Nguyễn Văn Tuấn - Thấm thoát mà đã 36 năm. Tính từ ngày 30/4/1975. Nhân dịp đọc một cuốn sách cũ, tôi thấy có vài thông tin về kinh tế của miền nam Việt Nam trước 1975 cũng có ý nghĩa so sánh nào đó ...
Về thu nhập bình quần, theo số liệu kinh tế, GDP bình quân ở miền Nam vào thời trước 1975 là 150 USD. Thu nhập này tuy chưa cao mấy thời đó, nhưng cao hơn ở các nước Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan. Ba mươi sáu năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 1100 USD, thua xa Thái Lan (khoảng 4000 USD).
Về giáo dục đại chúng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, năm 1973, tỉ lệ dân số biết đọc, biết viết là 70%, rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó. Hiện nay, tỉ lệ dân số biết đọc và viết là 90%. Ba mươi sáu năm, chỉ tăng 20%?
Hôm nọ, khi tôi viết rằng thời trước 1975, du học sinh Thái Lan sang đại học miền Nam học, còn bây giờ thì mình sang đó ... du học. Chẳng có gì xấu hổ. Người ta giỏi hơn mình thì mình học người ta. Nhưng nói ra sự thật ấy làm tôi nao lòng và buồn về sử đổi đời. Có người từ miền Bắc hỏi tôi có bằng chứng gì giáo dục miền Nam tốt hơn bây giờ? Tôi nói chính tôi là sản phẩm của nền giáo dục thời trước 1975 đây. Còn hàng vạn "sản phẩm" của nền giáo dục trước 1975 đang ở nước ngoài và họ cũng thành danh, thành tài. Đó là một bằng chứng của nền giáo dục trước kia.
Về trình độ của giới cầm quyền, 36 năm sau nước ta đã có 50% bộ trưởng có văn bằng tiến sĩ. Thời trước 1975, tôi không có con số chính xác, nhưng chỉ nhớ số bộ trưởng có bằng tiến sĩ chỉ đếm đầu ngón tay. Ngay cả ông Hoàng Đức Nhã với bằng thạc sĩ nhưng được giới báo chí và công chúng nể lắm rồi. Nhưng theo Giáo sư Đặng Phong thì tuy họ học không cao, nhưng trình độ thật thì cao và đáng nể: “Cần phải phân biệt rõ: nền chính trị thối nát (không phải tôi nói, mà người Mỹ và người trong giới chính trị Sài Gòn nói) với bộ máy kinh tế chuyên nghiệp. Những cấp cao nhất, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng... phần lớn là dân võ biền, là lính sang làm chính trị như Thiệu, Kỳ, Khiêm ... Nói chung, họ không có mấy kinh nghiệm để điều hành một xã hội dân sự văn minh. Nhưng điều đặc biệt là cấp dưới của họ (bộ trưởng, tổng trưởng...) và các chuyên gia hàng đầu đều là những người có học vấn, kiến thức kinh tế - xã hội rất giỏi để vận hành khối lượng tiền, hàng cực lớn. Bằng chứng là Nam VN khi đó đã có hệ thống ngân hàng, hệ thống thuế, bảo hiểm ... trình độ quốc tế, hoạt động toàn cầu. Dân đã xài séc, các công cụ tín dụng, công sở xài máy tính IBM, tổ chức nền kinh tế đã sử dụng các phương tiện hiện đại, mà bây giờ chúng ta mới chập chững tiến vào.”
Ngày xưa (thời VNCH) cũng có tham nhũng, nhưng hình như bản chất hơi khác với thời nay. Ngày xưa, giới quan chức VNCH tham nhũng chủ yếu là ăn chận tiền tài trợ của Mĩ. Thật ra, tham nhũng của VNCH là có lợi cho cách mạng, vì lợi dụng đó mà du kích mới có tiếp viện! Tham nhũng thời VNCH theo Gs Đặng Phong là “một nguồn hậu cần quan trọng giúp chúng ta thành người chiến thắng”. Còn ngày nay, cứ như báo chí phản ảnh thì quan chức ăn chận tiền của … dân. Họ cũng ăn chận (hay ăn cắp?) tài nguyên đất nước. Hình thức tham nhũng nào cũng nguy hiểm, nhưng ăn chận tiền dân và tài nguyên quốc gia thì đúng là nguy hiểm và […]. Giáo sư Đặng Phong nói: “Tham nhũng cũng là một cách ra đời tầng lớp hữu sản cho nên đạo lý kém hơn, chụp giật hơn, lưu manh hơn.”
Ngày 30/4 thường được nhắc đến như là một “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng miền Nam”. Đứng trên quan điểm kẻ thắng người thua, thì chắc cũng có lí do để gọi đó là ngày chiến thắng. Nhưng thử hỏi với cả 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến đó, cộng thêm hàng trăm ngàn bỏ mạng trên biển, và 3 triệu người lưu vong, thì chiến thắng đó có vẻ vang không? Chẳng lẽ ăn mừng chiến thắng trên xác người? Còn giải phóng thì có nghĩa là giải phóng từ nô lệ, gông cùm của bọn đế quốc, nhưng trong thực tế ngày xưa đâu có nô lệ, và bọn đế quốc Mĩ cũng đâu có gông cùm gì; chúng vẫn phát triển giáo dục tốt, hệ thống y tế tốt, kinh tế gia đình khá no ấm, học trò lễ phép, báo chí nói khá thoải mái (diễu cợt ông Thiệu, ông Kỳ liên miên). Do đó, hai chữ “giải phóng” e rằng không thích hợp với thực tế của những con số vừa trình bày.
Hóa ra, thời trước 1975 cũng không đến nổi tệ, nếu không muốn nói là có nhiều khía cạnh tốt hơn hẳn ngày nay. Nhớ có lần bà con tôi là bộ độ tập kết vào tiếp quản miền Nam, các chú và cậu đem mấy con gà và vài lít gạo cho nhà tôi, vì tưởng tụi tôi đói khát lắm và nghèo lắm. Đến khi lên nhà, bà con tôi hết sức ngạc nhiên vì họ không ngờ tôi có xe Honda lại còn đeo đồng hồ 2 cửa sổ không người lái nữa chứ, còn gia đình tôi có độ 100 công đất và 3 chiếc máy cày! Vài năm sau, tôi mất cái Honda, và lưu lạc xứ người, còn gia đình thì còn đúng 5 công đất. Ba mươi sáu năm mà vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nghiêm chỉnh để trả lại sự thật cho lịch sử. Nhưng may thay, có nghiên cứu của Gs Đặng Phong đã để lại vài dữ liệu có ý nghĩa. Xin xem bài trả lời phỏng vấn dưới đây của Gs Đặng Phong để có cái nhìn khách quan hơn về thời trước 1975.
NVT
0 comments:
Post a Comment