Phạm Thị Hoài - “Lời cảm ơn tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các ban ngành” của ông Đoàn Văn Vươn cuối phiên tòa xử vụ Tiên Lãng, theo thông tin từ báo chí chính thống, làm nhiều người trong chúng ta tê tái. Nó khiến tôi nhớ đến miêu tả đắng ngắt của ông Hoàng Văn Chí [i]
về thời Cải cách Ruộng đất mà ông trực tiếp chứng kiến ở Khu Bốn: Chủ
tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời ấy, ông Hồ Chí Minh, đã không
hề kí lệnh ân xá nào cho những người bị kết án tử hình oan [ii], nhưng
trước khi bị bắn những đảng viên trung kiên vẫn hô vang “Hồ Chí Minh
muôn năm!”.
Gần hơn, tôi cũng nhớ đến những tờ đơn của người Việt vượt biên sang Đức gửi chính quyền nước này: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Đơn xin tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức… Chỉ thiếu điều họ nhẩm tên “Bác” trên môi để cầu được hưởng quy chế tị nạn chính trị.
Ông Vươn không thấy mình là nạn nhân của hệ
thống, ông chỉ tuyên chiến với những sai phạm cục bộ ở địa phương. Song
không chỉ mình ông đinh ninh như thế. Hơn một năm trước, khi loan tin “vỡ òa niềm vui” sau kết luận của Thủ tướng, truyền thông nhà nước đã đưa Tiên Lãng thành chiến dịch đặt niềm tin vào sự đúng đắn tuyệt đối, vào infallibilitas của trung ương, của hệ thống. Mỗi nắm đấm giơ về phía Hải Phòng đều kèm theo hai bàn tay hoan hô về phía Hà Nội.
Truyền thông nhà nước tất yếu dừng lại trước
hàng loạt câu hỏi sau Tiên Lãng mà then chốt là sự bất khả thi của mô
hình nhà nước pháp quyền trong một chế độ toàn trị. Khi hành trình của
công lí kết thúc bề mặt ở chỉ đạo của một vị Thủ tướng thì số phận của
nó, công lí, chỉ có thể gọi là may rủi. Hoặc đồng bóng. Tòa án Nhân dân
Tối cao, cấp thẩm quyền tối thượng để bảo vệ công lí tại Việt Nam, đã
vinh danh sự đồng bóng này bằng quyết định chuyển đột ngột theo chỉ đạo
của Thủ tướng trong vụ Đoàn Văn Vươn, trong khi phán quyết hoàn toàn ngược lại cũng của chính tòa án này trong một vụ tương tự vẫn còn nguyên đó. Bản án dành cho ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ngày 5-4 vừa rồi cho thấy sự thảm hại của cái công lí may rủi và đồng bóng ấy.
Bàn về trách nhiệm tập thể trước tội ác của nhà nước Quốc xã, triết gia Đức Karl Jaspers đưa ra bốn khái niệm: 1. lỗi hình sự của các cá nhân, do tòa hình sự giải quyết; 2. lỗi đạo đức, do lương tâm của mỗi người định đoạt; 3. lỗi siêu hình, do Thượng đế phán quyết; và 4. lỗi chính trị của một hệ thống, một chế độ, một nhà nước, do mọi công dân liên đới chịu trách nhiệm. Ông viết:
“Trước những tội ác xảy ra nhân danh Đế chế Đức,
mỗi người Đức đều phải liên đới chịu trách nhiệm. Chúng ta chịu trách
nhiệm tập thể. Câu hỏi đặt ra là, mỗi chúng ta phải thấy trách nhiệm của
mình theo nghĩa nào. Hiển nhiên là theo nghĩa chính trị, đồng trách
nhiệm của mỗi công dân trước các hành vi của nhà nước mà mình thuộc về.
Nhưng vì thế không bắt buộc cũng phải là trách nhiệm đạo đức về việc
tham gia thực tế hay tham gia tinh thần vào các tội ác đó. Người Đức
chúng ta có đáng phải chịu trách nhiệm về những điều tệ hại mà chính
chúng ta người Đức gây ra cho mình hay những điều tệ hại mà chúng ta như
nhờ phép mầu mà tránh thoát không? Câu trả lời là có, – khi chúng ta
dung thứ cho một chế độ như thế ra đời trên đất nước mình. Câu trả lời
là không, – khi trong thâm tâm nhiều người chúng ta đối địch với tất cả
những cái Ác này và không cần phải thừa nhận một lỗi đạo đức liên đới
nào thông qua bất kì một hành vi và động cơ nào. Quy trách nhiệm không
phải là nhận lỗi đạo đức. Như vậy lỗi tập thể tuy tất yếu là trách nhiệm
chính trị của các công dân, nhưng vì thế mà cũng trong nghĩa đó không
phải là lỗi đạo đức, lỗi siêu hình và lỗi hình sự” [iii]. Trong một tác
phẩm khác, ông còn quyết liệt hơn với nhận định rằng trách nhiệm tập thể
thuộc về tất cả những ai không kịp thời nhận ra tội ác chính trị và sau
đó không hành động và không mạo hiểm đánh đổi cả tính mạng mình để phản
kháng [iv].
Theo cách đặt vấn đề này, trong bi kịch ở Tiên Lãng có trách nhiệm chính trị tập thể mà mỗi người Việt Nam đều liên đới.
© 2013 pro&contra
_________________________
[i] Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản – Một kinh nghiệm lịch sử cho Việt Nam, Paris, 1962
[ii] Nhưng ngày 15-10-1955, giữa cao trào của
CCRĐ đợt 4, khi những sai phạm của cuộc “cách mạng long trời lở đất”
theo mô hình Trung Quốc này đã tràn ngập, Hồ Chủ tịch kí Sắc lệnh 242-SL thưởng Huân chương Độc lập hạng ba cho Kiều Hiểu Quang, phó bí thư tỉnh ủy Quảng Tây, Phó trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, phụ trách đoàn cố vấn CCRĐ tại Việt Nam.
[iii] Angesichts der Verbrechen, die im Namen
des deutschen Reiches verübt worden sind, wird jeder Deutsche
mitverantwortlich gemacht. Wir haften kollektiv. Die Frage ist, in
welchem Sinn jeder von uns sich mitverantwortlich fühlen muss.
Zweifellos in dem politischen Sinne der Mithaftung jedes
Staatsangehörigen für die Handlungen, die der Staat begeht, dem er
angehört. Darum aber nicht notwendig auch in dem moralischen Sinne der
faktischen oder intellektuellen Beteiligung an den Verbrechen. Sollen
wir Deutsche für die Untaten, die uns von Deutschen zugefügt wurden,
oder denen wir wie durch ein Wunder entgangen sind, haftbar gemacht
werden? Ja, sofern wir geduldet haben, dass ein solches Regime bei uns
entstanden ist. Nein sofern viele von uns in ihrem innersten Wesen
Gegner all dieses Bösen waren und durch keine Tat und durch keine
Motivation in sich eine moralische Mitschuld anzuerkennen brauchen.
Haftbarmachen heißt nicht als moralisch schuldig erkennen.
Kollektivschuld also gibt es zwar notwendig als politische Haftung der
Staatsangehörigen, nicht aber darum im gleichen Sinne als moralische und
metaphysische und nicht als kriminelle Schuld. (Karl Jaspers, Die Schuldfrage, Heidelberg/Zürich, 1946)
[iv] Karl Jaspers, Wohin treibt die Bundesrepublik? Tatsachen, Gefahren, Chancen. München, 1966
0 comments:
Post a Comment