Chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 40 năm còn ngổn ngang trăm mối
tơ vò lại rối ren thêm vào dịp Tết qua phát ngôn thiếu xây dựng và không
đúng sự thật của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại biểu Quốc hội Dương
Trung Quốc và báo Quân đội Nhân dân.
Trước hết hãy bàn về Bài viết “Suy ngẫm đầu Xuân”
của ông Sang đăng trên Tạp chí Quê Hương Online, Cơ quan ngôn luận của
Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, phổ biến đúng ngày Mồng một Tết
(19/02/2015).
Ông viết: “Trong thời kỳ Đổi mới, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục
đóng vai trò quan trọng trong việc vận động nhiều nước gỡ bỏ hàng rào
cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; nhiều kiều bào trở
thành cầu nối gắn kết, dẫn dắt các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn
tại Việt Nam. Với tấm lòng đau đáu vì sự phát triển của nước nhà, nhiều
kiều bào trực tiếp về nước làm chuyên gia tư vấn, tham gia giảng dạy và
nghiên cứu khoa học, đầu tư công sức và tiền của để sản xuất kinh doanh,
thành lập các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa...”
Hoàn toàn sai với trường hợp của Mỹ. Hàng rào cấm vận Việt Nam từ 1975
đến 1994 do Hoa Kỳ chủ động và lãnh đạo nhằm cấm các nước có quan hệ với
Mỹ giúp Việt Nam. Các Tổ chức quốc tế chịu ảnh hưởng lớn của Hoa Thịnh
Đốn, tiêu biểu như Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Money Fund, IMF)
và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng bị chi phối.
Lệnh cấm vận của Mỹ nhằm 2 mục đích chính: trừng phạt Nhà nước Cộng sản
Việt Nam đã xé bỏ Hiệp định Paris 1973, dùng võ lực đánh chiếm Việt Nam
Cộng hòa, đồng minh của Mỹ. Thứ hai là chống cuộc xâm lăng chiếm đóng
Campuchia 1978 -1992 của quân đội CSVN.
Theo tài liệu chính thức, đến năm 1993, Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm các nước khác
cho Việt Nam vay tiền trả nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế. Năm
1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam
và lập cơ quan liên lạc giữa hai quốc gia. Ngày 11 tháng 7 năm 1995,
Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với
Việt Nam.
Như vậy, điều mà ông Chủ tịch Trương Tấn Sang bảo là “đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận động nhiều nước gỡ bỏ hàng rào cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam”,
trong trường hợp nước Mỹ là không có cơ sở. Bởi vì vào thời gian từ
1975 đến 1995, hoạt động của nhóm thiểu số được gọi là “người Việt yêu
nước” thân Hà Nội ở Hoa Kỳ chỉ đếm trên đầu ngón tay và không có bất cứ
khả năng vận động nào với Chính quyền Mỹ về chuyện bỏ cấm vận.
Có chăng là cuộc vận động tích cực của một số các Nhà lập pháp Mỹ cựu
chiến binh Việt Nam, trong số có hai Nghị sĩ John McCain và John Kerry
để đổi lấy hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong công tác tìm kiếm quân
nhân Mỹ còn mất tích tại 3 chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ông Sang khoe “nhiều kiều bào trực tiếp về nước làm chuyên gia tư vấn, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, nhưng số này không quá 200 người đi về qua nhiều giai đoạn từ khi có Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Phần lớn người về giúp Việt Nam thuộc các tổ chức viện trợ Quốc tế hay giáo dục của các trường Đại học.
Ông Sang còn biểu dương: “Kiều hối không ngừng tăng, trở thành
một trong những nguồn ngoại lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát
triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có thể khẳng định, cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự góp phần không nhỏ vào thành công của
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự vươn lên bắt nhịp mạnh mẽ của
Việt Nam với khu vực và thế giới những năm qua.”
Sở dĩ người Việt ở nước ngoài gửi nhiều tiền về Việt Nam vì Nhà nước
không đánh thuế trên khoản tiền này, đồng thời giúp thân nhân có thể đầu
tư vào ba ngành: dịch vụ, địa ốc và du lịch, hoặc gửi vào ngân hàng để
lấy lời.
Nhưng nếu ông Sang cho rằng: “Những đóng góp đáng trân trọng và đầy
tự hào đó của kiều bào ta đối với Tổ quốc xuất phát từ lòng yêu nước
nồng nàn của mỗi người dân đất Việt, kết tinh trong truyền thống quý báu
hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam từ thuở Vua Hùng lập nước” thì đó là một ngộ nhận không phản ảnh trung thực mục đích giúp gia đình có cuộc sống khá hơn là chính.
Bởi vì “yêu nước” hay hướng về quê cha đất tổ luôn luôn là định hướng
không bao giờ phai nhạt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đối với người
Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng nếu coi hành động mỗi năm có hàng ngàn
người Việt về thăm quê hương, dòng tộc, thăm mồ mả tổ tiên cũng đồng
nghĩa với “yêu xã hội chủ nghĩa” hay chấp nhận đảng CSVN là một ý nghĩ
cường điệu và sai lầm.
Đầu tư và kiếu hối
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện
có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người Việt
Nam ở nước ngoài, với hơn 3,600 doanh nghiệp kiều bào với tổng số vốn
đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.
Con số 8,6 tỉ USD không nhỏ, gần bằng một nửa nguồn vốn doanh nghiệp FDI
(Foreign Direct Invesment, Đầu tư trực tiếp từ Nước Ngoài) vào Việt Nam
năm 2014. (theo báo Giáo Dục Việt Nam, 19/02/2015).
Trong khi đó, số Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, Năm
2009 là 6,83 tỷ USD, năm 2010 đạt mức 8,6 tỷ USD, năm 2011 là 9 tỷ USD,
năm 2012 đạt 10 tỷ USD, năm 2013 đạt gần 11 tỷ USD. (theo Đài Tiếng nói
Việt Nam, VOV ngày 20/09/2014).
Theo báo Giáo dục Việt Nam thì khoản Kiếu hối lớn lao này đã “bù đắp
được 92% chênh lệch cán cân thương mại. Trong năm 2012, dù tình hình
kinh tế thế giới lẫn trong nước nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn
có sự bứt phá, chạm mốc 11 tỷ USD. Hiện Việt Nam nằm trong số 10 nước
nhận kiều hối hàng đầu thế giới.”
Các chuyên gia tài chính ở Việt Nam ước tính từ năm 1991 đến năm 2014,
tổng số tiền 90 tỷ USD đã được người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam,
chiếm 1/3 tổng số vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Phần lớn số tiền này do khối người Việt từ miền Nam Việt Nam (Việt Nam
Cộng hòa) ra đi từ năm 1975 đang định cư ở các quốc gia có nền công nghệ
và giáo dục cao như Mỹ, Châu Âu, Canada và Úc Đại Lợi. Số còn lại là
của khoảng 500,000 lao động Việt Nam được Nhà nước gửi ra nước ngoài làm
việc, nhiều nhất tại Nam Hàn và Đài Loan.
Nhưng ở Việt Nam doanh nhân Việt kiều không có các dự án kinh tế lớn,
đáp ứng nhu cầu tốt, mang lại lợi nhuận cao vì nhiều địa phương đã dành
các địa bàn thuận lợi, lưu thông tốt, gần thành phố, các ngành dễ kiếm
tiền cho các doanh nghiệp trong nước và của nhà nước.
Vì vậy nhiều doanh nhân Việt kiều không muốn “mang tiền đi đổ sông Ngô”
vì nhà nước CSVN vẫn dành nhiều ưu đãi cho các nhóm lợi ích trong đảng.
Ngoài ra thủ tục hành chính rườm rà lại hay thay đổi, áp dụng tùy tiện,
cán bộ coi Việt kiều như những con mòng béo mập nên làm gì cũng phái nạp
tiền “bôi trơn” hay “phong bì” thì mới xong khiến doanh nhân nản chí.
Báo Giáo dục Việt Nam, GDVN (19/02/2015) phản ảnh: “Ông Phạm Văn
Thắng - một Việt kiều Đức trở về đầu tư trong nước 12 năm cho rằng Việt
Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là
dịch vụ, du lịch. Các cơ chế đầu tư ở Việt Nam khá thông thoáng, chi phí
sinh hoạt rẻ, công nhân Việt Nam khéo tay, có năng suất lao động cao,
với những người được đào tạo, không kém các nước khác.
Những khó khăn của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư vào
trong nước chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ
tục hành chính, chính sách cần có định hướng lâu dài bền vững... Chính
vì gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong vấn đề thủ tục hành chính, những
công nghệ ông Thắng đưa về Việt Nam không được lắng nghe áp dụng vì vậy
doanh nhân này đang tính đường quay trở lại Đức để kinh doanh.”
Trong một bài viết đăng trên báo GDVN ngày 24/02/2015, ông Thắng thổ lộ: “Cách
đây 12 năm khi trở về Việt Nam đầu tư, tôi ấp ủ nhiều dự định triển
khai các công trình về công nghệ. Trong đó có công nghệ gia cố đất làm
đường bằng phụ gia của Đức, công nghệ làm sạch, công nghệ làm vật liệu
không nung của Đức... nhưng tất cả đều thất bại.
Thất bại vì nhiều lý do, trước hết phải khẳng định chính sách của
Đảng và Nhà nước rất khuyến khích, rất mở. Tuy nhiên cơ chế tổ chức vận
hành của toàn bộ cơ sở hạ tầng này vẫn ì ạch, trì trệ, không đáp ứng
được với những yêu cầu của những doanh nhân Việt kiều. Chúng tôi quen
cách làm việc hiện đại thông thoáng của những nước tiên tiến...
“...Cũng là kinh doanh nhưng bên kia không phải động tác phong bì...
còn bên mình thì doanh nghiệp phải lo quá nhiều cái, mà không thế không
được... Về đầu tư, văn bản pháp luật, chính sách thay đổi liên tục doanh
nghiệp khó chạy theo, muốn làm cũng khó.”
Tuy nhiên khi khoe khoang quá lố công lao của đảng trong công tác Việt kiều, ông Sang đã sai lầm khi nói rằng: “Để có được những thành công đó, chúng ta tự hào có Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn quan tâm tới bộ phận máu thịt không thể tách rời
là 4,5 triệu người con Việt Nam ở bốn phương trên khắp địa cầu. Vai trò
và vị trí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được ưu tiên
trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về
công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã được cả hệ thống chính trị từ
Trung ương đến địa phương tích cực triển khai nhằm mục đích tạo thuận
lợi nhiều nhất cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
“Ưu tiên”, “quan tâm” và “tạo thuận lợi” cho Kiều bào ra sao thì ông
Sang hãy đọc những lời trăn trở để rút khỏi Việt Nam của thương gia Phạm
Văn Thắng.
Ông Sang cũng cần nhìn ra sự thất bại của Ủy ban Người Việt Nam ở nước
ngoài, sau 10 năm thi hành Nghị quyết 36, đã không sao lôi kéo được thế
hệ Việt kiều thứ hai ra đi sau 1975 mà cả với thế hệ thứ ba và thứ bốn
sinh ra ở nước ngoài cũng không ai muốn về nước sống chung với chế độ
Cộng sản còn tiếp tục tước đoạt các quyền tự do cơ bản của người dân.
Do đó, ông Chủ tịch nước cũng không nên hờn giỗi nói rằng: “Mỗi dịp
Xuân về, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về quê
hương, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, thăm lại nơi chôn rau cắt rốn.
Đó là truyền thống, đạo lý quý báu của ông cha ta truyền lại qua ngàn
đời, được cả dân tộc gìn giữ và nâng niu. Nhưng chúng ta không khỏi
chạnh lòng khi hàng chục triệu lượt kiều bào đã trở về thăm Tổ quốc, thì
vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa một lần về lại quê cha đất Tổ kể từ khi cất bước ra đi. Họ vẫn còn định kiến, mặc cảm của quá khứ. Họ
có hiểu chăng đất mẹ luôn mở rộng vòng tay nhân ái cho mọi người con
trở về trong đùm bọc và yêu thương. Tôi mong rằng sẽ sớm có một ngày 4,5
triệu người Việt Nam nước ngoài đồng lòng như một, hướng về Tổ quốc,
chung tay góp sức làm rạng rỡ cho non sông gấm vóc Việt Nam.”
Ông Sang bảo chỉ “còn một bộ phận nhỏ” trong số 4.5 triệu Kiều
bào không muốn thân thiện với nhà nước và đảng CSVN thì hoặc ông đã bị
cấp dưới nịnh hót báo cáo sai, hay ông đã không dám nhìn vào sự thật để
thất vọng thấy rằng nếu có một cuộc trưng cầu ý kiến thì sẽ thấy số
người Việt ở nước ngoài muốn về Việt Nam sinh sống không có bao nhiêu vì
có ai dại để đánh mất tự do bao giờ?
Lý luận Dương Trung Quốc
Bài viết thứ hai cần bàn tới là của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc, quê quán xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, sinh năm 1947 và lớn lên tại Hà Nội.
Ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng được đảng chọn
là Đại biểu Quốc hội của Tỉnh Đồng Nai từ các khóa XI, XII và XIII. Ông
cũng là một trong số rất hiếm người đã có những phát biểu thẳng thắn
trong các kỳ họp quốc hội.
Ông còn là một trong số 2 Đại biểu Quốc hội “không bấm nút chấp thuận
bản Hiến pháp sửa đổi 1992 sáng ngày 28/11/2013”, với lý do ông đứng về
phía những người dân “có ý kiến khác”, nhất là việc Quốc hội đã “luật
hóa” Cương lĩnh của Đảng gọi là “Xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa”.
Với tiêu đề “Hòa hợp dân tộc là quy tụ được nhân tâm” đăng trên báo Lao Động điện tử, Cơ quan của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 19/02/2015 (Mồng Một Tết), ông Quốc viết: “Hiệp
định Genève (20/07/1954) được ký kết tạm thời chia cắt đất nước, nhưng
rồi sự tạm thời ấy không thể giải quyết vấn đề thì chúng ta lại phải
tiếp tục sự nghiệp chiến đấu, ngay cả khi Mỹ can thiệp vào, chúng ta
phải tiến hành kháng chiến chống Mỹ.”
Thiết nghĩ, là Nhà Sử học thì ông Dương Trung Quốc biết rõ hơn mọi người
về sự khác biệt giữa “tiếp tục sự nghiệp chiến đấu” cho chính nghĩa hay
“kháng chiến chống Mỹ” như “chống Pháp giành độc lập” trước đây.
Khác với cuộc chiến chống Pháp của toàn dân chứ không của riêng người
Cộng sản, chủ trương “xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa” của đảng CSVN ở miền
Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sau Hiệp định Geneve 1954, là nguyên
nhân của cuộc nội chiến nồi da xáo thịt đồng bào kéo dài 20 năm, 1955
-1975.
Ông Dương Trung Quốc đã thần thánh hóa nhóm chữ “sự nghiệp chiến đấu” và “kháng chiến chống Mỹ”
để xóa đi tội ác xâm lược miền Nam của đảng CSVN. Từ Chính quyền Quốc
gia Việt Nam sau Hiệp định Geneve 1954 (Ngô Đình Diệm) đến các Chính phủ
Việt Nam Cộng hòa sau này (1956-1975), chưa khi nào Quân đội của miền
Nam đã vượt Vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước để trả đũa các cuộc tấn công
của Bộ đội miền Bắc.
Ngược lại chính quyền Cộng sản miền Bắc đã bịa đặt ra chuyện đồng bào
ruột thịt nhân dân miền Nam bị kìm kẹp trong gông cùm của Mỹ-Ngụy nên đã
xâm nhập người và vũ khí vào Nam để mở ra chiến tranh dưới chiêu bài
“giải phóng”!
Miền Bắc cũng đã mời 320,000 quân Trung cộng vào giúp bảo vệ miền Bắc để
cho bộ đội rảnh tay mang súng đạn của các nước thuộc khối Xã hội chủ
nghĩa do Nga Sô lãnh đạo vượt Trường Sơn vào đánh phá VNCH.
Nhưng chắc ông Dương Trung Quốc, Nhà biên sử, làm sao có thể quên câu nói để đời của Tổng Bí thư Lê Duẩn:
“Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước
xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm
vào lưng ta.”? (theo Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 422, phần chú thích).
Như vậy thì chính nghĩa “giải phóng” cho ai và vì ai đã rõ chưa mà Đại biểu Dương Trung Quốc vẫn viết rằng: “Trong
sự kiện 30.4.1975, ta dùng chữ “giải phóng” là rất đúng, nhưng giải
phóng là hướng tới mục tiêu không chỉ độc lập dân tộc, mà quan trọng
nhất, thiêng liêng nhất là thống nhất quốc gia. Ngày nay, rõ ràng chúng
ta đang nối tiếp sự nghiệp ấy bằng việc bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ,
kể cả biển đảo. Tôi cho rằng, đương nhiên một cuộc chiến tranh có kẻ
thắng người thua, nhưng quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu.
Mục tiêu không phải chúng ta chiến thắng đối phương, mà đó chỉ là phương
thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước.”
Lý luận con loăng quăng của Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
chỉ để giảm thiểu tính giả dối của hai chữ “giải phóng” và phủi trách
nhiệm lịch sử đối với những người, ở cả hai bờ chiến tuyến, đã nằm
xuống.
Trong suốt 20 năm chiến tranh, dù phải đối phó với cuộc xâm lăng tàn bạo
của bộ đội Cộng sản miền Bắc và du kích quân Cộng sản trong Nam do miền
Bắc chỉ huy, nhân dân miền Nam chưa hề bao giờ bị ai “kìm kẹp, áp bức, bóc lột sức lao động hay thiếu ăn, thiếu mặc và nghèo nàn” như đồng bào miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Nếu ông Quốc bình tĩnh lấy kính hiển vi soi lại mức sống và tình trạng
xã hội của miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ông sẽ thất vọng
khi biết đã có những người lính bộ đội bật khóc khi vừa đặt chân đến Sài
Gòn hoa lệ của miền Nam, trong ngày được gọi là “giải phóng” vì đến lúc
đó họ mới biết đã bị đảng đánh lừa đẩy vào cuốc chiến vô lý.
Câu nói nổi tiếng nhất trong họ là của bà Dương Thu Hương, Nhà văn gốc Bộ đội: “Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại.”
Bằng chứng lịch sử đã nói nhiều về sự khác biệt giữa hai xã hội Nam-Bắc
khi họ bước chân vào Thủ đô Sài Gòn và các thành thị miền Nam mà không
cần phải biện giải thêm.
Hơn thế nữa, theo theo 4 định nghĩa của “Đại từ điển tiếng Việt” của Nhà
xuất bản Văn hóa - Thông tin năm 1998 thì nghĩa của “giải phóng” là:
1.- Làm cho thoát ách áp bức, được tự do: giải phóng đất nước.
2.- Làm cho thoát khỏi những ràng buộc bất hợp lí: giải phóng phụ nữ.
3.- Làm cho hết mọi cản trở để thực hiện mục đích: giải phóng mặt bằng.
4.- Làm cho chất này được thoát khỏi chất khác: Phản ứng hóa học đã giải phóng chất khí.
Như vậy, sự kiện 30.4.1975 không thể gọi là “giải phóng” như ông Dương
Trung Quốc đã bẻ cong tiếng Việt cho phù hợp với tư duy chính trị của
Đại biểu Quốc hội, thay vì phải trung thực và trong sáng trong quan điểm
của nhà viết sử.
Đồng bào miền Nam không cần miền Bắc giải phóng. Đảng và quân đội CSVN
đã xâm lược và chiếm đóng Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đất nước bằng
võ lực để sau đó gây ra thảm trạng ngụy trang “học tập cải tạo” dành cho
hàng trăm ngàn quân và dân miền Nam.
Cũng vì hai chữ “giải phóng” lừa bịp mà hàng chục ngàn con dân Việt Nam
vô tội khác đã phải bỏ mình ở Biển Đông trên đường vượt biển tìm tự do.
Hai chữ “giải phóng” cũng đã bần cùng hóa nhân dân đô thị miền Nam đang
từ no cơm ấm áo xuống hàng nô lệ bần cùng trong chiến dịch đuổi dân đi
vùng “kinh tế mới” và “cải tạo tư sản miền Nam” hay “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam”, bắt đầu từ ngày 04/09/1975 chủ động trên giấy tờ bởi chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Sau đó, giai đoạn 2 từ ngày 15/07/1976, làm theo Nghị quyết 254/NQ/TW
của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau này đổi thành Đảng Cộng sản
Việt Nam) quy định “về những công tác trước mắt ở miền Nam, hoàn
thành việc xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương
nghiệp tư bản tư doanh.”
Sau chiến dịch sai lầm tận diệt tư sản - mại bản trong Nam, kết thúc năm
1978, nhân dân cả nước lâm vào đói kém khiến đảng phải “đổi mới hay là
chết” tại kỳ Đại hội đảng VI năm 1986.
Đó là bài học “giải phóng”, không phải cho người dân miền Nam, phe bại
trận mà cho chính những kẻ chiến thắng ngạo mạn chưa bao giờ biết rằng
“lịch sử cũng biết nói”.
Rất tiếc Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc không muốn dừng ở
đây. Ông Quốc nhìn nhận lòng người trong-ngoài vẫn còn phân tán nhưng
không quy trách nhiệm cho ai đã gây ra tình cảnh như bây giờ, 40 năm sau
cuộc chiến chấm dứt.
Ông viết: “Chúng ta luôn tự hào nói về một cộng đồng hàng triệu người
Việt Nam ở nước ngoài, nhưng thực sự khiến cho cộng đồng ấy gắn bó với
tổ quốc ta và chế độ chính trị của ta là một quá trình phấn đấu lâu
dài.
Vì thế tôi cho rằng, năm nay kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước, chúng ta nên xác định và chia sẻ nhận thức ấy để
thấy điều quan trọng hiện nay là phải quy tụ được nhân tâm vì đất
nước... Trong hòa hợp dân tộc, nói về sự phân tâm chúng ta biết rằng nó
gắn với những biến cố chiến tranh. Quy luật chiến tranh rất khắc nghiệt,
có máu đổ xương rơi từ cả hai phía, có những chính sách khắc nghiệt để
lại những vết hằn khó lành.”
Không làm được-tại sao?
Nhưng tại sao lại “khó lành” thì người Việt Nam ở nước ngoài và rất
nhiều người trong nước, đặc biệt là giới Trí thức và cựu đảng viên biết
rất rõ, sau khi đã cả đời hy sinh mà cuộc sống bây giờ vẫn còn hẩm hiu
hơn kẻ hậu sinh chưa mất một giọt máu trên chiến trường.
Những người này đang ngày đêm đấu tranh đòi dân chủ và tự do cho con
cháu và cho thế hệ mai sau, nhưng lại bị đảng đàn áp và cô lập, có người
đã hết cả đường kiếm sống thì Nhà nước CSVN muốn hòa hợp và hòa giải
với ai?
Do đó khi nghe ông Dương Trung Quốc kêu gọi người bỏ nước ra đi vì không còn đường sống với người Cộng sản “cũng
phải hiểu tại sao lúc đó chúng ta phải tiến hành những chính sách cứng
rắn như thế. Nhìn lại quá khứ ta thấy rằng, chiến tranh vừa kết thúc,
nền kinh tế còn chưa khôi phục, kẻ thù cũ vẫn cấm vận và chống phá, lại
xuất hiện những kẻ thù mới vốn là đồng minh của mình, mà cuộc chiến
tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc thể hiện những khó khăn chồng chất
ấy.
Trong bối cảnh đó, những người cầm quyền cũng không còn cách nào
khác, buộc phải đối xử bằng một chính sách rất khắc nghiệt. Nếu chúng ta
chia sẻ được với hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì sẽ giảm đi phần nào những
mặc cảm, hận thù.”
Ông Quốc phát biểu như thế vì ông chưa hề bao giờ là nạn nhân của kẻ
chiến thắng. Câu chuyện không đơn giản như rủ nhau ngồi vào chiếu rượu
để uống cho say bí tỉ rồi bắt tay nhau cười vang “đoàn kết, đại đoàn
kết” là xong.
Không hiểu Nhà sự học Dương Trung Quốc còn nhớ câu nói của ông Nguyễn Đức Bình, Giáo sư triết học, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một thời đã nói chủ trương của đảng là “đổi mới nhưng không đổi màu”, “hòa hợp mà không hòa tan”?
Chân lý cực kỳ bảo thủ này vẫn đang được học tập và áp dụng sâu rộng
trong đảng, nhất là khi Ban Tuyên giáo nói về “hòa hợp-hòa giải dân
tộc”, tuy màu mè, hào sảng nhưng “trăm voi không được bát nước xáo”!
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Quốc nêu ra ý kiến: “Trong
vấn đề hòa hợp dân tộc, cái chưa được là sự chênh lệch giữa những con
người ở hai phía. Trong đó, một phía muốn đi nhanh hơn, còn một phía vì
nhiều lý do mà muốn phải đúng mực. Như vậy, cả hai bên phải cùng thúc
đẩy phải có sự trao đổi để gặp nhau.”
“Tôi thấy một nguyên lý của người xưa rất đúng là phải đặt vào địa vị
người khác mới hiểu được người ta. Tôi suy nghĩ về việc có phải đây là
sự chìa bàn tay của người chiến thắng với kẻ thua hay đây là trách nhiệm
chung đối với tương lai, con cái của mình.”
Thiện ý của ông Quốc rất đáng để tâm, nhưng chưa ai quên được những cố
gắng “hòa hợp-hòa giải” thất bại của hai Việt kiều nổi tiếng là nguyên
Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc sĩ Phạm Duy.
Hai ông đã đem về Việt Nam cả sự nghiệp và danh dự cá nhân cốt để “người
chung một nước phải thương nhau cùng”! Nhưng sau 7 năm trăn trở đi-về
giữa Mỹ và Việt Nam từ 2004 đến ngày qua đời ở Kuala Lumpur (Mã Lai Á)
23/07/2011, ông Kỳ đã không làm được gì cho đúng với “biểu tượng của hòa
hợp dân tộc” mà phía chính quyền Cộng sản đã tặng cho ông.
Nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam sinh sống từ ngày 17/05/2005 cũng với ý
tưởng “người Việt hãy ngồi lại với nhau”, nhưng sau 8 năm rong hát đó
đây từ Nam ra Bắc như ông tự coi mình là “lá rụng về cội”, Phạm Duy qua
đời tại Sài Gòn ngày 27/01/2013, hơn một tháng sau khi người con trai cả
của ông, Ca sĩ Duy Quang qua đời tại California ngày 20 tháng 12 năm 2012.
Sự ra đi của 2 mẫu người trong chuyện “hòa hợp-hòa giải dân tộc” tưởng
là chuyện thường sinh-lão-bệnh-tử, nhưng đằng sau vẫn có một hố ngăn
cách để giải thích tại sao chuyện “con cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” vẫn
còn nhiều kẻ muốn đá giò lái khi ngoài miệng thì vẫn nói cười hòa hợp
trơn hơn mỡ lợn!
Báo Quân đội Nhân dân
Đó là những gì mà Tác giả Thiện Văn của báo Quân đội Nhân dân đã viết trong bài “Cầu đồng tồn dị", vì mục tiêu tốt đẹp của đất nước”, ngày 23/02/2015
Tác giả khoe: “Thấm nhuần tư tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy
chí nhân thay cường bạo”, một mặt, dân tộc Việt Nam dám đánh, quyết
đánh và đánh đến cùng bọn xâm lăng cướp nước; nhưng mặt khác, dân tộc ta
cũng rất khoan dung, độ lượng. Khi giặc đầu hàng, không những không trả
thù, mà ngược lại còn đối đãi tử tế và cấp phương tiện, lương thảo cho
chúng trở về nước. Hiếu sinh mà không hiếu sát, căm thù quân xâm lược mà
không giết hại khi chúng thất bại là truyền thống nhân nghĩa cao cả của
dân tộc ta. Với con người Việt Nam, sau khi “Đạp quân thù xuống đất
đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”!
Bài báo nói vậy mà không phải vậy khi đảng CSVN, một mặt phỉ báng những
ai nghi ngờ sẽ có “tắm máu, trả thù ở miền Nam” sau ngày 30/04/1975,
nhưng lại đánh lừa hàng trăm ngàn quân-cán-chính thất trận của VNCH đem
đi đày ải cực hình tại các trại tù lao động mệnh danh “học tập cải tạo”.
Rất nhiều nạn nhân của chế độ mới đã bị chết mất xác, bị đổi xử tệ bạc
và bị hành hạ thân xác trong các nhà giam bị bỏ đói, bị chết khát, bị
còng tay chân đến mang thương tật cả đời và bệnh tật không được chữa
trị.
Thế mà báo Quân đội Nhân dân vẫn tự khoe những điều không có thật: “Mang
trong mình phẩm chất, tâm thế ấy từ hàng nghìn đời nay, dân tộc ta luôn
mở rộng vòng tay để đón bạn bè khắp năm châu bốn biển, trong đó có cả
những người Việt đã từng một thời “lạc lối lầm đường”. Với những người
như thế, Đảng, Nhà nước ta luôn lấy tình đồng bào để cảm hóa họ, giúp họ
hướng về điều hay lẽ phải và những giá trị, niềm tin tốt đẹp của cội
nguồn, dân tộc. Trong mấy chục năm qua, nhất là sau khi đất nước tiến
hành công cuộc đổi mới (1986), Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ
trương, chính sách nhằm tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp và lực
lượng trong xã hội với thái độ “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung nhất,
lớn nhất để cùng chung sống hòa thuận, gắn bó với nhau, không vì cái
nhỏ, cái khác biệt trong suy nghĩ, phong tục, tập quán, lối sống mà gây
chia rẽ, mất đoàn kết; đồng thời chấp nhận sự khác biệt giữa các giai
cấp, tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước ta và người Việt ở nước
ngoài, nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”.
Nhưng khi nói rằng đảng “chấp nhận sự khác biệt giữa các giai cấp,
tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước ta và người Việt ở nước ngoài,
nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội” thì đó là điều kiện tiên quyết không cần bàn cãi mà
trên hết phải tuân hành, chấp nhận “chủ nghĩa xã hội”, hay chủ nghĩa
Cộng sản cũng thế!
Như vậy là chỉ có đảng có lẽ phải, ai muốn “hòa hợp” thì chui vào, không có quyền bàn cãi phải trái?
Thiện Căn cũng không ngại lên giọng: “Đối với những người “đi theo
phía bên kia” trong các cuộc chiến tranh trước đây, chúng ta sẵn sàng
“gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
họ hồi hương, thăm thân và hợp tác làm ăn cùng xây dựng đất nước ngày
càng giàu đẹp.
Từ Cương lĩnh của Đảng đến Hiến pháp của Nhà nước đều khẳng định:
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời
của dân tộc Việt Nam. Từ chủ trương đúng, chính sách nhất quán và thái
độ ứng xử trước sau như một, hằng năm số Việt kiều về thăm quê hương
ngày càng đông, góp sức người, sức của cho Tổ quốc ngày càng nhiều.”
Nhưng về thăm quê hương đâu có nghĩa là cuốn gói đi theo đảng? Việt kiều
gửi tiền giúp gia đình cũng không đồng nghĩa với “giúp nước” của người
Cộng sản?
Sau khi khoe “Chỉ tính 4 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về
nước liên tục gia tăng. Nếu như năm 2000, lượng kiều hối chuyển về Việt
Nam mới đạt 1,3 tỷ USD, thì mười năm sau, năm 2011 con số này lên tới 9
tỷ USD. Ba năm qua (2012-2014), lượng kiều hối tăng dần từ 10, 11 đến 12
tỷ USD”, bài báo tự vẽ ra điều được gọi là “niềm tin” của Kiều bào với
nhà nước: “Đó là những “con số biết nói” thể hiện niềm tin của bà con
Việt kiều đối với môi trường hòa bình, ổn định của đất nước và những
triển vọng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và phát
triển.”
Có đúng như Thiện Căn và báo Quân đội Nhân dân tự biên tự diễn về một sự
đồng thuận chính trị nào đó đã gắn kết đảng CSVN với người Việt Nam ở
nước ngoài, hay cũng chỉ là câu chuyện “hòa hợp để mồi đầu tư và hòa
giải để được thêm kiều hối”?
(02/015)
0 comments:
Post a Comment