Tuesday, September 4, 2012

Việt Nam Độc lập Tự Do Hạnh Phúc ?


Vũ Đức Khanh/Asia Sentinel Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Sáu mươi bảy năm kể từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, đất nước vẫn quỵ lụy dưới một chính phủ độc tài.
Tính đến nay, đã gần 67 năm kể từ khi bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được xướng lên vào ngày 02 tháng chín năm 1945. Bản văn kiện khẳng định rõ ràng rằng Việt Nam là một quốc gia tự do và độc lập, không còn bị cai trị bởi người Pháp hoặc người Nhật.
Những dòng đầu tiên của văn kiện: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” – vay mượn trực tiếp từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Tác giả của văn kiện này ? Không ai khác hơn là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ánh sáng dẫn đường của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có lẽ là không có gì đáng ngạc nhiên khi khẩu hiệu “Độc lập, Tự do, và hạnh phúc” của Việt Nam đưa đến suy nghĩ về những quyền bất di bất dịch.

Tuy nhiên, gần 67 năm sau đó, những quyền bất di bất dịch ấy vẫn còn là điều không tưởng đối với người dân Việt Nam và bị khuất phục dưới ách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản. Thay vào đó, những lời lẽ hy vọng vốn phải tạo cảm hứng cho một thế hệ người Việt Nam đã bị bỏ qua. Độc lập, tự do và hạnh phúc đã bị giới hạn trong những người cầm quyền. Không nghi ngờ gì rằng ngày nay Việt Nam là một sản phẩm của cơ hội bị lãng phí.
Khát vọng độc lập
Tinh thần độc lập của Việt Nam không phải là khó hiểu. Những trang sử đầu tiên của Việt Nam đã có liên quan đến Trung Quốc, đất nước vốn có hiện diện và phát triển từng phủ bóng lâu dài lên quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này. Thực dân Pháp, tiếp theo là thống trị của Nhật, và một thời gian ngắn bị Pháp kiểm soát đã tăng thêm phận nô lệ các cường quốc nước ngoài của Việt Nam.
Sau thế chiến thứ hai, đối với những người yêu nước, độc lập là điều tối thượng, nhưng không phải tất cả mọi người đều cùng đồng ý với nhau về phương sách. Cuộc chiến đấu dành độc lập, trầm trọng thêm bởi việc chia cắt thành hai miền Nam, Bắc, đã trở thành một cuộc chiến đấu cho sự thống nhất, với Hoa Kỳ và các đồng minh hỗ trợ miền Nam Việt Nam trong khi Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ miền Bắc. Lẽ ra đó là một cuộc chiến mà người Cộng Sản Bắc Việt đã chiến thắng, nếu như cuộc chiến ấy không từng phải chứng kiến hàng trăm ngàn người dân miền Nam Việt Nam chạy trốn sang Hoa Kỳ, Canada, Úc, Châu Âu và các nơi khác.
Với việc chiến tranh kết thúc, không còn những cuộc thảo luận tập trung vào việc phát triển một quốc gia độc lập, nhưng là việc duy trì ách kiểm soát. Giành được chiến thắng, những người Cộng sản đã từ bỏ các cuộc đàm phán về xây dựng đất nước, thay vào đó, là lựa chọn việc thắt chặt quyền kiểm soát đất nước tả tơi của mình. Những ngày sau đó từng khiến các công dân Việt Nam lâm vào cảnh nghèo đói, cho đến khi các cải cách thị trường tự do giữa những năm 1980 đã giúp di chuyển đất nước tham gia được vào phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, kể từ đó, đất nước này vẫn đi khập khiễng. Khi Trung Quốc phát triển mạnh, không còn là một quốc gia nông nghiệp như đã từng trong nhiều thập kỷ, Việt Nam vẫn phải vất vả đấu tranh để tìm cách cho đôi chân mình tiến về phía trước.
Cũng vẫn là áp bức
Tham nhũng, vi phạm nhân quyền, và một loạt những quan tâm khác đã thải Việt Nam vào hàng ngũ những nước không dân chủ. Một đất nước độc đảng làm tất cả điều gì có thể để ngăn cản biểu hiện chính trị, trừ khi biểu hiện ấy thuộc về Đảng Cộng sản. Lên tiếng chống lại chính phủ và đòi hỏi thay đổi bị coi là tuyên truyền chống nhà nước, phải chịu hình phạt nghiêm khắc.
Những người cộng sản đã lật đổ những gì họ tin là một chính phủ bù nhìn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, chế độ thực dân Pháp và đế quốc Nhật Bản trước họ, tất cả dưới ý niệm rằng họ là người giải phóng kẻ bị áp bức. Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, họ đã trở thành chính những gì mà mình từng ghét cay ghét đắng.
Hiện nay, ở Việt Nam, độc lập, tự do, và hạnh phúc không hề hiện diện. Bảo rằng người dân bị tước đoạt những điều ấy là cực đoan quá lời – ở một số mức độ, người dân vẫn có độc lập, tự do, và hạnh phúc – nhưng để nói rằng cuộc hành trình ấy đã hoàn tất thì quả là ngây thơ.
Nếu nói thẳng thắn rõ ràng rằng người dân Việt Nam đã đạt được những gì mình từng sắp đặt từ lâu về trước sẽ là không trung thực. Việt Nam có thể có độc lập với các cường quốc nước ngoài,(mặc dù người ta có thể tranh luận về việc hiện nay Hà Nội chịu bao nhiêu ảnh hưởng từ Trung Quốc), tuy nhiên, việc được tự do thoát khỏi đàn áp và cai trị bất công của người Việt nam vẫn còn xa khỏi tầm tay.
Cho dù đó là một hoàng đế Trung Quốc, thực dân Pháp hay đế quốc Nhật, Việt Nam đã chỉ đơn giản là thay thế một quyền lực độc đoán bằng một loại khác nhưng tương tự. Đảng Cộng sản đã tích cực hành động để ngăn chặn cải cách dân chủ – những cải cach đã từng đưa Việt Nam đi từ cách mạng này đến cách mạng khác. Dù vẫn có những khác biệt giữa chế độ hiện hành tại Hà Nội với những quyền lực ngoại lai trong quá khứ, mấu chốt của vấn đề vẫn chưa được giải quyết là: một thiểu số cai trị bằng quyền lực không giới hạn và vô trách nhiệm với người dân.
Việt Nam có độc lập không ? Đất nước không còn là một thuộc địa hoặc trắng trợn phục dịch một nước khác. Người dân Việt Nam có tự do không ? Ngày nay, công dân có những quyền tự do về kinh tế vốn chưa từng được biết đến ở bất kỳ điểm nào trong quá khứ của đất nước mình. Nhưng, bất kể tên gọi là gì, áp bức vẫn là áp bức, và chính phủ hiện nay đã khônghề mang lại được một bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Những vụ đàn áp biểu tình, giam giữ và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và nạn chính phủ tham nhũng dường như là minh họa của một câu nói xưa cũ, “Càng thay đổi chừng nào. Mọi chuyện vẫn cứ thế “.
Con đường dài trước mặt
Thật là khó hiểu khi chế độ Cộng sản đã được cai quản quá lâu khi điều mà người dân mong muốn vẫn chưa thực hiện được. Phải chăng chỉ đơn giản đa số đã đầu hàng với ý muốn thay đổi dân chủ? Hoặc phải chăng một chính phủ độc tài là một chính phủ có thể chấp nhận được nếu các quyền lực ấy không thuộc về ngoại bang ?
Câu trả lời có thể được tìm thấy trong nhân khẩu học, với hơn 70% dân số Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hoặc chiến tranh chống Mỹ, như người Việt Nam gọi tên. Những nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến đã nhanh chóng mờ dần khi những người từng tham dự già cỗi và mất đi. Thay vào đó, những người sinh sau được cung cấp thứ lịch sử do chính phủ viết nên. Đối với hơn 70% dân số Việt Nam, chính phủ mà họ biết là bình thường và đúng như mong đợi.
Tuy nhiên, đối với cùng dân số ấy, chính phủ của họ không phải là hình thức chính phủ duy nhất mà họ từng biết.
Ngày nay, bất cứ ai với một máy tính và kết nối internet đều có thể đọc và theo dõi tin tức từ khắp nơi trên thế giới. Có lẽ người Việt Nam ngày nay nhiều thông tin hơn và nhận thức hơn cha mẹ và ông bà của họ trước đây. Đối với nhiều người trẻ tuổi ở Việt nam, dân chủ, bầu cử tự do và công bằng không phải là khái niệm xa lạ nữa.
Những người biểu tình trên đường phố và những người viết blog trên internet đang bị giam giữ không phải là những người cao niên già cả mà là những người thanh niên thanh nữ trẻ tuổi muốn thay đổi đất nước của họ. Đó là một con đường dài trước mặt cho dân chủ tại Việt Nam, tuy nhiên, nếu lịch sử có từng báo trước điều gì, điều ấy chính là nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy cho sự thay đổi. Và bước đi đến dân chủ có vẻ chậm chạp này có thể là do sự thận trọng chứ không phải vì sợ hãi..
“Độc lập, tự do, và hạnh phúc” có thể chỉ là những từ đơn giản đối với chính phủ, nhưng đây là những từ mang ý nghĩa hết sức lớn cho người dân.
Nguồn: Asia Sentinel

0 comments:

Powered By Blogger