BBT:
Xin lưu ý quý độc giả về cách chọn các từ ngữ trong các danh xưng cho
các ngày kỷ niệm hoặc cho các tập thể Cộng Đồng. Để phân rõ lằn ranh
quốc Cọng, chữ “Tỵ Nạn” phải luôn đầy đủ với bổ nghĩa là “Tỵ Nạn Cọng
Sản” để tránh việc đánh đồng với Tỵ Nạn Kinh Tế, tỵ nạn chiến tranh vv..
Cũng vậy, cụm từ “Người Việt” phải kèm theo chữ “Tỵ Nạn Cọng Sản ” để
phân rõ ránh giới với “Người Việt Cọng Sản” và “Người Việt Tụ Do” (ngụy
trang) đang chen lẫn giữa chúng ta. Chữ Tự Do thì có ý nghĩa rộng, VC
cũng tự cho mình là “tự do gấp vạn lần Tư Bản” cho nên không còn phân rõ
rành giới giữa các loại người Việt Tự Do. Trong cụm từ “Ngày Tỵ Nạn”
thì chữ tỵ nạn được xem là một cái bẩy để đánh đồng các loại tỵ nạn khác
với tỵ nạn CS. Xin đừng vì thói quen, nghe quen tai mà không để ý đến ý
nghĩa sâu xa của từng cụm từ.
Xóa Quốc Hận 30-4 bằng Ngày Tỵ Nạn?
CĐNVTD/NSW không chọn "Ngày Tỵ Nạn"
CĐNVTD/NSW không chọn "Ngày Tỵ Nạn"
Hữu Nguyên
Kính thưa Quý đồng hương.
VC biết rõ những tội ác tầy trời chúng đã gây ra cho dân tộc VN, và
hiểu rõ sức mạnh đấu tranh của người Việt yêu tự do trên toàn thế giới
mỗi khi bước vào Tháng 4 Quốc Hận, nên trong suốt thời gian nhiều thập
niên qua, VC đã thực hiện mọi mưu mô, thủ đoạn nhằm xóa bỏ ngày Quốc
Hận. Để thực hiện âm mưu xóa bỏ ngày Quốc Hận, VC đã giật dây tay chân,
mạo nhận đại diện cộng đồng người Việt, lợi dụng sự ngây thơ của chính
giới bản xứ, vận động hội đồng thành phố địa phương, hoặc quốc hội tiểu
bang, liên bang,... thông qua những quyết nghị, công nhận ngày 30-4 là
ngày yêu hòa bình, ngày tìm tự do, ngày nhân quyền...Mặt
khác, VC giật dây những tổ chức nằm vùng vận động người Việt đồng hóa
ngày 30-4 với những khái niệm cao quý như ngày tự do, ngày yêu nước,
ngày Việt Nam Cộng Hoà... Phải chăng đó là kết quả của những vận động
nhằm biến Tháng Tư Quốc Hận thành Tháng Tư Xanh, Ngày Quốc Hận 30-4
thành Ngày Tỵ Nạn, Ngày Thuyền Nhân, Ngày Tranh Đấu Cho Tự Do?
Phải
chăng đó là kết quả của việc vận động chọn "Ngày Tỵ Nạn" thay cho Ngày
Quốc Hận, được "Nhóm Vì Tự Do" thực hiện vào cuối năm 2005, đầu năm 2006? Phải
chăng đó là kết quả việc GS Nguyễn Ngọc Bích và "Hiệp-hội Thương mại
Á-châu ở Virginia" vận động để Lưỡng Viện Quốc Hội tiểu bang Virginia
thông qua Quyết Nghị 455 "Chỉ-định ngày 30/4 năm 2013 và những năm
kế-tiếp, là Ngày Công Nhận Nam Việt Nam ở Virginia"? Phải chăng, vì nhận
rõ âm mưu xóa bỏ Ngày Quốc Hận của VC đằng sau Quyết Nghị 455, nên ông
Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch CĐVN vùng Hoa Thịnh Đốn, Maryland và Virgiania;
và ông Tạ Cự Hải, Chủ Tịch LH Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn và
Phụ Cận, đã có văn thư quyết định, "Không chấp nhận vấn đề biến ngày
Quốc Hận 30/4 là Ngày Miền Nam VN"? Phải chăng, cũng trong âm mưu xoá bỏ
Ngày Quốc Hận 30.4, ông Ngô Thanh Hải, Đảng trưởng Đảng Liên Minh Dân
Chủ VN (với chủ trương bắt tay VC chống cái gọi là “hiểm hoạ bắc phương”
do VC và TC nặn ra), đã khăng khăng một mực chọn 30.4 (ngày mà chính
ông NTH cũng đồng ý là ngày Quốc Hận đau buồn của dân tộc VN) làm ngày
vui mừng "hành trình tới tự do"? Và phải chăng cũng trong âm mưu xoá bỏ
ngày Quốc Hận, nên một số nhà văn, nhà báo, hoặc cơ quan truyền thông
Việt ngữ tại hải ngoại đã cùng tung hô quan niệm “30.4 chỉ là ngày Quốc
Hận của Miền Nam, của VNCH, của những kẻ thua trận”?
Để
thấy rõ âm mưu "xóa bỏ Ngày Quốc Hận 30/4" bằng mọi giá của VC trong
quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai, đồng thời thấy được sức mạnh
của tự do dân chủ và lập trường chống cộng trước sau như một của đồng
hương tại NSW, Úc Châu, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng Quý đồng
hương bài TƯỜNG THUẬT CHI TIẾT cách đây ngót 10 năm, được đăng trên báo
Saigon Times Úc Châu, về phiên họp có giá trị lịch sử, được CĐNVTD/NSW
triệu tập, tại Trung Tâm VH & SHCĐ NVTD NSW Úc Châu vào chiều
25.2.2006, mà kết quả: Mọi người đã đồng thuận quyết định bảo vệ
Ngày Quốc Hận 30.4, nhất quyết không tham dự việc chọn Ngày Tỵ Nạn do
“Nhóm Tự Do” khởi xướng. Ngay ở thời điểm ấy, chúng tôi đã kết
luận ở cuối bài viết nguyên văn như sau: “Quyết định của CĐNVTD/NSW vào
buổi chiều 25.2.2006 đã đóng vai trò quan trọng khiến CĐ Liên Bang Úc,
và các tiểu bang. lãnh thổ, không tham gia cuộc trưng cầu ý kiến chọn
Ngày Tỵ Nạn, khiến toàn bộ ý tưởng này bị dẹp bỏ, "Nhóm Vì Tự Do" cũng tan rã không kèn không trống.
Tuy nhiên, mọi người Việt tại hải ngoại đều cảnh giác vì hiểu rằng,
trong tương lai, VC sẽ vẫn tiếp tục âm thầm theo đuổi mục tiêu xóa bỏ
ngày Quốc Hận 30-4 không ở hình thức này cũng ở hình thức khác, không ở
nơi này cũng ở nơi khác…” (Saigon Times 2.3.2006). Hy vọng, qua bài viết
cộng với những gì đã và đang diễn ra, cộng tinh thần “ÔN CỐ TRI TÂN”,
Quý đồng hương sẽ hiểu rõ, âm mưu xoá bỏ ngày Quốc Hận 30.4 đã
được VC thực hiện bền bỉ và liên tục trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn
tiếp tục trong tương lai, ở Mỹ, Úc, Canada… qua những việc làm “khó
hiểu” của vài cá nhân, tổ chức, trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đầu tháng 11 năm 2005 , tại hải ngoại bỗng xuất hiện một tổ chức tự
xưng là "Nhóm Vì Tự Do" , gồm có danh xưng một vài Cộng Đồng, Đoàn thể,
như Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, CĐ Người Việt Nam Cali, CĐ
Người Việt Bắc Cali, CĐ Người Việt Houston, Ban Điều Hợp CĐ tại Đức,
Liên Hội Người Việt tại Canada, Đảng Việt Tân, tổ chức Mạng Lưới Tuổi
Trẻ Lên Đường... "Nhóm Vì Tự Do" này đã phổ biến rộng rãi một bức thư
kêu gọi các Tôn Giáo, Cộng Đồng và Đoàn thể tích cực tham gia một cuộc
Trưng Cầu Ý Kiến qua mạng internet để chọn một ngày làm Ngày Tỵ Nạn,
trong số 4 ngày do Nhóm đưa ra: 30-4, 20-6, 20-7, và 14-11. Ngày
sau đó, những nhân vật chủ chốt của đảng Việt Tân như Hoàng Cơ Định,
Hoàng Thế Dân, hãng thông tấn VNN và đài phát thanh của đảng Việt Tân,
cùng mạng lưới đảng Việt Tân ở các quốc gia, đều thi nhau lên tiếng vận
động cho việc chọn Ngày Tỵ Nạn. Trước việc BCHCĐ/LB tự tiện ghi
tên vô "Nhóm Vì Tự Do", và tự tiện vận động chọn Ngày Tỵ Nạn, đông đảo
đồng hương đã xôn xao bàn tán và phản đối. Vì vậy, CĐNVTD/NSW đã tổ chức
một phiên họp đặc biệt vào ngày 25/2/2006 để lắng nghe và thảo luận về
những điều được BS Nguyễn Mạnh Tiến và ông Đoàn Việt Trung trình bầy.
Đúng
2 giờ chiều ngày Thứ Bẩy, 25/2/2006, phiên họp đặc biệt do CĐNVTD/NSW
triệu tập, bàn về 6 vấn đề, trong đó có vấn đề quan trọng, chọn Ngày Tỵ
Nạn của “Nhóm Vì Tự Do”, đã khai mạc tại TTVH & SHCĐ, số 6-8 Bibbys
Place, Bonnyrigg (NSW Úc Châu), với sự tham dự đông đủ của các thành
viên trong BCHCĐ, Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát, cùng đại diện các hội
đoàn, đoàn thể, truyền thanh, báo chí tại NSW. Ngoài ra, buổi họp còn
hân hạnh có sự tham dự của hai vị đại diện CĐNVTD/LBUC là BS Nguyễn Mạnh
Tiến, Chủ Tịch, và ông Đoàn Việt Trung, Tổng Thư Ký. Chủ toạ phiên họp
gồm có Luật sư Võ Trí Dũng, Chủ Tịch BCHCĐ; Ông Trần Nhân, Phó Chủ Tịch
Nội Vụ; Luật sư Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ Tịch Kế Hoạch; Anh Trần Huy,
Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ; Kỹ sư Nguyễn Văn Giáo, Phó Chủ Tịch đặc trách Văn
Hoá; và cô Thùy Hương, Thủ Quỹ của CĐ.
Sau
thời gian khoảng một tiếng đồng hồ, thảo luận 5 vấn đề nội bộ, buổi họp
bước sang phần thứ 6, thảo luận về việc chọn Ngày Tỵ Nạn do “Nhóm Vì Tự
Do” chủ xướng theo sáng kiến của Bs Nguyễn Mạnh Tiến và ông Đoàn Việt Trung.
Vì đây là vấn đề tạo nhiều dị biệt, ngộ nhận trong cộng đồng người Việt
hải ngoại suốt thời gian mấy tháng qua, nên cuộc thảo luận về vấn đề
này đã vô cùng sôi nổi, kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, với sự tham dự đông
đảo và tích cực của các thành viên trong cộng đồng, trong tinh thần dân
chủ và tương kính, nói thẳng và nói thật, mà không sợ mất lòng, không
sợ hiểu lầm.
Mở
đầu cuộc thảo luận, LS Võ Trí Dũng, Chủ tịch CĐNVTD/NSW đã cho biết,
qua cuộc hội thoại teleconference vào ngày Thứ Ba, 7/2/2006 vừa qua,
CĐLB có đề cập đến việc thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến chọn Ngày Tỵ
Nạn. Nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng đã tạo nhiều ngộ nhận và dị
biệt trong cộng đồng chúng ta, nên LS Võ Trí Dũng cùng quý vị trong
BCHCĐNVTD/NSW đã tôn trọng nguyên tắc sinh hoạt dân chủ, sáng suốt trao
việc thảo luận và quyết định chọn Ngày Tỵ Nạn cho các hội đoàn, đoàn thể
trong cộng đồng người Việt tại NSW, qua một phiên họp. Và đó là lý do
chính của buổi họp hôm nay. Tiếp đó, LS Võ Trí Dũng giới thiệu BS Nguyễn
Mạnh Tiến và ông Đoàn Việt Trung trình bầy về nguyên do dẫn đến sáng
kiến chọn Ngày Tỵ Nạn của “Nhóm Vì Tự Do”.
Trong
phần trình bày của mình, BS Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: Điểm thứ nhất,
đây là sáng kiến của CĐNVTD/LBUC. Sở dĩ có ý chọn một ngày như vậy là
vì BS thấy có nhu cầu tâm linh của đồng bào, nhất là sau khi đảng CSVN
đập bỏ hai tấm bia tưởng nhớ người tỵ nạn. Nhu cầu tâm linh đó là muốn
có một ngày để tưởng nhớ tới những người đã chết mà thân nhân của họ
không biết họ chết ngày nào, giờ nào, ở đâu. BS Tiến cũng nhấn mạnh, mục
đích cuối cùng của việc chọn Ngày Tỵ Nạn là tạo thêm một dịp để mọi
người nhớ đến tội ác CS và qua đó, duy trì, cũng cố tinh thần của người
Việt tại Úc, cũng như trên thế giới để mọi người nhớ đến nguyên nhân dẫn
đến những thảm kịch do CS gây ra. Và nhờ vậy, sẽ củng cố tinh thần đoàn
kết đấu tranh của CĐ. BS Tiến cũng cho biết, “Nhóm Vì Tự Do” là một
nhóm, một liên minh lỏng, cùng có cái tham vọng, cái giấc mơ, là tất cả
các tổ chức, hội đoàn trên thế giới cùng cộng tác làm việc chung. Và nếu
làm được cái chuyện chung đó, thì sẽ làm được các chuyện chung khác. BS
Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian qua, đã có rất nhiều
ngộ nhận quanh việc chọn Ngày Tỵ Nạn. Ví dụ, dư luận ở nhiều nơi
trên thế giới nói rằng, đây là một âm mưu của đảng Việt Tân nhằm xoá bỏ
tội ác của CS; nhằm làm giảm giá trị và ý nghĩa lịch sử của ngày 30-4;
hoặc có người cho rằng, CĐNVTDUC là con cờ, hay là tay sai của Việt Tân.
Tóm
lược ý kiến của mình, BS Tiến quả quyết: Tôi một lần nữa khẳng định,
chúng tôi không thuộc về bất cứ đảng phái chính trị nào. Đây là niềm
hãnh diện của chúng tôi. Thực ra, thuộc về VT cũng không có gì là xấu
cả. Nhưng sự thực, không phải như vậy, và đảng VT không hề có ảnh hưởng
nào cả trong việc này. Và cái idea này đã được chúng tôi đem ra bàn thảo
với nhiều người từ tháng 10, tháng 11. Nhưng không được như ý, vì phải
lo chống lại cuộc trình diễn “Duyên Dáng VN” của VC. Và ngày hôm nay đưa
vấn đề này ra đây, chúng tôi cũng xin nói, người tốn nhiều công sức để
design, soạn thảo cái kế hoạch này là anh Đoàn Việt Trung.(1)
Tiếp
theo, ông Đoàn Việt Trung cũng cho biết: Cái lý do khiến chúng tôi có
sáng kiến này là vì hàng trăm ngàn người Việt đã chết dưới biển cả,
trong rừng sâu trên đường vượt biên. Hồi đầu năm nay, vào tháng 3, khi
bia tưởng niệm thuyền nhân ở Paula Bidong bị CSVN áp lực với chính quyền
địa phương đập phá, thì chúng tôi thấy mình không thể để cái thằng VC
tự tung tự tác làm cái chuyện này. Cộng đồng mình phải làm một cái gì.
Do đó, chúng tôi đã điện thoại với CĐNV ở Canada, rồi một số cộng đồng,
một số cơ quan truyền thông khác trên thế giới để bàn về một số biện
pháp phản đối VC như tảy chay Hàng Không VC. Nhưng rồi thấy điều đó
không hiệu quả. Sau đó, sử gia Trần Gia Phụng (?) có đề cập đến nhu cầu
chọn một ngày tỵ nạn, thì chúng tôi thấy chuyện này là chuyện có thể làm
được. Và như vậy là sáng kiến chọn Ngày Tỵ Nạn được thành hình.
Sau
phần trình bầy của BS Tiến và ông Đoàn Việt Trung, là bước sang phần
thảo luận của các thành viên tham dự buổi họp thuộc cộng đồng NVTD/NSW.
Lập tức hàng chục người giơ tay xin phát biểu khiến không khí buổi họp
hào hứng một cách đặc biệt. Vì có quá nhiều người muốn phát biểu, trong
khi ông Đoàn Việt Trung lại cần phải ra phi trường sớm để đáp máy bay
trở lại Melbourn, nên LS Thân đã phải lập danh sách những người phát
biểu và yêu cầu mỗi người chỉ được nói ngắn gọn trong 3 phút.
Người
đầu tiên trình bầy ý kiến là ông Mai Đức Hòa. Ông Hòa cho biết, ông cảm
thấy việc làm này của CĐLB có tính áp đặt lên tất cả CĐ. Tại vì chưa gì
đã thấy Phiếu tham khảo ý kiến chọn Ngày Tỵ Nạn của CĐLB tung ra mà
chưa thấy CĐLB bàn thảo, thảo luận gì. Ông cũng cho rằng: Chúng ta là
người tỵ nạn, một năm 365 ngày là 365 ngày chúng ta sống cuộc sống người
tỵ nạn, và ai cũng đều phải có bổn phận đấu tranh cho tự do của VN, chứ
không phải chỉ chọn ra một ngày gọi là ngày tỵ nạn là đủ. Phân tích ý
nghĩa cùng mối liên quan có tính nhân quả giữa ngày Quốc Hận 30-4 và
thảm kịch tỵ nạn do CSVN gây ra, Ông Hòa đặt câu hỏi: Thưa quý
vị, vì đâu có ngày tỵ nạn? Xin thưa vì ngày Quốc Hận 30-4, khi CS chiếm
đóng đất nước chúng ta. Suốt 30 năm qua, vào ngày 30-4 chúng ta vẫn
tưởng niệm và truy điệu những vị vượt biển, vượt biên mà hy sinh vì tự
do, ở các nhà thờ, chùa chiền, qua các nghi lễ của Công Giáo, Phật Giáo,
Cao Đài... Vì vậy, tôi thấy hôm nay chọn một ngày tỵ nạn thì quả là
không hay lắm. Nếu chọn một ngày tỵ nạn, thì chỉ có một ngày
chúng ta sống với tư cách người tỵ nạn, còn mấy ngày kia thì tôi là công
dân Úc, thoải mái, nên tôi không phải nhớ tới tỵ nạn, như vậy thì không
hay lắm. Cho nên cuối cùng, tôi chỉ xin quý vị, một năm 365 ngày là 365 ngày tỵ nạn của chúng ta.
Tiếp
theo, bà Đặng Kim Ngọc cũng đồng ý, 365 ngày đều là ngày tỵ nạn của
chúng ta. Bà cũng sáng suốt thừa nhận, muốn việc này có kết quả, CĐ
chúng ta phải làm việc một cách dân chủ. Bà nói: “Nếu quý vị hỏi ý kiến
các hội đoàn, đoàn thể, về việc chọn ngày tỵ nạn, thì mặc dầu chúng tôi
là thành viên của cộng đồng, nhưng để tránh tình trạng đồng hương khiếu
nại, thì tôi nghĩ hôm nay ở đây chúng ta chỉ nên đưa ra những ý kiến
chọn ngày này, hoặc ngày kia, rồi đưa ra cho tất cả đồng hương cùng bàn
thảo. Như vậy, để tránh tình trạng đồng hương cho là cái việc chọn ngày
tỵ nạn này chỉ có một số người áp đặt lên họ, thì như vậy là nó không
dân chủ.”
Tiếp
lời bà Đặng Kim Ngọc, chị Tâm cho rằng, không phải 365 ngày là 365 ngày
tỵ nạn của mọi người tỵ nạn, mà phải nói ngày Quốc Hận 30-4 đã mang ý
nghĩa ngày tỵ nạn của tất cả mọi người Việt tự do. Do đó theo chị Tâm,
“Tôi thấy không cần thiết phải lựa chọn một ngày nào khác. Vì sự lựa
chọn đó chỉ tạo ra nhiều sự mâu thuẫn, ngộ nhận trong cộng đồng”. Chị
Tâm cũng cho rằng, phương pháp trưng cầu ý kiến chọn Ngày Tỵ Nạn có
nhiều nan đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Chị kết luận: “Còn nếu tạo
ra cuộc trưng cầu dân ý, thì xin hỏi ai mới là người có đủ tư cách để
làm chuyện đó, và ai mới là người có đủ thẩm quyền để quyết định, ý nào
được chọn, ý nào không?”
Bác
Trinh, một người thường xuyên và tích cực tham gia các sinh hoạt cộng
đồng, đã có ý kiến ngắn gọn, nếu cộng đồng chọn được một ngày tỵ nạn để
chúng ta tưởng nhớ tới những người đã hy sinh thì cũng nên làm.
Sau
đó đến ý kiến của ông Võ Minh Cương, cựu Chủ tịch BCHCĐNVTD/LBUC. Mở
đầu, ông Cương thẳng thắn đóng góp về nghệ thuật đắc nhân tâm của người
lãnh đạo cộng đồng. Ông nói: “Trước hết, tôi thấy, nếu một người, sinh
hoạt cộng đồng có kinh nghiệm, không bao giờ đưa ra một cái ngày nào để
yêu cầu cộng đồng chọn lựa. Vì trước hết, chúng tôi thấy cộng đồng không
có quyền để trưng cầu dân ý, và chắc chắn chúng ta không làm được việc
đó. Một cơ cấu cộng đồng không thể nào đóng vai trò kêu gọi trưng cầu ý
kiến để quyết định một ngày của toàn dân.” Ông Cương cũng phân tích về
sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại ở thời điểm hiện nay, có
nhiều trở ngại trong việc trưng cầu ý kiến. Theo ông, chỉ có Canada và
Úc là có cơ cấu cộng đồng người Việt ở tầm mức quốc gia. Riêng nước Mỹ
là nơi có đông người Việt nhất, nhưng ở đó lại không có CĐNVTD liên
bang. Thêm nữa, ở Mỹ ngày Quốc Hận 30-4 không được tổ chức ở tầm mức
liên bang để mọi người kéo về tòa đại sứ CS biểu tình. Thêm vào sự phức
tạp đó, CĐNVTD ở Canada đã rút ra khỏi cuộc trưng cầu ý kiến. Và đây là
trở ngại lớn [cho cuộc trưng cầu ý kiến] vì CĐ Canada, tức Liên Hội
Người Việt Canada, rất lớn, rất đoàn kết. Góp ý về sáng kiến chọn Ngày
Tỵ Nạn, ông Cương cũng thẳng thắn: “Tôi nghĩ, là những nhà lãnh đạo liên bang, qúy vị không nên chọn những việc làm không tưởng.
Tôi ghi nhớ công sức của quý vị trong vấn đề này, và chúng tôi không
bao giờ đánh giá thấp công sức quý vị đã bỏ ra. Nhưng chúng tôi nghĩ
rằng làm điều đó, vô hình chung, quý vị sẽ tạo nên dị biệt, phân hóa
trong cộng đồng. Tôi tin rằng, trên toàn thế giới không thể nào có được
một sự đồng thuận về vấn đề này, như tôi đã trình bầy.” Ông
Cương cũng phân tích ý nghĩa cao cả đối với người Việt, bao gồm cả ý
nghĩa tỵ nạn, của ngày Quốc Hận 30-4: “Ngày 30-4 đã đẻ ra tất cả sự đau
khổ của tất cả người Việt trong và ngoài nước, trong đó có người Việt tỵ
nạn chúng ta. Như vậy tại sao lại phải chọn một ngày khác? Như
ông Mai Đức Hoà, một cựu quân nhân, và là người sinh hoạt cộng đồng
chúng ta rất lâu đã nói, trong những ngày 30-4 chúng ta đã làm lễ cầu
siêu tại chùa, tại nhà thờ... cho tất cả những người đã chết trong cuộc
chiến tranh VN trong đó có tưởng nhớ những người tỵ nạn. Tại vì những
người Việt tỵ nạn đã chết trên đường vượt biển vượt biên chưa chắc gì đã
đông hơn so với tất cả những người Việt Nam đã chết trong nước, cũng
như trong cuộc hành trình trước ngày 30-4 và từ ngày 30-4 cho đến giờ.
Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng 30-4 là mẫu số chung để tất cả chúng ta
cùng tưởng niệm. Tất cả những người chết đều bắt nguồn từ thảm kịch
30-4. Vì vậy, nếu chúng ta Úc châu chọn một ngày tỵ nạn khác với 30-4,
thì cơ hội thành công chỉ có cộng đồng Úc, mà khó có thể tạo sự đồng
thuận trên toàn thế giới”.
Sau
khi nghe những ý kiến khác biệt của nhiều thành viên trong CĐNVTD/NSW,
ông Đoàn Việt Trung giải thích, về vấn đề này, BCHLB không hề áp đặt lên
các hội đoàn, đoàn thể cũng như các BCH tiểu bang. Còn bảo BCHLB áp đặt
một ngày nào đó lên quần chúng thì cũng không đúng nữa. Vì trong lá
phiếu kêu gọi chọn Ngày Tỵ Nạn đã nói rõ lý do, cùng cơ hội để chọn lựa.
Ngày đó ai muốn, ai có quan tâm vào ngày tỵ nạn thì tự do chọn lựa. Khi
chọn được Ngày Tỵ Nạn thì vào ngày đó, ai muốn có thể thắp nhang trên
bàn thờ để tưởng nhớ người thân của mình, vì mình không biết người thân
của mình mất đi trong ngày nào. Thứ nhì, trả lời quan điểm của những
người cho rằng một năm 365 ngày là 365 ngày tỵ nạn, ông Trung đặt câu
hỏi: Tại sao người Việt cứ đến ngày thân nhân mình đã chết thì làm giỗ?
Chẳng lẽ cứ lấy 365 ngày làm ngày giỗ thì đúng là không hợp lý? Ông
Trung cũng giải thích, việc Liên Hội Người Việt Canada rút ra khỏi cuộc
trưng cầu ý kiến, không phải vì họ thấy đây là chuyện không nên làm, mà
vì hiện tại họ đang làm việc khác tương đương với việc này là xây một
bảo tàng viện về thuyền nhân VN. Theo ông Trung, hai việc này rất tương
đương với nhau. Ai đã đi vào bảo tàng viện là sẽ tưởng nhớ ngay đến
người Việt tỵ nạn.
Tiếp
lời ông Đoàn Việt Trung, bác Trị trình bầy về những lo ngại đối với
cách thức trưng cầu ý kiến. Bác nói: “Qua những bài vở của Saigon Times
và Việt Luận đề cập đến vấn đề này, tôi thấy cũng giống như anh Cương
nói, và cái ý của cộng đồng liên bang đưa ra thì cũng phải. Nhưng cái
vấn đề chúng ta đặt ra là cách thức tiến hành có nên làm hay không. Lấy
cái gì để chắc chắn những ý kiến đó là thật của chúng ta, hay là ý của cộng sản nó trà trộn vào.
Vì quý vị đã mở rộng đòi xin ý kiến cả người ở bên VN nữa, thì đó là
hay, nhưng nếu CS chúng nó lấn át rồi đề nghị bỏ ngày tỵ nạn đi thì
chúng ta cũng bỏ luôn đi sao? Bởi vậy, cái này là rất nguy hiểm. Cho
nên, một là chúng ta bỏ đi đừng nói gì đến việc chọn lựa ngày tỵ nạn
nữa. Chỉ ngày 30-4 là đầy đủ lắm rồi. Hoặc là nên đặt
danh xưng, ‘tưởng niệm những người đã chết vì nạn CS’. Như vậy thì rất
thích hợp với Nghị Quyết Châu Âu vừa đưa ra kết tội CS”. Nhân dịp này, bác Trị cũng đã sáng suốt đưa ra đề nghị: Chúng ta nên lập đài tưởng niệm thuyền nhân ở ngay tại Trung Tâm [VH & SHCĐ].
Tiếp
đến là phần đóng góp sắc bén, thẳng thắn và hùng hồn của ông Nguyễn Trí
Hoà. Ông nói, giọng tha thiết: “Có lẽ tất cả quý vị đều đã biết, tại
sao ngày hôm nay chúng ta có mặt ở nơi đây. Cái nguyên nhân của
nó tất cả là do ngày 30-4. Vì ngày 30-4 nên chúng ta mới có tỵ nạn. Vậy
thì tại sao hôm nay chúng ta lại phải đi tìm một ngày khác cho ngày tỵ
nạn? Bao nhiêu người Việt chúng ta phải bỏ quê hương ra đi vì
chạy CS? Bao nhiêu người đã chết trong biển đông? Bao nhiêu người đã
chết trong lao tù CS? Tất cả đó đều xuất phát từ ngày Quốc Hận 30-4 lịch
sử. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải chọn ngày khác? Có phải vì CS nó không muốn ngày 30-4, nó muốn chúng ta lập ra một ngày khác, để từ đó chúng ta quên đi ngày 30-4?!
Thưa quý vị, chúng ta phải nhớ rằng ngày 30-4 là ngày đau khổ cho tất
cả dân tộc chúng ta, và chúng ta không thể nào quên, chúng ta phải luôn
luôn nhớ ngày đau khổ đó. Bằng không, đây là chuyện mập mờ đánh lận con
đen. Tôi nghĩ rằng đây là một cái bong bóng thả ra để thăm dò khi Nghị
Quyết 36 của CS đưa ra. Rồi sắp tới có một số người về trong đó để làm
dân biểu quốc hội bù nhìn của CS. Mà trưng cầu ý kiến cách gì đây? Ai bỏ
phiếu đây? Bỏ phiếu qua Internet thì thưa quý vị, xin quý vị đừng có
bao giờ lầm lẫn. Cuối cùng, tôi xin khẳng định, chúng ta sẽ không bao
giờ quên ngày 30-4. Chỉ có ngày 30-4 là ngày Quốc Hận, đồng thời đó cũng là Ngày Tỵ Nạn của tất cả chúng ta”.
Đến
đây, BS Tiến liền lên tiếng giải thích: Cái sáng kiến mà chúng tôi đưa
ra thì ít nhất là thỏa mãn vấn đề tâm linh cho những người có thân nhân
chết. Còn tại Úc Châu, ngày 30-4 là ngày đấu tranh. Nếu có thêm một ngày
khác có ý nghĩa tâm linh, thì cuối cùng cũng là cái ngày để nhắc nhở
chúng ta nhớ đến tội ác của CS. Còn đối với ngày 30-4 thì xin quý vị đọc
kỹ trong tờ kêu gọi chọn Ngày Tỵ Nạn: “Đối với đồng hương tại Úc, thì
từ nhiều năm nay, ngày 30-4 luôn luôn là ngày Quốc Hận, là ngày dành
riêng cho những hoạt động đấu tranh nhằm phơi bầy tội ác của CSVN, nói
lên ý chí quyết tranh đấu giành lại tự do dân chủ cho quê hương của tập
thể người Việt tại Úc. Do đó, CĐNVTD các nơi ở Úc đã đề nghị rằng ngày
30-4 không nên mang bất cứ một tên gọi hay một ý nghĩa nào khác”. Chúng
tôi cũng xin nói rõ ở đây là không có vấn đề áp đặt. Áp đặt thì đâu có
vấn đề chúng tôi đang hỏi ý kiến quý vị, đang mổ xẻ xem chúng ta có nên
làm hay không? Nếu lát nữa đây, quý vị quyết định không làm thì không
làm. Không ai áp đặt lên quý vị cả. Chúng tôi chỉ là những người thấy có
những sáng kiến có lợi cho cuộc đấu tranh chung thì chúng tôi đưa ra.
Quý vị có thể đồng ý, có thể không đồng ý. Nhưng xin đừng hiểu lầm thiện
chí của chúng tôi.
Sau
đó là ý kiến của cô Bảo Khánh. Cô nói: Trên 60 năm cai trị của CS, đầy
rẫy tội ác. Tội ác của CS nó quá lớn, thành ra càng có nhiều ngày để nhớ
đến tội ác của CS thì càng tốt, và có thêm một ngày để nhắc đến tội ác
của nó thì càng tốt. Theo tôi thì ngày 20-7 là ngày chúng ta nên chọn
làm Ngày Tỵ Nạn. Có một ngày để tưởng nhớ những người đã chết trên đường
tìm tự do là rất xứng đáng. Nhìn vào những cuộc tranh đấu của cộng
đồng, chúng ta thấy rất thành công. Nhưng cộng đồng chúng ta cũng có
nhiều việc phải làm, nên không phải 365 ngày là cả 365 ngày chúng ta đều
nhớ đến người tỵ nạn. Vì vậy, nếu có được ngày tưởng nhớ những người tỵ
nạn đã chết thì tôi thấy đó là điều rất nên.
Tiếp
lời cô Bảo Khánh là ý kiến của ông Vũ Trọng Khải. Ông nói: Trước khi
quyết định chọn hay không chọn Ngày Tỵ Nạn, chúng ta nên tìm hiểu xem lý
do nào nên chọn nó, hay không chọn nó. Riêng tôi, xin xác định trước,
tôi chọn một ngày trong những ngày mà quý vị [Nhóm Vì Tự Do] đã nêu là
ngày 14/11, là ngày mà LHQ công bố vấn đề tỵ nạn là mối quan tâm hàng
đầu của thế giới. Cái lý nên chọn, là đồng hương chúng ta trên con đường
tìm tự do đã chết quá nhiều. Và chính sự chết quá nhiều đó, nên LHQ mới
phải tuyên bố rằng, cái thời điểm đó là cái thời điểm đặt cái việc tỵ
nạn của người Việt lên hàng đầu. Và cũng chính vì nhờ LHQ dang tay đón
nhận người tỵ nạn chúng ta, nên chúng ta mới có thể có được cái ngày
bình yên hôm nay. Và như vậy là nhờ những người Việt tỵ nạn đã hy sinh
nên họ đã tạo nên những chấn động tâm lý mạnh mẽ đối với nhân loại, làm
cho cả thế giới quan tâm đến thảm kịch tỵ nạn của chúng ta. Vì vậy, đối
với những người bạn đồng hành nằm xuống đó, chúng ta thấy giá trị của
họ. Nếu không có những người đã hy sinh mà chúng ta không thể thống kê
hết nổi, thì tôi không tin rằng, LHQ đã có cái quyết định để cho cả thế
giới phải quan tâm tới thảm kịch tỵ nạn của chúng ta. Như vậy, chính
những người đã chết đã đóng góp vào việc làm sáng danh chính nghĩa của
chúng ta. Chọn một ngày để tưởng niệm họ, những người đã lót đường cho
chúng ta có được ngày hôm nay, là điều nên làm.
Sau
đó, bác Lợi, một người có nhiều kinh nghiệm về tội ác của CS, đồng thời
luôn luôn tích cực tham gia các sinh hoạt đấu tranh của cộng đồng, đã
có ý kiến một cách ngắn gọn, giản dị và đầy thuyết phục: Thưa quý vị,
chúng ta mỗi năm có tới 6 ngày lễ lớn phải làm. Tết, Hai Bà Trưng, Giỗ
Tổ Hùng Vương, 30-4, ngày Quân Lực VNCH, rồi Ngày Truyền Thống Cộng
Đồng. Đó là chưa kể đến những ngày biểu tình chống tuyên truyền CS. Vì
vậy chỉ nội dồn lực lượng để làm những ngày đó cho trang trọng, thành
công và có ý nghĩa tôi thấy cũng là điều quý lắm rồi. Mà từ xưa đến nay,
trong những dịp tổ chức những buổi lễ này, lần nào chúng ta cũng trang
trọng tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm những người đã bị tàn sát dưới chế
độ CS, trong đó có những người tỵ nạn đã hy sinh. Vì vậy, tôi xin đề
nghị, trong tương lai, mỗi khi tổ chức những ngày lễ lớn, nhất là ngày
30-4, chúng ta tiếp tục và long trọng tổ chức nghi lễ cầu siêu, tưởng
niệm những người đã hy sinh vì CS.
Tiếp
lời bác Lợi, ông Văn Tấn Thạch bầy tỏ sự lo ngại: Bây giờ tôi xin hỏi,
chúng ta chỉ có 2 triệu người Việt trên thế giới. Internet có 200 triệu
máy computer, mà CS thì chúng có 3 triệu đảng viên. Nếu CS chúng nó qua
internet chọn ngày 2-9, thì dù chúng ta không có đưa ngay đó ra để chọn
lựa, nhưng CS chúng có quyền đề nghị ngày đó, thì quý vị nghĩ sao? Vì
vậy, tôi nghĩ rằng, mình không có khả năng, không có điều kiện, không có
đủ tài chánh để làm việc trưng cầu ý kiến này đến nơi đến chốn thì đừng
nên làm. Điểm thứ hai, nói về cái vấn đề tỵ nạn, thì LHQ dù họ có chọn
ngày gì gì đi nữa làm ngày tỵ nạn, thì tất cả cũng đều xuất phát từ ngày
30-4. Khắp tất cả mọi sự đau khổ, chết chóc, hy sinh... của người Việt
cũng đều xuất phát từ ngày 30-4. Vì vậy, ngày 30-4 là ngày lý tưởng nhất
để ta chọn ngày tỵ nạn.
Sau
đó là ý kiến của ông Hữu Nguyên. Ông nói: Trước hết, tôi hoan nghênh
sáng kiến của ông Đoàn Việt Trung, BS Tiến và BCH CĐLB, đã chú ý đến
ngày tưởng niệm những người Việt tỵ nạn hy sinh trên đường vượt biển,
vượt biên. Tuy nhiên, qua cách thức làm việc của qúy vị, tôi thấy có một
số vấn đề tạo ra sự xôn xao, dị biệt, phản đối trong cộng đồng. Điểm
thứ nhất, ông Mai Đức Hòa có đề cập đến sự áp đặt của CĐLB, tôi thấy đề
cập đó là rất đúng. Bởi vì trong tình thần cởi mở của chúng ta ở đây,
chúng ta nên nói thẳng những gì đã có ở trong lòng. Như vậy là điều rất
tốt để hóa giải tất cả những dị biệt, những hiểu lầm đối với nhau. Cái
sáng kiến của ông Đoàn Việt Trung tôi không biết có từ bao giờ. Nhưng
theo văn thư chính thức của Nhóm Vì Tự Do phổ biến trên Internet ngày
1/11/2005, thì trong đó có đề cập đến 4 ngày để chọn, bao gồm cả ngày
Quốc Hận 30-4. Và trong văn thư đó, có CĐNVTDUC, có ông Đoàn Việt Trung và BS Nguyễn Mạnh Tiến trong Nhóm Vì Tự Do. Điều
đó có nghĩa ở giai đoạn đó, quý vị đã đồng ý cho ngày 30-4 vào danh
sách 4 ngày để chọn. Và tôi không biết, cái sáng kiến đó, quý vị đã bàn
bạc với BCH LB, BCH các tiểu bang, cũng như các hội đoàn, đoàn thể, và
các cơ quan truyền thông tại Úc chưa? Tuy nhiên, trong văn thư đề ngày
14/11/2005, chuẩn bị cho teleconference gửi cho truyền thông, và các vị
trong BCH các tiểu bang ở Úc,... BS Tiến mới đề cập đến việc sẽ bàn luận chọn Ngày Tỵ Nạn. Như
vậy chứng tỏ, trên phương diện nào đó, qúy vị đã ký đã chấp thuận, sau
đó quý vị mới đưa vấn đề ra bàn bạc. Điểm thứ hai tôi muốn đề cập đến ở
đây là tôi không biết trong nội quy cũng như hoạt động, trách nhiệm của
BCHLB, khi mà các tiểu bang bầu quý vị lên, nó có điều khoản nào, cho
phép quý vị đưa CĐNVTDUC vô bất cứ một cái nhóm nào hay một cái cơ chế
nào hay không? Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, nếu quý vị định đưa CĐNVTDLBUC
vô một nhóm nào, bất kể nhóm đó có mục tiêu chính đáng mấy đi chăng
nữa, quý vị cũng cần sự bàn bạc với các tiểu bang, các hội đoàn, đoàn
thể. Đó là điều tôi tha thiết đề nghị. Đối với vấn đề chọn Ngày Tỵ Nạn,
tôi rất tán thành ý kiến của bác Lợi. Bác Lợi đã nói rất đúng,
trong suốt hơn 30 năm qua, chúng ta coi ngày Quốc Hận không phải chỉ là
ngày Quốc Hận không, mà còn là ngày để tưởng niệm những người đã chết.
Và với những người đã chết đó, trong suốt 30 năm qua, trong mỗi dịp tổ
chức ngày Quốc Hận, mỗi dịp trong mọi sinh hoạt của cộng đồng, chúng ta
đều có phút tưởng niệm tới họ, tưởng niệm một cách sâu xa. Tất cả những
người Việt nào thực sự là nạn nhân của chế độ CS, đều xúc động trong
phút giây tưởng niệm đó. Bây giờ không có gì ý nghĩa bằng, chúng ta vẫn
tiếp tục tổ chức ngày Quốc Hận 30-4, đồng thời vẫn duy trì nghi lễ tổ
chức cầu siêu cho những người đã chết như trước đây chúng ta đã làm, với
đầy đủ sự đóng góp của Phật Giáo, Công Giáo... Điểm nữa, như
ông Văn Tấn Thạch đã đóng góp ý kiến, là cách thức tiến hành trưng cầu ý
kiến. Cũng như tôi đã chia sẻ với LS Thân trước đây, LS Thân cũng thừa
nhận rằng, nếu chúng ta trưng cầu ý kiến, mà chúng ta không nắm được ai
là người có tư cách tham dự, thì kết quả, vô hình chung, đã phản bội
chính chúng ta. Một điều nữa, ông Đoàn Việt Trung vừa nói, là những người nào quan tâm thì bỏ phiếu.
Nhưng theo tôi biết trong cuộc trưng cầu ý kiến về Ngày Tỵ Nạn ở tiểu
bang QLD chỉ có 125 người tham dự. Bây giờ quý vị nghĩ sao, nếu có người
cho rằng, cả cộng đồng QLD có hơn chục ngàn người, tại sao chỉ có 125
người quan tâm đến Ngày Tỵ Nạn và những người tỵ nạn đã chết? Như vậy có
phải là vô hình chung, kết quả đó đã phản bội cái mục đích cao cả mà
chúng ta theo đuổi?! Cuối cùng, nhìn vào cộng đồng người Việt hải ngoại
hiện nay chúng ta đã thấy, cộng đồng Hòa Lan xin rút ra, cộng đồng
Canada xin rút ra. Tại Mỹ có những cuộc họp bàn về trưng cầu ý kiến Ngày
Tỵ Nạn, đã xảy ra những cuộc biểu tình chống đối. Như vậy tại sao chúng
ta vẫn tiếp tục theo đuổi những việc này cho đến ngày hôm nay? Cho nên
tôi đề nghị, chúng ta nên kết hợp cả 2 ý kiến lại. Sáng kiến của ông ĐVT
của BS Nguyễn Mạnh Tiến, của BCHCĐLB là sáng kiến tốt. Nhưng trên
phương diện tiến hành, và
kết quả hiện nay, với sự đóng góp của quý vị vừa rồi, chúng ta nên kết
hợp cả hai lại với nhau, như vậy vào dịp Quốc Hận 30-4 chúng ta sẽ tổ
chức buổi lễ cầu siêu một cách trọng thể hơn, trang trọng hơn...
Tiếp
theo, chị Phạm Minh Lan đã có ý kiến về Ngày Tỵ Nạn ở một góc độ hoàn
toàn mới lạ. Chị cho biết: Tôi đồng ý với ý kiến anh Trung nói, việc làm
này là nhu cầu tâm linh. Và thực tế, thì năm nào, chúng tôi cũng cầu
siêu, cầu hồn, xin lễ cho những người đã hy sinh trên đường vượt biển,
vượt biên tỵ nạn. Hơn nữa Úc Đại Lợi cũng quan tâm đến người tỵ nạn nói
chung, nên năm nào cũng có tổ chức Tuần Lễ Tỵ Nạn cho tất cả các sắc dân
khác, cho nên nếu chúng ta muốn đóng góp cho ngày tỵ nạn thì chúng ta
có thể tham gia, và chính chúng tôi là những người thường tham gia Tuần
Lễ Tỵ Nạn đó. Một điều nữa tôi xin hỏi, là BTC của Ngày Tỵ Nạn có khác
biệt với “Nhóm Vì Tự Do” hay không. Tôi hỏi câu hỏi này vì, vừa rồi, khi
đến tham dự ngày dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở Thụy Sĩ, ông Hoàng
Cơ Định đã tuyên bố đến dự với tư cách là đại diện cho “Nhóm Vì Tự Do”.
Điểm quan trọng nữa là mặc dù quý vị nói không xếp ngày 30-4 trong danh
sách chọn Ngày Tỵ Nạn, nhưng có một email tôi nhận được, nói 65% người
tham gia trưng cầu ý kiến đã chọn ngày 30-4!? Và điểm nữa là cũng qua
email tôi nhận được thì số người tham gia ý kiến trên toàn nước Úc là
125 người, và 125 người này đều ở Queensland.
Tiếp
lời chị Lan, ông Hữu Nghĩa thắc mắc: Cái câu thứ nhất đặt ra, là cái
động cơ gì đã khiến qúy vị đưa cái vấn đề [chọn Ngày Tỵ Nạn] này ra? Có
phải vì CSVN hiện nay đang tìm cách đánh chúng ta bằng mọi cách để chuẩn
bị cho Đại Hội đảng X? Cái thứ hai là tất cả 80 triệu người VN ai cũng
biết ngày 30-4 là ngày Quốc Hận khiến chúng ta phải ra đi tỵ nạn. Như
vậy không có lý do gì chúng ta lại bỏ ngày 30-4. Ngày đó là ngày tội ác
của CS. Chúng ta không có quyền thay thế, và bất cứ ai cũng không thể
thay thế ngày đó.
Ông
Mạnh, đại diện cho Hội Chu Văn An, cũng xác nhận: Chúng tôi thấy rằng
ngày 30-4 là quá đầy đủ ý nghĩa, không cần chọn gì nữa hết. Ngày 30-4 đã
gói trọn tất cả tình cảm, tâm tư của người Việt tỵ nạn sống ở hải
ngoại. Bây giờ chọn một ngày tỵ nạn hay ngày gì nữa thì chỉ tạo sự phân
hóa trong cộng đồng chúng ta mà thôi.
Ông
Hùng, người đóng góp ý kiến cuối cùng, cho biết: Tôi thấy cái vấn đề
này nó có một cái lấn cấn. Nói là vận động chọn Ngày Tỵ Nạn, nhưng khi
giải thích thì lại nói là tưởng niệm những người đã chết. Cái thứ hai
nữa, như quý vị đã biết, âm mưu của CSVN là chúng muốn, trong
vòng 10 năm, hay 20 năm nữa, khi thế hệ chúng ta đã già đi, con cháu của
chúng ta sẽ kỷ niệm cái ngày tỵ nạn chứ không kỷ niệm ngày Quốc Hận
30-4. Và đây chính là cái âm mưu của CSVN, chúng ta nên tránh.
Sau
khi nghe đông đảo các thành viên trong cộng đồng đóng góp ý kiến, LS
Thân, thay mặt cho CĐ, đã nhanh chóng và sáng suốt đúc kết vấn đề. Ông
cho biết một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ: Thông thường mỗi khi gặp vấn đề
nan giải thì phải xin ý kiến các hội đoàn, đoàn thể. Chúng tôi nghĩ
rằng cái sáng kiến do BCHCĐ liên bang đưa ra là sáng kiến tốt, nhưng nếu
không được đa số hậu thuẫn, thì không nên thực hiện để tạo sự đoàn kết
trong cộng đồng. LS Thân cũng cảm ơn ông Đoàn Việt Trung và BS Tiến đã
mất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho sáng kiến Ngày Tỵ Nạn.
Nhưng theo ông, qua các ý kiến đóng góp, cộng đồng không nên biểu quyết
điều này nữa. Sự hậu thuẫn không tới mức tối đa, nếu cứ thực hiện thì nó
sẽ tạo thêm chia rẽ cho cộng đồng.
Tuy
nhiên, đến lúc đó, ông Đoàn Việt Trung vẫn tiếp tục giải thích, cho dù
những lý lẽ ông đưa ra là sự trùng lặp và vẫn không hề có sự thuyết
phục. Ông nói: Một lần nữa, có vài người nói là chúng tôi áp đặt, thì
tôi xin thưa là không có áp đặt gì cả. Quý vị thấy cái thông cáo vào
ngày 1/11/2005, quý vị cho là chuyện đã rồi. Sự thực thì không phải như
vậy. Vì lúc đó, mỗi tổ chức trong Nhóm Vì Tự Do, phải liên lạc với cơ
quan truyền thông. Ở Úc vào lúc đó, chúng tôi đã bận rộn đối phó với
“Duyên Dáng VC”, có lẽ vì thế đã không có người liên lạc với truyền
thông báo chí. Mấy chục năm nay, hàng trăm ngàn linh hồn đã nằm ở dưới
biển, không có ai quan tâm. Vì vậy, Ngày Tỵ Nạn là ngày dành riêng cho
việc tưởng nhớ tới họ. Còn ngày 30-4, thì mỗi người lại tưởng nhớ những
kỷ niệm đau thương của riêng họ nên không nhất thiết là họ tưởng nhớ đến
những người tỵ nạn...
Nhận
thấy ý kiến của ông Đoàn Việt Trung không thức thời, BS Nguyễn Mạnh
Tiến sáng suốt và khéo léo đỡ lời: Thưa quý vị, sáng kiến [chọn Ngày Tỵ
Nạn] này hoàn toàn xuất phát từ ước muốn thỏa mãn nhu cầu tâm linh của
đồng bào, đồng thời tạo cơ hội cho chúng ta có thêm một ngày để đánh CS.
Quý vị có thể đồng ý, có thể không đồng ý, chúng tôi chấp nhận sự chọn
lựa đó. Tôi rất tiếc trong thời gian vài tháng vừa qua có nhiều cái sự
kiện quái đản trên thế giới.v.v. mà tôi không muốn đi vào chi tiết. Tuy
nhiên, cho tới cái giờ phút này, trong cái không khí này, tôi cũng đồng ý
với LS Thân là, nó chỉ có thể cất cánh, thực hiện được nếu mà đại đa số
hậu thuẫn. Còn ở đây, đại đa số đều không đồng thuận, một số khá đông
có vấn đề. Cho nên tôi thấy ở đây, vấn đề này không thể làm được... Bác
sĩ Tiến cũng một lần nữa giải thích, ông Đoàn Việt Trung đã đóng góp
công sức quan trọng trong sáng kiến này. BS nói: Xin quý vị hiểu cho
rằng, tất cả cái này là do công sức của rất nhiều người, trong đó anh
Đoàn Việt Trung đóng vai trò quan trọng. Và tôi rất trân trọng sự đóng
góp đó. Tất cả đều không hề xuất phát từ động cơ đen tối nào. Điều này
tôi xin lấy danh dự của tôi ra bảo đảm. Nhưng mà rất tiếc, vì rất nhiều
lý do khách quan, và cũng có thể cái cách thức chúng tôi ‘run’, chúng
tôi điều động thiếu thích hợp. Cho nên đến giờ phút này chúng tôi thấy rằng cái chuyện này không thể làm được...
BS
Tiến vừa nói đến đó, hầu hết mọi người trong phòng họp vỗ tay tán
thưởng. Và như vậy, qua buổi thảo luận sôi nổi và dân chủ, cuối cùng
CĐNVTD/NSW đã đồng ý đi đến quyết định, không tham gia cuộc trưng cầu ý
kiến chọn Ngày Tỵ Nạn của “Nhóm Vì Tự Do”.
Quyết
định của CĐNVTD/NSW vào buổi chiều hôm đó đã đóng vai trò quan trọng
khiến CĐ Liên Bang Úc, và các tiểu bang. lãnh thổ, không tham gia cuộc
trưng cầu ý kiến chọn Ngày Tỵ Nạn, và toàn bộ ý tưởng này cũng bị dẹp
bỏ, "Nhóm Vì Tự Do" cũng tan rã không kèn không trống. Tuy nhiên, mọi
người Việt tại hải ngoại đều cảnh giác vì hiểu rằng, trong tương lai, VC
vẫn tiếp tục âm thầm theo đuổi mục tiêu xóa bỏ ngày Quốc Hận 30-4 không
ở hình thức này cũng ở hình thức khác, không ở nơi này cũng ở nơi khác.
0 comments:
Post a Comment