Việc
blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sáng ngày 25 tháng 3 vừa qua,
lần thứ ba nhận được nhưng không thi hành lệnh triệu tập của cơ quan an
ninh điều tra về trang Facebook của chị với thái độ bất tuân dân sự.
Điều này đã dấy lên câu hỏi: phải chăng đã đến lúc mọi công dân Việt Nam
phải biết rõ quyền hạn mà luật pháp giao cho các cơ quan an ninh tới
đâu để thực hành bổn phận công dân của mình cho phù hợp với những gì mà
pháp luật cho phép. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với Blogger Mẹ Nấm tức
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để có thêm chi tiết. Trước tiên chị cho biết diễn
tiến xảy ra:
Blogger Mẹ Nấm: Dạ, sáng nay lúc 7 giờ thì công an phường
có gửi giấy triệu tập lần thứ 3 đến gia đình tôi vào lúc 7 giờ sáng và
giờ triệu tập là 8 giờ 30 phút ngày hôm nay luôn, tức là 1 tiếng 30 phút
sau khi đưa giấy thì họ yêu cầu tôi phải có mặt.
Nội dung yêu cầu là họ trả lại tài sản và làm việc đối với các bài viết
có liên quan Facebook. Trả lại tài sản là vì họ đã tịch thu đồ của tôi
vào tháng 7 năm 2014 có niêm phong nhưng sau đó khi mời tôi lên làm việc
thì tôi phát hiện ra cái số tài sản bị niêm phong đó đã bị mở mà không
có tôi chứng kiến. Thiếu mất một cục charge pin dự phòng dùng cho điện
thoại và nó đã lạc ở đâu đó. Cái này là vật duy nhất còn sót lại tại trụ
sở công an, tôi nghĩ đó là phần tài sản mà họ mời tôi lên để trả.
Còn liên quan đến bài viết trên Facebook thì tôi đã trả lời rất cụ thể
với họ vào tháng 11 năm ngoái là tôi không có nghĩa vụ phải làm việc với
họ những gì tôi viết trên Facebook nữa và cái giấy triệu tập gửi cho
tôi không đúng theo quy định của pháp luật nên tôi sẽ không đi
Mặc Lâm: Xin ngắt lời Như Quỳnh ở đây một chút, nếu họ
triệu tập vì vấn đề Facebook thì họ có nói là những bài viết của Như
Quỳnh đã gây phương hại trực tiếp hay gián tiếp cho chính quyền hay
không? Lý do này họ có nói rõ trong lần triệu tập trước hay không?
Blogger Mẹ Nấm: Ở các cái lần làm việc trước họ chỉ nói với tôi
rằng có người tố cáo Facebook của tôi có nội dung xấu nhưng tôi không
được xem đơn tố cáo cũng như không biết tên đơn vị tố cáo tôi. Họ in ra
rất nhiều các bài viết trên Facebook của tôi và đề nghị tôi ký tên vào
thì tôi từ chối. Họ có nói với tôi rằng nếu tôi đồng ý ký thì họ cho tôi
xem tài liệu mà bên tố cáo tôi, tức là tôi sẽ phải ký xác nhận các tài
liệu do bên tố cáo tôi in ra thì tôi từ chối vì nó không đúng luật và nó
cũng vi phạm chuyện tài sản trên Facebook của tôi. Anh in ra anh đã hỏi
ý kiến của tôi chưa? Tôi chỉ chịu trách nhiệm đối với trên mạng mà
thôi. Tôi đã từ chối và việc đó nó đã dừng lại vào tháng 11 năm 2014.
Mặc Lâm: Quay trở lại câu chuyện khi nhận được giấy triệu tập, bưu điện hay công an đem tới vậy Như Quỳnh?
Blogger Mẹ Nấm: Thường thì tôi sẽ không nhận giấy triệu
tập. Bởi vì thời gian gấp rút thì tôi không nhận nhưng người nhận lần
này là người thân trong gia đình nên họ không biết họ nhận và mình chỉ
được thông báo lại thôi.
Mặc Lâm: Vâng, và theo luật của Việt Nam hiện nay khi
nhận được giấy triệu tập mà mình không đi với bất cứ lý do nào thì có
phải vi phạm pháp luật hay không?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi nghĩ một trong những đối tượng như
người làm chứng, bị đơn, nguyên đơn. Những người có nghĩa vụ và quyền
lợi liên quan đến vụ án mà nhận được giấy triệu tập mà không đi sau ba
lần họ sẽ bị cưỡng chế.
Nhưng vấn đề ở đây họ đã áp dụng sai đối tượng. Tôi không thuộc đối
tượng nào trong ba nhóm mà luật tố tụng hình sự quy định nên tôi nghĩ
rằng đây là một cái cớ mà họ sẵn sàng dùng nó để chặn bắt tôi trên đường
như họ đã làm với rất nhiều lần trước khi tôi đi tham dự các hội thảo
và có cuộc gặp gỡ với các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội.
Mặc Lâm: Vâng, như vậy thì cứ mỗi một lần họ triệu tập
theo như Như Quỳnh nói thì đó là cách ngăn cản sự hoạt động của Như
Quỳnh để họ có cớ họ bắt chứ không phải một sự triệu tập bình thường
phải không?
Blogger Mẹ Nấm: Dạ đúng rồi, từ trước tới giờ họ luôn sử
dụng việc triệu tập như một công cụ để có lý do hợp lý để chặn bắt tôi
mà tôi thường dùng chữ là “bắt cóc” ở trên đường. Họ thường nói tôi là
công dân thì phải tuân thủ pháp luật nhưng tôi nói pháp luật không phải
chỉ làm ra cho công dân mà nó là thước đo chuẩn mực của xã hội thì tôi
là công dân, tôi có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật thì chính
cơ quan thừa hành luật pháp, đơn cử ở đây là công an, phải là người có
trách nhiệm làm đúng pháp luật trước.
Không có lý do gì để mà chấp nhận làm việc với hành vi quyết định giấy
tờ ban hành trái pháp luật. Trong khả năng của mình tôi chỉ có cách là
phản ứng bằng cách “bất tuân dân sự” và đấu tranh cho quyền của mình một
cách hợp pháp trước các tổ chức quốc tế.
Mặc Lâm: Trong hoàn cảnh của Như Quỳnh phải nói là yếu
thế so với công an là một lực lượng có quyền cưỡng chế bất cứ lúc nào.
Việt Nam hiện có tổ chức giúp cho người dân trong vấn đề pháp lý đó là
Hội luật sư hay các vị luật sư. Như Quỳnh có nghĩ tới việc nhờ luật sư
để họ đứng ra bảo vệ cho mình nếu vẫn còn tiếp diễn về sau?
Blogger Mẹ Nấm: Thưa anh là có. Bởi vì tôi đã viết thư trả
lời cho cơ quan an ninh điều tra là tôi sẽ đến cơ quan an ninh điều tra
làm việc nếu Facebook của tôi có liên quan tới một vụ án bị khởi tố và
tôi sẽ chỉ làm việc khi có mặt luật sự đại diện của tôi. Cũng giống như
khi một vụ án bị khởi tố thì tôi có yêu cầu tôi chỉ làm việc khi có luật
sư bên cạnh.
Mặc Lâm: Đó là trong trường hợp của một vụ án bị khởi
tố, nhưng trong trường hợp không có án mà họ chỉ mời Như Quỳnh với lý do
giải thích chuyện Facebook thì Như Quỳnh có thể nhờ luật sư nói chuyện
thẳng với họ đưa ra một văn bản Như Quỳnh từ chối làm việc một cách công
khai và hợp pháp. Vì nếu làm như vậy có thể bảo vệ được cho Như Quỳnh
trong những lần họ cố tình bắt bớ trong khi Như Quỳnh đi lại. Như vậy có
khả năng hay không?
Blogger Mẹ Nấm: Dạ khả năng đó là có. Tôi chắc là sẽ nhờ luật sư đại diện của mình làm việc đó vào thời gian tới.
Mặc Lâm: Vâng xin một câu hỏi cuối: qua việc “bất tuân
dân sự” Như Quỳnh đang làm, Như Quỳnh có nghĩ rằng đây là hành động hiệu
quả để tự bảo vệ lấy mình một cách vẹn toàn và giúp cho những người trẻ
khác theo đó mà bớt sợ hãi về cách làm việc của công an hay không?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi nghĩ rằng bất tuân dân sự là phương
pháp mà hầu như công dân nào cũng có thể dùng được để bảo vệ mình. Bên
cạnh đó một vũ khí khác nữa đó là công khai tất cả quá trình bị cho là
vi phạm pháp luật. Tôi đã hợp tác thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với
công an chứ không có né tránh gì hết và họ làm không đúng thì tôi bất
tuân thôi.
Tôi nghĩ bất tuân dân sự là một hành vi vừa văn minh vừa lịch sự và nó
là bằng chứng cho những tổ chức quan sát Nhân quyền cũng giống như thế
giới thấy rằng người luôn chà đạp và bẻ cong pháp luật, sách nhiễu đàn
áp người dân chính là lực lượng công an. Không có lý do gì khi họ bất
chấp luật pháp mà lại yêu cầu công dân phải tuân thủ luật pháp.
Mặc Lâm: Xin cám chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
0 comments:
Post a Comment