Những vụ ăn cướp tiệm vàng ở Sài Gòn nổ súng pằng pằng, giết người không gớm tay đã trở thành nỗi ám ảnh của các chủ tiệm vàng; những vụ cướp tiền ngay trên xe của những người vừa đi lãnh tiền ở ngân hàng ra cũng khiến nhiều doanh nghiệp và đại gia lo lắng, gây hoang mang cho người dân thành phố. Các cửa hiệu lớn ở Sài Gòn và Hà Nội bây giờ đều có vệ sĩ ngày đêm canh gác rất nghiêm ngặt. Ngay cả những cửa hàng loại khá cũng thuê vệ sĩ đứng gác ngay trước cửa. Bạn đi đâu cũng có thể gặp những vệ sĩ này.

Tuy vậy, đói ăn vụng túng làm liều, các tay cướp vẫn chực chờ cơ hội để ra tay, đôi khi liều lĩnh, bất chấp bảo vệ, bất chấp các điều kiện an toàn khi đi cướp. Cứ cướp đã, thoát được thì phè phỡn, không thoát thì ở tù. Sự "liều mạng"và tàn bạo của những tay cướp mỗi ngày một hung hãn hơn. Hầu hết là những tay cướp "tài tử", không do một băng nhóm xã hội đen nào. Vài ba anh đói cơm, thiếu thuốc, họp lại thành băng cướp. Kiếm vài ba khẩu súng ngắn lúc này quá dễ, hàng từ Campuchia về, loại nào cũng có. Thế là đi cướp, nổ súng thị uy, khi cần thì hạ gục đối thủ ngay, xong là biến về một làng mạc hẻo lánh trú chân, bay sang nước láng giềng lánh nạn. Bị tóm là… tại số!

Đấy là những "vố" lớn ở các thành phố có những cửa hàng bề thế.

Ở những khu vực xa trung tâm thành phố, như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Thủ Đức… những vụ cướp cạn cũng thường xuyên xảy ra. Chỉ cần có vài lạng vàng cũng có thể bị cướp và bị giết. Bác lái xe ôm, gia tài chỉ có mỗi cái xe gắn máy cũ cũng bị hạ dọc đường. Bà lão vỏn vẹn có hơn trăm ngàn (chưa bằng 10 Mỹ Kim), cũng bị xiết cổ… Những tin tức ấy hàng ngày nhan nhản trên các trang báo ở VN, chắc chắn là báo chí chưa thể "phản ảnh" được hết. Còn vô số những vụ cướp cạn, cướp giật, cướp lẻ như thế ở hầu hết các thành phố, thị trấn.

Cho nên đối với số đông người mua nhà, mua đất vào loại trung bình bây giờ ưu tiên 1 là vấn đề an ninh ở khu vực đó ra sao.

Nhưng loại cướp nổ súng pằng pằng hoặc chơi dao Thái Lan ầm ĩ đó vẫn chỉ là loại "hạng bét" so với những kẻ cướp âm thầm. Những kẻ cướp giấu mặt đó, không biết dùng chữ nghĩa nào chính xác nên tôi tạm gọi là "giáo phái thầm lặng", bạn đọc nào có danh từ hay hơn xin cứ dùng thoải mái.

Luật pháp hay luật rừng cũng như nhau

Những vụ cướp nhà cướp đất cùng những thủ đoạn chuyển đổi đất công thành quán cà phê, bãi giữ xe rất quy mô "hoành tráng" trước mặt bàn dân thiên hạ thì lại không cần nổ súng đì đoành, không cần chơi dao búa, không cần khủng bố ai mà vẫn đạt "thắng lợi huy hoàng". Giá trị thực tế của mỗi vụ cướp êm đềm như thế gấp hàng trăm ngàn lần những vụ cướp tiệm vàng bắn giết ồn ào.

Tất cả đường đi nước bước đều âm thầm lặng lẽ trên giấy, bằng những cái bắt tay dưới gầm bàn, những chiếc phong bì dầy cộm tuồn từ túi này sang túi khác hoặc qua những giai nhân chuyên làm gạch nối cho các đại gia và đại quan … Những thủ phạm trong những vụ cướp nhà "đúng luật" nhà nước hay đúng "luật rừng" cứ thế diễn ra êm thắm, lặng lẽ là những con chiên của "giáo phái thầm lặng". Giáo phái này không cần phải làm đơn xin gia nhập, không cần hình thức lôi thôi, chỉ cần anh có quyền hành, tất nhiên là càng nhiều quyền hành càng tốt, biết "kính trên" nhưng không nhường dưới, có chút tài mọn len lách qua những khe hở tí ti của pháp luật là xong.

Không thể kể hết những vụ cướp nhà cướp đất này đã "thông dụng" từ mấy chục năm qua ở hầu hết các địa phương, hầu như nơi nào cũng có. Đất công chiếm làm của riêng, đất của dân nghèo thu lại làm "dự án" rồi "dự án" đâu chẳng thấy, im lặng một thời gian cho mọi chuyện rơi vào quên lãng, các thành viên của "giáo phái thầm lặng" ngấm ngầm chia nhau làm "dự án của vợ con mình". Tất nhiên, sự chia chác này được tính toán rất chi li, khéo léo, giấy tờ được "hợp thức hoá" theo… đúng trình tự của pháp luật. Mọi chuyện diễn ra trên các bàn giấy, chẳng người dân nào biết. Ít lâu sau, mọi chuyện đã "yên bề gia thất", các tín đồ của "giáo phái thầm lặng" nghiễm nhiên hưởng thụ, tỉnh bơ như… người Hà Nội. Cho dù có lật lại "trang sử cũ", chưa chắc đã kiếm được một mảnh giấy lộn hoặc nó lung tung từ công văn nọ đến chỉ thị kia, rối tung rối xoè, chẳng biết đường nào mà lần. Thanh tra cũng chịu thua. Con số ấy quá nhiều, kể cả những vụ "vô phúc" bị khui ra rồi, cũng không đếm xuể. Ngay cả nhà đất của tư nhân ở nhiều thành phố cũng bị cướp, bị "phân" cho các "cán nhỏ, cán nhỡ, cán bự" rồi sang tên, sang tay, mua đi bán lại, cầm cố sửa chữa… chủ nhân cũ chỉ còn nước trắng mắt ra nhìn.

Hàng ngàn chuyện như thế, dài hơn cả chuyện "nhân dân tự vận", nói đến bao giờ cho hết!

Ở đây, bỏ qua những chuyện "lặt vặt", tôi chỉ lược kê vài chuyện lớn vừa được hâm lại khi nhìn thấy nhu cầu về đất đai nhà cửa ở hai thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội đang rất cần để phát triển nhưng đang bị phù phép, bị chiếm dụng, bị qua mặt, bị bỏ hoang…

Cái lý của sự luân chuyển

"Tấc đất tấc vàng" bây giờ đã trở thành "hiện thực", có khi tấc đất còn đắt hơn cả tấc vàng ở những thành phố lớn. Nói đến chuyện mua nhà mua đất ở thành phố với người bình dân là chuyện không tưởng nếu không muốn nói là chuyện mỉa mai. Ngay cả dân trung lưu cũng chỉ dám mơ tới những mảnh đất, những căn nhà ở vùng ngoại ô. Đừng có hòng với tới những mảnh đất, những căn nhà ở trung tâm thành phố. Những chung cư cao cấp chỉ dành cho vị "cấp cao" cả về địa vị và "ngân sách". Người bình dân có được một chỗ chui ra chui vào là may mắn lắm rồi. Niềm mơ ước được một cơ quan nào đó xây nhà hay xây chung cư cho người có thu nhập thấp vẫn chỉ là "ảo ảnh" hoặc "viễn ảnh" đến một năm 2000 lẻ 20, lẻ 30 nào đó mà thôi. Còn "chơi theo kiểu Mỹ", mua nhà trả góp vài chục năm đang có xu hướng phát triển mạnh. Nhưng mua nhà theo kiểu đó thì anh cũng phải có một cái gì đó bảo đảm với ngân hàng. Chứ anh phu hồ làm công nhật, chị đứng bán hàng mướn, cô bưng bê ở mấy quán ăn, quán giải khát, đồng lương không bảo đảm, ai cho anh vay? Thế là dân lao động chính hiệu chỉ còn nước… ABC đi ở thuê.


Trong khi đó có một nghịch lý đang âm thầm diễn ra là có những người Việt Nam mang tiền sang Mỹ mua nhà, giá cả lúc này đang đi xuống nên số người nhòm ngó vào cái thị trường đó ngày càng nhiều. Người Việt thoải mái mua nhà ở Mỹ cho con đi học, cho có chỗ thỉnh thoảng… đi công tác kết hợp với du lịch hoặc nếu tiện thì cho thuê kiếm tiền hàng tháng. Hơn nữa đề phòng "hậu sự", nếu có chuyện không may xảy ra thì đã có "hậu phương" vững vàng. Hoặc nếu có phải kê khai của cải như ở bên Nga đang làm thì không cần kê khai nhà cửa ở tận bên Mỹ, ai biết đấy là đâu. Đồng tiền "luân chuyển" theo cái lý riêng của nó. Nhưng cái lý ấy là của những đại gia, đại quan. Người bình dân chẳng bao giờ biết tới. Tấc đất cắm dùi cón chẳng có, nói chi chuyện mua bán nhà đất cho rắc rối cuộc đời. Kiếm được một miếng đất ở thành phố là chuyện vô cùng gian nan, chẳng phải với dân nghèo mà với ngay cả những người có chút vốn liếng, có "của ăn của để".

Ấy thế nhưng đất bỏ không, đất bị chiếm lại tràn lan khắp thành phố.

Sài Gòn không hề thiếu đất

Ở Sài Gòn hiện nay đang thiếu rất nhiều đất để phát triển nhà ở. Năm 2009, kế hoạch phát triển quỹ nhà tái định cư của thành phố là 5.549 căn nhà và nền; 15.099 căn nhà ở xã hội. Còn sau năm 2010, trong kế hoạch thực hiện sửa chữa, xây dựng chung cư, nhà tập thể hư hỏng xuống cấp, TP cần đến 255.991m2 đất xây dựng.

Ngoài ra còn rất thiếu đất phục vụ đầu tư hạ tầng, thực hiện các dự án dân sinh như trường học, bệnh viện, chương trình xoá nhà lụp xụp ven kênh rạch, xây dựng các công trình phúc lợi…

Đó mới chỉ là tính sơ sơ những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Chưa nói tới những điều kiện để phát triển lên một thành phố "văn minh sạch đẹp" với những không gian thoáng đãng, những mảng cây xanh, công viên, những nhu cầu phục vụ cho giải trí, sinh hoạt khác.

Có phải là Sài Gòn thiếu đất để phục vụ cho nhu cầu bức thiết của người dân từ mấy chục năm qua không?

Câu trả lời khẳng định là hoàn toàn không phải như thế. Đất còn nhiều, rất nhiều, nhưng nhiều cơ quan không kiếm ra hoặc có kiếm ra nhưng đành trơ mắt nhìn vì không thuộc thẩm quyền của mình nên không sử dụng được. Hoặc cũng có khi vì nể nang nên ngậm miệng làm thinh. Những mảnh đất đó đã được phù phép, biến hoá thành nhà riêng, thành đất của công ty, của một cơ quan mà người dân gọi là "trời đánh không chết".

Xin điểm lại vài nét chính đã gây phẫn nộ ồn ào trong suốt tuần vừa qua.

(Kho bãi 555 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh... biến thành khách sạn, nhà phố của ai?)

Biến của công thành của riêng

Hơn mười năm qua, năm 1997, Công ty Kho bãi Thành phố (TP) là đơn vị được giao quản lý khối tài sản công lên tới 337 ngàn m2, nhưng hiệu quả thì không những không được như kỳ vọng mà còn...“hao hụt” theo thời gian: tính đến năm 2005 thì chỉ còn trên 200 ngàn m2. Vậy hơn 100.000 m2 biến đi đâu? Câu trả lời ngay trước mắt, chỉ có điều không ai muốn trả lời mà thôi. Nhà đất còn đó chứ nó biến đi đằng nào được. Không của ông nọ cũng của bà kia, làm gì không biết.

Trường hợp kho số 88 Gò Công, phường 13, quận 5, một địa chỉ đất công bị tư nhân hoá như một sự đã rồi.

Từ 1985, Công ty Kho bãi ký hợp đồng cho Công ty Vật tư tổng hợp (VTTH) TP. Sài Gòn thuê kho bãi này. Đến năm 1994, bên thuê đơn phương ngưng ký hợp đồng, nhưng không chịu bàn giao mà lại cho 6 gia đình công nhân viên của mình sử dụng làm nhà ở. Để “hợp thức hoá”, công ty này đã ban hành 5 quyết định và 1 thông báo của lãnh đạo “cho phép” biến đất công thành đất tư (?)

Tương tự, hai kho bãi thuê có diện tích 700m2 tại địa chỉ số 958 Lò Gốm, phường 8, quận 6 và số 176/11 Hậu Giang, phường 6, quận 6 cũng được lãnh đạo công ty này “cấp phép” hô "biến" thành nhà ở cho 14 gia đình nhân viên của mình.

Nếu muốn truy cứu chẳng có gì khó khăn. Một giám đốc hay có là Tổng giám đốc một công ty dù là của nhà nước cũng không thể có quyền hành ký giấy ngang xương phân chia tài sản của nhà nước, tức là tài sản chung của nhân dân, cho bất cứ ai. Trách nhiệm rõ ràng là của tay giám đốc lạm quyền này. Chưa biết chừng trong "phi vụ" đó ông giám đốc được hưởng bao nhiêu quyền lợi. Anh em bà con giám đốc chắc chắn sẽ có phần chứ không thể nào "lọt" được. Truy cứu trách nhiệm chẳng có gì khó khăn. Vấn đề là ở đây người ta có muốn truy cứu hay không mà thôi.

Quy trình thông minh của một cuộc cướp đất

Bất cứ ai đi qua khu phố khang trang, có những ngôi nhà sang trọng trên miếng đất "vàng" thuộc quận Bình Thạnh, nằm giữa thành phố Sài Gòn, cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng không ai ngờ được rằng đó là khu đất đi "vồ" của một công ty Phát triển nhà đất.

(Nhà kho tại địa chỉ 176/11 đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là dãy nhà của 14 gia đình viên chức, nhân viên Công ty Vật tư tổng hợp thành phố.)

Trước đây, đó là các kho số 552 (diện tích 1.846m2) và kho 555 (diện tích 2.967m2) trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Với vị trí quá đẹp, cả hai kho bãi này sau khi bên thuê (tất nhiên là thuê của thành phố) đơn phương chấm dứt hợp đồng, thay vì giao lại Công ty Kho bãi sử dụng thì lại được UBND quận Bình Thạnh giao cho Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh để đơn vị này “phù phép” biến hoá, chuyển đổi mục đích sử dụng từ kho bãi sang nhà ở rồi phây phây phân lô, bán nền. Có 47 căn nhà (dạng nhà phố, biệt thự) được xây dựng, phần lớn đã được cấp “giấy đỏ”, tức là nhà đất của riêng mình.

Hiện nay, dấu tích của hai kho bãi này đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là các dãy nhà phố sang trọng. Cho đến nay việc khắc phục hậu quả ngoài kiểm điểm lãnh đạo Công ty Kho bãi và UBND quận Bình Thạnh (qua các thời kỳ) chỉ là truy thu tiền sử dụng đất, thuế hết sức tượng trưng (?). Coi như mọi việc đến đó là chấm dứt.

Có thể hiểu "quy trình phù phép" đó hết sức gian ngoan nhưng cũng vô cùng giản dị. Lãnh đạo quận Bình Thạnh thời đó đã ngang nhiên bắt tay với công ty Kho Bãi và Công Ty Phát Triển nhà ở, giao kho bãi từ công ty này sang công ty khác và sau đó "hợp thức hoá" bằng việc cho phép "chuyển đổi mục đích sử dụng" từ kho bãi sang nhà ở. Vì thế nên 47 ngôi nhà phố "hoành tráng" mới nhanh chóng được mọc lên. Cuối cùng là thanh tra vào cuộc cũng chỉ là… tượng trưng nên chỉ "kiểm điểm" qua loa, buộc các chủ nhà phải nộp tiền sử dụng đất, nộp tượng trưng để được cấp sổ đỏ cho chắc ăn. Nếu theo giá cả thị trường, với miếng đất đó, phải vài chục triệu đồng một m2 thì chủ nhà chỉ bị truy thu chừng một triệu cho phải phép. Như thế là có thanh tra, có kiểm tra, có "xử lý" đàng hoàng rồi, còn gì nữa đâu. Chủ nhân cầm sổ đỏ yên trí tha hồ mua đi bán lại. Lời vài trăm cây vàng cũng chẳng có gì là lạ.

Trên đây chỉ là hai thí dụ cỏn con. Theo thống kê, TP. Sài Gòn có hàng trăm địa chỉ kho bãi sử dụng không đúng mục đích. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 8 đã có 77 kho bãi, diện tích 317.362m2, trong đó có 23 kho sử dụng sai mục đích, cho thuê lại với diện tích 24.270,6m2 và 10 kho bỏ trống với diện tích 33.495,3m2.

Vậy thử hỏi trong thành phố Sài Gòn còn bao nhiêu nơi chốn như thế nữa. Nếu quyết tâm thu hồi thì đủ sức đáp ứng nhu cầu bức bách hiện tại của người dân. Và nếu có quyết tâm tìm ra "thủ phạm" của "giáo phái thầm lặng" này cũng chẳng khó khăn gì.

Thiếu quyết tâm hay vướng mắc cá nhân

Nhưng có vẻ cơ quan chức năng vẫn còn ậm à ậm ờ chưa dứt khoát trong việc đòi lại sự công bằng và công tâm với người dân. Một là thiếu quyết tâm vì nể nang, hai là chính những người có quyền hành cũng đang vướng víu vào những mối "quan hệ" làm ăn chia chác từ chục năm trước?

Ông Đặng Văn Khoa – một đại biểu HĐND TP, cho rằng: việc sử dụng đất lãng phí là một vấn đề không mới, bởi nó đã kéo dài vài chục năm nay. Câu hỏi mà người dân đặt ra là cái thực trạng này còn đến bao giờ (?)

Ông Khoa nói: “Ông Huỳnh Ngọc Sỹ trong vụ PCI là chuyện nhỏ, vấn đề công sản sử dụng lãng phí mới là chuyện lớn. Nếu chúng ta không làm mạnh, làm căn cơ là có lỗi với lịch sử, có lỗi với người dân thành phố.

Nhưng nguyên nhân chính là ai đó, đã đặt cái quyền lợi của cá nhân, của nhóm mình lên trên tất cả quyền lợi khác. Bằng mọi cách, mọi thủ thuật để bảo vệ quyền lợi cá nhân họ. Chỉ tiếc về việc này nhiều đại biểu HĐND TP đã đề nghị cho UBND TP rất lâu rồi nhưng không biết sức ì nào cản trở (?) “Bây giờ người dân cần một hành động mà phải là hành động thực sự. Cần một quyết tâm từ cấp cao nhất chứ không phải là lời hứa suông”.

Ở đây, chúng ta thấy ông Khoa đã dám nói lên những bất bình chứa chất trong lòng dân, nhưng ngay chính ông cũng chưa có can đảm chỉ tuột ra ai là kẻ đang làm cản trở công việc thu hồi đất đai này? Ai là thủ phạm của những vụ "phù phép" cướp đất công? Ông vẫn chỉ nói rằng "ai đó" đã đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi chung. Cần phải nói rõ hơn "ai đó" là Nguyễn Văn X hay Lê Văn K... Cơ quan nào sai phạm, cơ quan nào bao che, cơ quan nào đạo diễn như thế nào? Và những kẻ đã hưởng lợi bất chính kia phải trả lại cho công quỹ đúng với những gì họ đã cướp đi.

Đất bỏ hoang cũng nhiều

Ngoài số đất bị chiếm còn hàng ngàn m2 đất công đúng nghĩa “tấc đất, tấc vàng” tại các quận trung tâm TP. Sài Gòn đang bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả.

Kỷ lục về “ngâm” dự án, lãng phí đất đai ở ngay trung tâm TP. Sài Gòn là khu đất góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.

(Dự án khách sạn của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sau hơn 10 năm chỉ là bộ khung như thế này.)

Đây là dự án đầu tư cực lớn về địa ốc của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (vốn đầu tư lên tới 27 triệu USD) nhưng đã hơn 10 năm qua, khách sạn 4 sao liên kết với một đối tác Thái Lan này chỉ là một cao ốc…bỏ hoang.

Hơn 10 năm phơi sương, nắng, đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ đồng trôi theo…dự án này! Khu đất sử dụng không hiệu quả (làm nơi giữ xe hơi) là sự lãng phí ghê gớm.

Hàng ngàn m2 đất công ngay tại trung tâm quận 3, vị trí được coi là “mơ ước” của nhiều đại gia địa ốc Sài Gòn, nhưng hiệu quả mang lại sau nhiều năm giao khu đất này hầu bằng số không.

Toạ lạc trên khu đất vốn được giao cho Công ty CP May Sài Gòn 3 để làm văn phòng giao dịch nhưng dự án này chỉ thi công được 1 trệt, 5 lầu thì dừng hẳn. Đến năm 2000, cao ốc văn phòng này được chuyển đổi thành Trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng”

Tuy nhiên sự “lên đời” đột ngột này vẫn không cứu vãn được tiến độ “rùa” của dự án. Tiếp tục thi công cầm chừng và đến năm 2007 thì… ngưng hẳn. Đến nay từ một dự án dân sinh “hoành tráng”, nhiệm vụ duy nhất của cao ốc này là thành bãi gửi xe cho các cao ốc xung quanh.

Đất vàng thành...quán cafe, bãi giữ xe

Ngay từ năm 2005, TP. Sài Gòn đã ra “tối hậu thư” thu hồi 72 khu đất tại các địa chỉ trong nội thành, trong đó có hàng chục dự án tại khu trung tâm quận 1 và 3. Toàn là những không đất tuyệt đẹp. Tuy nhiên đến nay, những “thành trì” bỏ hoang này vẫn chưa thể xử lý.

Điển hình là tại khu Hồ Con Rùa, nơi có nhiều quán cà phê hàng “sao”, thu hút giới thượng lưu Sài Gòn. Một địa chỉ đất công sử dụng sai mục đích thuộc quyền quản lý của Sài Gòn Ship (số 7 Phạm Ngọc Thạch) hiện là quán cà phê Napoli vẫn chưa thu hồi được.

(Phía trước khu đất 192 đường Pasteur bỏ hoang nhiều năm, nay mọc lên các kiốt cho thuê... thực chất bên trong sử dụng làm bãi giữ xe!)

Hơn 700m2 đất công tại địa chỉ này được Sài Gòn Ship cho doanh nghiệp tư nhân Ngọc Anh thuê dài hạn, theo một nguồn tin - mức giá là vài ngàn USD/tháng, nếu so với mức độ “đẻ trứng vàng” của khu đất thì chưa thấm vào đâu, bởi doanh thu của quán cà phê sang trọng này có thể lên tới cả chục triệu đồng một ngày.

Một địa chỉ “đất vàng” nữa tại trung tâm TP bị bỏ hoang, rồi tự động chuyển đổi thành bãi giữ xe hơi là khu đất thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Dược phẩm 24, địa chỉ 192 đường Pasteur, phường 6, quận 3.

Với những địa chỉ rõ ràng và những dãy nhà phố, quán cafe, bãi giữ xe… chềnh ềnh trên những đường phố, như chọc vào mắt thiên hạ, như trêu tức, thách thức dân đói rách, chẳng lẽ chính quyền làm ngơ mãi được sao? Mấy chục năm qua rồi, nhà cầm quyền thành phố im hơi lặng tiếng đã quá đủ. Thử làm một lần cho dân nhờ, may ra người nghèo mới có cơ hội kiếm được cái nhà chung cư giá rẻ, không phải chờ đến đời con đời cháu mới có chốn chui ra chui vào. May ra phúc lợi tối thiểu của người dân thành phố như trường học, bệnh xá cho người nghèo mới có cơ hội mọc lên.

http://kekhopk.com