Sunday, February 22, 2015

Chuyển đổi chế độ bằng cách ảo thuật





VRNs (20.02.2015) – Baotoquoc – Chế độ Xã hội chủ nghĩa
Năm 1976, Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định đổi tên nước là Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đổi tên đảng Lao động Việt Nam thành đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên bố tiếp tục áp dụng chế độ Cộng sản theo như Hiến pháp của CSVN năm 1959. Hiến pháp này rập khuôn hiến pháp của Stalin và hiến pháp của Mao Trạch Đông.
Thực ra Chế độ Xã hội chủ nghĩa là một tên gọi khác của Chế độ Cộng sản. Thoạt ban đầu chữ “Cộng sản” là tên gọi của một chế độ tưởng tượng do 3 triết gia Saint Simon, Fourier và Robert Owen nghĩ ra vào đầu thế kỷ 19. Theo đó thì mọi của cải trong xã hội đều là của chung (Cộng sản), mọi người cùng làm và cùng hưởng.
Tuy nhiên sau đó Robert Owen dùng tài sản của gia đình mình phân phát cho nông dân nghèo cùng nhau tự quản lý, nhưng kết quả thất bại vì “cha chung không ai khóc”. Vì vậy người ta đặt cho chế độ Cộng sản của 3 triết gia là “Chế độ Cộng sản không tưởng”.
Đến giữa thế kỷ 19 triết gia Karl Marx sửa đổi Chế độ Cộng sản không tưởng thành “chế độ Cộng sản hiện thực”. Theo chế độ này thì xã hội được quản trị bởi một chính quyền. Đặc biệt chính quyền này toàn là do những người lao động nghèo điều hành. Những người lao động nghèo được gọi là giai cấp vô sản. Và giai cấp vô sản nằm trong một tổ chức chặt chẻ gọi là Đảng Cộng sản. Tổ chức này coi những người có học, những người giàu, những người có đất đai nhiều, có thế lực mạnh… là kẻ thù (Trí, Phú, Địa Hào).
Cuối thế kỷ 19, một triết gia Cộng sản khác là Friedrich Engels nghĩ ra một chế độ chuyển tiếp trước khi đi đến chế độ Cộng sản, ông ta đặt tên cho chế độ đó là “Chế độ Xã hội chủ nghĩa khoa học”.
Như vậy, khi CSVN áp dụng “Chủ nghĩa xã hội khoa học” vào năm 1959 thì Miền Bắc Việt Nam được lãnh đạo bởi ĐCSVN (Điều 4 hiến pháp). Đảng này sẽ làm chủ đất nước, còn người dân là lực lượng lao động làm ra của cải cho đất nước; nghĩa là người dân cũng giống như trâu cày ngựa kéo (nô lệ) của ông chủ CSVN.
Số của cải có sẵn trong nước và số của cải do lực lượng lao động (người và thú vật) làm ra sẽ được quản lý bởi các cán bộ của ĐCSVN. Những cán bộ này nằm trong một cơ chế quản lý gọi là “nhà nước”.
Như vậy theo như hiến pháp 1959 của nước CSVN thì mọi đất đai tài sản có trong nước là do Đảng làm chủ và Đảng quản lý. Đảng muốn sử dụng đất đai tài sản trong nước ra sao là tùy Đảng. Thường thì Đảng giao đất cho người dân sử dụng để sinh sống, phát cho người dân một tờ giấy gọi là “quyền sử dụng đất” (sổ đỏ); khi nào Đảng muốn lấy lại đất để làm việc khác, thí dụ như để giao cho một công ty ngoại quốc, thì gởi cho người dân đó một tờ giấy “thu hồi quyền sử dụng đất” hay nói gọn là “thu hồi đất”.
Cái lối quản lý tài sản như vậy cuối cùng đưa tới sụp đổ “chế độ Xã hội chủ nghĩa” vì hai nguyên lý cơ bản :
(1). Bất công : Của cải chung của toàn xã hội rơi vào tay một nhóm người và những người này phân phối quyền hưởng thụ tài sản cho cá nhân mình hay gia đình mình mà không có ai được quyền xoi mói hay can thiệp.
(2). Cha chung không ai khóc: tài sản chung giống như một cái kho chung do một nhóm người quản lý. Nhưng những người này chuyên môn đục khoét cái kho để tuồn của cải về cho gia đình mình. Hoặc là thay vì đem của cải cất vào kho thì đem thẳng về nhà mình. Rốt cuộc kho chung như cái thùng lủng đáy.
Hai nguyện lý cơ bản trên đây trái ngược với chế độ Tư sản (Tư bản). Trong chế độ Tư sản thì của cải trong nước là của cải riêng của từng người dân. Mỗi người dân tự quản lý lấy tài sản của mình. Cho nên không có bất công và không hề thất thoát. Hễ dân giàu thì nước mạnh.
Chế độ “Xã hội chủ nghĩa, định hướng cơ chế thị trường”
Năm 1976 Mao Trạch Đông chết, năm 1978 Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền. Đến 1983 Đặng Tiểu Bình cho áp dụng chế độ Cộng sản cải cách, gọi là “Chế độ Xã hội chủ nghĩa, định hướng cơ chế kinh tế thị trường”.
Tại Việt Nam năm 1986 Lê Duẩn chết, Nguyễn Văn Linh lên nắm quyền. Mặc dầu không chuyển đổi chế độ như Đặng Tiểu Bình nhưng Nguyễn Văn Linh cũng cho dẹp bỏ một số quy định phi lý của cơ chế kinh tế Cộng sản và tuyên bố sẽ “đổi mới” chế độ.
Từ năm 1987 người Phó thủ tướng kinh tế của CSVN là Võ Văn Kiệt bắt đầu tìm cách tiếp xúc với thế giới tư bản. Ông nhờ người cố vấn kinh tế của ông là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh liên lạc với cựu Phó thủ tướng VNCH là Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo để vận động hành lang nối lại liên hệ Việt- Mỹ.
Đầu tháng 9 năm 1987 Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cử người đại diện của ông là Tướng John Vessy đến Hà Nội. Sau 1 tuần làm việc, ngày 14-9-1987 Vessy ký với Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan một Hiệp ước giải quyết những gì còn tồn đọng sau chiến tranh Việt Mỹ.
Chủ yếu của Hiệp ước là Mỹ nới bỏ một phần lệnh cấm vận cho CSVN, bắt đầu cung cấp viện trợ nhân đạo cho CSVN nhưng không phải là viện trợ “Bồi thường chiến tranh” như đã ghi trong “Mật ước Nixon-Phạm Văn Đồng ký ngày 1-2-1973”. Ngoài ra còn có tìm kiếm người Mỹ mất tích, và đưa đi định cư tại Mỹ những nhân viên của VNCH đã từng bị giam trong tù cải tạo. (Sưu tập báo chí của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến, Lịch Sử Việt Nam 1975-2000, trang 83,84).
Sang năm 1988 ông Võ Văn Kiệt nối được đầu cầu giao lưu kinh tế với thế giới tư bản qua ông Võ Tá Hân, một thương gia tại Singapore (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc). Trước đó ông Hân đang phụ trách quản trị trung tâm băng nhạc Asia thì nhận được lệnh đến Singapore với danh nghĩa “Chủ tịch hiệp hội thương mại Canada”.
Đến cuối năm 1989 chủ nghĩa Cộng sản đang trên đà sụp đổ. Tại Đông Đức, Tổng bí thư CSVN Nguyễn Văn Linh xin tiếp kiến Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev nhưng ông này đối xử lạnh nhạt. Nguyễn Văn Linh trở về dẫn Đổ Mười và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để gặp Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Cuộc gặp này được gọi là Hội nghị Thành Đô.
Sau hội nghị Thành Đô, CSVN học theo Đặng Tiểu Bình sửa lại hiến pháp, tuyên bố nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng thể chế “Xã hội chủ nghĩa, định hướng cơ chế kinh tế thị trường”.
Thực ra đây chỉ là một cách chơi chữ của Đặng Tiểu Bình : “xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là độc tài độc đảng (chuyên chính vô sản). Và “định hướng cơ chế kinh tế thị trường” có nghĩa là kinh tế tư bản. Vì vậy chế độ XHCNĐHCCTT tức là chế độ “Cộng sản” về cai trị nhưng “Tư bản” về kinh tế. Hoặc nói một cách bình dân là chế độ “Cộng sản lai tư bản”.
Chế độ Cộng sản lai tư bản vẫn giữ nguyên chuyên chính vô sản, nghĩa là ĐCS vẫn là chủ nhân ông của đất nước; quân đội và công an vẫn là công cụ bảo vệ chế độ, tức là được dùng để trấn áp dân chúng. Khi nào có đánh nhau với nước ngoài thì quân đội với nhân dân cùng nhau chống giặc, nhưng trong thời bình thì quân đội được dùng để chống lại sự nổi dậy của nhân dân. (Quân đội trung với Đảng chứ không phải trung với dân).
Còn về kinh tế thì có sự đổi khác rõ rệt giữa “kinh tế Xã hội chủ nghĩa” và “kinh tế thị trường” : Kinh tế XHCN có 2 thành phần sở hữu là sở hữu nhà nước (quốc doanh) và sở hữu hợp tác xã, còn kinh tế thị trường có 5 thành phần sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân. Nghĩa là nhà nước làm chủ đất đai và tài sản lớn (công cộng) do cha ông để lại, còn người dân được quyền làm chủ tài sản nhỏ, tức là làm chủ những gì do công sức mình làm ra.
Thí dụ như có 1 công ruộng do một hộ nông dân cày cấy thì đương nhiên Đảng là chủ của công ruộng đó, còn người nông dân làm chủ tất cả sản phẩm được làm ra từ công ruộng đó. Đảng sẽ cấp cho người dân một quyển sổ màu đỏ gọi là “giao quyền sử dụng đất” (cho mượn). Khi nào Đảng muốn lấy lại công ruộng đó thì thông báo cho hộ nông dân biết là Đảng sẽ “thu hồi” miếng đất để làm chuyện khác. Điển hình của thí dụ này là vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang, Hưng Yên. Hay vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn tại Quảng Ninh.
* (Đa số người dân đã hiểu lầm khi nhận được quyển sổ đỏ, họ cứ đinh ninh rằng quyển sổ đỏ là sổ “chủ quyền” bởi vì miếng đất đó do cha ông họ đã làm sở hữu chủ từ nhiều đời. Sự thực cái quyền sở hữu chủ đó đã bị mất vào tay ĐCS khi ĐCS dùng súng chiếm được toàn Miền Bắc năm 1954 và toàn Miền Nam năm 1975; sau đó Đảng giao cho mỗi người dân quyển sổ đỏ như là giấy chứng nhận cho mượn đất để sinh sống.
Đến năm 1993 thì CSVN cho ra đời luật đất đai, cho phép người được giao đất (sổ đỏ) có quyền sang nhượng, thừa kế hay thế chấp “quyền sử dụng” đất đó nếu như Đảng không “thu hồi”. (Vì vậy mà quyển sổ “sử dụng đất” có vẻ như là sổ “chủ quyền”).
Chế độ “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Mãi đến năm 2006 Nguyễn Tấn Dũng thống lĩnh quyền lực tại VN, ông ta vận động Trung ương ĐCSVN sửa đổi tên gọi của chế độ thành “Chế độ kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tức là chế độ tư bản về kinh tế nhưng không đa nguyên đa đảng. Hoặc nói một cách bình dân là “chế độ Tư bản lai Cộng sản”. Đến năm 2008 thì tên gọi này được viết thành Nghị quyết 21 của ĐCSVN.
Nghĩa là Nguyễn Tấn Dũng làm ảo thuật, hoán đổi vị trí của hai vế tên gọi của chế độ. Biến đổi từ chế độ “Cộng sản lai Tư bản” thành chế độ “Tư bản lai Cộng sản”. Nhưng thoạt đầu chỉ là hoán đổi tên gọi, rồi sau mới dần dần cải sửa chế độ đúng như tên gọi.
Tuy nhiên quá trình cải sửa chế độ của Nguyễn Tấn Dũng gặp nhiều rắc rối. Cơ bản là do ông ta muốn chơi cờ vua trên bàn cờ tướng.
Nguyên tắc đầu tiên của chế đô Tư bản (tư hữu) là tài sản trong xã hội do mỗi người dân làm chủ. Cho nên người dân có quyền sống chết với những gì do công sức của họ làm ra, từ đời cha tới đời con, đời cháu. Họ có toàn quyền sang nhượng, thừa kế hay thế chấp những tài sản đó.
Nguyên tắc thứ hai là người làm chủ có quyền sang nhượng tài sản của họ với những điều kiện hoàn toàn do họ muốn, và với giá cả hoàn toàn do họ ấn định. Họ có quyền sang nhượng cho bất cứ người nào trả giá cao nhất, bất kể là người trong nước hay người ngoài nước.
Nguyên tắc thứ ba là họ có quyền làm chủ bất kể số lượng tài sản to lớn đến bao nhiêu. Họ có quyền làm chủ hằng vạn mẫu ruộng, hằng ngàn căn nhà.
Nguyên tắc thứ tư là nếu tài sản đó cần cho nhu cầu chung của quốc gia thì nhà nước có thể trưng thu nhưng đền bù ngang giá thị trường hoặc trên giá thị trường.
Nguyên tắc thứ năm là mọi tài sản được đánh giá và trao đổi trên căn bản tự do cạnh tranh và chống độc quyền.
Nguyên tắc thứ sáu là chính quyền có bổn phận bảo vệ quyền làm chủ tài sản của mỗi người dân, chính quyền sẽ khuyến cáo hoặc can thiệp nếu tài sản của người dân có nguy cơ bị xâm phạm hoặc bị xâm phạm.
Nếu có đủ 6 nguyên tắc cơ bản trên đây thì mới có thể hội nhập với thị trường của kinh tế tư bản, thiếu một trong 6 nguyên tắc đó thì không thể nào vận hành kinh tế tư bản. Cho nên dầu cho Nguyễn Tấn Dũng có làm ảo thuật tài giỏi như thế nào đi nữa thì cũng không thể hoàn thiện được chế độ “Tư bản lai Cộng sản”.
Đầu năm 2014 Nguyễn Tấn Dũng đã hăng hái tuyên bố sẽ hoàn thiện chế độ Tư bản lai Cộng sản (Kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa). Nhưng đầu năm nay không thấy ông báo cáo thành quả của công cuộc hoàn thiện chế độ. Nghĩa là không thành công.
Sát thủ kinh tế
Sở dĩ NTD không thành công bởi vì ông ta không đạt được một nguyên tắc nào trong 6 nguyên tắc trên. Trong khi đó các nhà tư vấn quốc tế đã vẽ ra cho NTD quá nhiều hướng tiến đầy lạc quan, nhưng chỉ là lạc quan ảo.
Sự thực những nhà tư vấn kinh tế ngoại quốc (Sát thủ kinh tế) không hề muốn CSVN chuyển đổi thành chế độ Tư bản. Bởi vì chỉ có chế độ XHCN thì đất đai tài sản trong nước mới thuộc về Đảng Cộng sản. Mà chỉ có ĐCS mới dám bán đất đai, tài nguyên quốc gia với giá bèo, ngang giá với của cải ăn trộm ăn cướp. Còn một khi đất đai là tài sản của người dân thì họ sẽ bán đúng theo giá thị trường. Nhưng nếu đúng theo giá thị trường thì các nước tư bản còn gì nữa đâu mà kiếm một vốn bốn lời ?
Nguyễn Tấn Dũng thành công như ngày nay là nhờ tư vấn của các sát thủ kinh tế. Nhưng nếu cứ theo các sát thủ kinh tế thì chế độ “Tư bản lai Cộng sản” sẽ không bao giờ hoàn thiện được. Rồi đây NTD sẽ tiếp tục thu hồi đất đai mà người dân đang sinh sống để giao cho các công ty ngoại quốc (Thuê dài hạn 90 năm và tái ký hợp đồng, tức là bán) cho tới khi nào không còn đất để bán mới thôi.



Dân oan ngày càng đông vì bị chính quyền cướp đất

Như vậy càng ngày nước mắt của dân oan càng nhiều chứ không thể nào giải quyết hết bằng cách bày trò ảo thuật hứa hẹn “Đổi mới thể chế”, “Phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân”, “Phát huy quyền sở hữu tài sản”, “Tạo mội trường cạnh tranh bình đẳng”, “Xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp”, “Thúc đẩy tập trung ruộng đất”, “Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”,v.v … (trích nguyên văn thông điệp đầu năm 2014 của Nguyễn Tấn Dũng).
BÙI ANH TRINH

0 comments:

Powered By Blogger