Văn Quang – Viết từ Sài Gòn, ngày 21.9.2012
Từ chức khó lắm chứ!
Bỏ phiếu tín nhiệm “các quan” và “văn hóa” từ chức đang là đề tài nóng đang được nhiều người dân Việt Nam quan tâm. Chuyện râm ran từ ông “trí thức thành thị” nhanh chóng lan đến những “khách cà phê” ở những quán trung bình và những công tư chức lúc rảnh việc. Đây là một đề tài không mới đối với thế giới “các quan” trên thế giới, nhưng ở VN lại là một nét mới trong sinh hoạt chính trị, có ảnh hưởng lớn trong đời sống bình thường của người dân mỗi khi nhìn lên tư cách, đạo đức, tài năng của những vị đang trực tiếp chi phối cuộc sống của mình về mọi mặt.
Một đề tài cũ nhưng… rất mới đối với người dân VN
Trong những ngày gần đây, đề tài này đã được nhắc tới khá nhiều trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội VN khi bàn về “Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.”
Thực ra, “đề án” trên không hề đề cập việc bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm mà chỉ là một quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nói cách khác, đây chỉ là một tiền đề (trong trường hợp tín nhiệm thấp) để đi tới quyết định tiếp theo là bỏ phiếu quyết định xem người đó có được tiếp tục giữ chức vụ đã được bầu hoặc phê chuẩn hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều ủy viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là “cơ hội” cho các cán bộ lãnh đạo không đạt được tỉ lệ tín nhiệm cần thiết thể hiện “văn hóa từ chức” trước khi bị đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Đó chính là mấu chốt của vấn đề được người dân theo dõi, bởi cái vụ tín nhiệm hay không tín nhiệm những “quan chức” đang làm việc nước hầu như chưa ai đặt ra bao giờ. Dù cho đó là một trong những hình thức dân chủ, được quyền “xâm phạm” tới tài năng đức độ của người đang có chức có quyền, tức là các “quan chức”. (Ở đây gọi chung là “cán bộ”). Một vấn đề trở nên rất mới đối với người dân Việt.
Quan bất tài vô dụng cũng cứ ngồi yên vị
Bởi từ trước đến nay, “cán bộ” giữ chức vụ do Quốc Hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn là coi như yên vị. Cho dù người đó làm việc tốt hay không, hiệu quả hay không, thậm chí gây hậu quả xấu thì vẫn kéo dài chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ, thậm chí trúng tiếp nhiệm kỳ sau. Có những người giữ chức vụ quan trọng, nhưng tài ít đức mỏng, không hoàn thành trách nhiệm, nhưng không có cơ chế để bãi miễn. Nói rõ hơn là không có luật lệ, không có quy định nào tước cái chức vị của ông cán bộ đã được bầu đó. Bởi các ông ấy được “nhân dân” bầu chứ không phải cho “thủ trưởng” cơ quan hoặc cấp trên chỉ định. Hai chữ “nhân dân” gắn trên ngực áo ông lúc này có một quyền lực như bất khả xâm phạm.
Cho nên, những vụ được gọi là tiêu cực, là tham nhũng, hống hách, chèn ép… ở các ngành, các địa phương trong nhiều năm qua cho thấy nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo yếu kém, người dân biết rõ điều đó nhưng phải chấp nhận các ông quan bất tài vô dụng.
Mở đường cho “văn hóa từ chức”
Có ý kiến cho rằng bỏ phiếu bất tín nhiệm là mở đường cho “văn hóa từ chức”, nói khác đi là mở một lối thoát danh dự cho các quan chức yếu kém tự xin “về vườn”. Cần phải phát huy tinh thần từ chức để nó là chuyện bình thường trong đời sống như các nước khác trên thế giới.
Hãy nhìn lại, chuyện từ chức ở VN, nhất là với các chức vụ lãnh đạo cao, vốn rất hiếm hoi. Trong vài chục năm qua, mới có 2 trường hợp từ chức là Bộ trưởng Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) Lê Huy Ngọ từ chức tháng 4-2004 do vụ Lã Thị Kim Oanh và Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải (GTVT) Đào Đình Bình từ chức tháng 4-2006 sau hàng loạt vụ bê bối như đổ tàu E1, công trình hầm chui Văn Thánh kém chất lượng và đặc biệt là vụ tham nhũng quá lớn PMU18.
Việc từ chức quả thật là quá hiếm ở VN cho dù thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ làm thất thoát tài sản quốc gia “động trời” làm chấn động dư luận. Bên cạnh các nguyên nhân như văn hóa từ chức, lòng tự trọng của cán bộ…, còn do nguyên nhân không kém phần quan trọng là cơ chế “tập thể chỉ huy” chồng chéo nên nhiều khi trách nhiệm cũng lại đổ cho “tập thể”, không rõ ràng, cứ như không có cá nhân nào chịu trách nhiệm nên không đổ tội cho đích danh quan nào được.
Theo dõi các phiên chất vấn tại Quốc hội VN về các vụ thất thoát kinh hoàng xảy ra tại Vinashin hay Vinalines, có thể thấy rất rõ điều này.
Mặt khác, người dân không có quyền bỏ phiếu tín nhiệm các “cán bộ lãnh đạo”, nhưng dân biết rất rõ ông nào liêm khiết, ông nào tham nhũng, ông nào vì dân vì nước, ông nào vì bản thân và gia đình. Không qua mặt được nhân dân đâu. Do đó, lá phiếu tín nhiệm phải thể hiện được lòng dân.
Bỏ phiếu tín nhiệm cũng khó lắm
Phải quan niệm rõ ràng, hành vi từ chức là hành vi văn hóa, thể hiện lòng tự trọng của con người. Tín nhiệm thấp, làm không được việc mà cứ khư khư bám lấy cái ghế để cho dân chúng khinh thường thì làm người bình thường còn chưa xứng đáng huống nữa làm quan to.
Cho nên bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm thì người bỏ phiếu phải công tâm, có bản lãnh, trung thực thì lá phiếu mới có giá trị thực chất, còn xuê xoa cho qua hay phe cánh nâng đỡ nhau thì mục đích ban đầu của bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là vô ích.
Mời bạn đọc ý kiến dưới đây của một người dân trên báo Dân Trí ngày 17-9:
Bạn Nguyễn Bá Thành Đạt viết: Bỏ phiếu tín nhiệm nếu minh bạch, công khai, công bằng thì tốt nhưng ở nước ta lâu nay vấn nạn chạy chức, chạy quyền; ê kíp, bao che thấy rõ. Cấp dưới “mang ơn” cấp trên do cơ chế bổ nhiệm kiểu “đề cử” từ một số người. Trong các doanh nghiệp (DN) nhà nước, cơ quan công quyền, tình trạng “con ông, cháu cha” và “bạn bè thân hữu” luôn chiếm số đông.
Làm gì có chuyện con, cháu bỏ phiếu bất tín nhiệm cha, ông, chú, bác, cô, dì nhà mình, phải không bạn? Càng không thể có chuyện cùng “ê kíp”, cùng ăn chia hoặc “anh tuyên dương tôi, tôi đề cao thành tích của anh” lại hất cẳng nhau bằng phiếu bất tín nhiệm. Nguy hại nhất là ở chỗ sẽ có không ít người, thậm chí là cả một “nhóm người” lợi dụng việc bỏ phiếu để “hè nhau” gạt bỏ những người có đạo đức, có năng lực ra khỏi bộ máy để dễ bề thao túng. Những anh thẳng thắn trung thực thường nói thẳng, đôi khi lại “có cái vẻ ngang ngang”, bởi anh ta không sợ sự thật nên nhiều người vừa sợ vừa ghét. Đó là thực tế bởi người trung thực, liêm chính không nhiều; người lừng khừng, ba phải không ít; nếu hè nhau bỏ phiếu thì… đó là một tai nạn lớn cho dân. Cho nên bỏ phiếu bất tín nhiệm khó lắm chứ, không phải là chuyện giản dị.
Từ chức và “bị bãi miễn” là hai vấn đề khác nhau. Một đằng là sự tự nguyện bởi lòng tự trọng hay nói cho đúng là phải có “văn hóa xấu hổ” mới có “văn hóa từ chức”. Một đằng là bị buộc phải rời bỏ chức vụ, hay nói cho đúng bị xa thải, bị bãi miễn. Nếu đã bị bỏ phiếu bất tín nhiệm rồi mới từ chức thì chẳng khác nào nhận được một ân huệ “giảm khinh” sau khi phạm tội. Cũng chẳng vinh dự gì. Tưởng như nó ở giữa tính liêm sỉ và không liêm sỉ, nhưng thật ra ai cũng hiểu nó là một. Vậy thì tốt nhất hãy nhìn lại mình, can đảm từ chức nếu thấy nó cần thiết cho lương tâm thanh thản.
Từ chức có khó không?
Có bạn trẻ nói khôi hài rằng làm cái đơn xin từ chức là xong, ngại là ngại có dám đưa ra công khai không mà thôi. Chỉ sợ làm cái đơn rồi cứ thập thò để trong ngăn bàn, chẳng bao giờ dám đưa cho ai đọc. Thật ra bạn trẻ đó thừa biết sự từ chức ở VN khó hơn thế rất nhiều. Không phải vì sợ cấp trên và bạn “đồng liêu” quá yêu, quá tín nhiệm mà cố níu giữ anh lại theo cái kiểu “chỉ có anh mới xứng đáng ở chức vụ này, anh khác nhảy vào là hỏng việc ngay, chẳng anh nào xứng đáng đâu”. Ít có ông nào tự tin đến “khùng” quá như thế. Thật ra không dám từ chức vì lo ngại những dây mơ rễ má quấn quanh mình.
Trước hết là sợ kẻ thù. Từ khi anh nhậm chức đến nay, không thể tránh khỏi có những kẻ thù trước mặt và nguy hiểm hơn là kẻ thù sau lưng. Có kẻ thù “chính đáng” vì bất đồng quan điểm và cũng có cả những kẻ thù vì ghen ghét đố kỵ, dù anh có tài. Và đó là loại anh có thể liệt vào loại tiểu nhân, nhưng loại này mới thực sự nguy hiểm cho anh. Chúng sẽ nhân cơ hội này trả thù anh, triệt hạ anh bằng mọi cách. Rất có thể có những sự việc từ lâu anh đã quên, nhưng chúng nó nhớ. Bây giờ chúng mới “móc” ra, tấn công anh. Anh sẽ không thể “hạ cánh an toàn” như ý muốn. Đấy là chưa kể đến những ông bạn “cuốn theo chiều gió”, ôm chân sếp mới, nó đá giò lái anh gẫy xương.
Thứ hai là cả một “bộ sậu” vẫn trung thành đứng sau lưng anh, làm ăn, kiếm chác đều dựa vào cái chức cái quyền hành của anh. Họ hàng hang hốc nhà anh, nào con nào cháu, nào ông chú bà dì, người làng người xã, bạn bè gần xa… cũng sẽ chịu chung ảnh hưởng tai hại vì cái sự từ chức của anh. Anh có thể mất hết cơ nghiệp vì sự từ chức … dại dột này. Cái sự “hy sính đời bố, củng cố đời con” chưa chắc đã thực hiện được. Có khi con cũng bị vạ lây.
Thứ ba là những thói quen ăn chơi sa đọa, bán trời không mời Thiên Lôi, những nhà hàng “miễn phí” đối với anh, nơi nào anh đặt chân tới cũng được nghênh tiếp trịnh trọng, tiệc chiêu đãi ăn hoài không hết, bây giờ anh không chức không quyền sẽ cảm thấy “hoang vắng”. Rồi những ông bà hàng xóm vẫn thấy anh chễm chệ xe hơi biển xanh, lính lác chạy lao nhao quanh nhà, họ sẽ nhìn anh và vợ con anh ra sao sau khi anh từ chức, nhà anh vắng hoe, chả ma nào thèm ngó tới.
Bằng ấy thứ bao vây quanh cái sự từ chức của anh. Nên phải nói thẳng ra là ở VN từ chức khó lắm, “tế nhị” lắm, gian nan lắm chứ không dễ đâu các bạn ạ.
Nhìn rõ thực trạng ấy, bạn Nguyễn Như Ý vừa có nhận định trên báo Dân Trí ngày 19-09-2012:
- “Việt Nam mà, làm gì có văn hóa từ chức, từ TW (trung ương) đến địa phương. Ngồi mà giữ ghế để hưởng bổng lộc mà, tôi thấy thất vọng… Không những vấn đề này mà còn nhiều việc khác như Vinasin, Vinaline, dầu khí, EVN. Nói thật, tôi rất lo sợ khi niềm tin không còn”.
Thủ Tướng Nhật Bản: Kaoto Kan từ chức, một phần vì ảnh hưởng từ vụ “Fukushima”
- Bạn Nhat Viet có nhận định mỉa mai: “Mình thấy ở Việt Nam là sướng nhất, an toàn nhất trên thế giới. Ở nước ngoài khi làm không được thì người ta thấy có lỗi với nhân dân, tự xin thôi chức. Ở Việt Nam thì khi làm không được thì chỉ biết rút kinh nghiệm, khiển trách để lần sau em sửa sai.
Chứ các bác không thấy sao? Khi làm ở huyện không được thì xem xét rút kinh nghiệm để về tỉnh, về thành phố làm tốt hơn. Chán thật!!!”.
Lại đến chuyện kiểm điểm nghiêm túc
Còn nếu không từ chức thì bài thuốc “kiểm điểm nghiêm túc” là phương thuốc “chữa cháy” rất hiệu quả. Nghe mãi trên truyền hính, đọc mãi trên báo chí, người dân Việt đến phát ốm vì những điệp khúc cũ mèm này. Cứ có họp hành, có phê bình “kiểm thảo” là có bài ca con cá “kiểm điểm nghiêm túc”. Nó thường được mở đầu bằng những hàng rào chắn rất kỹ, trước hết kể lể thành tích “công tác đã đạt được những kết quả tốt đẹp rất khả quan nhưng bên cạnh đó vẫn còn những yếu kém tồn tại. Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận… thiếu sót và kiên quyết khắc phục”. Dù cho tội lỗi có tầy đình cũng “huề cả làng”.
Khung cảnh cổ kính cũ chùa Trăm Gian
Cụ thể, việc gần đây nhất, vụ Di sản văn hóa quốc gia nổi tiếng chùa Trăm Gian thời Lý (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang lâm vào thảm họa.
Người ta thản nhiên phá dỡ di tích lịch sử tan tành
Làm sao có thể phục dựng lại nguyên trạng công trình này?
Chùa Trăm gian (Quảng Nghiêm hay còn gọi là chùa Tiên Lữ), một di sản văn hóa độc đáo được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 – năm 1185 đã vĩnh viễn bị phá hủy. Xin tạm liệt kê vài thành tích phá di tích lịch sử chùa Trăm Gian:
Hình ảnh gác Khánh cổ kính giờ đã không còn
- Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính, quyến rũ, vững chãi như thế này. Vì sao họ đập ra để làm mới toàn bộ?
- Người ta dỡ trắng, như kiểu “giải phóng mặt bằng” cả nhà tổ, gác khánh, bỏ toàn bộ cấu kiện cũ, mua gỗ mới, đổ bê tông nền, lát đá – gạch mới toanh, dựng lên một di tích mới
- Khu nhà tổ rộng mênh mông giờ bị dỡ toàn bộ. Nền bị bóc lên, khoét sâu xuống, đổ bê-tông vĩnh cửu. Các cấu kiện bị dỡ xuống vứt chỏng kềnh, thay mới toàn bộ. Tượng bị khênh đi nơi khác. 100% gỗ mới, xi-măng, gạch ngói mới, xây lại cái nhà tổ theo đúng nghĩa đen.
Và, đau thương thay, gác Khánh là một di tích cổ kính tuyệt mỹ từng làm nao lòng bao người, cũng đã bị “giải phóng mặt bằng tuyệt đối” y như vậy.
Đường dẫn lên chùa, dãy cầu thang đá cao vút, rêu phong, người thợ xưa đẽo thủ công vững như bàn thạch. Đang tốt thế, người ta cho thợ vào dùng búa đập vỡ tan tành, mua đá mới xẻ bằng máy trắng phau lát vào. Đá cũ ném ngổn ngang trước cửa chùa…
- Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khánh – những vật liệu đã làm nên một tác phẩm kiến trúc ngàn năm tuổi – bị chất đống phía sau chùa. Bậc cấp lên sân tiền đường được thay mới bằng đá xanh…
- Người dân vô tư hè nhau leo tuốt lên mái ngói, tha hồ bóc dỡ mang về… xây chuồng heo.
Cơ quan văn hóa Không biết, không nghe, không thấy
Một ngôi chùa với hàng trăm gian, nằm ở khu dân cư đông đúc, cách trụ sở UBND xã có hơn 1km, cách UBND huyện có 4km, lại ở Thủ đô Hà Nội đã bị đâp phá hơn một trăm ngày với tiếng búa, tiếng cưa và ngổn ngang vật liệu mà các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương vẫn “không biết, không nghe, không thấy” thì không phải là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” mà là cả đàn voi chui lọt… lỗ tai.
Các bức tranh tượng khắc gỗ trong chùa bị sơn lại lòe loẹt bằng sơn công nghiệp, hoặc được thay thế bằng những bức tranh mới.
Hài hước thay, nó đã bị thay đổi 100% rồi, tức là chẳng biết đống gỗ rui mè thay ra có còn hay… chui vào bếp, thanh tra văn hóa mới về thị sát và đình chỉ.
Xin thưa, còn gì nữa đâu mà thị với sát? Mà đình với chỉ?
Làm quan sướng lắm chứ
Đến nay, vụ phá hoại di tích lịch sử chùa Trăm gian đã kết thúc, kỷ luật nghiêm những người vi phạm cứ như chuyện “xem qua rồi bỏ”. Thật ra hình thức kỷ luật này cũng chẳng khác mấy với các vụ vi phạm nghiêm trọng khác, vụ việc đã có hình thức kỷ luật rất… quen thuộc là “Kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Những bức tranh với màu sơn nguyên bản may mắn còn sót lại.
Cụ thể là UBND huyện Chương Mỹ nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc, UBND xã Tiên Phương bị khiển trách. Về cá nhân, nghiêm khắc phê bình Phó Chủ tịch phụ trách văn xã Vũ Văn Đông. Hai vị Trưởng phòng phó Phòng Văn hóa Thông tin là Hoàng Minh Hiến và Trịnh Văn Ban nhận mức khiển trách. Các ông Vũ Văn Doãn -Chủ tịch UBND xã, ông Tống Bá Lương – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Xuân Chít – Cán bộ Văn hóa xã cùng nhận mức cảnh cáo. Người duy nhất “đen đủi” bị cho thôi giữ chức là Trưởng ban Quản lý di tích. Và hết!
Thực ra không phải chỉ vụ việc này mà gần đây, nhiều vụ việc khi đưa ra kết luận xử lý đều khiến dư luận ngỡ ngàng bởi vụ việc thì lớn, hậu quả thì nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Thế nhưng cái “roi” kỷ luật giơ lên rất cao song khi hạ xuống thì rất khẽ, nhẹ đến giật mình.
Không chỉ những vụ việc nhỏ mà cả những vụ án hình sự nghiêm trọng, số tài sản thất thoát ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước cũng được xử lý rất… tình cảm.
Một bạn đọc Email nhuque85hb@gmail.com gửi cho báo chí một câu kết rất đúng người đúng cảnh:
“Ở Việt Nam mình hay nhỉ. Làm sai chỉ cần kiểm điểm với phê bình là xong. Sướng thật!”
Vâng, làm quan ở VN sướng lắm chứ!
Văn Quang
0 comments:
Post a Comment