Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nguyễn Hưng Quốc
Giới lãnh đạo Việt Nam không bao giờ nói thẳng và nói rõ chiến lược
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của họ vì với họ, đó là một bí mật
quốc gia. Tuy nhiên, quan sát các diễn tiến trong mấy năm qua, đặc biệt
thời gian gần đây, tôi nghĩ, chiến lược chính của họ là đu dây giữa
Trung Quốc và Mỹ.
Với Trung Quốc, Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhượng
bộ. Lý do rất đơn giản: Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc.
Hai mặt mạnh làm nên những chiến thắng vang đội của đảng Cộng sản Việt
Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua là chiến thuật du kích và chiến thuật
biển người. Cả hai chiến thuật ấy chỉ thành công trong hai điều kiện:
một là trên đất liền, đặc biệt ở những vùng rừng núi hoang vu; và hai là
tinh thần chiến đấu cao và sẵn sàng chấp nhận hy sinh của nhân dân và
binh sĩ. Điều kiện thứ nhất sẽ bị vô hiệu
hóa khi chiến sự xảy ra trên biển và đảo. Điều kiện thứ hai bị chính
giới lãnh đạo phá hủy trong nhiều năm qua bằng các vụ vu khống, hành hạ,
bắt bớ và nhục mạ những người có tinh thần bất khuất, quyết tâm chống
lại Trung Quốc. Chiến tranh trên biển, nơi không thể sử dụng chiến thuật
biển người hay chiến thuật du kích, tùy thuộc chủ yếu vào vũ khí và kỹ
thuật. Ở cả hai khía cạnh này, một số người cho rằng sáu chiếc tàu ngầm
Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga từ năm 2009 (đến nay đã nhận được hai;
chiếc thứ ba sẽ đến Việt Nam trong năm nay; ba chiếc còn lại sẽ được
giao vào năm 2016; trị giá tổng cộng đến 2,6 tỉ Mỹ kim) như những chiếc
gậy thần dùng đế chống lại các chiến hạm của Trung Quốc. Nhưng người ta
quên đi những gì Việt Nam mua từ Nga thì Trung Quốc cũng có thể mua
được, hơn nữa, nhờ giàu hơn, Trung Quốc cũng sẽ mua tàu ngầm với số
lượng nhiều hơn hẳn, chưa kể, những chiếc tàu ngầm do họ tự chế tạo.
Ngoài lý do vừa nêu, Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc có thể vì nhiều lý
do khác nữa, ví dụ, về kinh tế, họ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc;
về phương diện chính trị, họ bị ràng buộc bởi những cam kết bí mật nào
đó trong cuộc hội nghị Thành Đô trước đây. Cũng không thể loại trừ khả
năng là nhiều người trong giới lãnh đạo bị Trung Quốc mua chuộc.
Nhưng vì bất cứ lý do nào, sự nhượng bộ cũng có giới hạn của nó.
Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma: nhượng bộ. Nhưng nếu
Trung Quốc đánh chiếm các hòn đảo khác ở Trường Sa thì Việt Nam không
thể tiếp tục nhượng bộ được nữa. Trung Quốc mang giàn khoan để thăm dò
dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam: nhượng bộ. Nhưng nếu Trung Quốc công
khai khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì Việt
Nam không thể tiếp tục nhượng bộ được nữa. Trung Quốc tuyên bố con đường
lưỡi bò: nhượng bộ. Nhưng nếu Trung Quốc đưa ra một số luật lệ để kiểm
soát trên con đường lưỡi bò ấy, ví dụ, hạn chế tàu bè của Việt Nam cũng
như của quốc tế đến Việt Nam thì Việt Nam không thể tiếp tục nhượng bộ
được nữa.
Nếu không nhượng bộ thì làm gì?
Tự Việt Nam, Việt Nam không làm được gì cả. Nước nhỏ, thế yếu, Việt
Nam chỉ có thể trông chờ sự hậu thuẫn và trợ giúp của thế giới bên
ngoài, trong đó, quan trọng nhất là Mỹ và sau lưng Mỹ là các lực lượng
đồng minh của Mỹ trong khu vực, từ Nhật đến Úc. Cho nên, bằng mọi giá,
Việt Nam phải tìm cách siết chặt quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, ở đây lại
không ít cản trở. Thứ nhất là vấn đề nhân quyền. Bình thường, thành thực
mà nói, dù Mỹ hay nói đến nhân quyền nhưng trong rất nhiều trường hợp,
vì lợi ích của nước họ, họ cũng thường nhắm mắt làm ngơ trước các sự vi
phạm nhân quyền của nước liên hệ. Lâu nay, Mỹ vẫn làm thế ở Trung Đông
và Nam Mỹ. Tuy nhiên, với Việt Nam thì khác. Chính phủ Mỹ có thể chỉ lên
án qua loa lấy lệ, nhưng dân chúng Mỹ, đặc biệt với những người cựu
chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam thì khác. Đó là chưa kể cộng đồng
người Việt với trên một triệu rưỡi người đang sống trên đất Mỹ. Tất cả
đều có thể gây một sức ép đáng kể để chính quyền Mỹ, dù muốn hay không,
cũng đặt vấn đề nhân quyền như một điều kiện để liên kết.
Nhưng cản trở lớn nhất của Việt Nam trên con đường tiếp cận với Mỹ
chính là Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc không hề muốn và càng không
thể chấp nhận hiện tượng Việt Nam bắt tay với Mỹ để chống lại Trung
Quốc. Chắc chắn họ sẽ phá; nếu không phá được, sẵn sàng tấn công Việt
Nam trước khi quan hệ liên minh giữa Việt Nam và Mỹ biến thành hiện
thực. Trong trường hợp này, chắc chắn Trung Quốc sẽ hành xử y hệt Nga
tại Ukraine trong mấy tháng vừa qua.
Như vậy, nghịch lý của Việt Nam hiện nay là: một mặt, cố gắng nhượng
bộ Trung Quốc nhưng biết rõ là sự nhượng bộ ấy không phải là vô giới
hạn; mặt khác, cần Mỹ để chống lại Trung Quốc nhưng lại không thể công
khai hóa quá trình thành lập liên minh ấy.
Cuối cùng, Việt Nam chọn giải pháp đu dây: Họ vờn qua Trung Quốc một
tí lại vờn quá Mỹ một tí. Trong Bộ chính trị, nếu có người này sang
Trung Quốc thì sẽ có người kia sang Mỹ. Hứa với Trung Quốc điều a thì
cũng hứa với Mỹ điều b. Chính sách đu đây này họ đã sử dụng một cách
thuần thục trong cuộc chiến tranh Nam Bắc trước đây: họ đong đưa giữa
Liên Xô và Trung Quốc để có thể nhận được sự trợ giúp của cả hai dù quan
hệ giữa hai nước ấy rất căng thẳng với nhau.
Nhưng đu dây giữa hai đồng minh dù sao cũng dễ hơn là đu dây với kẻ
thù. Trung Quốc sẽ không dại dột để Việt Nam chơi trò đu dây. Chắc chắn
họ sẽ bắt Việt Nam phải lựa chọn.
Điều cần nhất của Việt Nam hiện nay là phải chuẩn bị cho những sự lựa chọn ấy.
0 comments:
Post a Comment