NGƯỜI VIỆT ĐI MÁY BAY VIỆT
Sân bay đích thực là cái chợ quê, máy bay thì trở thành nhà trẻ và xe buýt công cộng.
Tôi vừa đáp chuyến bay từ TP HCM đi đến một thành phố biển xinh đẹp với hy vọng được thư giãn sau một tuần làm việc bận rộn. Nhưng hy vọng đó đã bị vùi dập ngay từ lúc tôi bước vào sân bay, mặc dù những chuyện thế này tôi đã nhìn thấy cả trăm lần.
Tôi đã đi nhiều nước và cũng thấy nhiều loại hành khách, tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia, nhưng dường như, một số đặc điểm chỉ người Việt Nam mình mới có.
Sân bay là phiên chợ quê
Đầu tiên phải nói đến người đưa hay người đón. Sân bay đâu phải là cái chợ muốn ngồi đâu thì ngồi, muốn đi đâu thì đi. Vậy mà, chao ôi, người Việt mình mà đi đón hay tiễn thì phải đi nguyên cả dòng họ, để rồi không đủ chỗ ngồi, nên chen chúc, đứng cản hết cả lối đi, thậm chí ngồi lê lết trên sàn nhà, rồi xả rác, nói chuyện inh ỏi, để rồi khỏi ai nghe được máy bay đã hạ cánh hay chưa.
Đến người đi cũng “văn minh” không kém... Trước tiên là thói quen không xếp hàng. Người ta đã để sẵn thanh chắn xếp hàng, nhưng không, bà con mình toàn xen ngang vô giữa, có người còn tự ý mở thanh chắn hay chui qua hàng rào cho nhanh, mặc kệ những ánh mắt kinh ngạc của những người khách nước ngoài.
Đến đoạn kiểm tra hải quan, chưa bao giờ tôi thấy họ đứng đúng vạch, và luôn mang những đồ không nên mang lên máy bay, đặc biệt là nước uống.
Còn trẻ em thì tha hồ tung tăng la hét trong sân bay, trong khi những hành khách khác luôn giữ con mình trong tay để không gây mất trật tự nơi công cộng, đồng thời đó là cách bảo vệ con tại những nơi nhạy cảm như sân bay.
Sân bay ở Việt Nam luôn ồn ào và nhốn nháo. Ảnh minh hoạ
Máy bay là xe buýt công cộng
Đến đoạn lên máy bay là biết ngay “made in Vietnam”.
Thứ nhất, không ngồi đúng ghế. Chuyện tự ý đổi ghế để được ngồi gần cửa sổ hay ngồi chung với gia đình là bình thường. Chưa nói đến chuyện phải lịch sự hỏi khách của số ghế đó đồng ý hay không, mà đó là an toàn cân bằng của máy bay.
Có lần tôi đi trên một chuyến bay không nhiều khách, nên hãng đã xếp 50% ngồi phía sau, 50% ngồi phía trước để giữ cân bằng cho máy bay. Thế là một đại gia đình thấy phần giữa có ghế trống, kéo hết lên ngồi cho sướng, may quá là cuối cùng tiếp viên đã kịp nhắc nhở quay lại chỗ ngồi trước máy bay bị chúi xuống đất.
Thứ hai, không bao giờ nghe hướng dẫn.Người ta nói “không biết thì chịu khó nghe và làm theo”, đằng này, tiếp viên vừa dứt lời “tắt điện thoại, máy thu phát sóng...”, họ vẫn tỉnh bơ lấy điện thoại ra gọi/ nhắn tin. Sao họ không hiểu rằng sóng điện thoại có thể làm nhiễu sóng khác, phi công không thể liên lạc được với nhân viên hàng không và họ có thể gặp tai nạn.
Tiếp viên vừa nói “thắt dây an toàn, ngồi yên tại chỗ”, họ lại đứng dậy, mở ngăn hành lý để lấy laptop? Sao họ không nghĩ là họ đang tự gây nguy hiểm cho mình, và có nguy cơ ảnh hưởng đến người khác nếu hành lý rớt xuống?
Máy bay là nhà trẻ
Tôi sợ nhất là máy bay có trẻ em Việt Nam. Khóc inh ỏi, la hét ỏm tỏi, chạy lon ton, mặc cho tiếp viên nhắc nhở, hay những ánh mắt đầy ngao ngán và chửi thầm trong bụng của những hành khách khác. Chưa hết, bà mẹ nào mà có con nhỏ là nguyên khu vực ghế ngồi trở thành bàn thay tã, đồ lót, khăn giấy, đồ chơi, mặc cho mùi khai đang làm phiền những người ngồi bên cạnh.
Nhường ghế cho người già và trẻ em trên xe buýt chỉ có trong phim
Xuống máy bay, lên xe buýt ra sân bay, ai lên trước là mặc nhiên chiếm ghế trước, mặc cho bà lão chống gậy đang đứng mỏi run cả chân, hay bà mẹ đang ắm con sắp nổi gân lên. Nói chuyện inh ỏi, phà hơi thở “thơm mát” vào mặt nhau sau chuyến bay dài không súc miệng, hay quên ăn kẹo bạc hà cũng là chuyện bình thường.
Và còn rất nhiều những câu chuyện “văn minh” khác...
Tôi luôn tự hỏi, tại sao giáo dục Việt Nam không đưa những vấn đề “văn minh nơi công cộng” như thế này vào trong trường học nhỉ? Tôi không muốn quơ đũa cả nắm, và tất nhiên không phải người Việt Nam nào cũng giống như vậy.
Tôi mong rằng bài viết này có thể đánh thức phần nào những ai đã trót làm những điều trên thì dừng lại, hay những ai có nguy cơ sẽ mắc phải có thể tránh, để đừng phải nhìn thấy những ánh mắt ái ngại và kinh ngạc của bạn bè quốc tế nhìn vào người Việt Nam.
0 comments:
Post a Comment