Sunday, September 14, 2014

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Mấy hôm nay trên các báo chí, các đài truyền hình, trên các web site, các blog và các face book nổ ra một lượng thông tin lớn về cuộc triển lãm cải cách ruộng đất (1946 – 1955) tại Hà Nội, cơn bão thông tin như xới lên vết đau mà lâu lắm rồi, 60 năm tưởng chìm vào quên lãng, chí ít là cũng tạm ngủ yên vì không mấy ai nhắc đến nữa. Bao nhiêu cảm xúc được phơi bày cho thấy quả thật là một cuôc “cách mạng long trời lở đất” trong quá khứ còn hằn dấu cho đến hôm nay, cái kiểu phản ứng như vậy chắc không biết bao giờ sẽ là quên lãng.
Cuộc cải cách ruộng đất năm ấy ghi một dấu ấn sâu đậm vào cuộc sống gia đình tôi, cách riêng cha tôi mà cho đến giờ chết ông vẫn còn chưa nguôi ngoai nỗi buồn. Không riêng gì gia đình tôi nhưng hết thảy các gia đình ở miền bắc đa phần đều hứng chịu, người cách này kẻ cách khác, kẻ cả những gia đình đã vào nam trước nhưng vẫn có liên hệ với họ hàng thân thuộc ở lại miền bắc.
Năm 1945 khi việt minh nổi dậy cướp chính quyền, Cha tôi, người thanh niên vội vàng bỏ lại vợ trẻ và hai đứa con ở miền quê nghèo nàn của mình trốn lên thành thị để tránh bị ruồng bắt, Cha tôi chẳng làm gì trong “món nợ máu” nhân dân, nhưng ông bị tìm bắt chỉ vì ông hoạt động làm chánh hội Nam thanh (hội thanh niên Công giáo trong Giáo xứ thời bấy giờ), như thế họ kể là lực lượng đối kháng với họ. Mẹ tôi kể “bố vừa thoát ra khỏi nhà ban chiều sập tối thì nửa đêm họ ập vào nhà tìm kiếm tra khảo mẹ”. Mẹ tôi đưa người con cả trốn lên sau, ông nôi tôi bắt giữ đứa con trai thứ hai ở lại để “hương khói tổ tiên”. Sau này, mẹ tôi tìm cách trở về làng tổ chức bắt lại đứa con thứ hai của mình, Cha tôi đạo diễn vụ này vì không chịu được cảnh “cứ xới cơm lên là mẹ khóc vì mất con”.
Cuộc bắt cóc lại đứa con trai được thực hiện vào đúng ngày lễ Đức Mẹ lên Trời bổn mạng của Giáo họ, mọi người vui vẻ tham gia cuộc rước kiệu, ông nội tôi mải mê đọc kinh đi theo kiệu, anh tôi thoát ra vì thím út cho mật lệnh, hai mẹ con gặp nhau ở bãi tha ma rồi cắm đầu chạy, cuộc đào tẩu ban đêm, chạy băng qua các cánh đồng không dám chạy trên đường sợ bị bắt lại, khi đến được nơi an toàn đó là bến đò, hai mẹ con xuống núp ở một canô chở chiếu đi buôn, mẹ tôi mới phát hiện ra túi bánh kẹo cha tôi mua dặn bà trao cho thím út mang về làm quà cho mọi người còn đeo nguyên bên người. Sau này năm 1975 các anh tôi phải đi tù cải tạo, nhiều tháng ngày không tin tức, một lần nữa mẹ tôi thực hiện những chuyến đi băng rừng tìm con, bà lồng lộn lên như con thú bị mất con mình và quyết tâm dành lại cho bằng được.
Ngày được tin ông nội tôi mất, cả nhà bao trùm một bầu khi thê lương, cha tôi ngồi rầu rĩ không nói gì, mấy ngày trôi qua trong im lặng đáng sợ, chỉ có tiếng thở dài của cha và của mẹ, thỉnh thoảng các chú tôi đến mấy anh em lại ngồi vò đầu thở dài với nhau, mấy ngày sau cha tôi tổ chức lễ phát tang rồi đi dâng lễ ở nhà thờ, tối tối đọc kinh trong nỗi buồn hiu hắt. Sau này nhờ Ủy hội Quốc tế, các danh thiếp liên lạc bắc nam chúng tôi biết rõ hơn về cái chết của ông, sau 30 tháng Tư năm 75, chính cô tôi vào nam kể lại rõ ràng hơn về cái chết.
Ông tôi, một nông dân nghèo, sở hửu 2 công ruộng bị chọn làm địa chủ rồi lôi ra đầu tố, cả cuộc đời chân lấm tay bùn, cày cấy trên chính mảnh ruông của mình còn không đủ ăn lấy ruộng đâu ra cho tá điền làm thuê, tính tình nhân hậu, cho người hàng xóm mượn vài yến thóc, cái lòng nhân hậu là nguyên nhân để kết tội địa chủ. Người ta vin vào việc có thóc cho vay, chính người hàng xóm vay thóc đã quay ngược lại tố cáo ông tôi, rồi mấy người trong xóm theo phong trào nhảy dựng lên kể tội, kể cái tội “lắm của nên phè phỡn sáng chiều đến nhà thờ đọc kinh” !!! Tòa án nhân dân quyết định xử tử hình. Đêm trước ngày thi hành án, cô tôi nắm một nắm cơm bò vào sân đình nơi nhốt ông tôi để ông tôi ăn đỡ đói, khi bò vào đến nơi trói ông tôi, sờ vào người thì ông tôi đã mất rồi, người cứng đờ không còn biết gì nữa, sợ quá không dám phản ứng gì, cô tôi lẳng lặng bò ra. Hôm sau họ đem xác ông ra vùi ngoài bãi tha ma, đền con ruột cũng không dám thắp nhang cho bố, mãi sau này mới đem cải táng về chung trong lăng mộ của gia tộc.
Cũng sau năm 75, kẻ hàng xóm cầm đầu đứng lên đấu tố ông tôi tìm vào nam, ông ta đến thăm cha tôi và ngỏ lời xin lỗi, cha tôi lẳng lặng không nói gì, cũng chẳng trách cứ lời nào, sau bữa cơm mời khách, cha tôi bảo mẹ tôi cho họ ít tiền xe. Người khách về rồi, cha mẹ tôi bùng nổ xung đột, khi có khách bà nhịn không nói, khách đi rồi bà chẳng nể nang gì, cha tôi vẫn lẳng lặng không nói gì, gương mặt ông hằn lên nỗi đau khổ. Sau này khi ông đau nặng, những ngày tôi kề cận bên ông nghe ông tâm sự, ông bị dằn vặt về tội bất hiếu, vắng mặt trong những ngày đau khổ của cha mình.
Không ai có thể đo được sự tàn phá của môt chính sách sai lầm,. nỗi đau len lỏi vào tận từng tâm hồn con người nạn nhân, di chứng đến nhiều thế hệ. Cái cách thi hành chính sách sai lầm làm sụp đổ cả một hệ thống đạo đức xã hội, tình làng nghĩa xóm, đạo đệ huynh đảo lộn rồi tan tành, nó cắt nghĩa tại sao tội ác hoành hành và con người ngày nay giết nhau không gớm tay.
Người tin vào Chúa đứng trước thách đố vô cùng to lớn, nếu thật sự vững tin vào Chúa phải chứng minh đươc Tin Mừng có sứa hàn gắn, chữa lành và thay đổi mọi sự. Mỗi người tùy theo lương tâm mách bảo mà dấn thân cho sự sống của dân tộc mình, dấn thân để không chỉ mang lại sự sống nhưng là sự sống dồi dào bất diệt. (Ga 10, 10)
Lm. Vĩnh Sang, dcct.

13/09/2014

0 comments:

Powered By Blogger