Về sự nghiệp cách mạng rất huê dạng của bác Tôn Đức Thắng, giáo sư Nguyễn Văn Lục đã có đôi lời bàn (ra) nghe hơi cay đắng: “Tôi
nghĩ nếu người ta không đôn ông lên làm chủ tịch nước, nếu người ta
không màu mè ca tụng ông khi ông đã nằm xuống.Nghĩa là người ta để ông
yên … Ông sẽ là một người bình thường, nhưng với môt nhân cách cao hơn
nhiều người …Ông trước hết và sau cùng vẫn là một ông già miền Nam đúng
nghĩa của nó – chơn chớt – có sao nói dzậy trước khi là một người cộng
sản!!”
Nói khơi khơi như vậy (chắc) sợ thiên hạ có kẻ phiền lòng, và nghi ngại nên ông Nguyễn Văn Lục liền vội vàng dẫn chứng:
- “Với đám con cháu cụ Tôn bảo: Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó
chủ tịch nước, nghe ngứa con ráy lắm! Người ta đặt đâu tao ngồi đó, chứ
tao không màng cái chức chi hết”. Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng
bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm một việc nào khác ngoài một việc
là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay,
buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân
viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ
buồn. (…) . Một người bạn tôi quen thân với cụ, cha anh trước kia là
đàn em cụ, vào thời gian nghị quyết 9.. cụ dắt anh vào phòng riêng thì
thào:’mày có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy?’ Anh ngạc nhiên
quá . Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu:’ Là tao lo cho tụi
bây, chớ tao hổng lo cho tao .Trong nhà tao nè, lính kín không có thiếu
“. (Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”).
- “Con người của Tôn Đức Thắng một lần nữa được Ông già chợ Đệm,
tức Nguyễn Văn Trấn mô tả rất trung thực: ‘Có lần anh chị em Nam Bộ’ đại
biểu ‘ biểu tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách
ruộng đất giết người như vậy ?’ Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi. liền
đứng dạy bước ra khỏi ghế;, vừa đi vừa nói: – Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì ?” ( Nguyễn Văn Trấn, Viết gửi Mẹ và Quốc Hội, trang 266-267)
Sợ tới cỡ đó – theo tôi – là … phải giá!
Chớ đến bác Hồ mà cũng còn sợ thấy mẹ luôn thì nói gì ai khác. Cuối
đời, bác kính yêu của chúng ta (thôi) không muốn làm cha già của cả dân
tộc nữa, và chỉ mong được làm tía một đứa bé sơ sinh thôi nhưng mấy chú
cũng đâu có chịu. Đã vậy, mấy chả còn lấy búa đập bể đầu tình nhân của
Bác, quăng xác bả ra đường, rồi cho xe cán luôn mà ổng cũng vẫn nín khe
thôi!
Im lặng (đúng) là vàng!
Châm ngôn này bác Trường Chinh cũng nhớ nằm lòng:
“Trường Chinh đã không làm một hành động nhỏ nào để cứu cha tôi –
người bạn, người đồng chí gần gụi của ông ta trong thời kỳ bí mật. Ông
ta cũng không đến thăm mẹ tôi lấy một lần trong những năm cha con tôi ở
tù. Cha tôi được thả rồi ông cũng không đến. Một số người biết tình bạn
của hai ông cho rằng Trường Chinh không đến vì sợ Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ…” (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California:Văn Nghệ, 1997, 34).
Dù với thời gian, các chú đỡ dễ sợ hơn thấy rõ nhưng mấy bác vốn sợ
quen rồi nên vẫn cứ sợ (như thường) cho nó chắc ăn – trừ bác Nguyễn Hữu
Thọ, vào lúc cuối đời. Tại Đại Hội Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam năm 1988, vị Chủ Tịch Nước (36 ngày) này cũng có lầu bầu – đôi câu – nho nhỏ:
“Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn
duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của
chúng ta là chưa có dân chủ thật sự. Nhiều nguyện vọng chính đáng của
người dân chưa được đấu tranh thực hiện, người dân chưa thật sự chọn lựa
được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ.”
Kỳ dư, các bác kế tiếp đều là những người … kín tiếng. Cho tới thời
của bác Nguyễn Minh Triết nước ta mới có được một vị Chủ Tịch Nước năng
nổ, hay đi lại và thích phát biểu linh tinh. Bác Triết nổi tiếng là
người thích diễu, diễu rất dở (và rất dai) nhưng được cái là hoàn toàn
vô hại nên không đụng chạm tới quyền lực – cũng như quyền lợi – của bất
cứ ai.
Bác Trương Tấn Sang thì khác: thàng chả nghiêm và buồn thấy rõ. Sự
nghiêm trang của bác Sang, cùng với những lời lẽ hết sức nghiêm trọng
của ổng – chả may – đã gây ra ít nhiều ngộ nhận, và phát sinh ra nhiều
kỳ vọng (cũng như thất vọng) không cần thiết cho khá nhiều người.
Ngày 20 tháng 10 năm 2012, tập thể sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm
đã gửi đến Bác Trương Tấn Sang lá Thư Cầu Cứu Khẩn Cấp (vì một bạn học
vừa bị bắt giữ) với tất cả sự tin tưởng, cùng với những lời lẽ vô cùng
thống thiết:
“Kính xin bác Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hãy lên tiếng giúp đỡ
bạn ấy và gia đình. Bản thân bạn Nguyễn Phương Uyên là một người có đạo
đức tốt, luôn được lòng các bạn bè và thầy cô trong trường. Bạn ấy luôn
xung phong đi đầu trong các hoạt động về phúc lợi xã hội do đoàn trường
phát động. Xin Bác hãy thương xót đến gia cảnh khó khăn của bạn ấy, và
nỗi lòng của một người cha, người mẹ đã mất con mà can thiệp giúp cho
bạn Uyên sớm về lại với gia đình. …
Sở dĩ chúng cháu viết thư cho Bác là vì chúng cháu tin chỉ có Bác
mới giúp được cho bạn ấy. Chúng cháu đã có dịp đọc báo trên các trang
báo của cơ quan nhà nước khi tường thuật lại buổi gặp gỡ của bác với
đồng bào cử tri quận 4 TP HCM. Những lời của bác thật là giản dị, sâu
sắc khiến cho sinh viên chúng cháu rất cảm động khi thấy Bác cương quyết
với tình hình xã hội phức tạp như hiện nay, vấn nạn tham nhũng vẫn và
đang tồn tại trong một số bộ phận cán bộ đang suy đồi đạo đức Cách Mạng.
Nhưng thật may mắn thay cho dân tộc Việt Nam vẫn còn nhiều cán bộ trong
bộ máy lãnh đạo như Bác đang nỗ lực bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.”
Hơn tuần lễ sau, vào ngày 30 tháng 10 năm 2012, lại có thêm Thư Khẩn Của 144 Nhân Sỹ Trí Thức Kính Gửi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang – cũng với nội dung khẩn trương không kém:
“Trước mắt, chúng tôi đề nghị Chủ tịch Nước đòi cơ quan có trách
nhiệm phải công khai giải thích về việc bắt giam cháu Nguyễn Phương Uyên
một cách tùy tiện, trái pháp luật. Cũng đã từng có những vụ bắt bớ
không theo đúng quy định của pháp luật mà vụ này là thô bạo và trắng
trợn nhất, gây phẫn nộ trong công luận trên cả nước và thế giới. Vì vậy,
chúng tôi đề nghị Chủ tịch có chỉ thị cụ thể cho việc xử lý có tình, có
lý đối với hành vi yêu nước của một cô gái 20 tuổi đã dám biểu tỏ bằng
hành động cụ thể tinh thần dân tộc và lòng căm thù quân xâm lược cho dù
hành động đó có bị quy kết vào bất cứ tội trạng nào…”
“Chúng tôi cũng đề nghị Chủ tịch xem xét, rà soát lại những bản
án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến
bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc
gia như người ta đã quy kết. Những bản án đó chính là sự phá hoại uy
tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất
cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp.”
Toàn là những “đề nghị” chính đáng và khẩn thiết nhưng (tiếc thay)
đều vượt quá tầm tay của bác Sang, hoặc bất cứ bác (kính yêu) nào khác.
Chức năng của Chủ Tịch Nước, cũng như Quốc Hội, và Mặt Trận Tổ Quốc – ở
nước CHXHCNVN – chỉ dùng để làm cảnh, chớ đâu phải để làm thiệt mà “đề
nghị” nhiều thứ (dữ dằn) dữ vậy, mấy cha?
Đã vậy, nhật báo Người Việt
còn (vô tâm) hân hoan thơ thới đi tin:“Quốc Hội CSVN đang họp ở Hà Nội
vừa đưa ra một bản dự thảo sửa đổi bản hiến pháp 1992, nếu thành hiện
thực sẽ gia tăng đáng kể quyền lực cho chủ tịch nước, mà hiện nay là ông
Trương Tấn Sang.”
Ý, Trời đất, qủi thần ơi. Mớ quyền hạn đang có bác Sang có bao giờ
dám đụng tới đâu mà còn bầy đặt “gia tăng đáng kể” làm chi, cho má nó
khi. Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì nhiệm vụ và quyền hạn của
Chủ Tịch Nước C.X.H.C.N Việt Nam được qui định (rành rành) như sau:
1. Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh 2. Thống lĩnh các lực lượng vũ
trang nhân dân và giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh 3.
Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Thủ tướng
Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao …………. Vậy mà bác Hồ không bảo vệ được cả vợ lẫn con,
bác Tôn chỉ có mỗi một việc làm là … sửa xe đạp cho nó qua ngày đoạn
tháng, và bác Sang thì biết rõ mười mươi đứa nào là kẻ cõng rắn cắn gà
nhà (đứa nào đang̣ “ngoem ngoém tối ngày mồm róm”) nhưng ổng vẫn không
dám chỉ mặt, đặt tên cho nó đàng hoàng (chỉ dám gọi là đồng chí X) thì
nói gì đến chuyện “miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ…” cho nó
thêm rách việc.
Chắc chưa hiểu được nỗi khổ tâm của bác Sang nên nhà báo Bùi Tín còn lên tiếng … xúi:
“Ông Trương Tấn Sang rất nên xét ân xá ngay cho các ông Nguyễn
Văn Hải – Điếu Cày, Phan Thanh Hải, bà Tạ Phong Tần vì họ đã bị phe nhóm
của ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên án không có cơ sở pháp lý, khi họ chỉ tỏ
thái độ yêu nước, chống bành trướng. Ông Sang cũng nên ra lệnh trả ngay
tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ vì rõ ràng ông Vũ đã bị ông Ba Dũng trả
thù cá nhân …
Ông Chủ tịch nước cũng nên xét ân xá ngay cho nhóm trí thức yêu
nước Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, nhóm trẻ Đoàn
Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đòi lập công
đoàn tự do cho lao động nước ta, cũng như ân xá ngay cho ông Nguyễn Hữu
Cầu – người tù của Thế kỷ, đã nằm trong tù 34 năm, nay đang bị nhiều
bệnh hiểm nghèo.
Chỉ cần làm ngay vài việc trên đây nằm trong quyền hạn hiến định
của mình, ông Trương Tấn Sang sẽ lập tức nổi lên là con người có công
tâm và quyết đoán, có bản lĩnh lãnh đạo công bằng, nghiêm cách, quần
chúng sẽ xuống đường hoan nghênh ông đông đảo, khuyến khích ông đi tiếp
trên con đường cải cách cần thiết. Cuộc sống đang thử thách bản lĩnh
chính trị của ông Tư Sang. Cờ trong tay, sao ông không dám phất? Ông còn
sợ gì, sợ ai?”
Rõ ràng, ông Bùi Tín muốn bác Sang phải trở thành một Gorbachev của
Việt Nam cơ. Chính bác Sang, không chừng, cũng có lúc đã nằm mơ (y) như
thế. Một giấc, ngó bộ, quá xa vời.
Tất nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ rất chủ quan của một anh thường
dân vớ vẩn, và nát rượu, cỡ tui thôi. Tôi có thể sai vì đã đánh giá bác
Sang hơi (bị) thấp, và nếu đúng vậy thì đỡ cho dân tộc này … chút xíu!
Tưởng Năng Tiến
0 comments:
Post a Comment