Lê Xuân Nhuận
CỘNG SẢN chiếm được Miền Nam đã mười năm rồi mà
tôi vẫn còn tiếp tục bị chúng kêu lên, kêu xuống hỏi cung. Tuy thế, nhờ
những thời gian đợi đi “làm việc” như thế tại các trại giam như Thanh Liệt ở Hà Nội; Kho Ðạn, Hội An, và Hòa Sơn
ở Quảng Nam; mà tôi có dịp gặp nhiều cán bộ Việt Cộng cấp cao bị bắt về
tội “kinh tế” hoặc“tham ô” và cả “bạo loạn” nữa, cũng như đồng bào
nhiều giới phạm tội “phản động hiện hành”, vượt biên, vượt biển, đưa hối
lộ, xâm phạm hoặc phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, vân vân, nên tôi
biết nhiều và biết sớm những biến cố xảy ra bên ngoài thế giới “cải tạo”
hơn đa số anh chị em khác trong tù.
Tôi đã nghe tin Trung Tá Nguyễn Văn Long tự tử
từ lâu. Nhưng vì có những trường hợp sự thật khác với tin đồn; vả lại,
biết đâu đó không là một người khác mà lại trùng tên với người mà tôi
thân thương; hơn nữa, anh Nguyễn Văn Long của tôi là một tín đồ Ky Tô
Giáo, lẽ nào lại tự hủy mình; do đó, tôi vừa âm thầm đau khổ về hoàn
cảnh chung, vừa bán tín bán nghi về phần anh Long. Ðến khi tôi được nghe
thêm hai viên “thủ trưởng” ― một thuộc Cục Xuất Nhập Khẩu 2 tại “thành phố Hồ Chí Minh”, một thuộc Ban Hậu Cần Quân Khu 5 ―
khẳng định là họ có nghe đề cập trong nội bộ cơ quan rằng, ngoài một số
tướng lĩnh Miền Nam đã tự sát chứ không chịu đầu hàng hay trốn chạy ra
nước ngoài, có một trung tá Cảnh Sát tên Nguyễn Văn Long, từ Ðà Nẵng di
tản vào, đã tự tử chết phía trước trụ sở Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, tôi
mới tin chắc đó chính là anh Nguyễn Văn Long. Anh Long vĩnh biệt cõi
đời giữa cảnh lửa bỏng dầu sôi, bạn bè nói riêng và đồng bào nói chung
thì còn bận lo tự cứu lấy mình, trong khi kẻ thù thì càng thù hận anh
thêm, lấy đâu có những vòng hoa và những nén nhang cùng những dòng lệ
thương tiếc tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Năm 1982, tại Trại bí
mật Thanh Liệt, thuộc Huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nơi giam cứu
các phần tử quan trọng nhất, mà đa số là cán bộ Ðảng, Nhà Nước và Bộ Ðội
ở cấp Trung Ương, do Bộ Nội Vụ trực tiếp quản lý, tôi mới được một “bạn
tù” cho biết thêm một chi tiết quý báu về cái chết hùng vinh của trung
tá Nguyễn Văn Long. Ðó là Phạm Trung Linh, một trung tá bộ đội Bắc Việt,
nguyên Trưởng Tiểu Ban Thanh Tra & Xét Khiếu Tố thuộcTrung Ương Cục Miền Nam ―
tổng thư ký của một tổ chức đảo chính quân sự dự định hành động vào đêm
24 rạng ngày Nô En năm 1979 nhưng bất thành nên bị bắt cùng với một số
tướng tá và cán bộ cao cấp khác ― xác nhận rằng gã đã có trông thấy bức
ảnh chụp cảnh trung tá Nguyễn Văn Long mặc cảnh phục chỉnh tề nằm chết
trước một tượng đài Chiến Sĩ Quốc Gia phía trước trụ sở Quốc Hội Việt
Nam Cộng Hòa, in trên bìa trước của một tạp chí Hoa Kỳ, trong kho sách
báo ngoại quốc mà Việt Cộng ở một số cấp cao đã sưu tầm để nghiên cứu
những gì có liên quan đếnViệt Nam.
Thế là từ đó không những tôi nguôi tủi sầu mà
trái lại còn cảm thấy lòng mình vui thỏa cho anh Long. Báo Mỹ mà đã đăng
lên thì khắp thế giới đều biết. Anh, cùng với những vị anh hùng tuẫn
quốc khác trong biến cố lịch sử 30 4 1975, đã nói lên được hùng hồn và
cụ thể tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam yêu chuộng Tự Do trước
quyền lực của cộng sản bạo tàn.
*
Thuở ấy, vào khoảng 1947 1950, ở Miền Trung có hai hệ thống an ninh: một bên là Pháp với hai cơ quan Sûreté fédérale (Liêm Phóng Liên Bang) và Police française (Cảnh Sát Pháp), một bên là Việt Nam với hai cơ quan Công An & Cảnh Sát Quốc Gia.
Anh Nguyễn Văn Long tùng sự bên Sûreté Fédérale (chính trị) của Pháp,
trong số vài người phụ trách nội ô Thần Kinh; còn tôi thì bên Cảnh Sát
(hình sự) của Việt Nam. Tôi kiêm cả việc sáng tác, ra báo, và dựng kịch
cho sở làm, và cho riêng mình.
Chúng tôi thường uống cà phê ở quán Lạc Sơn, nhà
hàng lộ thiên trên lề Đại Lộ Trần Hưng Ðạo, quay lưng vào Chợ Ðông Ba.
Nhân viên hai bên không ưa gì nhau, nhưng gặp mặt mãi cũng thành quen
nhau.
Dạo ấy, tôi viết cuốn truyện “Trai Thời Loạn”
chống Pháp xâm lược và Bảo Ðại bù nhìn, nên bị bắt giam; sau nhờ phái
đoàn của các nhân sĩ Cao Văn Tường, Cao Văn Chiểu, cùng với nhà báo Phạm
Bá Nguyên và cả Giám Ðốc Thông Tin Lê Tảo can thiệp với Thủ Hiến Phan
Văn Giáo, tôi mới được trả tự do. Ra tù, tự nhiên tôi được thiện cảm của
nhiều người hơn. Một hôm, anh Long tâm sự với tôi: “Tôi chống Việt Minh
nên lỡ vào làm với Tây; nay tôi đã quyết sẽ thôi để qua làm với người
mình”.
Anh ít nói, không văn hoa, lại lớn tuổi hơn tôi
nhiều, mà đã nói thẳng với tôi như thế thì tôi hiểu rằng anh đã đau lòng
khổ trí đến ngần nào trước thời cuộc bấp bênh của nước nhà. Trong thời
gian chờ đợi, anh Long đã nghe theo lời thuyết phục của tôi, bỏ qua cho
nhiều bạn thơ của tôi, thí dụ Nhất Hiên, Vân Sơn/ PMT, Như Trị, v.v...
mà Sûreté Fédérale đã định bắt giam. Liêm Phóng Liên Bang của Pháp mà đã
bắt ai thì người ấy khó về được vẹn toàn.
Sau đó, anh đã chuyển qua Công An Việt Nam; và
Vân Sơn / Phan Mỹ Trúc cũng như Như Trị / Bùi Chánh Thời thì vào Sài
Gòn; kẻ thành ký giả tên tuổi, người nên luật sư tài danh.
Sau khi gia nhập vào đúng hàng ngũ thích hợp để
phụng thờ Chính Nghĩa Quốc Gia, trải qua mấy chục năm trời gắn bó với
Lực Lượng Cảnh Sát & Công An Việt Nam Cộng Hòa, anh Nguyễn Văn Long
tận tụy phục vụ, và đã nổi tiếng là một trong số những cấp chỉ huy tích
cực, cương trực và liêm khiết nhất trong Ngành.
* *
TÔI về lại Miền Trung đảm trách Giám Ðốc Ngành
Ðặc Cảnh tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Lực Vùng I vào ngày 26 tháng 9 năm 1973.
Tìm gặp lại các bạn cũ, thuộc lứa tuổi trên tứ tuần, đã từng giữ các
chức vụ Trưởng Ty Công An, Cảnh Sát Trưởng, Trưởng Ty CSQG trở lên, từ
thời Bảo Ðại qua thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đến nay, mà hiện còn lại tại Vùng
này, tôi thấy chỉ có 6 người, trong đó có anh Nguyễn Văn Long.
Một số chưa có chức vụ tương xứng thì tôi nâng
lên hoặc hợp thức hóa cho làm Phó Giám Ðốc, Chánh Sở. Anh Long thì đã là
một Chánh Sở nắm Sở Tư Pháp rồi, nên tôi không giúp gì về chức vụ mà
chỉ giúp về công vụ mà thôi; những tin tức về hình sự mà tôi có được,
thay vì xếp bỏ thì tôi chuyển qua cho anh. Tuy nhiên, đáp lại, chính anh
giúp tôi nhiều hơn, rất nhiều, cả trong công tác cụ thể hằng ngày lẫn
về phương diện tinh thần.
Anh Long tự nguyện làm thêm nhiệm vụ chính trị ―
diệt Cộng ― ngoài phần vụ chính của anh là truy lùng kẻ phạm pháp về
mặt hình. Là một tay cừ trong giới tình báo cũ, anh đã nhân làm công tác
sưu tầm về hình phạm mà thu thập thêm tin tức về quốc phạm, và đã cung
cấp cho Ngành Ðặc Cảnh của tôi nhiều manh mối về cộng sản nằm vùng. Theo
anh quan niệm, đã là Cảnh Sát Quốc Gia, với chức năng an ninh trật tự,
thì phải góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào lãnh vực tình báo, để
phát hiện và loại trừ cộng sản ― mà trong giai đoạn hiện tại thì đối
tượng Việt Cộng phải là ưu tiên hàng đầu ― để bảo vệ và duy trì an ninh
và trật tự chung. Anh không thể chỉ tự bằng lòng với phận sự tiễu trừ
tội phạm xã hội, mà phải tham gia phần nào, trong khả năng mình, vào
trách nhiệm thanh trừng giặc loạn để giữ nước và cứu dân.
Qua thái độ và hành động chính đáng của mình,
Trung Tá Nguyễn Văn Long đã mặc nhiên gửi một thông điệp, một lời nhắn
nhe tâm huyết, đến những anh chị em đồng nghiệp nào mà vì lý do nào đó
đã tự cho mình là Cảnh Sát Sắc Phục thì không dính dấp gì về tình báo,
nhất là Cộng Tặc Miền Nam và Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lăng.
Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo của tôi nằm trên
bãi biển Sơn Chà, tuốt bên kia bờ Hàn Giang. Lần nào khai giảng hoặc bế
giảng Khóa nào Nhà Trường cũng đều có mời các cấp chỉ huy cả Ðặc Cảnh
lẫn Sắc Phục đến dự. Về sau, tôi bỏ bớt tiệc mãn khóa, chấm dứt tình
trạng bắt các học viên góp tiền. Không còn tiệc tùng, thì phần lớn quan
khách ngớt vãng lai, viện cớ bận việc và đường quá xa; nhưng anh Long
vẫn tiếp tục đến dự ― anh nói ― để yểm trợ tinh thần chung.
Về mặt tư pháp, Trung Tá Nguyễn Văn Long đã thực
hiện đúng khẩu hiệu “pháp bất vị thân”. Ngay đối với chính đồng nghiệp,
bất cứ nhân viên Cảnh Sát nào mà phạm tội hình sự là anh truy tố ra Tòa
thẳng tay ― anh nói ― để lành mạnh hóa nội bộ, và nêu gương thượng tôn
luật pháp cho người dân. Bởi thế, anh bị nhiều người gọi bằng cái tên
“Long Lý”, ý nói anh chỉ biết chiếu lý chứ không vị tình.
Sau Hiệp Ðịnh Paris 1973, tình hình xã hội Miền
Nam thật là rối ren. Bên ngoài thì Cộng Sản Bắc Việt công khai ồ ạt đổ
thêm quân và chiến cụ, vũ khí vào tấn công ta; bên trong thì các tổ chức
xưng danh đối lập và lợi dụng tự do quá khích, tiếp tay với các phần tử
nằm vùng, ngày càng gia tăng mức độ và cường độ gây hỗn loạn trật tự và
làm suy thoái tinh thần các lực lượng Quốc Gia. Về mặt chính trị, CSQG
vừa phải đối phó với các bộ phận Ðảng, Mặt Trận, Nhà Nước và Nhân Dân
của CSXL và “Việt Cộng”, vừa phải chống đỡ các phần tử, phe nhóm chủ bại
và nội ứng cho kẻ thù. Về mặt tệ đoan xã hội, ung nhọt tràn lan khắp
nơi. Riêng về nạn dịch nhũng nhiễu tham lam, công tác đương đầu đã gặp
quá nhiều khó khăn. Hầu như kẻ nào làm bậy cũng đều nấp dưới danh nghĩa
của một chính đảng, tìm sự che chở của một đoàn thể hay một số cấp lãnh
đạo nào đó trong Chính Quyền. Ðụng vào họ, dù họ là kẻ phạm pháp, có thể
là tự rước lấy tai họa vào mình. Thế mà anh Long đã dám xúc tiến điều
tra, lập hồ sơ truy tố nhiều nhân vật đáng sợ. Nhiều vụ lắm. Và vụ mà
tôi thích nhất là vụ “tiền trợ cấp dân Quảng Trị tị nạn”. Ðại khái như
sau: Ðầu năm 1975, đồng bào từ Tỉnh Quảng Trị bắt đầu di tản. Chính
Quyền Trung Ương tổ chức đón tiếp và cứu trợ họ tạiTrại Tạm Cư Ðà Nẵng. Trên thực tế, có người đã vào, có người vẫn còn ở lại ngoài kia. Do đó, có một tổ chức quy mô đứng ra lập hồ sơ ma
để lãnh các món cứu trợ di tản nhiều hơn bội phần: tiền mặt, thực phẩm,
thuốc men, áo quần, giường mùng, chăn chiếu, xi măng, tôn, v.v..., cấp
cho cả đồng bào ở Trại lẫn đồng bào vẫn còn ở Tỉnh cũ mà được chứng nhận
là đã nhập Trại Tạm Cư, do ngân sách của Bộ Xã Hội đài thọ. Thậm chí,
họ còn lập thêm hồ sơ theo diện tị nạn, dành cho đồng bào dời cư từ các
xã bất an và “xôi đậu” đến định cư tại các xã an ninh, để lãnh thêm loại
trợ cấp này vốn áp dụng chung cho bất cứ vùng quê nào. Chưa thỏa, họ
còn chứng nhận cho cũng những đồng bào ấy là nguyên cơ sở của Việt Cộng ở
vùng địch kiểm soát, nay bỏ kẻ thù về với Quốc Gia, để hưởng các khoản
trợ cấp loại này do Bộ Chiêu Hồi cung cấp định kỳ, v.v... Ngoài ra,
người dân di tản cũng bị lôi cuốn vào tình trạng hỗn tạp chung bên ngoài
Trại, lẫn lộn giữa hợp pháp và bất hợp pháp. Một số trở thành nhân
viên Chương Trình Áo Xanh, do một tổ chức xã hội Hoa Kỳ tài trợ, cung cấp việc làm cho người lao động thất nghiệp. Một số cũng là hội viên Hội Cựu Chiến Binh và Dân Phế, quy
tụ lính cũ đâu từ thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm, thời kháng Pháp,
thời Bảo Ðại, và nạn nhân các vụ tai nạn lưu thông, ẩu đả, hủy hoại thân
thể, tàn tật bẩm sinh, vân vân, nhưng cũng được lập hồ sơ và lãnh đều
đều từ một tổ chức nhân đạo Hoa Kỳ những món viện trợ tiền mặt, thực
phẩm, thuốc men, đồ dùng, v.v... Hơn nữa, một số giả danh là Thương Phế
Binh, cưỡng thu “hụi chết” tại các hàng quán, bến xe. Phanh phui vụ này
lòi ra vụ kia. Tóm lại, một người lãnh nhiều trợ cấp với nhiều tư cách
trong nhiều hoàn cảnh khác nhau; nhưng chỉ lãnh được một ít, còn thì nạp
vào túi riêng của bọn gian tham.
Vụ án đã làm chấn động dư luận, vì dính đến
nhiều cấp chức thuộc nhiều giới, ngành, từ cấp Tổ, Toán, Khóm, Thôn, Xã,
Phường, lên đến Quận, Tỉnh, vào thấu Sài Gòn, là những phần tử chứng
nhận láo, chấp thuận bừa, do đó, đã phí phạm công quỹ và phá hoại chính
sách của Trung Ương.
TRONG việc móc nối đầu mối, nuôi dưỡng đường
dây, lắm lúc nhân viên Ðặc Cảnh phải giao tiếp với những kẻ bất lương.
Bởi thế, đã có một số Trưởng Mối bị trừng phạt oan, vì phía Hình Cảnh
nghi là đồng lõa hay đỡ đầu. Sau khi có thêm bộ phận An Ninh Cảnh Lực,
Ðặc Cảnh càng gặp nhiều khó khăn hơn, đến nỗi Tư Lệnh Ðặc Cảnh Trung
Ương hồi đó là Đại Tá Nguyễn Mâu đã phải lên tiếng phản đối công khai
trước một đại hội toàn quốc, do Tổng Giám Ðốc chủ tọa, nhưng chưa ngã
ngũ ra sao.
Với tôi, anh Long đã chịu nhượng bộ: nếu gặp
nhân viên Ðặc Cảnh liên can đến các vụ hình, anh để tùy tôi xét trước,
để tránh oan ức, trở ngại cho công tác chìm. Ấy là nhờ anh hiểu rõ
phương thức tình báo và đặt nhu cầu chống Cộng lên hàng ưu tiên. Ðó là
quyết định linh động duy nhất trong cương vị Chánh Sở Pháp Cảnh của anh
Long.
* * *
CÁI chết của Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long làm tôi suy nghĩ rất nhiều.
Anh đã phục vụ dưới nhiều chế độ khác nhau, đảm
trách công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng vẫn giữ mình trung
chính khiết liêm. Anh tuy lớn tuổi nhưng vẫn trẻ trung trong lối sống và
trong công việc, không bị lứa trẻ sau này vượt qua. Trong lúc nước nhà
đang bị cộng sản xâm lăng, anh ý thức được chúng là kẻ thù số một của
toàn dân, sự nghiệp chống Cộng phải là ưu tiên số một của mọi người yêu
quý Tự Do, nên anh phải góp phần vàọ thành quả chống Cộng của CSQG nói
chung, là đã có lúc hạ được nhiều tên cộng tặc hơn cả con số chúng bị
thiệt hại trên chiến trường, do đó, anh tự nhận lãnh vào bản thân mình
một phần trách nhiệm đối với đối phương về những tổn thất mà chúng hứng
chịu nặng nề; nhưng trên tất cả là sự sụp đổ thảm khốc của Việt Nam Cộng
Hòa, mà đối với Tổ Quốc, Dân Tộc, Lịch Sử, và Thế Giới, thì cái trách
nhiệm vô cùng lớn lao ấy nhất định là của mọi người, trong đó có anh;
nên anh tự xử ―cũng như các anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê
Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, vân vân ― để tạ tội
với Tiền Nhân và Quốc Dân, và để nói lên tinh thần bất khuất của người
chiến sĩ Tự Do, không chịu hạ mình đầu hàng kẻ thù.
CÁI chết của anh Long làm tôi hãnh diện vô cùng.
Tuy người chết không mong được đời nhắc đến, nhưng bổn phận của người
sống là phải phát huy những tấm gương trí dũng ngời sáng ấy, để nhờ đó
mà mình tin tưởng và phấn khởi tiếp tục lo toan sự nghiệp chung.
Bây giờ, đối với toàn dân, Nguyễn Văn Long không
còn là một trung tá, là một Chánh Sở Tư Pháp, là một viên chức An Ninh,
là những gì gì khác nữa ... mà anh đã là và vẫn còn là đại diện cho bất
cứ chiến hữu ưu tú nào, không phân biệt cấp/bậc, chức vụ, ngành/nghề,
hình sự hay phản gián, phái mạnh hay phái đẹp; mà anh đã vinh quang đi
vào Lịch Sử với tư cách một anh hùng của Dân Tộc Việt Nam nói chung và
Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia nói riêng.
LÊ XUÂN NHUẬN
--------------
Ghi Chú:
Nguyễn Văn Long sinh ngày 1 tháng 6 năm 1919 tại
Phú Hội, Huế, tuẫn tiết tại Thủ Đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa ngày
30 tháng 4 năm 1975.
0 comments:
Post a Comment