Sunday, February 22, 2015

Báo Việt Nam gỡ bỏ bức ảnh gây nhiều tranh cãi




Tờ Tiền Phong đã thay bức ảnh gây ‘sốt’ cộng đồng mạng bằng một bức ảnh khác không thấy rõ nội thất ở bên trong nơi được cho là nhà của ông Mạnh.
• VOA - 21 Feb 2015

Một tờ báo ở Việt Nam đã bỏ các bức ảnh được cho là chụp bên trong tư gia của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, sau khi hình ảnh người từng đứng đầu Đảng Cộng sản ngồi trên chiếc ghế lớn chạm trổ đầu rồng gây nhiều tranh luận trên mạng.
Tờ Tiền Phong đã thay bức ảnh gây ‘sốt’ cộng đồng mạng bằng một bức ảnh khác không thấy rõ nội thất ở bên trong nơi được cho là nhà của ông Mạnh. Tờ báo không đính chính hay giải thích lý do gỡ bỏ trên.
Trước đó, bài báo viết về chuyến thăm tới chúc Tết các cựu quan chức cấp cao Việt Nam của tờ Tiền Phong đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.
Bài viết có tựa đề “Ban Bí thư Trung ương Đoàn chúc Tết nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước” đăng tải hình ảnh các bí thư thứ nhất của Trung ương Đoàn Việt Nam của một số thời kỳ tới thăm các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh và Nông Đức Mạnh, cũng như tới thắp hương tại nhà cố đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm 19/2, tức mùng một Tết Ất Mùi.
Trong các bức ảnh đó, một bức được nhiều người sử dụng mạng ở Việt Nam chú ý là bức ông Mạnh ngồi trên một chiếc ghế chạm trổ cầu kỳ, nói chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh.
Báo Thanh Niên trích lời ông Mạnh nói trong buổi gặp gỡ các lãnh đạo Đoàn rằng “trong 2014 mặc dù tình hình quốc tế và khu vực rất phức tạp, yếu tố bên ngoài có tác động không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống nhưng cùng với cả nước, thế hệ trẻ Việt Nam đã chung tay, góp sức giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn”.
Ngoài báo Tiền phong, báo Thanh Niên và trang web của Trung ương Đoàn Việt Nam cũng đưa tin về chuyến đi chúc Tết này, nhưng không đăng các bức ảnh cho thấy rõ nội thất với gam chủ đạo là màu vàng bên trong nhà ông Mạnh.
Ông Nông Đức Mạnh từng làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ năm 1992 tới năm 2001, và sau đó, đảm trách vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001 tới năm 2011.

Theo Tiền Phong, Thanh Niên và doanthanhnien.vn

0 comments:

Powered By Blogger