Thanh Phương_RFI
Sau 45 năm hào phóng giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện, chính phủ Thụy
Điển, với chủ trương gắn viện trợ với nhân quyền và dân chủ, dự định sẽ
ngưng viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung
vào trợ giúp kỹ thuật.
Theo tổ chức OCDE, năm ngoái, vốn viện trợ phát triển chính thức (
ODA ) trên thế giới đã giảm 2,7% so với năm 2010. Đây là lần đầu tiên kể
từ năm 1997, viện trợ ODA bị sụt giảm như vậy, mà nguyên nhân chính dĩ
nhiên là do suy thoái toàn cầu, nên nhiều nước phải thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, trong khi những nước giàu khác như Pháp, Tây Ban Nha hay
Nhật Bản giảm mức viện trợ phát triển, thì Thụy Điển vẫn là một trong số
ít các quốc gia ( cùng với Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Hà Lan ) vẫn
tỏ ra hào phóng với các nước nghèo, tức là vẫn giữ mức viện trợ phát
triển chính thức cao hơn 0,7% tổng sản phẩm nội địa GDP, mức quy định
của Liên hiệp quốc.
Thụy Điển cũng là nước phương Tây viện trợ cho Việt Nam sớm nhất,
liên tục từ đầu những năm 1970 đến nay và là nước Tây Bắc Âu viện trợ
không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ
1970-1990, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước chủ yếu là dưới hình thức
Thuỵ Điển viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để làm một số công trình
như nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Viện nhi Thuỵ Điển (Hà Nội), v.v…
Từ năm 1990 lại đây, viện trợ của Thụy Điển cho Việt Nam tập trung
nhiều hơn vào các chương trình và dự án hợp tác về y tế, năng lượng, lâm
nghiệp, phát triển nông thôn miền núi 5 tỉnh phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên
Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ
KHKT, xoá đói giảm nghèo, v.v. . .
Tuy nhiên, quan hệ giữa Thụy Điển với Việt Nam trong những năm gần
đây có vẻ không còn mặn mà như trước nữa. Thậm chí chính phủ Thụy Điển
có lúc đã tính đến chuyện đóng cửa đại sứ quán ở Hà Nội kể từ năm 2011,
với lý do là thiếu kinh phí, nhưng sau đó đã rút lại quyết định này. Mặt
khác, trong tương lai, Thụy Điển sẽ không còn tiếp tục tỏ ra hào phóng
một cách vô điều kiện với Việt Nam nữa, nhất là vì chính phủ mới của
nước này chủ trương gắn liền viện trợ với những tiến bộ về nhân quyền và
dân chủ, cũng như về chống tham nhũng, ở những quốc gia mà Thụy Điển
giúp đở.
Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã nhiều lần lên tiếng khi thấy
Việt Nam không những không tiến bộ, mà còn đi thụt lùi về mặt nhân
quyền, dân chủ, cũng như về mặt chống tham nhũng, đặc biệt là sau vụ
Việt Nam vào năm 2008 kết án tù hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của tờ
Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ, hai nhà báo đã đi đầu
trong việc loan tin về vụ tham nhũng PMU 18, một vụ tham nhũng có liên
hệ đến viện trợ ODA của quốc tế.
Vào thời gian đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ VietnamNet, tham
tán đại sứ quán Thụy Điển, bà Molly Lien, đã tuyên bố thẳng thừng : ”
Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không thể
chấp nhận được”. Bà Molly Lien nói rằng tiền viện trợ của Thụy Điển là
tiền người dân Thụy Điển đóng thuế. Những khoản tiền đó được sử dụng để
giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có
tham nhũng.
Tại hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Hà Nội vào tháng
12/2009, đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cũng đã kêu gọi chính phủ Hà Nội
bãi bỏ các biện pháp kiểm soát Internet, cũng như cho phép báo chí tham
gia giám sát các cơ quan quyền lực.
Có thể một phần là do Việt Nam bị xem là không có tiến bộ về nhân
quyền và dân chủ mà chính phủ Thụy Điển dự định sẽ ngưng cấp viện trợ
phát triển chính thức cho Việt Nam và sẽ chỉ tập trung vào trợ giúp kỹ
thuật.
Để tổng kết 45 năm trợ giúp hết mình cho Việt Nam, ngày 2/4 vừa qua,
Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển ( SIDA ) đã tổ chức một
cuộc hội thảo tại Stockholm và đã có mời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một
trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đến để đóng góp ý
kiến về bản tổng kết này. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ
Lê Đăng Doanh :
Nghe (09:17)
0 comments:
Post a Comment