Thursday, March 19, 2015

Xích lô Sài Gòn thời 'mạt vận'

**

Wednesday, March 18, 2015



SÀI GÒN (NV) - Xích lô Sài Gòn đã thực sự bị khai tử, hay mới chỉ trong cơn... hấp hối? Ðể có cái nhìn toàn cảnh, cần lật lại những trang hồ sơ về “thông tư, ” “nghị định” mà nhà cầm quyền đã ra liên tiếp, nhằm quyết liệt khai tử nghề xích lô ra khỏi đường phố Sài Gòn.


Xích lô đón khách đêm ở chợ Bến Thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Ðầu tiên, vào năm 1996, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn ra quyết định hoàn toàn cấm xích lô đạp trên 34 tuyến đường tại trung tâm Sài Gòn, thuộc quận 1.

Tới 2002, có 60 tuyến đường cấm xích lô đạp và 148 tuyến đường hạn chế lưu thông.

Tới cuối 2007, “nghị định chính phủ” quyết định “xóa sổ” xích lô vào đầu năm 2008.

Ngày 31 tháng 12 năm 2007, tại một cuộc họp khẩn cấp của thành phố, ông Lê Hiếu Ðằng (lúc đó là phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc) đã kiến nghị với chính quyền dời ngày “hành quyết” xích lô lại. Lý do vì ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân nghèo.

Vào thời điểm trên, theo thống kê chưa đầy đủ thì Sài Gòn có khoảng 60 ngàn chiếc xích lô đạp, và ba gác đạp.

Từ 2010 tới 2013 siết chặt những quy định về hành nghề xích lô đạp.

Xích lô phải được cấp giấy của ngành GTVT, và phải được phường sở tại cấp phép cho chở hàng hóa.

Ða số xích lô tại Sài Gòn do các “lò” sản xuất, không giấy tờ. Người hành nghề xích lô thì đa phần là dân nhập cư, hoặc dân đi kinh tế mới về.

Tình trạng xe không giấy, người không giấy, với những quy định ngặt nghèo trên dẫn tới tình trạng đa số xích lô ở Sài Gòn trở thành đồ... ve chai.


Xe xích lô chở khách ngoại quốc trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Một số ít xe còn lưu thông thì bị quy định giờ giấc nghiêm ngặt. Sáng cấm lưu thông từ 5 giờ tới 13 giờ. Chiều cấm lưu thông từ 16 giờ tới 22 giờ.

Nhưng khi đã “túng” thì con người ta phải “tính.” Nhiều người vẫn hành nghề xích lô “lậu” ở Sài Gòn. Ðó là những chiếc xích lô “mồ côi,” lặng lẽ lăn bánh trong những góc khuất của đời sống phồn hoa đô hội ở Sài Gòn.

***


Trong một quán bia hơi bình dân vùng ven Sài Gòn, chúng tôi ngồi chung bàn với một người đàn ông đã lớn tuổi, nhưng tướng tá còn khá phong độ.

Khi chúng tôi hỏi thăm công việc, người đàn ông chỉ ra cái bao bố bỏ ngoài cửa quán, nói: “Tôi làm nghề lượm ve chai.” Thấy chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên. Người đàn ông cười buồn, cho biết trước kia ông ở khu Cầu Muối, có hai chiếc xích lô, một chiếc chạy, một chiếc cho thuê.

Ông kể với chúng tôi về ngày “khai tử” của giới xích lô là một ngày tháng 5 năm 1997, khi cấm xích lô ở quận 1. Ðời ông xuống luôn kể từ...dạo ấy.

Vợ bỏ theo trai, nhà bị giải tỏa. Ông ra đường hồi nào cũng... không hay.

Hỏi thăm cuộc sống hiện tại. Ông cho biết lượm ve chai bán cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng mỗi ngày ra quán quen, anh em người ta cho uống “chùa,” có người lại cho thêm chút tiền nên cũng sống... lai rai.

Một đêm trời lạnh, cuối năm. Chạy xe ngang một cổng trường đại học, gặp một ông già gầy gò, phong phanh áo mỏng, quần xà lỏn ngồi dưới ánh đèn đường. Chúng tôi ghé lại hỏi thăm.

Ông cho biết, quê Bình Dương lên Sài Gòn hành nghề đạp xích lô này đã hơn 30 năm.

Hỏi thăm người thân nơi quê nhà, ông lắc đầu, buồn bã: “Cũng chẳng còn ai!”

Hỏi có về quê ăn Tết? Ông bảo quê ông bây giờ là đường phố Sài Gòn, nhà là nơi vỉa hè còn “tạm dung” ông với chiếc xích lô đậu ngủ qua đêm.

Gặp mỗi người đi đường ghé lại, đôi mắt ông lại sáng lên: “Kêu xích lô hả? Ði đâu?” Khi người ta lắc đầu, gương mặt ông chợt buồn thiu.



Xích lô của ngành du lịch, chở du khách tại thành phố biển Vũng Tàu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Anh T., là một trường hợp khác. Anh quê Bình Ðịnh, làm ruộng nhưng huê màu chẳng bao nhiêu. Nên giao hết việc ở quê cho vợ, rồi vô Sài Gòn hành nghề đạp xích lô.

Anh T., chạy xe cho một vựa vật liệu xây dựng. Chạy “cuốc” nào, chủ trả tiền cuốc đó. Khi hết giờ bán hàng của vựa, anh bắt mối chạy ngoài để kiếm thêm.

Anh kể, có lần có mối kêu anh chở hàng đi Củ Chi (cách Sài Gòn chừng 40 cây số), họ trả anh 400 ngàn đồng. Thế là trong đêm anh “giong” xe xích lô đạp đi Củ Chi giao hàng, chở nặng nhưng được cái ban đêm trời cũng mát. Giao hàng xong lại đạp xe ngược về Sài Gòn, chưa tới 9 giờ sáng. Ra quán quen, anh chỉ dám “tự thưởng” cho mình hai chai bia Sài Gòn ướp lạnh và một dĩa đậu phộng rang muối.

Anh khoe, đời anh cực khổ như vậy, nhưng nuôi con ăn học rất đàng hoàng. Thằng con lớn anh đang học năm thứ 4 đại học. Ngoài tiền học phí, sách vở anh còn mua xe Honda cho con đi học. Thuê nhà trọ và lo tiền cho con ăn uống đàng hoàng.


Anh nói: “Mình làm hết sức mình, để con nó không thể đổ thừa tại sống cực khổ quá mà nó học không được.” Nhưng anh cũng giao rõ với con, là ngoài 5 năm đại học, cộng với 6 tháng cho con đi xin việc làm là anh hết trách nhiệm.

Người đàn ông ngoài 40, siêng năng lanh lẹn như anh T., có lẽ cũng là những người hiếm hoi sống bằng nghề lao động cực nhọc của thời “mạt vận,” nhưng còn có niềm hy vọng nơi phía trước bởi những đứa con.

Trong khi nghề xích lô ở Sài Gòn đã tới thời “mạt,” thì mấy “lò” sản xuất xe xích lô đã nhanh nhạy sản xuất ra loại xích lô mini để “lách luật.”

Ðó là xích lô cho trẻ em và “xích lô gia đình.” Hai loại xe này kích cỡ chỉ bằng chừng 50 tới 60 % của xe xích lô thứ thiệt.

Xe trẻ em (cho con nít đạp chơi) được cho thuê với giá 30 ngàn đồng/1 giờ. Trong khi xe “xích lô gia đình” được gắn đèn chớp chóa và nhạc hiệu vui tai được cho thuê với giá 15 ngàn đồng/1 giờ. Một ông bố có thể “chất” hiền thê và hai quý tử lên xe rồi đạp xe vòng vòng quanh vùng ven Sài Gòn.

Bên ngành du lịch Sài Gòn đã từng kiến nghị xin xây dựng “mô hình” xích lô du lịch ở Sài Gòn. Nhưng không được ngành công an chấp nhận, lý do là đường phố Sài Gòn quá đông mà xe xích lô thì lại quá cồng kềnh, chậm chạp.


Theo chúng tôi tìm hiểu, thì đa phần xích lô còn đón khách ở khu vực chợ Bến Thành hiện nay đều “núp bóng” công ty du lịch. Hoặc được “bảo kê” bởi... ai đó.

Một vị họa sĩ già, có lần nói chuyện với chúng tôi đã ví những chiếc xe xích lô già như những giọt lệ buồn chầm chậm lăn trên đường phố Sài Gòn.

Nếu không có một giải pháp mới cho xích lô Sài Gòn, thì e rằng “giọt lệ buồn” ấy cũng đã đến hồi cạn kiệt cho những kiếp người-ngựa nản chân bon!

Văn Lang/Người Việt


0 comments:

Powered By Blogger