Tuesday, March 24, 2015

Trí thức phải là người biết ngượng

Lời nói đầu

Mới đây, tôi được biết lại có một buổi Hội Thảo Mùa Hè, diễn ra các ngày 24-25 tháng bảy, 2015 tại Berlin, Đức của một nhóm cựu sinh viên du học của miền Nam trước 1975 mà tôi tạm gọi cho họ bằng một cái tên : Nhóm vô thừa nhận (The Unwanted group). Miền Nam Việt Nam coi họ như ‘thứ gây rối’, miền Bắc cộng sản nay coi họ như thứ con lai hài dòng máu, vàng đỏ lẫn lộn, một thứ đồ trang trí cho chế độ không hợp thời nữa.

Hiện nay, nói thật họ không có quê hương để về và cũng không có đất sống giữa một cộng đồng người Việt gần 4 triệu người. Trước đây, họ đi ngược chiều, nay thì họ đi trái chiều.

Gọi họ là nhóm Vô thừa nhận vì họ đã chối bỏ miền Nam-nơi họ đã được lớn lên, được ăn học và may mắn được đi du học- trong đó tài cũng có, nhưng cũng không thiếu những thành phần con ông cháu cha được đi tắt để trốn lính-. Thực tế nó là như vậy.

Đáng nhẽ, họ phải nhận thức rõ sự ra đi này như một ân huệ và biết ơn cũng như nghĩ tới những người còn ở lại kém may mắn hơn họ.

Trong hoàn cảnh sinh sống ở nước ngoài, họ bị nhuộm đỏ lúc nào không hay. Thái độ chính trị của họ là quay lại chống lại các chế độ ở miền Nam, đồng thời chống Mỹ, kêu gọi Hòa Bình và chấm dứt chiến tranh!!

Nghe thì lý tưởng lắm!Nhưng họ mủ lòa không biết rằng, đã bao nhiêu người chiến sĩ cũng thanh niên như họ, cũng tuổi trẻ, cũng có một tương lai tươi sáng. Nhưng do một chút kém may mắn, họ đã ở lại, đã nhập ngũ và nhiều người dã hy sinh tại chiến trường miền Nam thay cho họ.

Xin nhắc nhở cho họ hiểu rằng, chiến tranh là do sự khởi động từ miền Bắc. Hàng ngàn những chiếc se tăng nặng 40 tấn,T.54 và PT.76 đã dẫm nát miền Nam vào những năm 1972. Trong một trận chiến để giữ Đông Hà, một đơn vĩ TQLC gồm 700 người, một tuần sau khi rút về Ái Tử chỉ còn lại vỏn vẹn 200 người. 500 người chiến sĩ kia đã bị xe tăng của Hà Nội nghiền nát. Trận đánh vẫn tiếp diễn và cuối cùng khi về đến Huế đơn vị chỉ còn vỏn vẹn 52 người.[1]

Phải chăng đó là thứ Hòa Bình mà họ kêu gọi? Một thứ Hòa Bình giả hiệu, thứ hòa bình một phía. Họ đã bị lừa.

Nhưng nay mặc dù đã hiểu rõ bị lừa, nhưng như ‘gái ngồi phải cọc’, một số trong bọn họ tiếp tục con đường họ đã chọn..

Những buổi Hội Thảo mùa hè vô tích sự này phản ánh đúng tình trạng và tâm tư của họ. Họ nói như chỗ không người, nói cho họ nghe.

Buồn thay cho những kẻ vô thừa nhận!![2]

Trí thức phải là người biết ngượng (I)


Nguyễn Văn Lục




Ở một nghĩa nào đó, người trí thức thiên tả là người xác tín, phá chấp và là kẻ soi đường thế hệ. Hãy nhớ những điều này để mỗi khi những ai đó tự xưng mình là tả thì đôi khi phải biết ngượng. Và đối với tôi, biết ngượng một cách nào đó cũng đã là một trí thức rồi.

Trí thức thiên tả? Trí thức khuynh tả hải ngoại?

1. Người trí thức khuynh tả? Là ai?

Có sự khác biệt giữa nhà chính trị phe tả và người trí thức tả phái ở một điểm: Một bên dấn thân, nhập cuộc bằng hành động cụ thể, ngay cả tranh đấu để lật đổ cái cơ chế hiện hữu bằng một cơ chế mới. Đó là trưởng hợp nhóm trí thức Caravelle ra tuyên ngôn ngày 26/4/1960 với các ông Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Đỗ. Họ là những nhà chính trị tả phái chuyên nghiệp.

Trí thức thiên tả có thể dấn thân mà không trực tiếp nhập cuộc, không có hành động cụ thể, cùng lắm sử dụng ngòi bút như phương tiện tranh đấu. Họ lên tiếng mà không mưu cầu lật đổ để thay thế, hoặc chiếm chỗ. Họ là những người như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Chân Tín sau này.

Truyền thống tả phái đã bắt đầu từ cuộc Cách Mạng Pháp, thế kỷ 18, 19, 20 bên Âu Châu. Đây là thời kỳ vàng son của trí thức Tây Phương. Họ tiêu biểu cho những trào lưu tư tưởng triết lý, chính trị, văn hóa và nhất là thẩm quyền đạo lý của thời kỳ đó. Nhờ cái thẩm quyền tinh thần đó, tiếng nói của họ có trọng lượng. Tiếng nói được người khác nghe. Vì thế, họ thường lên tiếng, chống đối hoặc phê phán sự áp đặt và bất công của các thế lực chính quyền đương đại.

Vậy thì tất cả những ai nhân danh cái thẩm quyền tinh thần ấy để cất tiếng nói, để biết chối từ, để biết nói không, dứt khóat và kiên cường, xác tín và quyết tâm theo đuổi, kẻ đó được gọi là những người trí thức thiên tả.

Khi nào họ trở thành trí thức khuynh tả?


“Gao Xingjian Galerie Simoncini
Luxembourg” by Jwh – Own work.
Licensed under CC BY-SA 3.0
lu via Wikimedia Commons
– http://commons.wikimedia.org

Khi một nhà văn như George Orwel viết truyệnBurmese Days, năm 1934, nhân đó lên án chế độ toàn trị, thái độ lên án đó biến ông thành một trí thức tả phái. Hơn là một nhà văn, ông là một trí thức tả phái.

Khi các nhà báo Ted Grant hay giáo sư Charlayne, Hunter Gault viết và tìm hiểu về việc tàn sát, diệt chủng giữa những người Hutu và Tutsi ở Rwanda và Burundy cũng như những vụ tàn sát ở Nam Kivu, Bắc Kivu, Goma và Kakorov, họ không chỉ là nhà báo hay giáo sư nữa. Họ bày tỏ một thái độ, họ nhân danh con người lên án tội ác chống lại nhân loại. Họ thực sự là những nhà nhân bản, những trí thức thiên tả.

Nhà văn Cao Hành Kiện (高行健, Gao Xingjian), tác giả của cuốn tiểu thuyết Linh Sơn (靈山, Soul Mountain, 1989), giải Nobel 2000 đã phê phán Cách Mạng Văn Hoá ở Trung Quốc vào những năm 1966-1976.

Khi đến Paris năm 1987, ông đã lên án “Bài nói chuyện ở Diên An” của Mao Trạch Đông. Ông cho rằng thời kỳ cách mạng văn hóa là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử văn học Trung Quốc vì nó đã giết chết văn học đích thực. Ông là nhà văn và nhà trí thức tả phái.

Khi mà Vladimir Dudintsev, tác giả cuốn “Không chỉ có bánh mì là đủ” (Не хлебом единым, Not by Bread Alone, 1956), đã được giới thiệu lần đầu tiên ở miền Nam Việt Nam vào năm 1956, trong cuốn “Những nhà Văn hoá mới” của Nguyễn Nam Châu, tôi đã đọc và không khỏi xúc động. Cuốn sách nói lên thực trạng bi đát của xã hội Liên Xô. Cái thảm kịch của giới trí thức Liên Xô là chỉ biết cúi đầu, tuân phục nhà nước cầm quyền. Đó là bi kịch của giới trí thức Liên Xô. Với những lời tố cáo con người không phải chỉ sống bằng bánh mì, phải còn có cái gì hơn thế nữa, như tự do, quyền được suy nghĩ, quyền được phát biểu, nhà văn Dundintsev xứng đáng là một trí thức tả phái.


Bìa ấn bản đầu tiên của cuốn Not
by Bread Alone, “NeKhlebomEdinym”
by Source. Licensed under Fair use
via Wikipedia – http://en.wikipedia.org

Và danh sách những tên tuổi như thế còn dài. Có thể là Voltaire mà ngay từ thời ông, các giáo sĩ đã gọi ông là loại trouble-maker. Rồi Boris Pasternak, Aleksandr Solzhenitsyn, J.P. Sartre, Antonio Gramsci, André Malraux đều là những tên tuổi không xa lạ gì với những đọc giả miền Nam VN, trước 75.

Và ở vào một vị thế đặc biệt, mục sư Martin Luther King, trong bài diễn văn đọc dưới chân đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln tại Washington D.C., vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 đã nói: “I have a dream”, và cuối cùng ông đã kêu lên “Free at last, free at last”. Ông đã chết vì những điều xác tín ấy.

Trí thức khuynh tả và những điều xác tín

Không có xác tín, không có lý tưởng, không thể là một trí thức thiên tả chân chính. Nói cho cùng, họ như được trao một sứ mạng thiêng liêng. Người trí thức thiên tả trăn trở, thao thức trở thành tiếng nói của lương tâm thời đại với những điều mà họ xác tín. Không có xác tín thì không gửi đi được những thông điệp có tầm cỡ nhân loại, không đeo đuổi được lý tưởng giải thoát con người ra khỏi những trầm luân của chiến tranh, của bạo lực, của sự bóc lột và chà đạp lên nhân phẩm.

Tiếng nói của họ trở thành lương tâm thời đại, đem lại nguồn hy vọng và niềm an ủi cho những kẻ đang bị áp bức. Họ bắt buộc phải chọn lựa một thế đứng, thường là phía tả, phía của công chính và lương tâm thời đại, phía của kẻ yếu, phía thiểu số bị chà đạp và thua cuộc.

Nhưng chính nhờ thế, họ có được vị thế tinh thần đáng nể, nói thay cho những người khác. Họ xé rào, vứt bỏ những suy tư có phản tiến bộ. Và có thể từ đó họ đưa ra một tư tưởng mới, đường lối mới. Đôi khi trí thức tả phái trở thành một ngọn đuốc soi đường phá mây mù u tối, phá chấp, dẫn đưa nhân loại con người vào những nẻo chính. Ở một nghĩa nào đó, người trí thức thiên tả là người xác tín, phá chấp và là kẻ soi đường thế hệ. Hãy nhớ những điều này để mỗi khi những ai đó tự xưng mình là tả thì đôi khi phải biết ngượng. Và đối với tôi, biết ngượng một cách nào đó cũng đã là một trí thức rồi.

Ảo tưởng trí thức — Ngày nay, ở các nước tiên tiến, giới chuyên viên mỗi ngày mỗi nhiều thêm với đủ loại ngành nghề. Chuyên môn hoá hơn, nhưng lại thiếu những người trí thức đích thực, bởi vì chúng ta biết quá nhiều, nhưng hiểu quá ít, “we know too much, understand too little”(1). Thay vì suy tưởng, chúng ta quan niệm sẵn, thay vì biện giải, chúng ta có lượng thông tin, thay vì tranh luận đối đầu, chúng ta có mẫu mã làm sẵn, thay vì thanh danh, chúng ta có nổi tiếng. Thật khó cho thời đại này có những người vừa có cái đầu, vừa có ngọn lửa tinh thần như Albert Einstein, Bertrand Russell hay một Charles Darwin.

Ảo tưởng trí thức là con đường dễ dãi nhất để dẫn dắt một người trí thức khuynh tả. Họ cũng là con người. Họ vừa có cái đầu, vừa có cái dạ đầy, thay vì tinh thần. Đầu có tiếng nói khác. Dạ dầy nói khác. Không va chạm thực tế, họ dễ trở thành người đi trên mây, đi theo một đường lối, một phong trào, đôi khi cũng có thể chỉ là một cái mốt, thành một thứ trí thức theo đuôi. Có những người mang theo một lý tưởng và tin là như thế và hăng say tranh đấu bằng ngòi viết. Nhưng cũng không thiếu những người theo vì cảm tình, vì cảm thấy mình là người đứng ngoài, tách ra khỏi đám đông và nhất là có cảm tưởng có bàn tay sạch.

Cảm tưởng có bàn tay sạch là cốt lõi sinh tử của trí thức tả khuynh. Họ có cảm tưởng họ là lý tưởng, đứng về phía lẽ phải, sự thật. Và nhiều khi thật ra mà nói, cuối cùng họ chỉ bày tỏ một số khát vọng hơn là một đường lối. Nhân sự nhiều khi chỉ là một nhóm người đến vài chục người. Tư tưởng thì mở ra nhiều phía, đón nhận nhiều phía, lúc nghĩ thế này, lúc nghĩ thế khác, thay đổi và không hề có một ý thức hệ chính thống nào. Họ không đủ điều kiện để có thể đi sát thực tế dẫn đến hoang tưởng, đi trên mây như Lý Chánh Trung đã trả lời một nhà báo Pháp:

“La troisième force, c’était une grande aspiration plutôt qu’une force réelle. Seules quelques centaines de personnes étaient organisés. Ces groupuscules étaient ouverts à tous les vents, à toutes les influences. Ils n’avaient aucune idéologie précise.”

(Trích Alain Ruscio, Vivre au Vietnam, 1981, trang 178.)

Lực lượng thứ ba cuối cùng chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế, họ không có một ý thức hệ chính xác nào.

Vì thế, họ có thể rơi vào tình trạng nói suông mà không làm được điều gì đích thực. Lăng xăng tuyên bố, lăng xăng có mặt như quân bài múa rối. Sinh viên phản chiến hải ngọai nằm trong cái phạm trù này. Phạm trù ngụy tín, ngụy quân tử. Chạy trốn khỏi miền Nam bằng những lá bài hợp pháp để chống chiến tranh. Điều đó thật là dễ. Nhìn họ mà thương hại.

Trường hợp những trí thức tả phái rơi vào ảo tưởng, đi chệch đường không phải là thiếu. Có thể là Martin Heideigger đã ra mặt ủng hộ Phát xít Đức. Rồi đến những Schmidt, Walter Benjamin, Alexandre Kojève, Michel Foucault, Jacques Derrida và J.P. Sartre. Ở Việt Nam là trí thức theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN).

Xin được nói rõ hơn về trường hợp J.P. Sartre ở trên. Ngày nay, câu hỏi vẫn đặt ra là J.P. Sartre có thực sự là một người Mác xít chính hiệu không? Và ông đã đóng góp gì cho chủ nghĩa ấy? Cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến đối nghịch nhau. Những người cực hữu hay chống cộng sản thì coi Sartre như một người Mác xít, một người cộng sản thứ thiệt nên thù ghét ông. Một số trí thức thiên tả thì họ cho rằng J.P. Sartre chỉ là người có công diễn tả, chuyển tải một cách linh động, tài tình những lý thuyết của Mác ra tiếng Pháp. Những người khác như Raymond Aron thì cho rằng J.P. Sartre không bao giờ là người Mác xít được. Những bài viết của Sartre về về đấu tranh giai cấp, về sự tha hóa, về tự do chẳng dính dáng đến triết học kinh điển của Mác cả.



PHÁP. Paris. 1970. Jean Paul Sartre đi bán báo cấm “La Cause Du People”. Nguồn: © Gilles Peress/Magnum Photos

Tờ La Nouvelle Critique cũng đã dành một số bài bàn về vấn đề: Sartre có phải là Mác xít không? Nhiều trí thức Việt Nam cũng có thể xếp loại vào trường hợp của Sartre. Thực ra, chỉ có thể nói ông đã là người diễn giải chủ nghĩa Mác, nhưng chưa bao giờ thực sự đứng tên tham gia vào các tổ chức cộng sản với tư cách một người cán bộ. Sartre vẫn đứng ngoài để trình bày và cũng để phê phán, phê phán nặng nề tư bản đã đành, nhưng phê phán ngay cả chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, ông làm phiền lòng cả hai phía bằng cái luận điểm quen thuộc mà ông thường nói đến: Mauvaise foi, ngụy tín. Và nay thì rõ ràng rằng những rêu rao về Mác xít của ông chỉ là trong một giai đọan đã đi chệch đường. Sartre đã rơi vào một ảo tưởng trí thức của những người thiên tả. Sống vật chất, sống thụ hưởng từ vật chật đến tình dục, chơi gái với những tiện nghi cung cấp của chủ nghĩa tư bản, bằng lòng vơi tiện nghi ấy. Nhưng mặt khác vẫn ngoảnh mặt lên án nó và rêu rao về chủ nghĩa Mác. Sartre là mẫu tượng điển hình của loại trí thức thiên tả hai mặt, ngụy tín và thiếu trung thực. Cùng lắm trước sau, ông vẫn chỉ là một triết gia hiện sinh. Không ai có thể phủ nhận được điều đó.

Mẫu người của Sartre cũng là một điển hình để chúng ta soi rõi những người trí thức thiên tả thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), trong và ngoài nước. Nói họ là những trí thức con hoang là để nói đến những thành phần không dám dấn thân nhập cuộc. Trí thì chưa chắc đã đủ, lòng thì còn ham muốn đủ thứ, can đảm thì nhát nhúa, chân trong chân ngoài. Thích đứng ngoài để nói, để phê phán, để hô hào. Giữa một kẻ trong cuộc và kẻ đứng ngoài. Kẻ đứng ngoài không giá trị hơn một đồng xu. Cùng lắm, họ sống bằng một cái huyền thoại do chính họ tạo ra.

Trong một bài nhan đề Trí thức miền Nam Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975), trên Hợp Lưu số 84, tháng 8 và 9/2005, tôi đã nói về vai trò những người trí thức tả phái thời VNCH. Có những người trí thức tả phái sống giữa lòng chế độ và những người đã quyết định ra đi theo Mặt Trận Giải Phóng miền Nam. Chọn lựa đó sai đúng thế nào thì nay đã rõ? Họ xứng đáng hay không xứng đáng ngay cả trong những chọn lựa sai lầm? Hay họ chỉ bị phỉnh gạt?

Phần thứ hai của bài này, xin không nói đến những người trí thức thiên tả thời VNCH ở trong nước, vì đã nói rồi, mà dành để nói đến trí thức thiên tả hải ngoại, vấn đề mà Nguyễn Hữu Liêm đã nêu ra và đã có sự đáp ứng của Lữ Phương, Nguyễn Hòa Mai, Hoàng Mai Thị. Và cùng một cách thức như thế trên diễn đàn DCVOnline với bài của Trần Trung Việt(1), bài viết của tôi đi lại từ đầu để rốt ráo nhận định và đánh giá những trí thức này.

Trí thức thiên tả ở hải ngoại

Thật ra chữ dùng này để chỉ những người trí thức hải ngoại thiên tả là không đúng, là không chỉnh. Nó chỉ thích hợp ở thời điểm trước 1975, khi những người này nghiêng về phía Hà Nội, lên án chiến tranh “Mỹ Thiệu” hay VNCH. Vì thế, đúng ra chữ dùng này phải tiêu ma ngay khi mà miền Nam không còn nữa. Bởi vì, bây giờ mà tả thì tả với ai? Tả cái gì? Chỉ có một con đường là tả với Hà Nội? Chữ dùng đúng nhất là sinh viên phản chiến. Họ chưa đủ tầm vóc để được gọi là trí thức thiên tả theo nghĩa đã được trình bày ở phần một của bài này.

Theo Trần Trung Việt, thiên tả chỉ còn là một nhãn hiệu trống rỗng. Những người mệnh danh là thiên tả theo cộng sản … cái nhãn hiệu thiên tả mà họ chưa bao giờ xứng đáng. Chính trị cánh tả Việt Nam đang là một khoảng trống. Câu hỏi đặt ra cho chính họ, chứ không cho người viết. Họ là ai lúc trước 75 và sau 75?

A. Họ là ai lúc ra đi trước 75? — Tất cả những sinh viên tả này đều từ miền Nam được đi du học. Không có một ai từ Hà Nội được gửi sang. Nếu tính đến 1975. Họ từ miền Nam mà đi ra. Phần nhỏ, đi trước thời điểm 1963 theo những chương trình du học có học bổng. Chẳng hạn học bổng kế hoạch Colombo. Họ được chọn lựa khá kỹ càng, có đủ tiêu chuẩn về bằng cấp như tú tài hạng bình. Như trường hợp Nguyễn Ngọc Giao, con cụ Cư bướu. Hạng này không nhiều. Họ thường thành đạt và có một đời sống tương đối ổn định.



Tấm hình tượng trưng cho 40 du học sinh plan Colombo lên đường đi Canada ngày 3 tháng 9 năm 1963. Nguồn: Colombo 1963 và thân hữu (Picasa Web Albums)

Sau 1963 thì có sự ra đi khá ồ ạt, khá chộn rộn. Nhất là từ năm 1966 trở đi. Ai cũng có thể đi du học được miễn có tiền, học đúng tuổi và xin được chỗ nhận cho học và chỗ ở. Đỗ tú tài hạng thứ cũng được. Sự ra đi du học lúc này dựa vào tình hình chính trị lúc đó. Việc tuyển chọn không còn giữ tính cách nghiêm chỉnh như trước nữa. Có nhiều học bổng đủ loại từ nhiều nguồn, từ tôn giáo, nhất là khối Phật giáo Ấn Quang do thầy Thích Minh Châu làm viện trưởng. Học bổng đôi khi sài không hết như lời một người bạn tôi mới cho biết. Có những học bổng của các đại học Mỹ và ngay cả của CIA như tổ chức Asia Foundation. Tổ chức này đã đưa các sinh viên sang Mỹ du học mà không thông qua Hội đồng du học của bộ Quốc gia giáo dục VNCH. Tôi gọi họ là những sinh viên du học đi thẳng. Thẳng một lèo. Người Mỹ có nhiều chương trình lắm. Nó phản ánh đường lối chính sách của Mỹ từng thời kỳ, từng giai đoạn một. Từ các nhóm Thanh Niên Thiện Nguyện, Thanh niên thiện chí IVS, Intertional voluntary service, chương trình phát triển quận 8, chương trình Học đường mới, CPS. Tổ chức Asia Foundation nhằm đưa một số sinh viên VN sang Mỹ cũng nằm trong mục đích ấy. Dưới thời các Bộ Trưởng giáo dục như Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Văn Thơ, Lê Minh Trí, Nguyễn Danh Đàn đã để lại nhiều dư luận cũng như tai tiếng. Riêng ông Lê Minh Trí sau này đã bị ám sát. Không có gì chắc chắn là các vị ấy dính dáng trực tiệp vào những vụ tai tiếng ấy. Rất có thể những người chung quanh, hoặc nhân viên dưới quyền đã lợi dụng danh nghĩa để làm bậy.

Nhưng điều chắc chắn là trong đám sinh viên gọi là thiên tả, đã có những người đã được ra đi một cách như thế. Nhất là khi có tình trạng cho phép đi du học tự túc. Tốt mà cũng có thể có điều không hay. Không hay vì có sự lạm dụng. Nhiều sinh viên đã không đủ tư cách để đi du học. Bằng tú tài lúc ấy đã có thể mua. Hoặc có giá cho mỗi loại bằng như bình thứ, bình v.v. Riêng dưới thời Tổng trưởng Nguyễn Văn Thơ và Trần Lưu Cung, ông đã can thiệp với các đại học bên Mỹ để chấp nhận cho sinh viên Việt Nam sau khi học xong cao học (master) được tiếp tục học lên tiến sĩ. Ông cũng thiết lập Hội đồng du học, gồm 10 vị khoa bảng để xét duyệt cũng như quyết định hồ sơ du học. Riêng sinh viên Việt Nam đã có bằng cử nhân rồi, đi du học được học thẳng lên cao học của Mỹ (master nay gọi là thạc sĩ) mà không cần lấy thêm tín chỉ. Trong khi đó chính sách của Mỹ là one degree policy, theo đó học hết một cấp phải về nước.

Phần lớn bọn họ đã ra đi kèm theo hành lý với hai điều hy vọng; trước hết đi để trốn lính, khỏi cảnh chiến tranh mà họ không muốn làm vật hy sinh và đi để học cho bản thân mình; sau đó, họ đã ở lại bằng nhiều phương tiện cũng không chính thống nữa để hợp thức hóa tình trạng ở lậu, để một lần nữa tránh trách nhiệm với miền Nam VNCH. Thân phận họ như thế, anh Nguyễn Hữu Liêm hãy chỉ cho tôi họ anh hùng ở chỗ nào? Có lẽ, chữ anh hùng mà anh Liêm xài thong dong là hiểu theo nghĩa của người Mỹ quen dùng. Cái gì cũng có thể gọi là anh hùng. Hiểu theo nghĩa của người Mỹ đi nữa thì vị tất họ đã anh hùng?


Âu Dương Thệ, “những sinh viên
đó thân Cộng, phản chiến chỉ
vì cảm tính.” Nguồn hình: RFA

Ông Âu Dương Thệ, một sinh viên du học Đức, 1969, nay là giáo sư đại học ở Đức, qua điên thoại nói với tôi là những sinh viên đó thân Cộng, phản chiến chỉ vì cảm tính. Biểu tình, ngay cả uống máu ăn thề chỉ đạt tình cảm lên trên hết. Can đảm ở chỗ nào? Đã chọn lựa Cộng Sản, sao không dám về Hà nội sau 1975? Đã có bao nhiêu người về hợp tác và bao nhiêu sau đó đã bỏ đi? Có bao nhiêu người được Hà nội sử dụng? Có được độ 10 người không? Và nhất là bây giờ đã có bao nhiêu người đã thất vọng đến sống ẩn dật, rút lui vì đã lỡ lầm? Trỉnh bày như thế để thấy rằng đám sinh viên du học được gọi là tả thành phần cũng hỗn tạp lắm.

Phần tôi, họ từ đâu mà ra đi, họ quên cội nguồn, họ phản lại phần đất đã cưu mang, nuôi dưỡng họ. Theo luân lý người Việt, đơn giản, họ chỉ là những kẻ bội phản. Có thể, xa quê hương miền Nam, dần dần họ đã đánh mất hết ý thức về một đất nước, về tình tự con người. Đó là sự phá sản tiệm tiến, xói mòn tất cả những gia tài tinh thần mà lúc ra đi họ đã mang theo. Một cô gái con nhà nề nếp, có nếp sống luân lý quy củ chẳng mấy chốc trở thành một cô gái hoang đàng, giao thiệp trai gái bừa bãi, xổ lồng, dẫm đạp lên tất cả.

Như Võ Long Triều đã nói với những người bạn của ông là Đức, Tri, Phúc đã ngả theo cộng sản:

“Không về nước lúc này là tụi toa đào ngũ lần thứ hai, nếu vô phúc cho tụi toa, sau này… tụi toa vĩnh viễn đừng hòng trở về nước.”

Sau này, Đức có nói một câu với Võ Long Triều:

“Moa thú thật không can đảm bằng toa, dù có khổ sơ bao nhiêu với những năm tù, nhưng toa đã sống xứng đáng. Cho nên, chính kẻ ở lại mới có thể được gọi là can đảm, không phải những kẻ bỏ nước ra đi và không dám về. Chỉ kẻ ở lại mới có thể nói đến can đảm hay không?”

Bằng cách này, cách khác, phải nói họ là những người may mắn. Thoát khỏi Việt Nam là thoát khỏi đi lính sau khi có lệnh tổng động viên. Tự bản chất, trong số họ, có những người là do tư thế gia đình, do tiền bạc và cũng có thể do khả năng học hành của họ mà được đi. Dù đi cách nào cũng vẫn là một may mắn so với đám đông thanh niên khác. Đừng có quên điều đó.

Nói số họ bọc điều cũng không hẳn là sai. Đã thế, một cách hợp pháp họ được chuyển một số tiền từ 25 ngàn quan Pháp (Franc), sau lên đến 35 ngàn quan mỗi tháng. Đó là giá chính thức. Cách thức đổi chợ đen nó là như thế này. Tỉ dụ, một sinh viên du học bên Đức, mỗi tháng chính phủ cho chuyển ngân chính thức 150 đô la, trong đó chính phú tài trợ 38 đô la. Gia đình chỉ chính thức trả 80 đô la thôi. Khi chuyển tiền sang, sinh viên nếu hà tiện có thể để dành, hoặc có đi làm thêm, có thể bán lại chợ đen cho bạn bè. Giao tiền cho bạn bè ở Đức, ở bên nhà sẽ đòi gia đình bên kia theo giá chợ đen từ 200 đến hơn 200 thay vì giá chính thức là 118. Coi như cho con đi du học mà có thể không tốn kém là bao.

Nêu một trường hợp anh Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên phản chiến, thiên Cộng, ở Cologne bên Đức. Anh bị chính quyền VNCH cắt 150 đô la. Gia đình anh giầu có nên vẫn đổi chợ đen gửi sang cho anh. Đôi khi gia đình phải giầu mới phản chiến được.

Một số sinh viên đã đành cắm cúi vừa đi làm, vừa đi học trong những điều kiện vật chất eo hẹp và khó khăn. Ra đi như một sự bội phản trước tình thế đất nước nghiêng ngả, nếu nghĩ rằng miền Nam là đất nước của mình. Quyết định ở lại để yên thân thêm một lần bội phản? Có gì để hãnh diện? Đã hẳn, đây không phải là lúc để đưa ra bất cứ phê phán gì. Trong tình huống như thế, đa số đã chọn lựa những giải pháp dễ dãi nhất cho bản thân mình. Không ai ở vị trí của họ để nói thay được. Để có thể ở lại trong tình trạng bất hợp pháp, có nhiều chọn lựa bất cập ngoài ý muốn như lập gia đình với dân bản xứ, đổi chỗ học, hay ghi tên học một môn học khác. Ngay cả bỏ trốn sang nước khác.

Một cựu sinh viên cho tôi biết có khoảng 30 chục sinh viên là sĩ quan không quân, người nhái đã được bọn phản chiến cho nhập cảnh lậu từ Mỹ vào Canada, vào cuối 1973. Bề trái của chiếc mề đai là như thế đấy, gía im đi thì còn có thể chấp nhận được.

Nhưng giải pháp dễ dãi nhất là lập gia đình với người ngoại quốc. Tất cả đều có thể. Ngay cả sự quyết định chọn thái độ phản chiến cũng phải tùy hoàn cảnh, tính đến cái visa, tính đến tiền học bổng, v.v.

B. Sinh hoạt, đời sống của sinh viên hải ngoại

1. Sinh viên du học tại Âu Châu — Giữa sinh viên du học tại Âu Châu như Pháp, Đức và tại Bắc Mỹ như Canada và Mỹ có sự khác biệt về nhiều mặt. Về số sinh viên như ở Pháp là 3000 ngàn người. Ở Đức sau 1966 có thể con số lên vài ngàn người dễ dàng. Ở Canada khoảng 1.500 người. Ở Mỹ có lẫn lộn sinh viên du học với công chức đi tu nghiệp, rồi sinh viên sĩ quan như không quân, hải quân v.v. Những thành phần sinh viên sĩ quan sống theo quân kỷ nhà binh tương đối có kỷ luật. Công chức đi du học hoặc đi tu nghiệp thường đứng tuổi, đã có gia đình nên cũng có nếp sống khuôn khổ. Nước Mỹ lại quá rộng nên họ có thể ở rải rác nhiều nơi. Muốn gặp phải có dịp thuận tiện như các kỳ nghỉ lễ. Trái lại sinh viên bên Pháp thường quanh quẩn ở Paris. Cùng lắm có người ở lẻ tẻ tại vài tỉnh khác như Lyon, Bordeaux, Toulouse v.v. Sự ở gần gũi giúp họ có nhiều cơ hội trao đổi, dễ tổ chức, nhưng cũng dễ bắt chước, đua đòi, dễ hư hỏng hơn sinh viên ở Canada và Mỹ.

Theo hồi ký của kỹ sư Võ Long Triều, đăng trên Người Việt Online, vào khoảng 1959-60, có khoảng 3000 sinh viên Việt Nam của miền Nam gửi sang du học. Những năm sau, con số có thể lên ngót nghét 10 ngàn người. Trong số đó không quá 10% vào đại học. Con số chính thức ở bên Đức là 15% cho sinh viên ngoại quốc. Tỉ lệ sinh viên Việt Nam thì có thể nhích hơn một chút. Đọc con số tỉ lệ như thế, chúng ta không khỏi sửng sốt và ngạc nhiên. Nhưng sự thực là như thế. Nghĩa là chỉ có mấy trăm sinh viên tiếp tục đeo đuổi việc học, còn những người khác đi đâu?

“Xa nhà, họ không bị sự kiềm chế của cha mẹ, sống trong cảnh xa hoa tráng lệ của Paris, nên số đông bị quyến rũ bởi sự ăn chơi, bỏ bê việc học dẫn đến mất sổ chuyển ngân. Hội viên ái hữu Cộng Sản lợi dụng thời cơ tiếp xúc, an ủi chỉ trích và tố khổ Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa bất nhân vô tình, không khuyến khích giúp đỡ mà còn lợi dụng quyền cấp phát sổ chuyển ngân để làm khó dễ, hăm dọa thay vì thông cảm. Họ mời những người bạn thiếu may mắn này về quán cơm rẻ tiền của Hội ái hữu ăn miễn phí, tạm thời cho qua cơn khó. Rồi bị vướng vào tròng. Đó là trường hợp Đoàn Văn Trung và Đoàn Thế Phong.”

(Trích hồi ký Võ Long Triều ).


Phạm Ngọc Tuấn: di cư vào nam 1954,
đi Pháp học 1961, sang Canada 1966,
hội viên Hội Việt Kiều Đoàn Kết Montreal.
Nguồn: nhandan.com.vn

Và cộng sản thì khôn lắm. Cũng theo Võ Long Triều, có ba tổ chức sinh viên ở Paris là: Hội ái hữu của Cộng Sản do Nguyễn Khắc Viện, đại diện chính thức của Bắc Việt tổ chức và gián tiếp điều khiển. (Ông Viện lại có người em là Nguyễn Khắc Dương thì lại là giáo sư Triết, dậy đại học văn khoa Sài Gòn); ban Văn Hoá của toà đại sứ VNCH, và Liên đoàn công giáo Việt Nam. Trong ba tổ chức ấy thì Hội Ái hữu Cộng sản hoạt động mạnh nhất. Họ lôi kéo sinh viên ngay từ lúc ở bến cảng Marseille hay tại phi trường ở Paris. Ban đầu, họ chỉ muốn chứng tỏ giúp đỡ như bạn bè rồi dần thu phục, nói xấu toà đại sứ VNCH. Toà đại sứ VNCH thì làm việc như công chức, đợi sinh viên đến chứ không tự động đến với sinh viên. Có điều gì sai trái thì cúp học bổng gây ra nhiều tiếng tăm không tốt.

Vì thế, không lạ gì, sinh viên thiên tả đông nhất là ở Pháp và Đức. Mỹ và Canada không có liên hệ ngoại giao với Cộng sản nên hoạt động sinh viên tả phái không đáng kể. Trong số khoảng 1.500 sinh viên du học ở Canada (2), đếm không quá 50 sinh viên ngả theo cộng sản hay có cảm tình với cộng sản. Họ có thể là Đỗ Lâm Sinh, Đoàn Dục, Hoàng Hải Học, Huỳnh Hữu Tuệ, Lâm Hữu Ngãi, Lê Quốc Trinh, Lê Tiền Phong, Lương Châu Phước, Mai Tất Đắc, Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Kỳ Toàn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Văn Nhã, Phí Thịnh Đức, Phí Thịnh Long, Phạm Ngọc Tuấn, Quách Tinh Văn, Tạ Công Bằng, Tôn Nữ Thị Nga, Trần Tam Tỉnh, Trần Tuấn Dũng, Vĩnh Anh, Võ Quang Tu, Võ Văn Bang, …

Cũng chia sẻ với họ, hoàn cảnh xa nhà, xa gia đình, đa số cô đơn trong việc đèn sách. Gần như phần lớn bọn họ nhẫn nhục, hy sinh để cố miệt mài cho đến lúc đỗ đạt. Đa số bọn họ là như thế. Nhưng thiểu số bọn họ không là như thế. Bắt chước đua đòi, ăn chơi, trưng diện, nhảy đầm, liên hệ trai gái loạn cào cào.

Điều đó là có thực vào những năm 1960–1970. Có thực cho giới thanh niên sinh viên Âu Mỹ, mà cũng có thực cho một số thanh niên thiếu nữ Việt Nam ở thời kỳ ấy. Xin trích dẫn một vài đoạn của chính người viết bài này:

“Thuốc ngừa thai: đó là công trình khám phá của thế kỷ thứ 20, trở thành biểu tượng của tự do và giải phóng tình dục. Hình như mọi chuyện đều có thể, mọi chuyện đều được phép.

Luân lý vỡ ra từng mảnh vụn.

Trong những đại nhạc hội Pop music, người ta cởi truồng thoát y để vui, để nghịch ngợm, để thách thức, để đồng lõa, để chứng tỏ một cái gì, để hạ bệ những taboo. Năm 1970, ở đảo Wights, 400.000 thanh niên thiếu nữ, nghe nhạc nhảy đầm rồi xô nhau xuống biển: trần truồng. Trông họ lố nhố dưới biển như những đàn cá người của thời tiền sử, của những người thuộc bộ lạc vùng Amazon. Sung sướng, hoang dại. Chỉ có thể nói được như thế. Années érotiques. 60-70. Đó là một thứ văn hóa chống văn hóa.”

[…]

Nhưng sinh hoạt trên, chủ yếu là nói về xã hội Tây Phương, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến giới sinh viên Việt Nam hải ngoại. Không ít thì nhiều, họ đang sống ở thời kỳ ấy, ở bầu khí ấy. Không tránh được đua đòi bắt chước. Faites l’amour, pas la guerre. Khẩu hiệu của họ là như thế. Hãy làm tình, mà đừng có chiến tranh. Từ đó nảy sinh ra các xu hướng chính trị chống kỳ thị chủng tộc, nhất là chống chiến tranh Việt Nam. Các phong trào phản chiến tại Âu châu gốc gác là như thế. Các thanh niên, thiếu nữ, tụm năm, tụm ba, ca hát, rượu đợi, say nghiêng ngả, sau đó làm tình để sáng hôm sau, mắt nhắm mắt mở cầm cờ, cầm biểu ngữ đi chống chiến tranh VN.

(Trích Nguyễn Văn Lục, Phụ nữ và vấn đề tình dục, Hợp Lưu số 85, tháng 10-11, 2005).

Võ Long Triều trong hồi ký cũng có nhắc đến chuyện này:

“Tôi còn nhớ lời than thở, chê trách, như oán như than, của một linh mục già Nguyễn Văn Tường trên toà giảng, giọng nói chậm rãi kéo dài: “có những người lấy đêm làm ngày… lấy ngày làm đêm… cha mẹ có tiền cho ăn học mà chẳng chịu học… chơi bời lêu lổng… làm tổn hao công lao tiền bạc của cha mẹ…”

Có thể gọi một số rất nhỏ những sinh viên thuộc loại phản chiến là chim sổ lồng, sổ lồng về mọi nghĩa: tự do, sống buông thả, học đòi nếp sống Tây Phương, so sánh với hoàn cảnh bên Việt Nam thì cảm thấy bất mãn đủ thứ và cũng có thể chỉ là cái cớ biện minh cho nếp sống ngoài khuôn khổ của mình. Bất mãn là hình thái đầu tiên của loại trí thức chim sổ lồng.

Phản đối, thiên tả, đi biểu tình cũng có thể do xác tín mà cũng rất có thể ngụy tín. Nó bắt đầu từ một nếp sống như thế. Nếp sống sổ lồng. Sổ lồng cả về chính trị có cái tên là phản chiến. Bọn họ làm gì có đủ xác tín, làm gì có thẩm quyền đạo đức, như nói ở phần một, để tiếng nói họ được nghe, được tuân phục? Tôi còn có cảm tưởng họ vô trách nhiệm, chơi và đùa nghịch về thảm trạng chiến tranh Việt Nam nữa. Viết được một vài số báo đã tự nhận là militant, làm vốn vào đời với hãnh diện khôn nguôi?

Thật ra, người ta đã đánh giá quá cao những hoạt động phản chiến của đám sinh viên Việt Nam hải ngoại, đánh giá quá cao cái gọi là trí thức thiên tả. Như trong bài viết của anh Nguyễn Hữu Liêm: Ở vùng nguội lạnh và từ trong bóng hình quá khứ. Nhiều phần anh viết trung thực, nhưng ở đây nó đã đi quá xa rồi:

“Họ là những anh hùng từ trong và bên lề cuộc chiến với thái độ và hành động can đảm, từ niềm tin và tư duy trong sáng để thiên tả và phản chiến một thời, và họ cũng là những anh hùng để thật tâm nhìn lại chính mình và lịch sử một cách khách quan để không tiếp tục duy trì một lập trường thiên tả không còn một giá trị khả dĩ nào nữa.”

Lữ Phương đã có nhận xét về đoạn văn này rồi. “Gọi họ là anh hùng thì hơi cường điệu”. Tôi khỏi cần lặp lại. Anh viết như thế là không được. Anh gán những câu này cho trí thức thiên tả trong nước thì may ra còn hiểu được? Nhưng chính những người mà anh Liêm đã hài tên như Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Hà Dương Tường, Trần Quốc Hùng, Vũ Xuân Hân có đọc cũng sượng sùng. Anh có còn quên ai đó chưa hài tên ra hết chăng?(3)



Cao Huy Thuần – tham dự Tuần Văn hóa Phật giáo tại Nghệ An, 8/2012. Nguồn: lieuquanhue.vn

Cùng lắm, sau này, họ chỉ là những giới chuyên viên, điều mà tôi nhắc đến ở phần đầu: We know two much, understand two little (Michael Ignatief, 1997). Trong cái giới sinh viên phản chiến hay đã chính thức theo Cộng Sản cũng cần phân biệt hai lớp người.

2. Sinh viên du học tại Mỹ và Canada — Phần đông đám sinh viên ở Mỹ, Canada đều có một đời sống tương đối bình ổn về mặt đạo đức cá nhân, mức độ hội nhập và mức độ thành công trong việc học hành. Thật hiếm thấy những sinh viên ở Canada, tập trung nhiều ở Québec, theo đòi ăn chơi, tụ tập, đời sống lang chạ, bê bối. Phần đông, họ giữ gìn một nếp sống khá lành mạnh, vẫn giữ nếp sống sinh viên thuần túy tốt đẹp. Có nhiều lý do để cắt nghĩa việc này. Tiền học bổng, visa mỗi năm mỗi xét lại. Bảng điểm phải đỗ, nếu không phải cắt chuyển ngân, gửi trả sinh viên ấy về Việt Nam. Vì thế, đa số đã thành công trong việc học hành ở xứ người. Những sinh viên khuynh tả, phản chiến hay tả, hay ngã hẳn về phía cộng sản kể là ít.

Người đầu tiên và tiêu biểu nhất về đám thiên tả cần nhắc đến là Linh Mục Trần Tam Tỉnh, giáo sư đại học Laval, Québec. Ông là tác giả cuốn: Thập giá và lưỡi gươm, viết xong tại Roma ngày 19/5/1975 và được nhà xuất bản Trẻ cho in, ấn bản tiếng Việt vào tháng 6/1988. Sách đã được Hà Nội và các nhóm thiên tả trích dịch khá nhiều. Tôi đã có bốn lần ăn cơm chung chỉ có hai người nên tôi nghĩ rằng những điều tôi viết ra là trung thực.

Lần đầu tiên về Việt Nam, linh mục được đón tiếp khá trịnh trọng. Có quan chức nhà nước đại diện nghênh đón. Chỉ có vậy là hết. Lm Trần Tam Tỉnh có thành lập một quỹ giúp Việt Nam do người dân ở đây đóng góp và giúp đỡ tài trợ các chương trình đào giếng, bệnh viện khám và phát thuốc lưu động, cũng như chương trình xe búyt bằng ghe để chở các em ở vùng xa đi học. Ngân khoản dùng cho công việc này là trên một triệu Mỹ kim/năm. Không bày tỏ rõ rệt và công khai, nhưng qua những lần nói chuyện ấy, Lm cho biết bị các chính quyền đia phương làm khó dễ, hạch hỏi về tiền bạc, nguồn gốc của những số tiền ấy. Dĩ nhiên, ông tỏ vẻ bực bội, nhưng không tiện nói ra. Không nói ra, nhưng tôi cũng cảm thấy được sự thất vọng của ông. Và tôi hiểu được.

Đó cũng là một kinh nghiệm đắt giá mà ông phải trả như nhiều trí thức khác đã trả. Và thái độ thích hợp nhất vẫn là sự im lặng.

Có một trường hợp khá điển hình làm gương cho những ai còn chạy theo cộng sản thì suy nghĩ. Anh Nguyễn Tấn Phục đã tình nguyện về Việt Nam năm 1976 và dậy học ở trường Phú Thọ. Vợ Nguyễn Tấn Phục (Võ Thị Thuỷ) có bà con với Hoàng Xuân Tùy, làm bộ trưởng giáo dục, phụ trách đại học. Vậy mà tháng tư 1979, Nguyễn Tấn Phục đã cùng với vợ con vượt biển, tìm tự do và nay hiện đang ở Canada.

Người ta nhắc tới các sinh viên như các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Lương Châu Phước, Huỳnh Hữu Tuệ, Trần Tuấn Dũng, Mai Tất Đắc, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hương, Quách Tinh Văn, Võ Văn Bang, v.v. Các sinh viên khác thường né xa bọn họ. Trông thì thế, nhưng khó xếp chung vào một rọ. Có anh chỉ là cảm tình viên, có anh hoạt động, có anh không. Và nay thì rã đám tan hàng. Mỗi người một số phận.



Hậu thân của tờ Đoàn Kết, báo của sinh viên Việt Nam phản chiến tại Canada.

Trước năm 1975, ngoài những sinh hoạt nội bộ, những vận động phản chiến, chống Mỹ chống Sài Gòn của nhóm sinh viên khuynh tả ở Canada thường là sinh hoạt ngày Tết với khách địa phương hát múa những bài Tiếng Chày trên sóc Bombo, Quảng Bình Quê ta Ơi, Bóng cây Kơ Nia, v.v. Đa số họ là người Sài Gòn. Sinh hoạt khác là làm báo, từ tờ Thời-báo Gà, rồi báo Đoàn Kết, sau đó là tờ Đất Việt, rồi đến khi Hội Việt Kiều Đoàn Kết vỡ làm hai năm 1990 (vì tiền hay vì có hai khuynh hướng theo “đổi mới” hay vẫn bảo thủ?) thì có Diễn đàn Người Việt và tờ Đất Mới. Nhìn hai tờ báo ai cũng thấy tiền vẫn nằm trong tay nhóm bảo thủ theo Đảng. Đất Mới bìa màu giấy trắng; Diễn đàn Người Việt bìa và ruột giấy vàng như nhau, và trở lại đánh dấu bằng tay.

Sinh hoạt chính của họ sau 1975 là làm tiền. Hội Người Việt Nam tại Canada (sau là Liên Hiệp Người Việt Nam tại Canada, Hiệp Hội Người Việt Nam tại Canada; cả ba là hậu thân của Hội Việt Kiều Đoàn Kết Canada, nguyên thủy là Hội Việt Kiều Yêu nước Tại Canada) độc quyền kinh doanh, chuyển ngoại tệ, hàng hoá về Việt Nam trong những năm bị cấm vận, 1975–1992. Tất cả những hoạt động thương mại này tập trung ở Trung tâm dịch vụ Berri.(4) Đa số các công ty độc quyền của họ ngày trước như Vinamedic Inc. (sau là CAVI-Medic Inc.), Laviata Import Export Inc, Laser Express Inc. (sau là Deltamex Inc.,) Đất Việt Media Inc., Văn Phòng Xã Hội, … đã thay tên đổi chủ, đã phá sản sau khi tan đàn rã nghé vào năm 1990. Một số trở thành đại gia giầu có tiếp tục làm ăn, như những tư nhân, với vốn liếng ăn chia từ lúc monopoly thị trường. Trong số này, Quách Tinh Văn vẫn sinh sống ở Montréal, Võ Văn Bang về làm đại gia trong nước. Một người làm ăn giàu có khác cũng từ Trung tâm dịch vụ Berri, không phải sinh viên đi học, là Phùng Kim Vy (vợ Nguyễn Văn Nhã, sang Canada sau 1975) hiện là Giám đốc Saigon Tours, Montreal, Giám đốc khu du lịch Thiên Phú, – Seahorse Resort Phan Thiết, Phó Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt kiều, …



Phùng Kim Vy chia sẻ về cuộc sống và những phước hạnh từ Đức Chúa Trời với thanh niên Hội Thánh Si-ôn tại Nhà thờ Tin lành Phạm Thế Hiển, Quận 8, TP HCM, 31/5/2012. Nguồn: http://hoithanh.com



Chơn Tâm Lương Châu Phước hành hương ở Tích Lan, 5, 2011 , “…ít ra là mình biết nhớ ơn, dù có muộn màng và sau khi đã nhận lãnh sự giúp đỡ đó, đã không làm điều gì sai trái (và nếu có làm thì cũng không quá đáng).” Nguồn: Nhóm Sinh viên Plan Colombo 64 Canada

Số khác được đảng CSVN cho phép trở về Việt Nam sau năm 1975. Họ về, mong giúp nước, cố vấn cho lãnh đạo, … Kết quả bi đát hơn họ chờ mong. Người đầu tiên quay về với cơm muối dưa cà và ở lại dạy học là Nguyễn Hữu Anh; Nguyễn Mạnh Hùng bị cấm cửa ngay ở phi trường Nội Bài; Tạ Công Bằng với cái chết bí ẩn ở sông Trà Khúc. Chẳng có lãnh đạo cộng sản nào lắng nghe Lương Châu Phước (cũng bị cấm cửa không cho về nước một thời gian dài), Trần Tuấn Dũng, hay đôi vợ chồng Thuỷ Phục (vượt biển sang Canada làm người tị nạn cộng sản năm 1979).

Đảng CSVN chẳng đếm xỉa gì đến những đóng góp của họ trong suốt thời gian theo “phong trào” vận động phản chiến, chống Mỹ, chống VNCH, sống ngoài xã hội. Đa số bọn họ sống trong tình trạng bất hợp pháp nên cũng đa số hợp pháp hóa bằng cách lấy vợ đầm hay phải làm hôn thú với các cô gái ăn sương ở tiệm Rickshaw ở phố Tàu Montréal. Nỗi sướng và nổi khổ ở trong mới biết. Nhiều khi muốn lấy nữ sinh viên Việt Nam thì họ né tránh vì ngại cái mác thân cộng.


Huỳnh Hữu Tuệ (2/2015) hiện là Gs của Trường
Đại học Quốc tế trong Đại học Quốc gia
TPHCM:“môi trường đào tạo đại học
phải được xây dựng thế nào để sinh viên
được phát triển tối đa tư duy tự do v
à tư duy phản biện.”Nguồn: vovworld.vn

Đến lúc chính anh em, cha mẹ vượt biển, vượt biên tìm đường tị nạn họ mới khám phá ra rằng: chúng ta bị lừa. Nói thế

cũng đúng mà chẳng đúng, bởi nhiều khi chính mình lừa mình mà không biết. Cái gọi là tự phỉnh.

Ngoài thiểu số giàu có ở hẳn trong nước như Võ Văn Bang hay chỉ làm việc ở Việt Nam như Huỳnh Hữu Tuệ, năm 2005 về làm Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Nguyễn Văn Hương ở Việt Nam, ít ai hay biết đến; Nguyễn Văn Nhã vẫn ở Canada nhưng lại nuôi tôm sú cạnh tranh với đại gia Việt kiều Đinh Hữu Đức ở Hoa Kỳ. Lương Châu Phước, nguyên Tổng biên Tập tờ Đất Việt, có lương tháng, có xe, nay rút lui khỏi thế tục, quay vể với Thiền; Nguyễn Mạnh Hùng, tiếp tục dạy đại học và quay về sinh hoạt văn học với một vài tác phẩm đáng nể.

Còn lại tuyệt đại đa số là những sinh viên Việt Nam bình thường mà phần lớn thành công về nhiều mặt, bỏ ra ngoài chuyện chính trị chính em theo nghĩa tả phái. Họ là những người vài năm lại thay nhau tổ chức Đại hội Thể thao Bắc Mỹ ở Québec, Ottawa, Montreal, … Những người như Hiển, Chí, Cương, Bôi,… chung tay nhau làm tờ Đất Lạnh (Quebec) hay Minh, Lâm, Toàn, Hùng,… tờ Bọt Biển (Ottawa) và hằng trăm các tên tuổi khác như Chung, Thảo, Trọng, Bé, Quý, Bảo, v.v.

(Còn tiếp)

© 2006-2015 DCVOnline

0 comments:

Powered By Blogger