Wednesday, March 25, 2015

Hội chứng “chết trong tay công an”

Theo báo cáo của Bộ Công an do Trung tướng Trần Trọng Lượng cung cấp, từ tháng 10-2011 đến tháng 09- 2014 (3 năm) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.


Đây mới chỉ là con số được liệt kê và cung cấp bởi BCA, không có sự giám sát và phân tích bởi bất kỳ cơ quan nào khác. 

Con số này đến tay báo chí và cung cấp cho người dân, như một thông báo lạnh lùng ngắn gọn.

Có thể thấy, công dân Việt Nam không chỉ chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, mà còn chết bất thường trong đồn công an, sau khi làm việc với công an, và khi vừa gặp công an. 



 
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hội chứng “chết trong tay công an” ngày càng nhiều và được thông tin cụ thể hơn trước.

226 người chết có làm dư luận thấy rõ trách nhiệm của ngành công an hay không?

Chết trong tay công an, dù với bất kỳ lý do nào thì ngành này vẫn phải chịu trách nhiệm từ việc quản lý nghi can, bị can đến vấn đề sức khoẻ của những người chưa qua xét xử.

Nếu đưa ra lý do người bị tạm giữ chết vì bệnh lý thì công an sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào khi công tác kiểm tra, chăm sóc sức khoẻ nạn nhân lúc tiến hành mời làm việc, tạm giữ, bắt giam sẽ bị xử lý thế nào nếu không có biện pháp phát hiện, chăm sóc, cấp cứu hợp lý với các nạn nhân?

Nếu đưa ra lý do người tạm giữ tự tử thì công an sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào khi không có biện pháp ngăn chặn? Tại sao người ta tự tử trong tay công an nhiều như vậy? Khủng hoảng tâm lý bất thường do ân hận, do bị tội lỗi giày vò? Hay nặng nề hơn là hoảng sợ do bị bức cung, bị sử dụng nhục hình và bị đánh cho đến chết?

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Phải có cơ chế giám sát hoạt động của công an khi tiến hành mời, tạm giữ, tạm giam nghi can bằng một cơ quan công khai độc lập, và thông tin báo chí tự do.

Phải đảm bảo được quyền yêu cầu có mặt luật sư của nghi can ngay từ giai đoạn tố tụng điều tra từ đầu.

Và phải xử lý nghiêm minh việc thiếu trách nhiệm trong quản lý để dẫn đến các các chết trong tay công an, xử triệt để đến nơi đến chốn các vụ công an sử dụng bạo lực với dân, công an đánh chết dân.

Có như vậy mới đảm bảo được sự an toàn của công dân, và giảm đi tình trạng chết trong tay công an mỗi khi người dân vào đồn.


0 comments:

Powered By Blogger