Sunday, February 22, 2015

Người trí thức Dương Nguyệt Ánh


BS.Trần Văn Tích


Trong vụ tranh tụng giữa hai tờ báo Sàigòn Nhỏ và Người Việt, Bà Dương Nguyệt Ánh đứng về phía Sàigòn Nhỏ. Sự lựa chọn này biến Bà thành một trí thức, theo suy nghĩ của cá nhân tôi.
Malraux cho rằng trí thức không những chỉ là người cần đến sách mà còn là người sẵn sàng dấn thân và sắp xếp cuộc đời theo một tư tưởng.1 Sartre cho rằng trí thức là người vào một lúc nào đó của cuộc đời, đã can thiệp vào chuyện chẳng dính dáng gì đến mình cả.2 Một nhà bác học thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử không phải là một trí thức. Nhưng vào thời điểm ông nhận chân rằng vũ khí hạt nhân là một nguy cơ cho nhân loại và kêu gọi các đồng nghiệp cùng ký tên vào một bản tuyên ngôn chống đối việc sử dụng nó thì ông trở thành trí thức. Sản xuất bom nguyên tử là vấn đề thuộc khoa học và kỹ thuật, sử dụng bom nguyên tử là vấn đề thuộc chính trị và đạo đức. Người trí thức tỏ thái độ, nhà khoa học tìm phát minh. Tuy nhiên dấn thân đòi hỏi trách nhiệm và lương tri.
Lương tri là tình cảm nội tâm thúc đẩy con người làm những việc phải làm, đáng làm. Các quyết lệnh đạo đức của lương tri lắm khi lại nhân danh một chính nghĩa cao cả, một đạo lý công bằng mà khích lệ con người hành xử không theo lẽ thường : cô Kiều bán mình, Jeanne d’Arc lên giàn hoả. Ý thức được thế đứng của mình trong xã hội là điều cần thiết để hoàn thành bổn phận, tất nhiên hoàn thành theo chiều hướng tích cực, xây dựng. Dấn thân có sức hấp dẫn của nó mặc dầu khi dấn thân, con người vốn không chờ đợi được tưởng thưởng, thậm chí có khi còn phải chịu tiếng thị phi. Từ Thức cởi áo chuộc người không phải để mong có ngày gặp Giáng Tiên. Trí thức lăn xả vào việc bảo vệ tự do không phải để được tự do vì – chỉ nói đến trí thức lưu vong tỵ nạn – bản thân họ đã được tự do rồi. Nhưng có dấn thân thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Cho nên các vai chính trong những tác phẩm của Malraux, của Camus qua dấn thân mà thoát ly được tình trạng phi lý của nhân sinh. Dấn thân cũng tạo cơ hội cho con người vượt lên khỏi mình, giúp con người tránh khỏi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Dấn thân khiến con người tự khẳng định để từ đó hoàn tất được những điều hay đôi điều cao cả hơn tự thân. Dấn thân mang lại bình an cho lương tâm và đưa đến niềm vui của hy sinh. Bởi dấn thân là trí thức.



Ngược lại, không thể là trí thức những kẻ không ra khỏi cái vỏ ốc thân phận, không thấy được lẽ sống của dân tộc, không xác định được trách nhiệm với xã hội. Suy tư của người trí thức vừa là sứ mệnh, vừa là bất hạnh. Trí thức là người biết rộng hơn, biết sâu hơn, nhìn xa hơn, nhìn rõ hơn, thấy sớm hơn, thấy mau hơn, nếu so với những người không phải là trí thức. Chính vì thế mà trí thức lo trước khi người khác chưa lo, thấy con đường phải đi trước khi người khác chưa thấy, chọn vị thế phải đứng trước khi người khác chưa chọn được.
Từ trước đến nay, Dương Nguyệt Ánh từng nhiều phen sẵn sàng đặt chân trên con đường khổ nạn của đấng Messie vác thánh giá đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào, cho nữ giới, oằn vai gánh nặng khổ đau và vinh dự của người trí thức. Hôm nay, Dương Nguyệt Ánh đã mau chóng chọn phe chọn phái trong vụ Sàigòn Nhỏ-Người Việt. Bà lên tiếng rất sớm. Xưa nay người trí thức thường lắm lo âu cho nên Nguyễn Trãi mới tâm tình :
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn
(Trên đời người trí thức thường lắm lo âu hoạn nạn)
Bà Dương Nguyệt Ánh là một nhà khoa học nhưng là một nhà khoa học có tâm huyết. Đối trước một vấn đề thời sự liên quan đến sinh hoạt cộng đồng tỵ nạn cộng sản, Bà thấy ngay, thấy trước rất nhiều người là mình phải “m’est mêlée de ce qui ne me regarde pas” như Sartre ngày nào. Bà đã chủ động tích cực xen vào, dính vào một chuyện chẳng liên hệ gì đến Bà.
Chẳng những chỉ lên tiếng – nhiều người khác cũng lên tiếng – Bà Dương Nguyệt Ánh còn đóng góp cụ thể bằng hiện kim. Hành động này tạo khích lệ cho người khác, nâng tinh thần cho tha nhân. Số tiền Bà đóng góp cho Quỹ Pháp Lý của Cô Lữ Anh Thư không quan trọng – có người đóng góp nhiều hơn Bà – nhưng nó tạo thành một chất xúc tác cho phản ứng tặng dữ trong cộng đồng, do uy vọng của Bà trước công luận.
Cung cách lên tiếng của Bà Dương Nguyệt Ánh mực thước, trầm tĩnh dẫu rằng Bà đã phản ứng trong tâm trạng kích động của một người tỵ nạn thường xuyên nghĩ đến nghĩa tự do, luôn luôn mang nặng lòng ái quốc. Bà nhận thức chính xác, đúng đắn rằng đây không phải là một vụ tranh khách giữa hai cơ quan thông tin mà đây là một vụ đối đầu giữa chánh và tà, giữa thiện và ác, giữa quốc và cộng. Cùng chiều hướng đó, Bà trình bày cách đánh giá bản thân đối với những giới chức thực thi luật pháp Hoa Kỳ trong vụ kiện tụng. Bà phát biểu chừng mực, cân nhắc. So câu văn Bà viết trong điện thư với lời bình sau đây của một nữ công dân Hoa Kỳ khác, thấy rõ dấu ấn văn hoá dân tộc lưu lại trên trí tuệ nhà nữ khoa học trí thức. Thenjiwe Tameika McHarris, Amnesty International USA Senior Campaigner tố cáo vào dịp Glenn Ford bị xử oan ức ba mươi năm tù mặc dầu đương sự hoàn toàn vô tội : Glenn Ford is living proof of just how flawed our justice system truly is. (Vụ Glenn Ford là bằng chứng sống chứng tỏ hệ thống pháp lý của chúng ta thực ra hà tỳ nặng). Trong khi người công dân Hoa Kỳ kết án toàn bộ một nền công lý thì nhà nữ khoa học gia trí thức gốc Việt chỉ nói nhẹ nhàng và điềm đạm về một vài ông toà.
Tôi không bao giờ tự vấn rằng Bà Dương Nguyệt Ánh đúng hay sai khi ủng hộ Sàigòn Nhỏ. Việc đó không phải việc của tôi. Việc của tôi là hoan hỉ nhận ra rằng 1) Bà Dương Nguyệt Ánh đã xem vụ Sàigòn Nhỏ là một khía cạnh của đại cuộc chống cộng; 2) Bà đã mau chóng và cụ thể biến kiến giải của mình thành hành động.
Đương nhiên phải có người không đồng ý với Bà Dương Nguyệt Ánh, từ đó, Bà đã chịu ít nhiều tiếng bấc tiếng chì. Bên cạnh nỗi ưu của người trí thức, Nguyễn Trãi từng xếp cái hoạn. Ức Trai đã xem tử vi cho Bà Dương Nguyệt Ánh và xem rất đúng. Khi Sartre cùng Aron được Valéry Giscard d'Estaing tiếp tại Điện Élysée ngày 26.06.1979 nhân dự án thuê tàu sang biển Đông vớt đồng hương tỵ nạn chúng ta, đảng cộng sản và cánh tả Pháp đã lên án. Bây giờ nếu có đến phiên Dương Nguyệt Ánh nhận được lời nặng tiếng nhẹ thì cũng chỉ là sự muôn năm cũ mà thôi.
20.02.2015
1- Je sais maintenant qu'un intellectuel n'est pas seulement celui à qui les livres sont nécessaires, mais tout homme dont une idée, si élémentaire soit-elle, engage et ordonne la vie. (Les Noyers de l'Altenburg. Chartres, 21 juin 1940.Gallimard).
2- (…) se sont mêlés “de ce qui ne les regarde pas“. (Plaidoyer pour les intellectuels. Situations VIII, 1972, p. 377. Gallimard).

Nguồn : http://tieng-dan-weekly.blogspot

0 comments:

Powered By Blogger