Vụ việc Toà án Nhân dân Hà Nội hôm 4-4 đưa Luật sư Cù Huy Hà Vũ ra xử được nhiều người chú ý có lẽ là vì khi bắt ông tại một khách sạn công an trưng ra hai bao cao su đã dùng như bằng chứng để cáo buộc luật sư có những quan hệ bất chính với một phụ nữ không phải là vợ mình. Cùng lúc công an tịch thu tài liệu để buộc tội ông có những hoạt động “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 của bộ hình sự tố tụng hiện hành.
Phiên xử ngày 4-4 diễn ra chóng vánh với kết quả tiên liệu. Như những phiên toà dành cho Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân trước đây cũng với cáo buộc vi phạm điều 88 luật hình sự là tội danh nhà nước thường dùng để bỏ tù những ai lên tiếng phát biểu quan điểm bất đồng hay chỉ trích chính sách của Hà Nội. Như những người tranh đấu cho dân chủ khác, Luật sư Vũ bị kết án nhiều năm tù, chính xác là 7 năm.
Phải thừa nhận rằng ông Vũ trong quá khứ đã có những việc làm khá ồn ào, phô trương như kiện quan chức tỉnh và cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những dự án của chính phủ đã vi phạm luật hiện hành, là các dự án Đồi Vọng cảnh Huế và khai thác bô-xít Tây nguyên. Ông Vũ cũng từng tự ứng cử chức bộ trưởng văn hoá thông tin, ứng cử đại biểu quốc hội nhưng đã bị gạt tên ngay từ điạ phương. Những việc làm của ông có người cho rằng chỉ vì muốn được chú ý, gây tiếng vang cho cá nhân. Ông cũng thường trả lời phóng viên báo đài nước ngoài, chỉ trích những vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam mà cơ quan an ninh cho là xuyên tạc, nói xấu tổ quốc.
Nhưng dưới chế độ độc tài đảng trị như ở Việt Nam hiện nay, hành động của Luật sư Vũ là can đảm và bản án dành cho ông một lần nữa cho thấy Hà Nội không chấp nhận có những chính kiến bất đồng. Với tình trạng nhân quyền thường xuyên bị chà đạp, nhiều trí thức đã lên tiếng cho tự do dân chủ, trong số đó đặc biệt có nhiều người trong ngành luật, từ Lê Chí Quang, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật đến Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ.
Vụ xử Luật sư Cù Huy Hà Vũ – ông tốt nghiệp luật Đại học Sorbonne, Pháp – đã được một số luật sư gốc Việt tại hải ngoại chú ý và lên tiếng can thiệp, trong đó có Luật sư Nguyễn Xuân Phước từ Texas, Mỹ và Luật sư Vũ Đức Khanh từ Ontario, Canada. Một cách riêng rẽ, hai luật sư hải ngoại đã thỉnh cầu quan chức Việt Nam, Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới can thiệp cho ông Vũ được tự do vì cho rằng những việc làm và phát biểu của ông nằm trong khuôn khổ cho phép của luật Việt Nam và sự việc giam tù ông là vi phạm những công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng.
Trong nước, một kiến nghị yêu cầu trả tự do cho Luật sư Cù Huy Hà Vũ được khởi xướng trên mạng Bauxite Việt Nam (www.boxitvn.net) và đã có 1889 chữ kí của nhiều thành phần xã hội từ quân đội đến trí thức và nhiều người Việt hải ngoại.
Một tiếng nói khác của trí thức hải ngoại gây nhiều chú ý quanh vụ xử là từ Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học xuất sắc nhất của Việt Nam với giải thưởng Fields 2010, hiện giảng dạy tại Đại học Chicago và ông cũng đóng góp nhiều vào việc cải tiến ngành toán học tại quê nhà. Ngày 5-4 trên Blog Thích Toán Học của mình, Giáo sư Châu đã viết về vụ xử, qua bài viết ngắn có tựa “Về sự sợ hãi” chưa đến 300 chữ và đã tạo nên phản ứng sôi nổi với rất nhiều góp ý phản đối cũng như tán đồng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận định: “Với những gì xảy ra gần đây, ông [tức Luật sư Cù Huy Hà Vũ] thể hiện mình như một con người không tầm thường.” Giáo sư đưa ra những giả thiết dẫn đến vụ xử trong đó có khả năng “ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ.”
Bài viết rất ngắn nhưng cũng đủ để nói lên nhận định quán triệt của ông về lãnh đạo Việt Nam đương thời. Điều ngạc nhiên là chỉ ít hôm sau Giáo sư Ngô Bảo Châu quyết định đóng blog với lí do: “Bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy nghĩ.”
Sau đó vài tuần, báo Công an Nhân dân Giữa tuần ngày 10-5 có bài viết “Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu” của Quý Thanh cho rằng nhận xét về tính anh hùng mà Giáo sư Châu đã dành cho Luật sư Cù Huy Hà Vũ là vội vàng, không trung thực vì giáo sư sống xa nước Việt Nam.
Sự kiện đóng blog khiến có dư luận thắc mắc giáo sư có bị áp lực từ phiá lãnh đạo Việt Nam để phải đóng cửa cánh cổng thông tin, liên lạc đã có từ sau ngày được giải thưởng toán, được chính phủ Việt Nam vinh danh và cấp cho ông một chung cư cao cấp ở Hà Nội?
Những nhận định tích cực của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Luật sư Cù Huy Hà Vũ và tiêu cực về vụ án đưa đến việc tự đóng blog cho thấy nhà nước dù muốn mời gọi trí thức đóng góp khả năng vào việc xây dựng quốc gia, nhưng tuyệt đối không chấp nhận trí thức bàn luận đến những vấn đề chính trị, không cho trí thức phát biểu chính kiến độc lập. Điển hình là viện nghiên cứu IDS bị giải thể và những trí thức Việt kiều về nước bị trục xuất hay giam tù khi an ninh biết họ có những phát biểu hay hoạt động chính trị.
Thập niên 1990, Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi nổi tiếng về phẫu thuật tim mạch đã từ Hoa Kỳ về giảng dạy cho sinh viên và bác sĩ tại các đại học và bệnh viện ở Sài Gòn. Chương trình bồi dưỡng chuyên môn đang tiến hành thì được lệnh ngưng khi giới chức an ninh biết được các hoạt động chính trị của Bác sĩ Ngãi với Đảng Nhân dân Hành động và đã giữ ông tại khách sạn, điều tra nhiều ngày rồi trục xuất.
Cuối thập niên trước, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và kỹ sư Đỗ Thành Công là những trí thức Việt kiều khác đã bị giới chức trách Việt Nam giam giữ nhiều tuần sau khi biết họ có những hoạt động chính trị.
Mới đây, Giảng viên Phạm Minh Hoàng, từ Pháp về Việt Nam giảng dạy tại Sài Gòn đã nhiều năm vừa bị bắt giam vì ông viết nhiều bài chính luận phê bình chính sách và chế độ dưới bút danh Phan Kiến Quốc. Ông hiện bị giam để chờ ngày ra toà.
Một người thường về Việt Nam giảng dạy chuyên môn cho biết mỗi chuyến công tác trong nước ông đã phải ghi rõ nội dung các bài giảng. Cơ quan bảo trợ cũng điều tra lí lịch để biết ông không có những sinh hoạt chính trị ở nước ngoài.
Sự việc Giáo sư Ngô Bảo Châu đóng blog của ông có lẽ cũng nằm trong sự đe doạ của Hà Nội liên quan đến những phát biểu chính trị của ông về Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Vì uy tín quốc tế của giáo sư mà Hà Nội không thể sách nhiễu hay bắt giam ông.
Hy vọng Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ tạm dừng để suy nghĩ một thời gian ngắn rồi sẽ mở lại cổng thông tin và tiếp tục giao tiếp, chia sẻ những kiến thức chuyên môn và suy tư về đất nước với những người đã trân quí ông qua phát biểu đầy dũng khí của một trí thức: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.”
© 2011 Buivanphu
0 comments:
Post a Comment