Giới thiệu: Tuổi trẻ Việt Nam chậm tiến về nhận thức chính trị hơn
các tuổi trẻ các nước khác. Đó là sự thật. Nhưng không phải tại các em.
Nhận thức của các em sinh ra là những tờ giấy trắng, xã hội Việt Nam
(trong trường hợp này là cơ chế CS) qua các phương tiện tẩy não đã viết
lên đó một màu đen lạc hậu. Bài viết dưới đây, viết 9 năm trước, để phân
tích bịnh “nói trễ và nói dối” tại Việt Nam. Phần sau của bài
viết tôi dành phê bình các chi tiết sai của nhà văn Lê Lựu khi viết về
thành phố Boston, nơi tôi đang sống, trong tác phẩm Một thời lầm lỗi và
Trở lại nước Mỹ của ông. Tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ đã
được đăng báo nhiều kỳ và xuất bản nhiều lần tại Việt Nam. Ngày nay, sở
dĩ đa số tuổi trẻ Việt Nam còn “hát như vẹt”, sống như “chim công
nghiệp” cũng tại vì những cây bút “chống Mỹ cứu nước” như thế này.
Những “nhà văn”, “nhà thơ” này là dầu, nhớt, mỡ của bộ máy độc tài toàn
trị CS. Một khi họ trở thành cặn bã, bị cơ chế đào thải, bỏ rơi, lại có
một lớp khác lên thay tiếp tục là nô bộc cho chế độ. Nhân việc so sánh
tuổi trẻ Hong Kong và tuổi trẻ Việt Nam, xin chia sẻ bài viết với các
bạn để thấy tai họa của cây bút vô trách nhiệm, thiếu tư cách đạo đức,
đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng tư duy vẫn còn ở trong rừng:
Sinh viên, học sinh Việt Nam vẫn nghĩ khẩu hiệu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” là câu nói bất hủ của ông Hồ. Thật ra, câu nói đó lấy ý từ câu “Nhất niên chi kế, mạc như thọ cốc, thập niên chi kế, mạc như thọ mộc, bách niên chi kế, mạc như thọ nhân”, nghĩa là: “Kế
hoạch cho một năm, không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm,
không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm, không gì bằng trồng
người” trong văn học Trung Quốc.
Dù sao, sau hơn nửa thế kỷ trồng người, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa
tại Việt Nam, ngoài việc sinh ra các tình trạng mà Giáo sư Hoàng Tụy gọi
là “nguy kịch” như chạy theo bằng cấp, bằng giả, học giả, làm luận án
thuê v.v.., còn gây ra hai căn bịnh rất phổ biến trong xã hội Việt Nam,
theo tôi, còn trầm trọng và khó chữa trị hơn nhiều, đó là bịnh nói trễ
và nói dối.
Trẻ con trung bình vào khoảng hai, ba tuổi là bắt đầu tập nói. Nếu đến
bốn tuổi mà chưa nói được, đứa bé sẽ bị xem như mắc triệu chứng nói trễ.
Theo các tài liệu y khoa, đây không phải là căn bịnh làm chết người
nhưng vẫn là một mối lo canh cánh bên lòng các bậc cha mẹ khi nghĩ đến
việc con mình không biết nói. Chúng ta không hiểu được nỗi lòng của các
em bé, nhưng chắc các em cũng khổ tâm ghê lắm khi không nói được một
cách bình thường như những đứa trẻ khác.
Tôi không biết Việt Nam có bao nhiêu em bé bị mắc phải triệu chứng nói
trễ, tuy nhiên, phát biểu trễ, trong đó tính chung cả nói và viết, thì
rất đông. Ðông đến nỗi, khi có một em phát biểu được những gì em suy
nghĩ, ai nấy đều xem đó như một hiện tượng lạ, không những cha mẹ em
mừng, anh chị của em mừng, bà con em mừng, mà tám chục triệu đồng bào
trong nước và cả hai triệu người Việt ở hải ngoại cũng mừng theo.
Ðó là trường hợp của em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11A18 trường THPT
Việt Ðức, Hà Nội. Trong lúc Autism Spectrum Disorders là do sự phát
triển chậm của khu vực nói trong hệ thần kinh trẻ em, bịnh nói trễ ở
Việt Nam là do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa gây ra và tồn tại không chỉ
trong trẻ em mà cả trong nhiều người lớn tuổi.
Nhận xét của em Phi Thanh về đề thi “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải khá nhiều, tôi chỉ trích một đoạn ngắn: “Em
nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược
khen–chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích,
chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và
việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải
chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta
chưa được “mới”? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã
khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn
nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một
bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.”
Sự đồng tình của nhiều người, nhiều giới, trong đó có một số người đang
làm công tác giáo dục, về bài viết của em Phi Thanh, chứng tỏ sự khát
khao, chờ đợi của người dân dành cho một tiếng nói trung thực, một phản
ứng tích cực thay vì rập khuôn một cách thụ động theo dấu chân của đảng
trên con đường mòn giáo dục xã hội chủ nghĩa như năm chục năm qua.
Nền giáo dục vẹt tồn tại trong xã hội Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã
giết chết mọi mầm mống sáng tạo tự nhiên trong con người. Không một giáo
án, giáo trình, diễn văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo nào mà không
trích dẫn vài “lời dạy” của các lãnh tụ cộng sản. Sự nô lệ trí thức như
là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua
nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính
sáng tạo trong con người.
Trong lúc bịnh nói trễ dù sao cũng tùy trường hợp mỗi người, bịnh nói
dối là cả một hệ thống, dối có chủ trương, dối có sách vở, dối có tổ
chức. Ðó chính là một hậu quả tai hại khác của nền giáo dục xã hội chủ
nghĩa tại Việt Nam nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung.
Vì hoàn cảnh, con người phải lừa dối nhau để tồn tại. Ðiều đó đôi khi
còn có thể thông cảm. Thế nhưng một tác phẩm văn học xây dựng trên sự
lừa dối và nhằm mục đích lừa dối người khác là một điều không thể chấp
nhận được. Rất tiếc, việc hình thành một đội ngũ của những người viết
dối để phục vụ cho chế độ, cũng là một trong những đặc điểm của nền giáo
dục xã hội chủ nghĩa.
Ðể chứng minh cho tính nói dối trong văn học Việt Nam, tôi xin giới
thiệu đến độc giả một đoạn văn của nhà văn Lê Lựu viết về thành phố
Boston, nơi tôi đang sống, trích trong tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ của ông, do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2000.
Trước khi đánh máy lại đoạn văn của nhà văn Lê Lựu, tôi xin giới thiệu
vài dòng về Boston, để độc giả chưa đến hay chưa biết nhiều về thành phố
lịch sử này của nước Mỹ, có một khái niệm tổng quát về thành phố.
Boston là trung tâm lịch sử và một trong những thành phố trù phú nhất
của liên bang Hoa Kỳ. Nơi đây, từ bốn trăm năm trước đã có những di dân
đầu tiên trên chiếc tàu Mayflower giong buồm tiến vào vịnh Provincetown,
Cape Cod. Tên tuổi và địa danh của những quận như Concord, Lexington,
Bunker Hill đã đi vào lịch sử vẻ vang của cuộc chiến tranh giành độc lập
từ tay đế quốc Anh. Boston cũng là thành phố kỹ thuật lớn, với hàng
trăm công ty kỹ thuật cao cấp nằm hai bên các xa lộ chung quanh thành
phố, và là trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới với Đại học Harvard, Học
viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Đại học Boston, Đại học
Massachusetts và hàng chục trường đại học tên tuổi khác.
Theo thống kê năm 1990 (thời gian nhà văn Lê Lựu đến thăm), Boston có
dân số là 574.282 người, với lợi tức trung bình của một gia đình Boston
khoảng 40 ngàn Mỹ kim một năm. Giống như các thành phố lớn khác của Mỹ
trong xã hội tư bản, bên cạnh sự thịnh vượng của thành phố, Boston cũng
có những người không nhà. Hai lý do chính của tình trạng không có nơi ở
(homelessness) là lợi tức tăng chậm hơn tiền mướn nhà và giá nhà ở tại
Boston quá cao. Mỗi năm, Thị trưởng Boston công bố một thống kê chính
thức về tình trạng không nhà của người dân Boston và các biện pháp ngăn
ngừa. Năm 1992, Boston có 4411 người không có nơi riêng để ở và phải ở
trong các khu nhà tạm trú (shelter) do chính phủ cung cấp với điều kiện
sống chật chội và thiếu tiện nghi hơn ở nhà riêng.
Và sau đây là đoạn văn tả thành phố Boston của nhà văn Lê Lựu sau chuyến viếng thăm Boston của nhà văn vào năm 1989:
“Boston, thủ đô của nền văn hóa sang trọng, lịch lãm nhất nước Mỹ.
Nhìn về Boston, người Mỹ có thể vênh vang ngửa mặt ra bốn phương mà kiêu
ngạo, mà tự tin chỉ cần mặc chiếc quần soóc, chiếc áo may ô, bất kể đàn
ông hay đàn bà có thể nghênh ngang đi khắp trái đất, không thèm nhìn
ai. Vậy mà giữa bão tuyết của đêm mùa đông ngoài trời có hơn 130 ngàn
người không cửa, không nhà. Chị Liliên (bạn của nhà văn và là người làm
việc ở trung tâm cứu trợ người nghèo) nói: Con số này tự tôi và đồng
nghiệp của tôi đã đi đếm suốt đêm. Bằng mọi cách phản đối, kiến nghị lên
chính phủ địa phương, chính phủ liên bang và kêu gọi lòng từ thiện của
nhân dân, đến nay mới kiếm được chỗ ở cho 54 ngàn người, còn 77.600
người vẫn đêm đêm nằm lại vườn hoa và hè phố. Nhưng trong thực tế sẽ lớn
hơn nhiều so với 77.600 vì mùa đông năm ngoái chúng tôi chưa đếm lại.”
Và trong đoạn sau, nhà văn Lê Lựu so sánh Boston và Hà Nội: “Ở đất
nước ta nghèo túng là thế, ở thủ đô có số dân bằng số dân Boston, mà đã
ai trông thấy, đã ai đếm được con số một nghìn người đêm đêm lăn lóc ở
lề đường, trong các vườn hoa Hà Nội! Sự giàu sang ở Hà Nội không thể đem
so sánh với Boston. Ai làm công việc đó được coi như kẻ mắc bịnh tâm
thần, kẻ dở hơi. Nhưng sự vất vưởng của con người Boston đem so sánh với
Hà Nội cũng là giữa trời và vực”.
Nếu những dữ kiện của nhà văn Lê Lựu viết ra là đúng thì Boston, thành
phố đầy kiêu hãnh của nước Mỹ, trong mùa đông đã có gần một phần tư dân
số phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Số người do chị Liliên nào đó và các bạn chị đếm cao hơn con số do Thị
trưởng Boston công bố gấp 30 lần! Con số của chị Liliên chỉ cần đúng một
nửa thôi, chẳng những Thị trưởng Boston mất chức, Thống đốc bang
Massachusetts mất chức, mà cả Tổng thống Mỹ cũng phải từ chức vì nạn đói
năm Ất Dậu ở Việt Nam hình như đang tái diễn ngay tại quốc gia cường
thịnh nhất thế giới này. Chị Liliên (tạm cho là một nhân vật có thật),
trong tư cách là người làm việc cho một cơ quan xã hội và hẳn nhiên am
tường tình trạng không nhà, đào đâu ra con số vô cùng khủng khiếp và phi
lý đến thế? Hình ảnh 130 ngàn người lay lắt trong một thành phố với
diện tích 125 cây số vuông như Boston, ngay cả đạo diễn các phim chiến
tranh thế giới, chắc cũng không nghĩ ra. Boston, nếu quả thật như vậy,
không còn là thành phố cảng tuyệt vời và là quê hương của John F.
Kennedy, George Herbert Walker Bush, Quincy Adams, John Quincy Adams,
Henry Wadsworth Longfellow, Ralph Waldo Emerson, Emily Dickinson mà là
Rwanda, Bangladesh, Ethiopia.
Và cho dù chị Liliên là người có thật và thích bịa chuyện đi nữa, trong
tư cách một nhà văn đã viết nhiều tác phẩm, không phải lần đầu tiên
viếng thăm Mỹ, nhà văn Lê Lựu cũng nên có một thái độ nghi ngờ dữ kiện
cần thiết, một lý trí trưởng thành để cân nhắc và đánh giá những gì nhà
văn nghe, nhà văn thấy, trước khi cầm bút viết lại câu chuyện và in
thành sách.
Và “một thời lầm lỡ” in thành sách rồi, khi tái bản vào năm 2000,
nhà văn cũng nên xét lại những đoạn viết dối quá lố lăng để khỏi làm
trò cười cho độc giả, nhất là các em du học sinh đang theo học tại
Boston. Nhưng không, nhà văn vẫn nghĩ rằng những dữ kiện lạ lùng đó là
sự thật và in lại mà không cần cắt bỏ. Nếu tác phẩm hay đoạn văn đó được
dịch sang tiếng Anh, độc giả Mỹ sẽ nghĩ sao về tư cách và trình độ kiến
thức phổ thông của một nhà văn Việt Nam?
Chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.
Người Mỹ bỏ tiền mua vé máy bay cho nhà văn, lo chỗ ăn chỗ ở, đưa đón,
hướng dẫn tham quan, tiếp xúc, thảo luận, không phải để nhà văn ca ngợi
nước Mỹ hay chửi cha mắng mẹ họ, nhưng chính là để nhà văn được thấy sự
thật và mang về lại Việt Nam sự thật của đời sống Mỹ, con người nước Mỹ,
và qua trung gian nhà văn, các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội hội nhập
vào thế giới trong tinh thần cảm thông và đối thoại.
Nhà văn may mắn được đi tham quan nước ngoài, lẽ ra nên mang về lại nhà
những tin tức khách quan, những cái mới, cái hay cái đẹp đang xảy ra
phía bên kia ô cửa của ngôi trường nhỏ hẹp, để giúp cho sinh viên học
sinh cơ hội được nhìn xa hơn, rộng hơn đến những chân trời văn minh của
nhân loại. Nếu không được như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, thì nhà
văn cũng không nên đào sâu thêm hận thù, ganh ghét trong lòng người dân
hai nước.
Ðọc xong tác phẩm Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ, các em học
sinh Việt Nam có thể nghĩ rằng không chỉ Việt Nam nghèo nàn, mà ngay cả
một siêu cường cỡ Mỹ cũng đang khốn đốn vì miếng cơm manh áo; không
phải chỉ Việt Nam có những kẻ khố rách áo ôm, mà nước Mỹ cũng đầy những
cảnh đầu đường xó chợ.
Thưa nhà văn, thời đại của “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”
đã qua xa rồi. Hãy để cho các em có cơ hội được thấy những đổi thay bên
ngoài đất nước. Không có sự so sánh thì làm sao các em biết nỗ lực để
vươn lên.
Nhà văn cũng không cần phải bôi đen thành phố lịch sử Boston của Mỹ chỉ
để chứng minh cho cái nghèo nhưng sạch, rách nhưng thơm của Hà Nội như
là “giữa trời và vực”. Kỹ thuật tự khen mình bằng cách bêu xấu đối
phương không phải tư cách của một người lương thiện, và tương tự, hạ
thấp giá trị của thành phố nhà văn đang thăm viếng chỉ để biện hộ cho
cái mặc cảm nghèo nàn của một thành phố Việt Nam không phải là cách viết
của một nhà văn trưởng thành và thái độ của một con người lịch sự.
Hà Nội không cần nhà văn ca ngợi hay binh vực bằng phương cách đó. Trong
trái tim của mỗi người Việt Nam, dù trong nước hay ngoài nước, Hà Nội
tuy nghèo, Hà Nội tuy xưa, Hà Nội tuy cũ, nhưng Hà Nội vẫn uy nghi như
một trung tâm văn hóa lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Nếu ai
nói khác hay khinh thường Hà Nội, không đợi đến nhà văn đứng ra bảo vệ
mà tám chục triệu người, trong đó có kẻ viết bài này, sẽ làm công việc
đó. Ca ngợi Hà Nội như cách của nhà văn chẳng khác gì trét bùn lên một
bức tranh tuyệt mỹ.
Ðộc giả sẽ thắc mắc, làm thế nào một nhà văn như đại tá Lê Lựu lại có
thể viết những chuyện xa vời thực tế như thế. Câu trả lời chắc sẽ dành
cho nhà văn mặc dù những tham luận, bút ký có khả năng giết người vẫn
nhan nhản trong xã hội cộng sản, sá chi là chuyện vài con số tuyên
truyền. Với tôi, câu trả lời rơi vào một trong hai trường hợp, nếu chị
Liliên không nói thì chính nhà văn đã viết dối và nếu chị Liliên không
biết đếm thì nhà văn là người không có khả năng phân biệt sự khác nhau
giữa giả dối và thành thật.
Chúng ta thường lo âu về những tình trạng chậm tiến về khoa học kỹ
thuật, nghèo nàn lạc hậu về kinh tế, nhưng nghĩ cho cùng, cái nghèo đói
trí thức, nghèo đói tinh thần, nghèo đói đạo đức tại Việt Nam còn trầm
trọng và thúc bách hơn nhiều.
Với óc cần cù, thông minh của người Việt và cơ hội học hỏi khắp năm
châu, chúng ta không phải quá lo lắng về một nền khoa học hiện đại, một
nền kỹ thuật hiện đại. Ðiều đáng lo lắng nhất vẫn là làm thế nào để có
những con người Việt Nam biết sống lương thiện và thành thật, làm thế
nào có được một nền giáo dục biết đặt cơ sở trên tinh thần nhân bản, dân
tộc và khai phóng thật sự làm nền tảng cho một xã hội dân chủ pháp trị
tiên tiến trong tương lai. Ðó là một cuộc cách mạng tư duy và tâm thức
lâu dài.
Mới chỉ năm mươi năm thôi mà các giá trị luân lý, đạo đức Việt Nam đã
suy đồi và băng hoại đến thế này, nếu đợi đúng “một trăm năm trồng
người” xong thì đất nước sẽ ra sao?
0 comments:
Post a Comment