Trong
cuộc đấu tranh chống “diễn tiến hòa bình” ở Việt Nam, chính quyền,
trước, tập trung vào một đối tượng chính: phong trào đòi đa nguyên và đa
đảng; sau, tập trung vào các cuộc biểu tình chống các âm mưu bành
trướng và các hành động uy hiếp ngang ngược của Trung Quốc; và gần đây,
tập trung vào hai đối tượng: tự do ngôn luận và xã hội dân sự.
Việc phân biệt trước, sau và gần đây như trên chỉ căn cứ trên mặt
nổi, mặt tuyên truyền. Trên thực tế, các dấu mốc thời gian không rõ rệt
như thế. Và các đối tượng cũng không có ranh giới rõ ràng như thế. Ví
dụ, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây không phải chỉ diễn ra
trên các đường phố ở Sài Gòn và Hà Nội, đặc biệt Hà Nội, mà còn diễn ra
trên các blog, bởi vậy, việc trấn áp của chính quyền không phải chỉ
nhắm vào những người xuống đường cầm cờ và hô khẩu hiệu mà còn nhắm cả
đến những blogger, những người, trên blog của mình, tường thuật các cuộc
biểu tình ấy cũng như lên tiếng đả kích Trung Quốc và phê phán thái độ
lập lờ, nhu nhược của đảng và nhà nước Việt Nam. Việc bắt bớ, xét xử kết
án nặng nề các blogger như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và
Tạ Phong Tần cho thấy điều đó. Tuy nhiên,
trước, người ta chỉ trấn áp một cách lặng lẽ hoặc ngụy trang dưới nhiều
chiêu bài khác nhau. Bây giờ, người ta mở hẳn ra một “mặt trận” trên báo
chí để xuyên tạc và công kích, nhắm vào hai đối tượng chính: các blog
đòi hỏi tự do ngôn luận cũng như chống tham nhũng, và ý niệm về xã hội
dân sự.
Về cuộc tranh đấu chống các blog, trước, người ta sử dụng đám tin
tặc; sau, xem chừng tin tặc bó tay trước sự tồn tại dai dẳng, hơn nữa,
phát triển mạnh mẽ của nhiều blog độc lập, cho nên đích thân Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng phải lao vào trận với chỉ thị cấm cán bộ, đảng viên và
dân chúng đọc các blog được gọi là “phản động” hay “thù nghịch”. Không
phải chỉ nói chung chung, Nguyễn Tấn Dũng còn nêu đích danh ba blog:
Quan làm báo, Dân làm báo và Biển đông. Tội danh được nêu là: các blog
này “đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự
thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và
Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.
Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.”
Bên cạnh đó, bộ máy tuyên truyền của Việt Nam còn tập trung vào một
đối tượng khác: ý niệm “xã hội dân sự” (civil society) mà họ cho là một
âm mưu “diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù nghịch”
ở phương Tây cộng với các tổ chức “phản động ở nước ngoài”. Theo họ, âm
mưu này vốn đã đạt được một số thành công vang dội trong việc làm lật
đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu cũng như nhiều chế độ độc tài tại Trung
Đông và Bắc Phi; bây giờ, đang được vận động để du nhập vào Việt Nam
nhằm “lật độ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng biện pháp ‘bất bạo động’, ‘phi
vũ trang’.”
Xã hội dân sự là cái gì mà có sức mạnh đáng sợ đến vậy?
Thật ra, xã hội dân sự chỉ là một khái niệm khá mơ hồ, bao gồm những
tổ chức phi chính trị và phi lợi nhuận, dựa trên nguyên tắc tự nguyện
của những người có những lợi ích chung, tin tưởng vào một bảng giá trị
chung, và theo đuổi những lý tưởng chung. Nó thường hiện hình dưới nhiều
hình thức: các hội từ thiện, các nhóm cộng đồng, các hội đoàn dựa trên
phái tính hoặc tuổi tác hoặc nghề nghiệp (như Hội phụ nữ, Hội cao niên,
Hội trí thức, Hội doanh nhân, Hướng đạo…), dựa trên tín ngưỡng (Hội Phật
tử, Đoàn thiếu nhi Thánh thể…), hoặc các tổ chức phi chính phủ
(non-governmental organisation, thường được gọi tắt là NGO), v.v. Nói
chung, nó rất đa dạng. Đặc điểm chung của các tổ chức này, như đã nói,
là tự nguyện. Có thể nêu thêm một đặc điểm khác: tính chất tự trị. Đặc
điểm thứ hai này cho thấy sự khác biệt giữa các tổ chức thuộc xã hội dân
sự với các tổ chức cũng được gọi là dân sự ở Việt Nam hiện nay, như Mặt
trận Tổ Quốc, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh… Tất cả những tổ chức này, như trong các bản nội quy ghi rõ,
đều là những “lực lượng ngoại vi” của đảng: Chúng được đảng lãnh đạo và
đều hoạt động theo các tôn chỉ do đảng đề ra. Chúng hoàn toàn không có
tính chất độc lập. Mang tiếng là dân sự, nhưng thực chất chúng chỉ là
các tổ chức chính trị hoặc bán-chính trị.
Ở Tây phương, xã hội dân sự là một hiện tượng hợp pháp và phổ biến.
Hầu như ai cũng có thể thành lập và hoạt động. Ngay với các cộng đồng tị
nạn và di dân, các chính phủ cũng khuyến khích họ thành lập các hội
đoàn riêng để sinh hoạt và hỗ trợ nhau, từ đó, chúng ta thấy nhan nhản
khắp nơi, hầu như bất cứ nơi nào có người Việt định cư, cũng đều có
những tổ chức như “Hội người Việt” hoặc “Cộng đồng người Việt” từ cấp
thành phố đến cấp tiểu bang và liên bang. Ngoài ra, còn có các Hội phụ
nữ, Hội cao niên cũng như các hội ái hữu được hình thành trên nhiều tiêu
chí khác nhau, từ địa phương họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam (kiểu:
Hội ái hữu Quảng Đà, Hội người Huế…) đến các binh chủng cũ trước năm
1975 (Hội ái hữu không quân / hải quân)… Ở một số nơi, chính phủ còn tài
trợ cho các hội đoàn ấy hoạt động.
Ở Tây phương, chính phủ không sợ xã hội dân sự, dù là xã hội dân sự
của các cộng đồng thiểu số. Lý do, thứ nhất, về phương diện lý tưởng, có
sự tương hợp giữa xã hội dân sự và dân chủ: tự bản chất, dân chủ khuyến
khích các sinh hoạt độc lập và tự trị của quần chúng; thứ hai, về
phương diện lịch sử, cũng có sự tương hợp giữa xã hội dân sự và chủ
nghĩa tư bản: cả hai ra đời hầu như cùng lúc, như là kết quả của xu
hướng thương mại hóa và chuyên nghiệp hóa cũng như xu hướng tách biệt
giữa thần quyền và thế quyền; thứ ba, về phương diện ý nghĩa, xã hội dân
sự không phải chỉ có tác dụng đến đời sống chính trị mà còn có nhiều
lợi ích cả về xã hội lẫn về văn hóa: nó cần thiết, hơn nữa, nó không thể
không có.
Không thể không có vì đời sống con người rất đa dạng, không phải chỉ
giới hạn trong các quan hệ huyết thống, lợi nhuận hay quyền lực. Ba quan
hệ ấy dẫn đến sự tồn tại của ba thực thể quan trọng: gia đình, thị
trường và nhà nước. Con người cần một kích thước khác nữa: xã hội. Với
đồng loại. Với đồng bào. Hoặc hạn chế hơn, với bạn bè cùng sở thích hay
chí hướng.
Ngày xưa, ở Việt Nam cũng đã từng tồn tại nhiều hình thức của xã hội
dân sự, ví dụ, làng xã hay làng nghề hoặc một số sinh hoạt theo nhóm của
giới văn nhân tài tử (dưới tên gọi như thi đàn hoặc thi xã). Sau này,
dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hoặc người ta cấm đoán hay xóa bỏ các tổ
chức ấy hoặc người ta chính trị hóa chúng, biến chúng thành một tổ chức
chính trị do họ lãnh đạo và quản lý (các nhà xã hội học thường gọi là:
state-led civil society). Xã hội dân sự, ngay dưới hình thức sơ khai
nhất của nó (được giới chuyên môn gọi là các tổ chức tự động,
auto-organisations), biến mất, và cùng với nó, ý niệm về xã hội cũng
biến mất, hoặc ít nhất, lệch lạc.
Hậu quả của việc biến mất hoặc giảm thiểu của xã hội dân sự rất trầm
trọng. Nó làm cho kích thước đời sống mỗi người bị nghèo chật hẳn đi.
Ngoài gia đình, người ta chỉ biết đến chuyện làm ăn buôn bán hay tranh
giành quyền lực. Sự hiện hữu của người-khác, hay nói theo ngôn ngữ triết
học, “tha nhân”, bị hư vô hóa. Cái gọi là nạn “vô cảm” phổ biến ở Việt
Nam cũng như ở hầu hết các nước cộng sản hiện nay, kể cả, nếu không muốn
nói, nhất là Trung Quốc, theo tôi, xuất phát từ hiện tượng ấy: sự biến
mất của xã hội dân sự. Người ta xem những người không thuộc gia đình
mình và tổ chức của mình đều là những kẻ xa lạ. Sự vô cảm ấy không những
biến người ta thành những kẻ ích kỷ mà còn, đến lúc nào đó, làm mất cả
lòng yêu nước, bởi nước không phải chỉ là một cơ chế, gắn liền với nhà
nước, mà còn là một xã hội, với những con người cụ thể, ngoài gia tộc
của mình.
Ngày xưa, người ta có thể không cần lắm sự hiện hữu của xã hội dân sự
bởi vì tự bản chất, xã hội ngày xưa là một xã hội ít nhiều có tính chất
dân sự: thương mại chưa đến độ thống trị mọi khía cạnh trong đời sống
và quyền lực của triều đình thường cũng chỉ giới hạn trong cung đình
hoặc hệ thống công quyền rải rác ở bề mặt của các địa phương. Con người
sống chủ yếu là sống với nhau trong cái làng của mình, với những người
làm cùng nghề với mình. Bây giờ, trong xu hướng hiện đại hóa và đô thị
hóa, môi trường địa lý không còn đóng vai trò gì đáng kể trong quan hệ
giữa người và người, cái gọi là tình hàng xóm hay láng giềng càng lúc
càng mờ nhạt. Ngay tinh thần gia tộc, với sự phát triển của hình thức
tiểu gia đình, cũng càng lúc càng lỏng lẻo. Cái gì sẽ bảo vệ quan hệ
giữa người và người? Câu trả lời: xã hội dân sự.
Chủ trương ngăn cản hay chống đối sự hình thành của xã hội dân sự ở Việt Nam, do đó, là một việc làm nguy hiểm.
Chính phủ Việt Nam chỉ nghĩ đến cái lợi của họ mà không nghĩ đến cái lợi cho cả dân tộc. Sau này.
0 comments:
Post a Comment