Lê Vy_RFI
Vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn luôn là mối bận tâm của người dân Trung
Quốc. Báo La Croix hôm nay quan tâm đến đề tài này qua bài viết : «
Trung Quốc, bất an vẫn ngự trị trong bữa ăn ». Báo Công giáo La Croix
nhận định người tiêu dùng Trung Quốc mất lòng tin nghiêm trọng sau hàng
loạt các vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Tờ báo đưa ra ví dụ về anh Ngô Hằng, một sinh viên Thượng Hải, thường
hay ghé vào một quán ăn gần trường đại học để thưởng thức món cơm bò
cách đây vài năm. Một hôm, anh ta phát giác trên báo chí đăng các nhà
hàng đã sử dụng thịt heo và pha chế thành thịt bò bằng một quy trình
chẳng ngon lành gì : đầu tiên, thịt được tẩy sạch, sau đó tẩm thuốc đỏ,
một hóa chất gây ung thư cao.
Đối với anh Ngô Hằng thì đó là một cú sốc lớn. Anh nhận ra các vụ bê
bối về an toàn thực phẩm nhiều đến mức không kể xiết khắp đất nước. Do
đó, anh ta đã thành lập trang web để thống kê các vụ vi phạm an toàn
thực phẩm được đăng trên báo chí. Ví dụ như thịt vịt tẩm nitrát, yaourt
có chứa da giầy đã được tái chế, trứng giả làm bằng sáp nến…
Năm 2010, theo nghiên cứu của một trường đại học thì 1/10 các bữa ăn
được chế biến với dầu thu gom từ cống rãnh lề đường cạnh các nhà hàng và
sau đó đóng vô chai để sử dựng. Năm nay, lại thêm vụ thịt chuột được
bán giả làm thịt cừu, gạo bị nhiễm chất cađimi, một kim loại nặng trong
công nghiệp, lại góp phần vào danh sách các vụ bê bối an toàn thực phẩm
vốn đã rất dài.
Một bà mẹ tại Trung Quốc giễu cợt : « Tại Trung Quốc, vụ thịt ngựa đã
gây sốc cả châu Âu trong khi tại Trung Quốc, thì không đáng được đăng
báo : Suy cho cùng thì thịt ngựa không phải là thịt ngon hay sao ? ». Từ
khi sinh con, bà mẹ trẻ người Bắc Kinh này tìm cách mua sữa nhập khẩu
hơn là sữa nội địa. Đó là hậu quả từ vụ bê bối sữa bị nhiễm mélanine vào
năm 2008, lây nhiễm cho 300 000 trẻ, gây tử vong cho 6 trẻ trong số đó.
Từ đó, người dân Trung Quốc ngờ vực các loại sữa nội địa và sính chuộng
hàng ngoại nhập. Thế nhưng, mới đây, vụ một hãng sữa New Zeland nhiễm
khuẩn có thể gây ngộ độc. Một bộ trưởng New Zeland đang công du ngày hôm
qua tại Trung Quốc đã tỏ ra hối tiếc về vụ bê bối này.
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định thiện chí muốn « trừng phạt nghiêm
khắc » các vụ gian lận thực phẩm. Vào tháng 5 vừa rồi, ông đã phá vỡ một
đường dây bán thịt ôi hư và đã bỏ tù hơn 900 người. Thế nhưng, anh Ngô
Hằng cho rằng kiểm tra vẫn chưa đủ triệt để và các hình phạt chưa đủ
tính răn đe. Anh ta vẫn cảm thấy « bi quan » mặc dù trang của anh đã thu
hút tổng cộng 6 triệu người xem vào năm 2012. Đối với anh thì chỉ có
một cách : « Tôi sẽ ăn nhiều thứ khác nhau và không bao giờ ăn cùng một
loại hay cùng một nhãn hiệu. Đó là cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro. »
Bạc Hy Lai : Vụ án có một không hai từ thời Mao
Vụ án xử cựu quan chức cấp cao Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của
các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Các báo đồng loạt thông tin cựu bí
thư Trùng Khánh phản cung mạnh mẽ tại phiên tòa.
Trước tiên, qua bài viết trên báo Le Monde mang tên : « Vụ án xử Bạc
Hy Lai được truyền trực tiếp trên mạng xã hội Vi Bác, Twitter của Trung
Quốc », tờ báo nhận định rằng đây là hình thức truyền trực tiếp chưa
từng thấy đối với một đương sự bình thường, hơn nữa, đây còn là một cựu
thành viên văn phòng chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vụ án vợ ông là
bà Cốc Khai Lai, đã giết chết cố vấn người Anh Neil Heywood tại Trùng
Khánh, cùng với sự thông đồng của cựu giám đốc sở công an Trùng Khánh
Vương Lập Quân đã gây ra một cơn chấn động chính trị lớn, lôi đi luôn cả
Bạc Hy Lai.
Cũng quan tâm đến hồ sơ Bạc Hy Lai, báo thiên hữu Le Figaro cho biết
cựu quan chức thất sủng này đã tố cáo âm mưu sắp đặt trước của chế độ
Trung Quốc. Theo một số nhà Trung Quốc học thì việc truyền trực tiếp vụ
án này là hành động chưa từng thấy từ trước đến nay. Chính quyền tìm
cách tạo ra một bộ mặt bề ngoài công minh về một vụ án mang tính « chính
trị » nhất từ sau cuộc cách mạng văn hóa mà kết cục đã được cấp trên
định sẵn. Thế nhưng, việc ông Bạc Hy Lai cứ khăng khăng biện minh cho
mình trước phiên tòa gây hồi hộp trong công chúng theo dõi phiên tòa.
Một cư dân mạng tự hỏi : « Nếu ông Bạc Hy Lai vẫn khẳng định mình vô tội
thì vụ án này sẽ kết thức như thế nào ? »
Trên các đường phố tại thành phố Tế Nam, tầm ảnh hưởng của cựu ngôi
sao đảng Cộng sản vẫn còn. Dưới cái nắng hơi ấm, hàng chục nghìn người
đã đổ đến tòa án từ 8 giờ sáng với hy vọng được thấy « ngôi sao » bị
truất phế. Một số đã biểu tình để ủng hộ cựu bí thư Trùng Khánh.
Báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua vụ án nổi đình nổi đám này
qua bài viết : « Trung Quốc : Một vụ án chưa từng thấy từ thời Mao ». Tờ
báo nhận định dường như chiến thuật bào chữa của ông Bạc Hy Lai một
cách rất khiêu khích, như là muốn phô trương quyền lực. Có lẽ Bạc Hy Lai
muốn cho các đồng nghiệp cũ của ông thấy rằng ông không bị chính quyền
làm khiếp sợ, làm cho người ta nghĩ rằng ông vẫn còn những chỗ dựa đáng
kể. Thế nhưng, cũng có thể rằng giọng điệu công kích của ông Bạc Hy Lai
tại phiên tòa chính là để giúp cho chính quyền tạo ra hình ảnh một nền
công lý minh bạch.
« Bạc Hy Lai, vụ án để làm gương », đó là tựa đăng trên báo Cộng sản
L’Humanité về hồ sơ này. Theo bài báo thì từ nhiều năm nay, các vụ tai
tiếng về tham nhũng đã làm cho bộ máy chính quyền Trung Quốc bị mất uy
tín. Vào mùa xuân vừa rồi, chủ tịch Tập Cận Bình đã tung ra một chiến
lược lớn bài trừ tham nhũng. Về khía cạnh này, vụ án Bạc Hy Lai có thể
phải lãnh án tử hình, sẽ được dùng để làm gương. Chủ tịch Tập Cận Bình
cảnh báo : « Với nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng thêm thì hậu quả
duy nhất sẽ là Đảng và nhà nước bị diệt vong ! ».
Khủng hoảng Syria vẫn trong vòng lẩn quẩn
Cuộc chiến đẫm máu tại Syria vẫn là một hồ sơ nóng bỏng và làm đau
đầu Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây. Các nhật báo Pháp ra ngày hôm
nay đều đưa lên trang nhất chủ đề này. Trên trang nhất báo Le Monde
chạy tựa : « cuộc thảm sát bằng hơi cay độc tại Damas». Theo tờ báo,
chính quyền Bachar Al-Assad bị cáo buộc đã giết hàng trăm người vào ngày
21/08/2013. Khoảng 30 nước yêu cầu điều tra về sự việc này. Trang bên
trong tờ báo đăng bài viết : « Tại Syria : Một cuộc tấn công bằng vũ khí
hóa học chưa từng thấy ».
Trên hồ sơ Syria, báo Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : «
Syria : Hành động chống Assas bắt đầu ». Theo một số thông tin thì báo
Le Figaro nhận định rằng lực lượng chống đối chế độ Assad, được các lính
biệt kích Jordanie, Israel và Mỹ chỉ huy, đã tiến vào Damas từ trung
tuần tháng Tám. Cuộc tấn công này có thể giải thích vì sao tổng thống
Syria đã dùng đến vũ khí hóa học. Trang bên trong báo Le Figaro đăng bài
: « Vì sao Assad đã lựa chọn chiến lược tệ nhất ? ». Tờ báo ghi nhận,
hết sức phẫn nộ trước tình hình tại Syria, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn
còn bị chia rẽ. Thứ 4 vừa qua, Nga và Trung Quốc vẫn bác bỏ đề nghị tổ
chức điều tra của khoảng 30 nước trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Anh… trong
cuộc họp Hội đồng Bảo an. Phía Matxcơva cho rằng cuộc tấn công này là vì
« khiêu khích » dâng cao từ phe đối lập. Cũng đứng về phía này, Iran
cho rằng « vũ khí hóa học được các nhóm khủng bố sử dụng và cho thấy
rằng, họ không lùi bước trước bất kỳ tội ác nào ».
Ngược lại, Pháp mong muốn « phản ứng bằng vũ lực », nhưng loại trừ
khả năng gởi quân sang Syria. Theo các nguồn tin thì bảng tổng kết số
người bị giết giao động từ 500-1700 người, trong đó có nhiều trẻ em.
Trong thời gian đầu, Bộ ngoại giao Pháp dự định củng cố viện trợ nhân
đạo cho dân Syria.
Trên trang nhất báo thiên tả Libération chạy tựa lớn : « Syria –
không bị trừng phạt ». « Hủy diệt » là tựa đề bài xã luận đăng trên báo
Libération. Tờ báo dành khá nhiều trang cho hồ sơ nóng bỏng và kéo dài
này. Theo tờ báo thì ngày hôm qua, Liên Hiệp Quốc vẫn chưa trừng phạt
chế độ Assad. Bài xã luận nhận định, chế độ Assad vẫn có thể tiếp tục
hủy diệt đất nước mình mà không hề bị trừng phạt. Đồng thời, chế độ
Assad còn được khích lệ khi nhìn sang các anh bạn láng giềng Ai Cập gây
ra bao tội ác mà vẫn không bị trừng phạt. Dường như Assad gần chiến
thắng trong cuộc cá cược này.
0 comments:
Post a Comment