Hội Nhà văn Na Uy vừa ra thông cáo báo báo chí: “Giải Tự Do Ngôn Luận 2014 của Hội Nhà Văn Na Uy được trao cho nhà văn, phóng viên và blogger Việt Nam Nguyễn Xuân Nghĩa”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, năm nay 64 tuổi, là một trong những nhà văn
đối kháng nổi tiếng về những đóng góp của ông cho Tự do ngôn luận và bảo
vệ Nhân quyền tại Việt Nam. Ông bị kết án 6 năm tù giam trong một phiên
tòa kín tại Hải Phòng. Ông ra tù tháng 9 năm 2014 với tình trạng sức
khỏe sa sút. Ông là thành viên ban điều hành Khối 8406, là một trong những người trong thành phần khởi xướng Chiến dịch Vận Động Tự do - Dân chủ - Nhân Quyền 2015.
Vì vẫn đang bị quản chế nên ông không thể sang Na Uy nhận giải. Vợ ông,
bà Nguyễn Thị Nga đã thay mặt ông đến Oslo, Na Uy để nhận giải thưởng
cao quý này.
Buổi lễ trao giải thưởng được diễn ra nhân hội nghị thường niên của Hội
Nhà Văn Na Uy vào ngày 21 và 22 tháng 3 năm 2015 tại Bristol Hotel ở
Oslo.
Hội Nhà văn Na Uy được thành lập năm 1893 và trao giải cho các nhà văn
có những tác phẩm văn học xuất sắc hàng năm. Từ năm 1942, Hội nhà văn Na
Uy bắt đầu quan tâm đến Tự do ngôn luận của các nhà văn trên toàn thế
giới, chủ yếu là những nhà văn sống trong chế độ độc tài, cộng sản như
tại Đức, Liên Xô, Đông Âu...
Sau khi khối cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Hội nhà văn Na Uy
dành sự chú ý đến các nhà văn ở những nước độc tài còn lại như Cu Ba,
Trung Quốc, Miến Điện, Ai Cập…
Năm 2013, giải Tự do ngôn luận được trao cho ông Muharrem Erbey, một nhà
văn kiêm luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ vì những nỗ lực tranh đấu cho "Hòa
bình tại Kurdistan".
Nhân sự kiện này, vị khôi nguyên của giải Tự do ngôn luận, Nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho Dân Làm Báo cuộc trả lời phỏng vấn.
DLB: Chào nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Dân Làm Báo xin được gửi
tới ông lời chúc mừng. Xin kính chúc nhà văn luôn dồi dào sức khỏe và
không ngừng đóng góp cho quyền Tự do ngôn luận. Câu hỏi đầu tiên, xin
nhà văn cho biết cảm xúc khi được thông báo mình được trao giải thưởng
"Tự do ngôn luận" của Hội Nhà văn Na Uy năm 2014?
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật tuyệt vời, tôi không biết nói sao
nữa. Tôi nghĩ đây là một giải thưởng mà giá trị có ý nghĩa nhất là
những đóng góp bằng trang viết của một nhà văn Việt Nam cho tự do, dân
chủ của nhân dân nước mình được ghi nhận từ một Hội nhà văn và người dân
của một dân tộc tận gần Bắc bán cầu. và Giải thưởng “Tự do ngôn luận”
của Hội nhà văn Na Uy trao tặng lần này và “Nhà Văn dũng cảm” mang tên
Lý Hiểu Ba đã trao tặng cho tôi năm 2013 đã khẳng định giá trị của văn
chương tự do hướng đến Chân Thiện Mỹ đích thực và giá trị DÂN CHỦ &
NHÂN QUYỀN là một giá trị chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy mới có
công ước Nhân Quyền của LHQ. Đáng tiếc rằng giới cầm quyền cộng sản Việt
Nam vẫn tiếp tục bịt mắt, bịt tai, cố tình không biết rằng hầu hết thế
giới ủng hộ, tôn vinh một nhà văn tự do cũng có nghĩa là phản đối chế độ
độc tài.
DLB: Qua tìm hiểu thì DLB được biết là những giải thưởng của
hầu hết Hội Nhà văn các nước đều trao cho các nhà văn có tác phẩm nổi
bật về Văn học. Nhưng tại sao Hội NV Na Uy lại trao giải thưởng cho một
nhà văn viết những tác phẩm văn học như bình luận, bút ký, ký sự... mang
tính chính trị như ông từng viết?
Nv NXN: Điều này tôi nghĩ không khó để trả lời. Nhà văn có nghĩa
vụ phản ánh hiện thực cuộc sống và môi trường sống của dân tộc mình,
cảnh báo được sớm những bất cập mà dân tộc phải vượt qua để hướng tới
tương lai. Nói hoa mỹ một chút những trang viết của nhà văn là tấm gương
trong đó tích lại hình ảnh về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và nhiều cái
khác nữa của dân tộc họ đang sống, dù các trang viết đó được sử dụng
phương pháp hiện thực cổ điển, hậu hiện đại, tân hiện đại và các bút
pháp khác nhau. Cái nhìn này dẫn chúng ta đi đến một nhận thức chung là
từ văn hóa, văn học, môi trường sống của bất kỳ dân tộc nào cũng bị tác
động bởi hệ thống quản trị. Hệ thống quản trị trong sạch, cởi mở, dân
chủ và cập nhật thì đất nước đó phát triển tất cả các mặt trong đó có
văn hóa, văn học và môi trường sống nói chung. Hệ thống quản trị nào yếu
kém, lạc hậu sẽ có hậu quả ngược lại. Chính trị tức là nền cai trị của
hệ thống quản trị đất nước và nó luôn luôn là đối tượng miêu tả của văn
học, tức các nhà văn. Tại sao ta thấy phần lớn các giải Nobel văn học
đều được trao cho các nhà văn phản ảnh cuộc sống bất cập của các dân tộc
đang nằm dưới sự quản trị lạc hậu. Đó là hệ thống quản trị của chủ
nghĩa cộng sản và độc tài. Càng ngày mối quan tâm của thế giới là mối
quan tâm về dân chủ, nhân quyền và tự do cá nhân. Văn học không nằm
ngoài mối quan tâm chung này. Đó là lý do mà ta thấy các nhà văn sống
trong hệ thống quản trị lạc hậu, có tinh thần phản kháng và nghệ thuật
phản ảnh hiệu quả được trao giải Nobel văn học. Với giải thưởng của Hội
nhà văn NaUy mà tôi được nhận lần này, khi mang tên “Tự do ngôn luận”
thì thấy tiêu chí trao giải cụ thể hơn hết.
DLB: Nhà văn có nghĩ rằng, việc ông nhận được giải thưởng cao
quý này sẽ có tác động tích cực lên những người cầm bút, đặc biệt là
những nhà văn đang phải viết theo sự chỉ đạo và định hướng của chế độ?
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là có tác dụng tích cực. Nhà
văn đúng nghĩa là những người có tâm hồn nhạy cảm, biết quan tâm đến
đồng loại, tổ quốc và là giới có lương tri, nhân cách. Vấn đề của họ là
sự dũng cảm, tức là dám nói và dám viết. Giải thưởng này không chỉ tôn
vinh cá nhân tôi mà còn tôn vinh những nhà văn dũng cảm khác. Nhà văn
Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Tường Thụy và những nhà văn đang dấn
thân khác nữa. Tôi được giải không phải tôi viết hay, tức nghệ thuật
ngôn ngữ và tư tưởng của tôi hơn họ mà chỉ bởi vì tôi dám viết ra những
điều mình nghĩ sớm hơn họ mà thôi. Trong chiến dịch vận động dân chủ hóa
đất nước mang tên “Chiến dịch Tranh đấu cho dân chủ nhân quyền 2015”
đang diễn ra, tôi đọc nhiều bài viết trên các blog, trên DLB và cả trên
FB rất hay, rất đúng và nhiệt huyết và thuyết phục.
DLB: Nhà văn vừa nhắc đến “Chiến dịch tranh đấu cho tự do - nhân quyền - dân chủ 2015” và
được biết ông là một trong những cá nhân chủ xướng cho chiến dịch này.
Xin nhà văn chia sẻ đôi điều và ông kỳ vọng điều gì ở chiến dịch này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tuần trước tôi có post lên FB của tôi
vài suy nghĩ chân tình. Tôi cũng mượn lại để trả lời câu hỏi của quý
báo. Đây là một chiến dịch có quy mô về thời gian và không gian nhất từ
trước đến nay cho dân chủ, nhân quyền. Các bước đi vừa có đủ thời gian
vừa có đủ sự đột phá, mà đột phá đỉnh cao là mặc áo trắng xuống đường
tuần hành. Thể chế độc tài giống như một khối đá lớn đang nằm cản con
đường đi đến dân chủ, nhân quyền, phồn vinh và toàn vện lãnh thổ, lãnh
hải của nhân dân ta. Chúng ta không được phép dùng mìn phá nó mà đang
đấu tranh với nó bằng biện pháp ôn hòa. Vậy đây là biện pháp ôn hòa nhất
và hiệu quả nhất. Có sự liên thông giữa Quốc nội và Hải ngoại, có vận
động quốc tế, đỉnh điểm của nó phù hợp với thời điểm nhạy cảm trên
phương diện thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên có tác dụng mạnh. Rất
nhiều anh chị em kêu gọi rời bàn phím, xuống đường, thì đỉnh điểm của
chiến dịch là cơ hội chúng ta rời bàn phím. Tôi tin khi chúng ta có đủ
chữ ký, có đủ người xuống đường thì cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước
của nhân dân ta sẽ tiến thêm được một bước dài và con đường sẽ ngắn lại
đáng kể, nếu không dám dùng từ “ĐỘT PHÁ”. Mong lắm thay. Tự do thuộc về
nhân dân, Đất nước được bảo vệ vẹn toàn và phồn vinh. Ai không mong
muốn???
DLB: Trở lại Giải thưởng của nhà văn. Câu hỏi chúng tôi có
tính thực dụng. Nhà văn có thể không trả lời. Chúng tôi được biết giải
thưởng mà nhà văn được nhận giá trị tương đương 25.000 Mỹ kim. Nhà văn
sẽ làm gì với nó?
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu trả lời của tôi cũng thực dụng như
câu hỏi. Tôi sẽ sửa lại căn nhà của mình và cà phê với những nhà văn
ủng hộ các bài viết của tôi.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho Dân Làm Báo cuộc trả lời
phỏng vấn rất ý nghĩa ngày hôm nay, nhất là trong khoảnh khắc mà Hội
nghị thường niên của Hội Nhà văn Na Uy vẫn đang diễn ra khi lẽ ra ông
phải có mặt để nhận giải nếu không bị cầm tù tại nhà. Xin kính chúc ông
sức khỏe và bình an.
0 comments:
Post a Comment