Sunday, May 22, 2011

Loa phóng thanh tiếp tục ra rả trên đường phố Hà Nội


HÀ NỘI (AFP) - Tiếng nói của một phụ nữ từ trên không vọng xuống khu trung tâm Hà Nội đông đúc, át đi cả tiếng xe cộ ồn ào bên dưới, nhắc nhở người dân bên vệ đường về ngày bầu cử Quốc Hội sắp tới.

Hai loa phóng thanh gắn trên cột điện một đường phố ở Hà Nội. Bắt đầu sử dụng từ thập niên 1950 nhưng ngày nay vẫn còn thường thấy ở các làng xã, đô thị của Việt Nam. (Hình: AFP/Hoàng Ðình Nam)

“Ngày bầu cử Quốc Hội là ngày hội lớn của dân tộc. Ði bầu là quyền lợi và bổn phận của mỗi công dân,” giọng nói đơn điệu cất đều trước khi bản quốc thiều trỗi lên, chấm dứt lời loan báo. Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc đầu phiếu vào ngày 22 tháng 5 ở một đất nước độc đảng, nhưng tiếng nói phát ra không chỉ giới hạn trong mục đích chính trị, mà còn để thông báo việc chích ngừa, lãnh trợ cấp của chính phủ, kể cả nhắc nhở người dân giữ vệ sinh phố phường. Hệ thống loa phóng thanh vốn có từ hằng mấy thập niên, mục đích để mang thông tin đến 87 triệu người dân trong nước.

Một chủ phố 50 tuổi không dám nêu tên nói: “Ðây là điều hết sức bức xúc. Chúng tôi chịu không nổi nhưng biết làm gì hơn.”

Bắt đầu đưa vào ứng dụng từ thời thập niên 1950, vào thời gian chiến tranh Việt Nam, loa phóng thanh dùng để thông báo cho người dân chạy vào hầm trú ẩn kịp trước khi máy bay Mỹ đến ném bom, nhưng từ đó chúng được sử dụng vào mục đích tuyên truyền và thông tin đường lối của nhà nước.

“Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm, đảng Cộng Sản Việt Nam muôn năm!” là điệp khúc được lập lại mỗi khi có ngày quốc lễ, như quốc khánh, ngày thành lập đảng cầm quyền. Nhưng vào thời đại Internet và điện thoại tinh khôn như ngày nay, ít còn ai chịu lắng nghe.

Lê Thị Ngọc Anh, sinh viên ngành kinh doanh sống ở vùng phụ cận Hà Nội, nói: “Chẳng có ai chú ý. Theo em loa phóng thanh không còn thích hợp nữa vì quanh đây đã có quá nhiều tiếng ồn rồi. Em nghĩ cả nhà em cũng chẳng có ai quan tâm.”

Ðối với những người khác, chương trình phát thanh hai lần mỗi ngày không những đã quá lỗi thời hoặc gây ít nhiều phiền phức, mà còn góp phần vào việc gây ô nhiễm âm thanh nơi đô thị nữa.

Bà thợ may Trần Thị Bích vừa sửa soạn tô cháo cho đứa con gái vừa nói với phóng viên AFP: “Họ mở loa từ sáng sớm khiến cả xóm ai cũng phải thức giấc.” Người phụ nữ 50 tuổi có tiệm may vừa là nhà ở, chỉ cách cái loa có vài bước, nói thêm, chương trình phát thanh bắt đầu lúc 6 giờ rưỡi sáng, mặc dù nghe hoài nhưng vẫn “không thể” quen tai.

Bà Bích tiếp: “Tôi chẳng biết phải làm sao. Có thể chỉ tôi mới thấy khó chịu, mấy người khác có thể chẳng thắc mắc gì.”

Tuy nhiên, các quan chức nhà nước lập tức lên tiếng bênh vực. Ông Phạm Quốc Bản, giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông, thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, trả lời cuộc phỏng vấn của AFP: “Ðúng là nó đã lỗi thời vì chỉ có nước nghèo mới dùng đến. Ngặt nỗi là vì ngân sách eo hẹp mà cộng đồng chúng tôi có đến hàng chục ngàn người, đa số đều là công nhân lao động, có cách gì khác hơn để phổ biến thông tin đến cho họ?”

Loa phóng thanh không là công cụ duy nhất của một nhà nước theo dõi chặt chẽ người dân, mà còn có hệ thống công an thường phục dày đặc, sẵn sàng thu hình các cuộc biểu tình, các phiên tòa xử những vụ “nhạy cảm” đóng cửa không cho công chúng vào xem, và chính quyền thường xuyên nghe lén điện thoại người dân. Tất cả báo chí và truyền thông đều thuộc chỉ đạo của nhà nước, điều mà Phóng Viên Không Biên Giới, một tổ chức vận động tự do truyền thông, liệt kê Việt Nam đứng vào hạng 165 trên 178, dựa theo chỉ số tự do báo chí năm 2010.

Ông Bản khẳng định loa phóng thanh chỉ là “công cụ truyền thông” địa phương, không dự phần đến chương trình truyền thông hướng đến khối quần chúng, nhắm đến mỗi phường khóm trên toàn quốc.

Viên chức chính phủ này nuối tiếc hồi tưởng lại những ngày khi người nữ xướng ngôn viên của thành phố còn là “một biểu tượng của Hà Nội” trong thời chiến tranh, ông Bản nói: “Người vào thời tôi vẫn không quên tiếng nói quen thuộc của cô ấy.”

Trong khi một số người ngày nay cho loa phóng thanh không còn thích hợp và gây bực mình, những người khác lại xem đây như là một thanh âm căn bản và thường hằng trong đời sống.

Nguyễn Kim Thanh, 51 tuổi, người bán hàng rong bên hè phố nói: “Tôi thích được nghe, không phải vì tôi ưa lắng nghe mà vì đã quen với âm thanh của nó. Mỗi lần vắng là thấy nhớ. Nghe cũng vui vui.”

Ðối với du khách nước ngoài, hệ thống loa phóng thanh là một cái gì đó khó chấp nhận được, một biểu tượng lỗi thời của một chế độ tuyên truyền hoang tưởng.

Một nhà phân tích Tây phương sống ở Việt Nam suốt 15 năm, nói: “Phương tiện thông tin như thế này thực sự không còn cần thiết nữa. Vì sao vẫn còn duy trì nó để làm chi trong khi dây nhợ chằng chịt khắp nơi? Chắc chỉ là dấu hiệu nhắc nhở cho dân chúng thấy, chính phủ đang để ý quí vị đấy nhé.” (T.P.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?z=157&a=131467&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29

0 comments:

Powered By Blogger