Tuesday, September 25, 2012
Nguồn gốc của thiếu thốn và sợ hãi
Lâu nay đa số chúng ta thường quen với một cách hiểu nhân quyền hay Quyền con người là những vấn đề chính trị. Nhưng thật ra Quyền con người là những điều thiết thực liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ cơm áo gạo tiền đến hạnh phúc và hưởng thụ cuộc sống. Nếu ai đó đang phải sống thiếu thốn, bệnh tật không có điều kiện để chữa trị, thất nghiệp không có trợ cấp, già cả thiếu người chăm sóc; trẻ em lang thang cơ nhỡ,… thì QUYỀN ĐƯỢC HƯỞNG MỘT MỨC SỐNG THÍCH ĐÁNG của mình đã không được đảm bảo.
Những ai đang vật lộn với cuộc sống, đầu tắt mặt tối làm quần quật suốt ngày, tăng giờ, tăng ca mà đồng lương và thu nhập vẫn không đủ để nuôi gia đình thì đó là QUYỀN ĐƯỢC TRẢ CÔNG XỨNG ĐÁNG VÀ HƯỞNG CHẾ ĐỘ THÙ LAO CÔNG BẰNG, HỢP LÝ NHẰM ĐẢM BẢO SỰ TỒN TẠI CỦA BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH đã không được tôn trọng.
Ít ai trong chúng ta mà không phải mất ăn mất ngủ để lo chạy trường cho con, để lo tiền đóng rất nhiều các khoản chi phí “tự nguyện” lẫn bắt buộc cho con ăn học. Cũng không ít trường hợp bậc làm cha mẹ đã đau như cắt ruột vì buộc phải cho con mình nghỉ học bởi không đủ tiền. Đó là do QUYỀN ĐƯỢC HỌC TẬP, ĐƯỢC GIÁO DỤC MIỄN PHÍ (ít nhất ở bậc tiểu học và trung học cơ sở) đã không được thực hiện đầy đủ cho chúng ta.
Các QUYỀN nói trên đều là QUYỀN CON NGƯỜI hay NHÂN QUYỀN.
Nạn bạo hành trẻ em và phụ nữ hay lao động vị thành niên hoặc nạn nô dịch hoặc bị buộc làm việc như nô lệ đều là những điều mà QUYỀN CON NGƯỜI không cho phép: “không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ”, “các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt”. Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người quy định như vậy.
Nạn tảo hôn hay hôn nhân ép buộc hoặc cấm đoán hôn nhân chính là sự vi phạm QUYỀN CON NGƯỜI của cha mẹ đối với con cái mình: QUYỀN CỦA NAM NỮ ĐƯỢC KẾT HÔN VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH KHI ĐỦ TUỔI MÀ KHÔNG PHẢI HẠN CHẾ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ.
Nếu có ai đó bị ăn cắp bản quyền tác phẩm thì đã có người xâm phạm QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ CÁC QUYỀN LỢI VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN TỪ CÁC SÁNG TẠO của mình. Cũng là QUYỀN CON NGƯỜI đấy.
Và những ai đó buộc phải chuyển nhượng tài sản của mình cho người khác, tổ chức khác mà mình không muốn nhưng phải làm vì ảnh hưởng bởi quyền lực và tiền bạc của những người đó, tổ chức đó thì QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN VÀ KHÔNG BỊ TƯỚC ĐOẠT TÀI SẢN MỘT CÁCH ĐỘC ĐOÁN của mình đã bị xâm hại nghiêm trọng. Đừng nghĩ những vấn đề đất đai không liên quan đến QUYỀN CON NGƯỜI.
Bạn đã từng bao giờ bị hoặc lo lắng điện thoại mình bị nghe lén, thư tín của mình bị đọc trộm, phòng ngủ mình bị nhìn trộm, quay lén? Hoặc bạn có phản ứng khó chịu không khi ai đó bỗng nhiên lăng mạ, chửi bới mình? Người bình thường thì không thể chấp nhận được những điều như thế vì đó là những QUYỀN CON NGƯỜI của chúng ta mà chúng ta không muốn bị người khác xâm phạm.
Nếu người thân của ta bị tra tấn, đánh đập, bị đối xử tàn ác không có tính người, thậm chí là chết thì đó không chỉ là chuyện không may mà phải hiểu rằng những rủi ro bất hạnh đó sẽ không xảy ra nếu những người thực thi pháp luật có ý thức tôn trọng để không chà đạp lên QUYỀN CON NGƯỜI của nạn nhân – QUYỀN ĐƯỢC SỐNG ĐƯỢC AN TOÀN, ĐƯỢC TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM CÁ NHÂN và QUYỀN KHÔNG BỊ TRA TẤN, BỊ ĐỐI XỬ TÀN BẠO.
Rồi một lúc nào đó phải chứng kiến người thân mình bị ra trước vành móng ngựa, bị buộc xưng là bị cáo, bị đối xử như một phạm nhân dù chưa có bản án, bị trở nên thấp cổ bé họng trước những người của Viện kiểm sát thì đó là lúc quan tòa đã không bảo vệ được QUYỀN ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI KHÔNG CÓ TỘI VÀ QUYỀN BÌNH ĐẲNG TRƯỚC TÒA ÁN của chúng ta. Đó chính là QUYỀN CON NGƯỜI cho cả những người thực sự phạm tội đi nữa, không được tước đoạt của họ.
Không chỉ ở các phiên tòa hình sự mà ngay cả trong những việc tranh chấp, kiện tụng dân sự, chắc cũng không ít trường hợp sự thật và tiếng nói của thường dân không có chút giá trị gì đối với những lời phán quyết. QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ CÔNG BẰNG TRƯỚC PHÁP LUẬT đã bị đồng tiền và những quan hệ thân thế làm cho chỉ còn tồn tại trên giấy vào những lúc như vậy.
Có lẽ đã có nhiều người phải trải qua tâm trạng bức rứt, dày vò, thậm chí là xấu hổ vì đã không dám lên tiếng ủng hộ những việc làm mà mình thấy là đúng đắn. Ngay cả khi những việc đó được thực hiện bởi những người mình đã từng thân thiết và biết là người tốt, có nhân cách. Không những không dám giúp đỡ mà mình còn phải xa lánh những người đó và gia đình họ vì sợ liên lụy. Lại QUYỀN CON NGƯỜI ư? Đúng, là QUYỀN CÓ NGHĨA VỤ VỚI CỘNG ĐỒNG MÀ CHỈ Ở ĐÓ NHÂN CÁCH CỦA MÌNH MỚI CÓ THỂ PHÁT TRIỂN ĐẦY ĐỦ. Nếu chúng ta thấy có quá nhiều cái xấu, kém đạo đức đang tồn tại thì nguyên nhân chính là các quyền con người này đang bị thiếu vắng.
Không chỉ chuyện của người khác, ngay cả chuyện của chính mình mà ta không dám lên tiếng. Nhiều người cứ phải chịu đựng bao oan trái xảy ra hàng ngày đối với mình, gây ra bởi những người đang được trả lương bằng tiền mình đóng thuế. Những người đó đáng lẽ phải đảm bảo cho mình QUYỀN ĐƯỢC HƯỞNG SỰ PHỤC VỤ CỦA NHÀ NƯỚC MỘT CÁCH CÔNG BẰNG thì lại tạo ra sự nhũng nhiễu để mình phải đút lót cho họ.
Không những vậy họ còn áp bức để mình không dám mở miệng ca thán về những điều sai trái của họ. Đó chính là sự xâm phạm QUYỀN TỰ DO BÀY TỎ Ý KIẾN của con người. Nếu quyền này được đảm bảo thì ngay cả khi chúng ta chưa có điều kiện để không bỏ phiếu cho họ thì cũng buộc họ phải tỉnh ngộ mà làm tốt hơn trách nhiệm của mình.
Khi mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình đối với những việc làm và công chức của chính quyền thì khi đó mới có thể đảm bảo được rằng Ý CHÍ CỦA NHÂN DÂN LÀ CÁI GỐC CỦA QUYỀN LỰC CHÍNH PHỦ. Đây chính là QUYỀN LÀM CHỦ ĐẤT NƯỚC, cũng là một QUYỀN CON NGƯỜI của chúng ta. Một khi mà quyền làm chủ đất nước của người dân bị xâm phạm thì không chỉ quyền lợi của mỗi cá nhân mà cả lợi ích và chủ quyền quốc gia cũng sẽ bị xâm lấn, đến mức có thể trở thành nô lệ, thuộc địa.
Để con người có thể thụ hưởng được các QUYỀN nói trên thì QUYỀN CON NGƯỜI còn bao gồm cả QUYỀN CỦA MỖI NGƯỜI ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA CÁC QUYỀN CỦA MÌNH BẰNG CÁC NỖ LỰC TRONG NƯỚC LẪN HỢP TÁC QUỐC TẾ. Do vậy không có gì sai trái khi chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài để giúp tăng cường và bảo vệ quyền con người cho mình.
Vì để có thể chống lại có hiệu quả sự xâm phạm quyền lợi của mình từ những người khác nên QUYỀN CON NGƯỜI không thể thiếu các QUYỀN BIỂU TÌNH, ĐÌNH CÔNG, QUYỀN ĐƯỢC LẬP HỘI HOẶC TỰ DO THAM GIA CÁC TỔ CHỨC để cùng nhau bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Và để con người khác với các động vật khác, có thể phát triển thành những xã hội ngày càng văn minh hơn thì QUYỀN CON NGƯỜI đương nhiên là phải có các QUYỀN TỰ DO TƯ TƯỞNG, TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO, QUYỀN TỰ DO TRUYỀN BÁ HOẶC GIỮ QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH MÀ KHÔNG BỊ CAN THIỆP, ÁP ĐẶT VÀ QUYỀN KHÔNG BỊ BẮT BUỘC PHẢI THEO MỘT TỔ CHỨC HOẶC TÔN GIÁO HAY MỘT TƯ TƯỞNG NÀO CẢ. Có như vậy thì con người mới có thể luôn sáng tạo ra những cái mới ngày càng tốt đẹp hơn cho cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của mình.
Có lẽ ít có những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà không liên quan đến QUYỀN CON NGƯỜI. Có thể chúng ta không thể nhớ hết từng tên gọi của các quyền này nhưng chắc chắn một điều là tất cả những gì liên quan đến sự tồn tại và phát triển của con người đều liên quan đến QUYỀN CON NGƯỜI. Nếu chúng ta còn thấy bất an trong cuộc sống, còn phải chịu thiếu thốn và phải bị sợ hãi thì khi đó chính là QUYỀN CON NGƯỜI của chúng ta còn chưa được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ.
Mục tiêu cao cả nhất của các QUYỀN CON NGƯỜI được xác lập trong Tuyên ngôn Nhân quyền toàn thế giới của Liên Hiệp Quốc chính là để đảm bảo cho con người ở khắp mọi nơi trên thế giới có được một cuộc sống không phải thiếu thốn, không bị sợ hãi để tự do mưu cầu hạnh phúc của mình, xây dựng và bảo vệ nhân phẩm của mình. Từ đó góp phần làm cho thế giới hòa bình, thịnh vượng và văn minh. Bản Tuyên ngôn này đã được cụ thể hóa thành hai bản Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết nhằm cam kết tôn trọng và bảo vệ các Quyền này cho nhân dân Việt Nam từ năm 1982. Sau đó Hiến pháp hiện hành cũng đã quy định và bảo vệ các quyền đó cho công dân Việt Nam. Việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay cũng đã được xác định là nhằm tôn trọng và bảo vệ hơn nữa QUYỀN CON NGƯỜI.
Do vậy nếu chúng ta nói, tìm hiểu, viết về Quyền con người của mình thì không có gì sai trái hay phạm pháp cả.
Trần Văn Huỳnh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment