻ học sinh/sinh viên Hong Kong xảy ra. Cả đêm đó tôi cũng không sao chợp mắt, cứ chạy ra chạy vào trong Internet để theo dõi tin tức cập nhật. Lòng cứ như lửa đốt và cầu nguyện cho tuổi trẻ Hong Kong, cầu nguyện cho chính quê hương mình. Mỗi khi xảy ra một biến cố gì trong quốc nội, hay có một tia hy vọng nào đó cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài, là tôi lại đứng ngồi không yên. Những lúc như thế… thường là tôi hát một mình hoặc đi tìm nghe nhạc đấu tranh. Lại một lần nữa tôi nhìn thấy bài hát "Tổ Quốc Gọi Tên Mình". Thật ra tôi không phải người mang nặng thành kiến với dòng nhạc trong nước sau năm 1975, lần trước tôi "xấu tánh" là do ảnh hưởng từ tâm trạng.

Tôi đang nghe… Tổ Quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa- Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ Quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây
Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau….
(Tổ Quốc Gọi Tên Mình)

Âm nhạc là những cung bậc có cùng một ngôn ngữ dành cho tất cả loài người trên thế gian này, ở nơi đó không có sự khác biệt về màu da, không có những ràng buộc bởi ý thức hệ. Tôi đang nghe từng dòng máu chảy cuộn trong tim mình….

Tổ Quốc của tôi… Tổ Quốc của tôi…
Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển đông.
(Tổ Quốc Gọi Tên Mình)

Mỗi lời nhạc đã ăn sâu vào tâm thức, trong tôi giờ chỉ còn Hồn Người Việt Máu Đỏ Da Vàng.

Tôi lần mò đi tìm tên tác giả. Được biết bài hát ra đời từ tháng 7 năm 2011 vào lúc tình hình biển đảo đang căng thẳng. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã cảm tác bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình vào tháng 6 năm 2011, trên chuyến bay từ Hà Nội đến Frankfurt (Đức Quốc), và được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành ca khúc. Qua tùy bút của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai… Bài hát sau đó đã được vinh danh và nhận rất nhiều giải thưởng, xin trích nguyên văn:

Rồi bài hát được công bố, được trình diễn trên những sân khấu lớn, và ngay lập tức lan tỏa đến nhiều tầng lớp công chúng. Chỉ trong năm 2011, bài hát đã được vinh danh với các giải thưởng chuyên môn quan trọng như Giải A năm 2011 của Hội Âm nhạc Tp. Hồ Chí Minh, Giải A năm 2011 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giải Nhì, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuậtTp. Hồ Chí Minh năm năm lần thứ nhất (2006 - 2011). Hơn hai năm sau ngày ra đời, bài hát vẫn còn nóng hổi trên môi nhiều người Việt và liên tục lên sóng truyền hình. Hiện nay, đã có hơn 1 triệu lượt người lắng nghe bài hát chỉ riêng trên trang Mp3.zing.vn

Vậy thì tại sao những cuộc xuống đường chống Trung cộng xâm lược lại quá ít ỏi những bóng dáng của những người con khi "Tổ Quốc Gọi Tên" mình….? (*)

Kiểm lại một số hình ảnh xuống đường biểu tình liên quan đến ý đồ xâm lược của Trung cộng kể từ sau ngày bài hát ra đời, so với gần 90 triệu dân mà chỉ có bấy nhiêu người tham gia xuống đường thì quả thật đau lòng cho tác giả. Xem qua nhiều Video clip, tôi có thể nhìn ra cảm xúc của nhiều người khi hát lên bài hát này. Tổ Quốc ai mà không yêu chứ. Nhưng sao tất cả vẫn dửng dưng… vẫn thụ động ngay cả lúc Trung cộng đem giàn khoan HD981 đặt ngay trên vùng biển của Tổ Quốc mình? Hỏi nghĩa là trả lời… TẤT CẢ ĐỀU DO CHÍNH SÁCH TIÊU DỊÊT DÂN KHÍ VÀ MỊ DÂN của nhà cầm quyền đã khiến tinh thần tuổi trẻ không còn sức đề kháng, vì thế khi Tổ Quốc gọi tên, tuổi trẻ vẫn như những chú nai vàng ngơ ngác trước cơn giông bão đang vây bủa trên số phận của Dân Tộc.

Kể từ ngày đảng Cộng sản xâm chiếm miền Nam dưới chiêu bài "giải phóng". Đảng lập tức đưa ra những chính sách đàn áp, khủng bố tinh thần, bần cùng hóa con người xuống tận đáy địa ngục trần gian. Xóa bỏ vết tích lịch sử, thay vào đó một nền giáo dục hoàn toàn đi ngược với nền tảng giá trị đạo đức của tiền nhân đã bao đời gầy dựng. Lịch sử đã được viết lại như thể đất nước này thành lập và có ngày hôm nay là nhờ công ơn của bác và đảng. Đảng đã cho ta mùa xuân, đảng đã cho ta tất cả… mà đảng chỉ mới xuất hiện trong vòng 80 năm qua, vậy thì hơn bốn ngàn năm trước chúng ta sinh ra từ đâu? Trách ai đây…. một khi tinh thần dân tộc không phải tự nhiên mà có được, tất cả đều phải được hun đúc qua những chiến công hiển hách của các bậc tiên liệt để nuôi dưỡng niềm tự hào trong tâm khảm mỗi người, và từ đó con cháu noi theo mà giữ Nước.

Bài thơ/bài hát "Tổ Quốc Gọi Tên Mình" theo đúng là một lời kêu gọi tinh thần dân tộc rất giá trị. Nếu như nhà cầm quyền cho tuổi trẻ biết rõ mưu đồ xâm lược của Trung cộng, nếu như trên TV trên báo chí hàng ngày đưa những tin SỰ THẬT về hiện tình đất nước cùng với bài hát Tổ Quốc Gọi Tên Mình, tôi tin chắc cuộc xuống đường chống quân xâm lược phương bắc không chỉ là nghìn người, mà sẽ là triệu triệu những bước chân Việt Nam cùng với khí thế Diên Hồng đánh đuổi quân xâm lược không còn một manh giáp. Đừng khinh thường TUỔI TRẺ VỊÊT NAM… một khi họ nhìn ra được vấn đề, nhà cầm quyền nghĩ có đủ sức giết hết tuổi trẻ không, chưa kể đến lúc đó tôi tin rằng Quân Đội Nhân Dân cũng sẽ không còn nghe lời đảng để giết hại đồng bào mình, vì quân đội được thành lập để bảo vệ đất nước, bảo vệ đồng bào. Cả một quân đội tôi không tin tất cả đều mất nhân tính, tôi tin một số nào đó đang chờ một ngọn GIÓ thổi bùng, đến lúc đó… những viên đạn mà nhà cầm quyền sử dụng để đè đầu cưỡi cổ người dân trong bốn mươi năm qua, sẽ được bắn ra từ lương tri của những người con Đất Việt. Lá rụng rồi đây sẽ về cội.

Và bây giờ… xin mời quý vị nghe bài hát "Tổ Quốc Gọi Tên Mình" qua tiếng lòng của Hạt sương khuya…


Vâng, đó chính là tiếng gọi của Hồn Thiêng Sông Núi. Giọt máu Hoàng Sa hay Trường Sa cũng chảy từ dòng máu Lạc Hồng. Tôi đang đồng hành với các bạn, những người tuổi trẻ hôm nay, những người còn mang kiếp nô lệ trên chính quê hương mình, hãy cùng tôi ra biển lớn, hãy cho thế giới này biết rằng… Tuổi Trẻ Việt Nam không thua bất kỳ tuổi trẻ nào trên thế giới về tình yêu Tổ Quốc. Các bạn trẻ ơi… Quê Hương này là của chúng ta, Đất Nước này là của tất cả con dân Việt, không ai có quyền chiếm giữ làm của riêng. Nhà cầm quyền đã không còn đủ chính nghĩa để lèo lái con thuyền nước Nam, họ đã đem giang san này dâng hiến cho Tàu Cộng để đổi lấy quyền lực, và họ đã dùng chính quyền lực đó để thao túng mọi vấn đề liên quan đến Chính Trị- Văn Hóa- Kinh Tế. Đừng trông mong gì ở nơi những con người dám đem cả Tổ Quốc đi bán cho ngoại bang, hãy đứng thẳng người đối diện với những vấn nạn hôm nay… đâu rồi… những người con khi Tổ Quốc Gọi Tên chúng con sẽ có mặt? Các bạn nghĩ gì qua những câu nói của một người sinh viên trẻ 17 tuổiJoshua Wong đang làm nên cuộc cách mạng đấu tranh đòi dân chủ cho Hong kong: "Tôi chưa đủ tuổi để lái xe, nhưng tôi đủ trưởng thành để thay đổi một thế hệ" và còn nữa… "Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính chúng tôi". Nghe có thấm không hỡi những người con đất Việt? Nếu không thể làm anh hùng để tạo nên thời thế, thì hãy nắm giữ thời cơ đang diễn biến tại Hong Kong để trở thành những anh hùng của Dân Tộc Việt. Tổ Quốc linh thiêng… Tổ Quốc linh thiêng…

Những lời ca thắp sáng Hồn Dân Tộc
Cháy rực tim khơi dậy lửa tin yêu
Xiết chặt tay vượt ngọn sóng thủy triều
Đem hy vọng xóa tan gông cùm đỏ…
Dậy mà đi hỡi anh em tôi đó
Còn chờ chi không góp sức chung vai
Đất Phương Nam không thiếu những anh tài
Giòng Lạc Việt đã bao đời vinh hiển…
Gương Trưng-Triệu uy linh còn tỏa sáng
Sóng Bạch Đằng vang dội khí Hùng Anh
Phận cháu con chịu khuất phục sao đành
Nhục Quốc thể, nhục Hồn Thiêng Sông Núi.
Toàn dân hỡi có nghe chăng tiếng gọi
Trống Tự Do đang hối thúc lên đường
Muôn triệu người từ khắp bốn muôn phương
Cùng thắp sáng ngọn lửa thiêng Dân Tộc
Tuổi trẻ hỡi… nhìn non sông gấm vóc
Có đau không… Thác Bản Giốc không còn
Có xé lòng… khóc hận Ải Nam Quan
Có tự hỏi… Việt Nam còn hay mất ?
Có thấy không… Hoàng- Trường Sa vuốt mặt
Máu bao người nhuộm mặn sóng biển đông
Còn chờ chi mà không dục trống đồng
Thề quyết chiến-Hội Diên Hồng- quyết tử.

Muốn thay đổi một chế độ, nhất là một chế độ độc tài tham nhũng thối nát nắm quyền sinh sát trong tay, không còn con đường nào để lựa chọn ngoài một cuộc cách mạng vùng lên, dù dưới bất cứ hình thức nào thì sự hy sinh vẫn là điều tiên quyết để dành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Thà đổ máu một lần hơn là chết dần mòn trong nhục tủi.

Tôi mong sẽ có một ngày được trở về để cùng với các bạn xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam, ở nơi đó không còn những ngăn cách lòng người, không có chủ nghĩa này hay chủ thuyết nọ. Chúng ta chỉ có một ngôi nhà Việt Nam để cùng yêu thương và giữ gìn. Đừng để Tổ Quốc phải thêm một lần khóc hận.

Paris 05/10/2014




__________________________________

Chú thích:



0 comments:

Powered By Blogger