Tuesday, February 10, 2015

Các nhà hoạt động Hà Nội phát động một chiến dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội

Michael L. Gray, SecDev Foundation - Lê Quốc Tuấn (Dân Luận) chuyển ngữ - Lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà hoạt động chính trị đang sử dụng kỹ thuật tiếp thị trên phương tiện truyền thông xã hội để bày tỏ bất đồng chính kiến trên trực tuyến. Một chiến dịch táo bạo không sợ hãi đã cho thấy hàng chục người với ảnh tự chụp (selfie) trên Facebook cá nhân mang khẩu hiệu "Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam" đăng tải trên mạng xã hội ở Việt Nam. Một trang Facebook fan hâm mộ chiến dịch được hình thành ngày 07 Tháng 1 năm 2015 thu hút hàng ngàn lượt like (thích) và chia sẻ. 

Phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam tiếp tục thách thức sự thống trị báo chí chính thống và khả năng định hướng dư luận của nhà nước. Ngày 4 tháng 1, 2015 sự thách thức này đã hình thành một khuôn dạng mới với những gì có thể xem là một chiến dịch phản kháng chưa từng có của Việt Nam trên mạng truyền thông xã hội. Nhà hoạt động Lã Việt Dũng đăng tải một ảnh chân dung đơn giản, tự cầm một khẩu hiệu in trên giấy dòng chữ "Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam." Ngay sau đó, một nhà hoạt động khác, Nguyễn Lân Thắng, mô phỏng ví dụ này, đăng hình ảnh một cuộc biểu tình trên đường phố tổ chức vào ngày 7 tháng 1, 2015 tại Hà Nội, với vài chục người mang khẩu hiệu có cụm từ "Tôi Không Thích". 


Sau ảnh của Thắng, nhiều hình ảnh khác đã xuất hiện trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam. Đến ngày 8 tháng 1, hàng chục người trong nước - trong số có nhiều người là những nhà hoạt động nổi tiếng – đã đăng ảnh tự chụp với khẩu hiệu in hoặc viết tay mang dòng chữ "Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam". Hầu như không bức ảnh nào được đăng tải dưới dạng ẩn danh, vì phần lớn đều được đăng trên tài khoản Facebook cá nhân rõ ràng thể hiện khuôn mặt của người đó. Nhiều khẩu hiệu còn ghi bên dưới những nguyên nhân vì sao họ không thích, chẳng hạn như "bởi vì đảng Cộng Sản chủ yếu là những kẻ cắp" hoặc "bởi vì đảng Cộng Sản không trung thực." 

Danluan.org, một trang web tin tức nổi tiếng, là một trong những trang đầu tiên nhận xét về chiến dịch, cho biết chiến dịch này có nguồn từ một nhà hoạt động ở Hà Nội sau khi xem bản tin trên đài VTV1 (truyền hình Việt Nam) khuyến cáo người dân không được công khai chỉ trích chính phủ trong các hoạt động trực tuyến của mình. Sau đó, nhà hoạt động này đã quyết định thách thức định nghĩa về sự “chỉ trích” bằng cách nói "Tôi không thích Đảng Cộng sản." Dù bản tin của Danluan.org không đề cập đến danh tính, một trang Facebook cho chiến dịch “Tôi không thích” xuất hiện vào ngày 07 tháng 1, đã có những giải thích cho thấy chính nhà hoạt động La Việt Dũng là người châm ngòi mở màn chiến dịch này sau khi xem bản tin trên đài VTV. 

Blogger Nguyễn Lân Thắng, người từng loan báo về việc mình bị bắt vào năm 2013 trên trang Facebook, ngay sau khi đăng ảnh biểu tình trên đường phố Hà Nội đã đăng ảnh mình vào ngày 5 tháng 1. Thắng có 16 ngàn follower và hơn 4000 friend trên Facebook, bức ảnh tự chụp của anh cùng ảnh biểu tình đã có đến 748 người thích (like) vào ngày 8 tháng 1. 

Ngay trong ngày đầu tiên, trang fan page “Tôi Không Thích” trên Facebook xuất hiện vào hôm 07 tháng 1 đã có hơn 100 bức ảnh tự chụp mang khẩu hiệu “Tôi không thích ĐCSVN” và thu hút khoảng 1.400 lượt like. Ngày hôm sau, trang này quảng cáo một cuộc thi viết về khẩu hiệu “tôi không thích” để khuyến khích thêm nhiều người tham gia. Quy tắc cuộc thi là: "Mở rộng cho tất cả những ai sống, làm việc và học tập tại Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, giới tính hay quan điểm chính trị”; các mẫu dự thi phải được viết bằng tiếng Việt với màu sắc khác nhau với độ dài 500-2,000 từ, giải thích nguyên nhân tại sao "Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam". Giải nhất được liệt kê là 2 triệu đồng (khoảng 100 USD). Có một giải nhì và một giải "lựa chọn của độc giả, cả hai vào khoảng 50. USD. Đến ngày 29 tháng 1, hơn 20 người đã nộp tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, như ghi nhận của các nhà hoạt động: chính những bức ảnh tự chụp đã thu hút sự chú ý. Sau khi đăng hình tự chụp của mình, Huỳnh Thục Vy, một blogger, đã viết trên trang Facebook của mình rằng cô chưa bao giờ có được những phản hồi tương tự như khi đăng một bức ảnh sau khi đã viết nhiều bài luận chính trị trong nhiều năm qua, "Hóa ra một bức ảnh có tác động nhiều hơn là lời nói và bàn luận,"cô cho biết. 


Dù không đạt được mức tham dự cuồng nhiệt như cuộc thách thức dội nước đá lạnh (Icebucket Challenge), những bức ảnh “tôi không thích đảng CSVN” và trang chiến dịch đã có hàng ngàn người vào xem, với một số những bức ảnh tự chụp được thu thập và đăng lại trên các trang web Việt ngữ lưu trữ bên ngoài Việt Nam (chủ yếu cho độc giả ở hải ngoại). 

Công khai bất đồng chính kiến vẫn còn hiếm ở Việt Nam, một lĩnh vực chính trị chủ yếu chỉ giới hạn trong những người hiểu và chấp nhận các nguy cơ bắt giữ và sách nhiễu để chia sẻ quan điểm của họ. Tuy nhiên, khi lan rộng trên khắp Việt Nam trong vài năm qua các phương tiện truyền thông xã hội đã mang lại được một địa hình mới để quan điểm và ý kiến của các nhà hoạt động đến được với đông đảo người dân và ngược lại. 

Thắng và các nhà hoạt động khác thường được hàng ngàn người follow trên Facebook, trong khi cộng đồng các nhà “blogger hoạt động” có lẽ chỉ được một vài chục người follower. Năm ngoái, Thắng là một trong nhiều nhà hoạt động từng viết về những tranh cãi xung quanh việc quản lý tồi tệ của bộ Y Tế khiến dịch sởi bùng phát. Chính những thông tin đăng tải trên truyền thông xã hội của các bác sĩ và các bậc cha mẹ - nói cách khác: những người dân đời thường – đã làm nổ ra câu chuyện về dịch sởi, mà ban đầu đã bị bỏ qua hoặc bị từ chối không nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống. 

Thời điểm của chiến dịch đăng ảnh tự chụp này xảy ra đúng vào lúc có một thông báo của chính phủ trong tuần cuối năm 2014 cảnh báo mọi người không được công khai chỉ trích chính phủ trên trực tuyến. Đại hội Đảng lần thứ 10 đã được tổ chức tại Hà Nội từ 5-12 tháng 1, 2015. Việc kiểm soát truyền thông luôn được thắt chặt trong các sự kiện chính trị lớn. Hơn nữa, xung quanh Đại hội năm nay là câu chuyện tục tĩu nhơ bẩn được đồn đãi về một chính trị gia cao cấp bị đầu độc- câu chuyện này xuất hiện trên một trang blog độc lập nhưng được rất nhiều người suy đoán là phải được kiểm soát bởi một cá nhân hoặc một nhóm nào đó ở ngay tại trung tâm của cấu trúc quyền lực Việt Nam. Sau khi để cho cậu chuyện ngộ độc được đăng tải lan truyền trong , gần đây mới thấy một bài xã luận trên phương tiện truyền thông chính thống nhắc nhở mọi người nên tránh không đọc các tin đồn và suy đoán xung quanh căn bệnh lạ (nói đến chính khách Nguyễn Bá Thanh, người đã trở về Việt Nam sau khi chữa trị bệnh ung thư ở Mỹ). 

Động thái để kiểm soát internet của Việt Nam trong những năm gần đây là Nghị định 72 về "quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin nội dung trực tuyến,” được ban hành vào tháng Chín năm 2013. Nghị định này đòi hỏi các công ty internet tại Việt Nam phải hợp tác với chính phủ để thực hiện việc kiểm soát thông tin; làm cho việc phân phối bất kỳ tài liệu trực tuyến nào gây tổn hại an ninh quốc gia hoặc phản đối chính phủ trở nên bất hợp pháp; cấm phân phối chia sẻ tin tức từ bất kỳ kênh truyền thông chính thức nào trên phương tiện truyền thông xã hội. Nói thẳng ra, với Nghị định 72, việc chia sẻ hoặc “like” bất cứ một cậu chuyện, một bản tin trong nước nào trên Facebook đều là phi pháp. Nhưng 22 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam vẫn tiếp tục chia sẻ những câu chuyện như thế trên trực tuyến với các loại hình phạt chỉ tương đối. Các trang tin độc lập như Dan Lam Bao bị chặn thông qua đường truyền DNS, nhưng một số lượng lớn người sử dụng internet vẫn theo dõi được trang tin này. Các quan chức chính phủ được cho là nguồn gốc của nhiều thông tin trên các trang web này, khi họ sử dụng các kênh tin tức độc lập để luồn các thông tin không thể đăng tải trên phương tiện truyền thông chính thống (do nhà nước kiểm soát) ra cho công chúng. 

Trong cách tiếp cận với Internet, nhà nước Việt Nam đang khó khăn giữa việc duy trì kiểm soát hay cho phép truy cập thông tin. Quyết định cho truy cập Facebook tương đối tự do sau thời gian ngắn đã ngăn chặn truy cập trang này trong năm 2010 là một ví dụ điển hình của tình trạng khó xử mà họ gặp phải. Chưa biết chiến dịch đăng ảnh bất đồng chính kiến “tôi không thích ĐCSVN” này sẽ tạo ra phản ứng gì từ phía nhà nước. Họ có thể bỏ qua nhưng cũng có thể bắt giữ, quấy rối Dũng, Thắng và các blogger khác nếu chiến dịch thu hút quá nhiều sự chú ý (hoặc chế nhạo mình quá thô bạo). 


Nhà nước Việt Nam đã đi những bước khó khăn đồng nghĩa với việc khó có thể dự đoán khi nào thì luật lệ kiểm soát internet được thực thi. Tuy nhiên, điều chắc chắn là: khi Việt Nam đang hướng tới sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo vốn sẽ được quyết định tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng vào đầu năm 2016, các phương tiện truyền thông xã hội sẽ tiếp tục đóng vai trò ưu việt như một lĩnh vực tranh luận chính trị ở Việt Nam. 

Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ 


0 comments:

Powered By Blogger