Friday, March 27, 2015

Cùng khởi điểm, vì sao Việt Nam tụt hậu?


Việt-Long - RFA
2015-03-25



Quân Anh trở lại Singapore- 1945 Courtesy of Wikipedia
Singapore là thuộc địa của Anh từ 1819. Bị Nhật chiếm đóng rồi kết thúc thế chiến thứ hai, Singapore vẫn là thuộc địa của Anh nhưng được Anh dành cho một số quyền chính trị và tự trị hạn chế. Mãi đến 1959 tiểu đảo này mới được tự trị rộng rãi, chỉ trừ các lãnh vực ngoại giao, quốc phòng.
Việt Nam- Singapore
Năm 1963 Singapore được trả độc lập mà không cần chiến tranh giải phóng. Thủ tướng Lý Quang Diệu vận động xin gia nhập và được sáp nhập vào Liên Bang Mã lai Á. Nhưng chỉ được hai năm, đến 1965 bị Liên Bang đuổi ra, trong tình cảnh một xứ sở hầu như không có một chút tài nguyên thiên nhiên, không lực lượng quốc phòng, nguồn nước ngọt cũng phải trông vào Malaysia, thiếu thốn đủ mọi bề. Vậy mà đến nay tiểu đảo Sư tử đã trở thành một quốc gia có thu nhập bình quân cá nhân đứng trong hàng 10 nước cao nhất thế giới, với một chính quyền trong sạch, một xã hội dân trí cao. Thử đối chiếu hoàn cảnh lịch sử hai nước, chúng ta thấy gì?
Nói về hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam và Singapore đều là thuộc địa của Pháp và Anh từ thế kỷ 19, sang thập niên 1940 bị Nhật chiếm đóng trong mấy năm. Khi Nhật thua trận, phe đồng minh tiếp quản, Singapore lại trở về dưới chế độ bảo hộ như trước, sau cùng được trả lại độc lập.



Sài Gòn - 25-8-1945
(Hình này được VC giả tạo để tuyên truyền mà thôi, lá cờ đỏ không thể trong suốt cho thấy người biểu tình sau lưng nó được - BCT)
Ở Việt Nam lúc Nhật đầu hàng, lực lượng Việt Minh chớp thời cơ cướp chính quyền, ép Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, quyết giành độc lập không trở lại chế độ thuộc địa. Lúc đó quân Nhật đã phục tùng Hoàng đế Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim trong khi chờ đồng minh giải giới, nhưng Hoàng đế Bảo đại không cho quân Nhật can thiệp. Khi quân Anh Pháp trở lại tiếp quản để tiếp tục chế độ bảo hộ của Pháp, thì nổ ra chiến tranh. Tình cảnh Việt Nam từ đó đã rẽ sang một ngã khác.
Trong thời gian chiến tranh 1946-1954 ở Việt Nam thì Singapore được an bình trong chế độ bảo hộ của người Anh, để rồi được trả quyền tự trị vào năm 1959, và độc lập vào năm 1963. Trong giai đoạn này ở bán đảo Mã lai có xảy ra phong trào kháng chiến giành độc lập do đảng Cộng sản Mã Lai phát động, nhưng ở quá xa những cái nôi cách mạng Nga, Tàu, nên chỉ đến năm 1960 là bị dẹp tan. Riêng Singapore vẫn được yên ổn, nhưng phải ôm lấy nền độc lập trong cô đơn từ năm 1965, một tình cảnh mà Thủ tướng Lý Quang Diệu mô tả là nỗi thống khổ của ông và của người dân Singapore. Hai nước Singapore và Việt Nam nằm trong tình cảnh hoàn toàn khác biệt, còn có gì để đối chiếu?
Sự khác biệt là hòa bình và chiến tranh, nhưng về kinh tế Việt Nam vẫn có được hơn nửa thập niên phát triển trong yên bình. Con đường phát triển của Singapore bắt đầu từ lúc quân Nhật thua trận, và đảo quốc đã phát triển mạnh theo viễn kiến của Thủ tướng Lý Quang Diệu từ 1965. Trong khi đó Việt Nam đã trải qua 6 năm khói lửa Nam Bắc phân tranh từ 1959, đến 1965 bắt đầu leo thang ác liệt với sự xâm nhập ồ ạt của quân đội Bắc Việt, và các sư đoàn quân Mỹ nhảy vào Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 1954 đến khoảng trước 1965 khi chiến tranh bùng nổ lớn ở miền Nam Việt Nam, Singapore và Việt Nam Cộng hòa vẫn cùng song song kiến tạo được nền kinh tế, văn hóa, giáo dục tiến bộ hơn hẳn so với năm 1954, 1955 và so với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Bắc Việt. Năm 1957 Việt Nam Cộng Hoà đã sản xuất 340 ngàn tấn gạo. Kế hoạch 5 năm 57-62 xuất cảng gạo, cao su, xi măng, trong khi Singapore chỉ có 1,45 triệu dân, còn dưới chế độ bảo hộ của người Anh, không có ngành sản xuất đáng kế. Nhưng Singapore vốn là trung tâm thương mại quốc tế từ đầu thế kỷ 20, đến năm 1965 đã đạt được bình quân thu nhập cá nhân cao hàng thứ ba ở Đông Á và từ đó phát triển nhảy vọt cho đến ngày nay.
Kinh tế Miền Nam Việt Nam bắt đầu xuống dốc từ năm 1965, khi hai miền Nam Bắc dốc hết nhân tài vật lực vào chiến tranh. Kinh tế miền Bắc Việt Nam trước sau cũng không có gì đáng kể.
Việt Nam- Korea



Sài Gòn 1975
Nhìn sang một xứ Đông Á khác, Korea, có nhiều chỗ tương đồng với Việt Nam hơn là Singapore, để có thể đối chiếu và suy nghiệm. Nói Korea để chỉ cả hai xứ Nam Bắc Hàn. Sự tương đồng nằm ở chỗ Korea chia ra 2 miền nam bắc vào năm 1948, nhưng đến năm 1950 thì Bắc Hàn xâm lăng xứ miền Nam, đẩy lùi quân Nam Hàn và quân Mỹ tiếp viện xuống cuối miền Nam, chỉ còn giữ vòng chu vi Pusan. Mỹ tung thêm quân vào trận, đẩy lui quân Bắc Hàn đến biên giới Trung Quốc. Tháng 10 năm đó chí nguyện quân Trung hoa tràn vào, đánh tới vĩ tuyến 38 chia đôi hai miền. Chiến tranh kéo dài mãi đến năm 1953 mới ngưng chiến, và hai miền thi đua phát triển từ đó.
Tình trạng này mới có thể đem đối chiếu với Việt Nam từ năm 1954 trở đi.
Hoàn cảnh lịch sử hai nước có thể coi là tương đồng tính đến năm 1953, nhưng tiến trình phát triển trong hoà bình và trong chiến tranh hoàn toàn khác biệt.
Từ năm 1953 Bắc Hàn cũng có một thời gian ngắn phát triển rực rỡ về khoa học kỹ thuật, nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể nuôi dân mặc dù người dân Bắc Hàn chỉ được cung cấp những nhu cầu vật chất tối thiểu. Đến nay Bắc Hàn cũng chỉ hùng mạnh về quân sự, đem vũ khí hạt nhân đe doạ để đòi thực phẩm cứu đói, dân vẫn thường xuyên đói kém, phải trông nhờ hết vào Trung Quốc. Đó chỉ là kết quả của con đường xã hội chủ nghĩa với chế độ chính trị độc tài man rợ.
Nam Hàn tìm theo con đường sáng, từ thập niên 1960 đã áp dụng chiến lược kinh tế hướng về xuất khẩu, dựa vào nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài và chương trình ODA. Trong nước thì chính sách giáo dục đã đào tạo được tầng lớp chuyên viên cao cấp trong mọi lĩnh vực, phần lớn cũng nhờ ý chí cương quyết và cái tâm sáng của dân tộc Nam Hàn. Ngày nay Nam Hàn xứng đáng đứng vào hàng các quốc gia phát triển, và là một trong số ít nước giàu có nhất trên thế giới.
Yếu tố địa lý
Đối chiếu Nam Hàn với Việt Nam, bối cảnh lịch sử của hai nước đã khác biệt hẳn từ thập niên 1960 trở đi, do bối cảnh địa lý hoàn toàn khác biệt.
Tuy chia đôi nam bắc giống như Việt Nam nhưng Nam Hàn đến năm 1953 đã được hưởng thái bình dù vẫn căng thẳng, trong khi Việt Nam bị chiến tranh tàn phá đến tận năm 1975.



Seoul 1980
Bắc Hàn từng gánh cuộc chiến tranh uỷ nhiệm và tiến chiếm miền Nam không thành, nhưng cũng không thể gây chiến tranh nổi dậy hay trường kỳ kháng chiến như Việt Nam vì không thể đưa quân chính quy xâm nhập qua đường biển bao quanh bán đảo Triều Tiên như Bắc Việt xâm nhập miền Nam qua đường Trường Sơn, hành lang Lào-Miên.
Nam Hàn phải cám ơn “mẹ đại dương” đã che chở để dồn hết nỗ lực vào công cuộc phát triển kinh tế. Việt Nam Cộng Hoà bảo vệ được bờ biển nhưng không thể ngăn Bắc quân trong hằng chục năm liền quyết dồn bao nhiêu thế hệ thanh niên xẻ dọc Trường Sơn, đâm mũi dáo nhọn xuống đồng bằng miền Trung, hay luồn đến Cambodia rồi lao thẳng vào hướng Sài Gòn…
Việt Nam từ khởi điểm trong hoàn cảnh lịch sử sau năm 1945 hoà bình vãn hồi, không khác các nước Á Đông, nhưng chỉ vì bối cảnh địa lý sát lưng với nước Trung Hoa Cộng sản, lại được cả Trung Quốc lẫn Liên Xô cổ võ cấp viện từ xe tăng đại pháo tên lửa đến hạt gạo và cây kim sợi chỉ, nên đã hăng hái giương lá cờ đầu, giành lấy miền Bắc về cho phe xã hội chủ nghĩa, lại thừa thắng xông lên đem 800 ngàn mạng người lìa bỏ quê nhà đi đánh chiếm miền Nam ruột thịt, lập công đầu trong thế giới Cộng sản anh em.
Các nước khác chọn hoà bình để phát triển. Việt Nam chọn chiến tranh để tàn phá. Một mình Việt Nam miệt mài đem xương máu đồng bào đi đòi xương máu đồng bào để tự mình giải phóng cho mình, trong khi khắp trời Á Đông nơi nơi miệt mài phát triển dân giàu nước mạnh, thịnh vượng văn minh như Singapore, Nam Hàn đã minh chứng.
Mải mê con đường ngược chiều thế giới văn minh, chẳng trách lúc phá sản chủ nghĩa, mở mắt nhìn lại, thì đã muộn sau người hằng thế kỷ.

0 comments:

Powered By Blogger