Nguyễn Hưng Quốc - Qua vụ tai nạn của bé Yue Yue – Wang Yue – ở Quảng Đông, Trung Quốc ngày 13 tháng 10 vừa rồi, báo chí Tây phương nêu lên câu hỏi “Người Trung Quốc nhẫn tâm?” hoặc tỏ rõ thái độ phê phán, xem đó là “một xã hội bệnh hoạn trầm trọng” (A seriously ill society).
Trên các mạng lưới xã hội như Facebook hay Twitter cũng như các bản tin và phát biểu gửi qua email, người ta lại càng mạnh miệng hơn. Cái ác của người Trung Quốc không phải chỉ xuất hiện như một nhận xét. Mà như một tiếng chửi. Từ một số câu chuyện vô tâm và vô cảm như vậy, nhiều người khái quát lên thành một nhận xét: Người Trung Quốc, với tư cách một chủng tộc, tự bản chất, vốn ác. Ác với người dân của họ. Và dĩ nhiên càng ác hơn với người nước ngoài.
Nói đến người nước ngoài, không thể không nhớ mấy thước phim tài liệu xem cách đây mấy năm về cảnh 43 người Tây Tạng vượt biên qua Ấn Độ tị nạn. Lính Trung Quốc, đứng trên một ngọn đồi cao, nhắm từng người, từng người bắn. Hết người này ngã gục đến người khác ngã gục. Như người ta giết súc vật.
Đọc nhiều bản tin về những cái ác ở Trung Quốc, tuy nhiên, tôi vẫn không chấp nhận luận điệu cho người Trung Quốc, tự bản chất, là ác.
Không chấp nhận, thứ nhất, vì nguyên tắc. Bất cứ sự khái quát hóa nào cũng liều lĩnh. Khái quát hóa về bản tính của một dân tộc lại càng liều lĩnh. Nhận diện bản tính của một dân tộc chỉ vài ba triệu dân đã khó. Với một dân tộc lên đến cả tỉ người như Trung Quốc lại càng khó. Ngay cả việc dựa vào số đông – tức là chấp nhận trước vô số ngoại lệ – cũng khó. Mà không phải chỉ với cả một dân tộc. Ngay chỉ với một người, một người cụ thể nào đó thôi, việc đánh giá cũng khó và đầy nguy cơ sai lầm. Lý do chính là con người, ngay cả những kẻ đơn giản và chất phác nhất, vẫn có tính đa diện; và vì đa diện, nên có thể dẫn tới những nhận định hoàn toàn khác nhau.
Thứ hai, cho dù các con số thống kê cung cấp đầy đủ chứng cứ là một cộng đồng hay một dân tộc nào đó phạm tội ác nhiều hơn, thậm chí, nhiều hơn hẳn các cộng đồng hoặc các dân tộc khác thì điều đó cũng không nhất thiết dẫn đến việc quy trách nhiệm vào yếu tố chủng tộc. Như ở Mỹ, chẳng hạn. Hầu như tất cả các con số thống kê đều cho thấy tỉ lệ tội phạm của người da đen cao hơn hẳn người da trắng. Ở Úc, thống kê thời gian gần đây cũng cho thấy tỉ lệ bạo động của một số cộng đồng di dân từ Phi châu rất cao. Họ đánh nhau. Đánh các sắc dân khác. Và đánh cả cảnh sát. Thường, các chính khách cũng như báo giới ít khi nêu đích danh vấn đề tội phạm của một cộng đồng nào đó. Tuy nhiên, thỉnh thoảng do vấn đề quá trầm trọng, họ phải lên tiếng. Trường hợp của người Sudan ở tiểu bang Victoria vào đầu năm 2011 này là một ví dụ. Tuy nhiên, ngay cả những con số thống kê như vậy cũng không chứng minh được là dân tộc hay chủng tộc này dữ và ác hơn dân tộc hay chủng tộc khác. Dưới mắt các nhà xã hội học, ở các nước phát triển, đằng sau những tội phạm và tộc ác của một cộng đồng, ẩn chứa nhiều lý do khác quan trọng và quyết định hơn nhiều, ví dụ, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện giáo dục, ký ức về một tuổi thơ từng bị áp bức, mặc cảm bị thua kém và bất lực, v.v…
Thứ ba, giới nghiên cứu, đặc biệt giới nghiên cứu Tây phương, càng ngại ngần khi quy chuyện dữ hay ác vào yếu tố chủng tộc. Bởi, nhìn vào tấm bản đồ tội ác trên thế giới trong suốt thế kỷ 20 vừa qua, người ta dễ dàng nhận ra ngay một điều: không có nơi nào thực sự vô tội cả. Ở châu Phi thì hầu như triền miên có chiến tranh và cùng với chiến tranh là nạn diệt chủng. Bộ lạc này giết bộ lạc kia. Dân tộc này giết dân tộc khác. Ghê rợn nhất là vụ diệt chủng tại Rwandan, một nước nhỏ ở Tây Phi, vào năm 1994: Trong vòng mấy tháng, có khoảng gần một triệu người, hay 20% dân số, bị giết chết. Họ ác ư? – Vâng, thì ác. Nhưng nhìn sang châu Á mà xem. Trước hết là người Nhật. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, dân tộc có truyền thống thiền và kiểu chào cực kỳ lễ phép ấy đã giết cả hàng mấy chục triệu người, trong đó, riêng tại Việt Nam, có khoảng từ một đến hai triệu người trong trận đói Ất Dậu (1945). Trung Quốc cũng không thua gì Nhật Bản. Mao Trạch Đông cũng đã giết chết cả mấy chục triệu người. Toàn là dân Trung Quốc cả. Rồi Pol Pot ở Cam Bốt. Cũng những cánh đồng xương mênh mông với hàng triệu oan hồn. Từ đó, có thể nói là người châu Á, nói chung, dữ và ác ư? – Vâng, thì ác. Nhưng còn châu Âu, nơi văn minh phát triển nhất thế giới với tư tưởng nhân văn và nhân đạo được xem là trụ cột của văn minh nhân loại từ thời hiện đại đến hậu hiện đại? Chính ngay trung tâm của cái châu Âu đầy tự hào và rực rỡ hào quang ấy, trong thập niên 1940, đã diễn ra những vụ giết người diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại với cả mấy triệu nạn nhân. Cũng thuộc châu Âu, Nga đóng góp vào bản đồ tội ác một mảng màu đen tối không thua gì phát xít Đức. Còn Mỹ? Hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật, dù được biện minh cách nào đi nữa, cũng để lại trong lương tâm người Mỹ những vết thương rất khó lành.
Chính vì ở đâu cũng xảy ra tội ác như vậy, không có ai đủ tự tin để lên án cái ác của những người khác và ở những nơi khác. Người ta biết rõ một điều: cái ác, nếu nằm trong máu, thì nó có thể tìm thấy ở tất cả mọi người, hậu duệ của những kẻ trải qua cả hàng chục, thậm chí, hàng trăm ngàn năm sống bằng nghề săn bắn, vốn là nghề căn bản ở thời thượng cổ. Nó đã trở thành một thứ bản năng của con người. Văn hóa và văn minh có thể đè nén hay thuần hóa cái bản năng ấy. Nhưng chắc chắn là không hoàn toàn. Bằng chứng? Thì cứ nhìn lại Holocaust mà xem. Những cách giết người ở Holocaust rất “khoa học”. Và cũng rất “văn minh”.
Lý do thứ tư, việc cho dân tộc này hay dân tộc khác ác – trong khi chưa chắc đã chính xác, dễ dẫn đến những sự kỳ thị chủng tộc vốn bị xem là một trong những nguyên nhân chính gây nên những cái ác khủng khiếp nhất trên thế giới. Như vậy, chúng ta sẽ ở trong vòng lẩn quẩn: Chúng ta lên án cái ác và, cùng lúc, nuôi dưỡng mầm mống của cái ác bằng chính việc lên án – qua đó, khuyến khích tinh thần kỳ thị chủng tộc – của chúng ta. Đó là điều tuyệt đối không nên.
Nhưng nếu cái ác không gắn liền với yếu tố chủng tộc thì chúng ta sẽ giải thích như thế nào về hiện tượng cái ác thường xảy ra, với mức độ đậm đặc và đáng ghê sợ, ở nơi này nhiều hơn hẳn ở những nơi khác?
Nguyên nhân nằm ở đâu?
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
0 comments:
Post a Comment