Chuyện đăng ký quốc tịch Việt Nam!
Lữ Giang
Hôm 4.4.2014, qua cuộc phỏng vấn của báo điện tử vnexpress.net
ở trong nước, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm
Ùy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông báo rằng người
Việt định cư ở nước ngoài nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì
sau ngày 1.7.2014 sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam. Ông cũng cho biết hiện
nay có khoảng 4, 5 triệu người Việt đang định cư tại nước ngoài, nhưng
chỉ mới có khoảng 6.000 người có đăng ký quốc tịch Việt Nam mà thôi. Sở
dĩ số người đăng ký ít như vậy là vì đa số không biết thông tin này và
một số không quan tâm. Theo ông, không ai muốn bỏ đi quốc tịch và cũng
không muốn phải xin lại quốc tịch mình đã mang.
Một
câu hỏi được đặt ra: Việc đăng ký quốc tịch Việt Nam có lợi gì? Ông Sơn
nói rằng nếu giữ quốc tịch Việt Nam, việc đầu tư làm ăn ở Việt Nam sẽ
dễ dàng hơn, việc hồi hương hay thăm thân nhân cũng thuận lợi hơn. Bà
con có 2 quốc tịch trước hết là được hưởng tất cả các ưu đãi, đảm bảo
quyền lợi tại cả hai quốc gia. Ông đã đề nghị chính phủ cho gia hạn đăng
ký.
NHÌN QUA LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Từ
30.4.1975 đến nay, khi số người Việt bỏ nước ra đi ngày càng đông, nhà
cầm quyền đã ban hành và sửa đổi luật quốc tịch đến 3 lần, đầu tiên là luật quốc tịch ngày 28.6.1988, rồi đến luật quốc tịch ngày 20.5.1998 và luật quốc tịch đang có hiệu lực hiện nay là luật ngày 13.11.2008. Hai luật đầu không chấp nhận chế độ song tịch,
coi tất cả những ngườ có quốc tịch Việt Nam dù đã thủ đắc hay xin nhập
bất cứ quốc tịch nào trên thế giới vẫn được coi là người Việt Nam. Những
ai muốn bỏ quốc tịch Việt Nam phải làm đơn xin thôi quốc tịch Việt
Nam. Mục tiêu của sự quy định này là giành quyền quản lý các hoạt động
của tất cả những người Việt đang định cư ở nước ngoài, nhất là các hoạt
động chính trị.
Từ
năm 1993 đến nay, chúng tôi đã dựa theo các nguyên tắc của luật quốc
tế, tục lệ quốc tế, án lệ quốc tế và luật đối chiếu về quốc tịch, viết
rất nhiều bài nhận xét về những phi lý và rắc rối của luật quốc tịch
Việt Nam. Đến năm 2008, chính quyền mới ban hành Luật số 24/2008/QH12
ngày 13.11.2008 công nhận chế độ song tịch
nhưng lại tạo ra những rắc rối khác, với quy định người Việt định cư ở
nước ngoài nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước ngày 1.7.1014
sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam.
Trước
khi nói về những phi lý và rắc rối của việc buộc phải đăng ký để giữ
quốc tịch Việt Nam, chúng tôi xin nhắc lại một số nguyên tắc căn bản về
luật quốc tịch để đọc giả dễ nắm vững vấn đề hơn.
QUYỀN ẤN ĐỊNH QUỐC TỊCH CỦA MỖI QUỐC GIA
Theo
nguyên tắc của luật quốc tế thì một quốc gia không thể áp đặt quốc tịch
trên một người mà rõ ràng là công dân của một quốc gia khác. Nhưng
nhiều khi không thể xác định được quốc tịch của một người vì có sự tương
tranh về pháp lý giữa luật pháp của các quốc gia. Nếu không giải quyết
được sự tương tranh này thì mỗi quốc gia có chủ quyền đều giành quyền
thi hành luật lệ của mình trên người mà luật pháp của quốc gia đó coi là
công dân của họ.
Các quốc gia thường ấn định quốc tịch dựa vào các yếu tố sau đây:
- hoặc căn cứ vào yếu tố nơi sinh (jus soli),
- hoặc căn cứ vào yếu tố huyết thống (jus sanguinis),
- hoặc căn cứ vào cả hai yếu tố đó.
Có
quốc gia còn cho thụ đắc quốc tịch do hôn thú (national by marriage)
như Italia hay Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Ngoài ra, luật lệ của hầu
hết các quốc gia đều dự liệu các trường hợp cho nhập tịch có điều kiện.
Vì
mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn yếu tố để ấn định quốc tịch, nên
luật quốc tịch của các quốc gia khác nhau đã tạo ra tình trạng một cá
nhân có thể có hai quốc tịch (dual nationality), và thậm chí có khi còn có nhiều quốc tịch cùng một lúc
(multiple nationality). Nhưng cũng có khi những luật quốc tịch này đã
tạo nên tình trạng có những cá nhân không được thừa nhận có quốc tịch
nào. Đây là những trường hợp vô quốc tịch
(stateless). Để giảm bớt những rắc rối nói trên, một số công ước quốc
tế đã được thiết lập để giải quyết những tranh chấp về quốc tịch một
cách hợp lý.
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT QUỐC TẾ
Công Ước Hague ngày 12.4.1930 về “Một Số Vấn Đề liên quan đến Sự Tranh Chấp về Luật Quốc Tịch”
(Convention on Certain Questions relating to the Conflict of
Nationality Laws), đã đưa ra một số nguyên tắc tổng quát về luật quốc
tịch, có thể tóm lược như sau:
1.- Mọi người đều có quyền có quốc tịch và quyền thay đổi quốc tịch, không ai có quyền tước bỏ hai quyền đó.
2.- Mỗi người có thể có hai hay nhiều quốc tịch và một quốc gia không được dùng quyền bảo vệ ngoại giao để ngăn cản điều này.
3.- Một người thụ đắc hai quốc tịch có thể xin từ bỏ một quốc tịch mà mình không muốn.
4.- Mặc dầu mỗi người có quyền có nhiều quốc tịch, nhưng quốc gia đệ tam (tức quốc gia mà đương sự không có liên hệ về quốc tịch) chỉ công nhận một quốc tịch duy nhất mà thôi, đó là quốc tịch của quốc gia nơi đương sự có trú sở chính và thường xuyên hay quốc tịch của quốc gia mà đương sự trong thực tế có quan hệ chặt chẽ nhất.
5.-
Một người có hai quốc tịch, khi đã từ bỏ một quốc tịch hợp lệ, quốc
tịch còn lại phải được quốc gia mà đương sự muốn có quốc tịch nhìn nhận,
cho dù đương sự đang có trú sở chính và thường xuyên tại quốc gia mà
đương sự đã từ bỏ quốc tịch.
Công Ước Liên Hiệp Quốc ngày 30.8.1961 về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch
(Convention on the Reduction of Statelessness) dự liệu rằng các quốc
gia kết ước sẽ ban quốc tịch của nước mình cho những người sinh ra trên
lãnh thổ của nước đó nhưng vì một lý do nào đó bị coi là vô quốc tịch.
RẮC RỐI CỦA LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Luật
Quốc tịch Việt Nam ngày 20/5/1998 đặt ra hai rắc rối hoàn toàn không
phù hợp với luật quốc tịch quốc tế mà chúng tôi đã nêu ra ở trên:
1.- Quyền tước quốc tịch Việt Nam:
Điều 25 nói công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc
tịch Việt Nam nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc
lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến
uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự quy định này vi
phạm Công Ước ngày 30.8.1961 về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch
khi người bị tước quốc tịch không có quốc tịch nào khác.
2.- Việc xin thôi quốc tịch Việt Nam:
Điều 24 quy định rằng công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt
Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, thì có thể được thôi quốc tịch Việt
Nam. Nhưng luật này lại đưa ra một số trường hợp chưa được thôi quốc
tịch, trong đó có việc thôi quốc tịch phương hại đến lợi ích quốc gia.
Sự quy định này vi phạm Công Ước ngày 12.4.1930 về “quyền thay đổi quốc
tịch”.
Luật
Quốc tịch Việt Nam ngày 13.11.2008 đã bỏ hai quy định rắc rối và không
phù hợp với luật quốc tế nói trên, nhưng lại ấn định trường hợp đương
nhiên mất quốc tịch Việt Nam:
Điều 13 khoản 2 quy định: “Người
Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy
định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn
quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu
lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc
tịch Việt Nam.”
Luật này có hiệu lực thừ 1.7.2009 nên đến 1.7.2014 là hết hạn 5 năm.
Sự quy định này trước hết đặt
một số người Việt đi định cư ở nước ngoài trở thành vô quốc tịch khi họ
chưa thụ đắc một quốc tịch khác trước ngày mãn hạn đăng ký giữ quốc
tịch Việt Nam. Điều này vi phạm Công Ước ngày 30.8.1961
về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch. Sự quy định này cũng tước bỏ
quyền có song tịch do Công Ước Hague ngày 12.4.1930 quy định. Nói chung
đây là sự quy định vi phạm luật quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập.
Ngoài
ra, thủ tục đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam vừa phiền phức vừa không
thích hợp đối với những người đã bỏ nước ra đi vì lý do chính trị: Chẳng
ai muốn nạp đơn xin một chính quyền mà vì sự cai trị của chính quyền đó
đã khiến họ phải bỏ nước ra đi để xin giữ quốc tịch.
NHỮNG SAI LẦM CẦN LƯU Ý
Trong
cuộc phỏng vấn của VnExpress ngày 4.4.2014, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn
đã nói việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có lợi như sau:
- Khi về đầu tư ở Việt Nam sẽ được coi là đầu tư của người Việt Nam.
- Việc hồi hương hay thăm thân nhân cũng thuận lợi hơn.
-
Có 2 quốc tịch trước hết là được hưởng tất cả các ưu đãi, đảm bảo quyền
lợi tại cả hai quốc gia. Khi bà con về Việt Nam có thể sử dụng quốc
tịch Việt Nam để sinh sống theo pháp luật nước nhà.
Trong thực tế đây chỉ là những lợi ích phù phiếm, không có trong thực tế.
Công ty “Nhịp Cầu Corporation”, một tổ chức tư vấn ở trong nước, đã đưa ra một bảng hướng dẫn về đăng ký giữ quốc tịch và xử dụng hộ chiếu, dưới đầu đề “Sử hữu 2 Quốc tịch (Song Tịch)”, được Vnexpress.net phổ biến với nội dung chứa đựng nhiều sai lầm không phù hợp với luật quốc tế về song tịch, chẳng hạn như:
“Bắt buộc phải sử dụng hộ chiếu của nước bạn hiện có quốc tịch để ra và vào nước đó.
Ví dụ: Bạn có quốc tịnh Mỹ và Việt Nam. Khi ra khỏi Mỹ phải sử dụng hộ
chiếu Mỹ, khi vào Việt Nam phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam và ngược lại
khi về. Tuy nhiên, khi check-in các hãng hàng không, bạn phải xuất trình
cả hai hộ chiếu để chứng minh không cần visa cho nước sẽ bay đến.
“Nên
mang theo tất cả hộ chiếu khi du lịch hoặc công tác đến bất cứ nước nào
đó. Nó giúp bạn có được sự trợ giúp từ tất cả các đại sứ hoặc lãnh sứ
quán của mình khi có yêu cầu hoặc trong các trường hợp bất khả kháng.”
Hiện
nay, Việt Nam chưa có quy chế cấp thông hành cho người song tịch hay đa
quốc tịch. Khi ra vào một nước mà đương sự có quốc tịch, không bắt buộc
phải dùng hộ chiếu của chính nước đó. Có thể dùng hộ chiếu của
nước đương sự có quốc tịch khác nhưng xin chiếu khán (visa) để đi ra đi vào.
Như
đã nói trên, theo luật quốc tế, đối với quốc gia đệ tam, hộ chiếu không
phải là yếu tố duy nhất được dùng để xác định quốc tịch của một người
song tịch hay đa quốc tịch. Điều 5 Công Ước Hague ngày 12.4.1930 nói rõ
rằng đối với quốc gia đệ tam, một người có hơn hai quốc tịch sẽ được đối xử như chỉ có một quốc tịch. Lúc đó việc xác định quốc tịch sẽ dựa trên một trong hai yếu tố sau đây:
- Đương sự có trú sở thường xuyên và chính (habitually and principally resident) ở nước nào thì coi là công dân của nước đó.
- Đương sự trong thực tế có liên hệ chặt chẽ nhất
(to be in fact most closely connected) với nước nào thì được coi là
công dân của nước đó. Thí dụ một người vừa có quốc tịch Mỹ vừa có quốc
tịch Thái Lan, nhưng thường dùng địa chỉ ở Thái Lan để liên lạc, đi đâu
cũng xử dụng Passport Thái Lan, và khi có chuyện gì xẩy ra, thường nhờ
Tòa Lãnh Sự Thái Lan can thiệp, v.v., người đó sẽ được coi là công dân
Thái Lan.
Việt
Nam cần nghiên cứu kỹ các nguyên tắc của luật quốc tế, tục lệ quốc tế
và án lệ quốc tế về quốc tịch để sửa chữa lại luật quốc tịch Việt Nam
cho phù hợp với luật quốc tế về quốc tịch.
0 comments:
Post a Comment