Wednesday, August 7, 2013

Thực tế chuyến đi Mỹ của Trương Tấn Sang

Cuộc họp giữa chủ tịch nhà nước Việt Cộng Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Obama tại toà Bạch ốc vào ngày 25 tháng 7 năm 2013 đã đưa ra cam kết về quan hệ “đối tác toàn diện”giữa hai quốc gia. Tổng thống Obama cạnh đó cho biết Mỹ và Việt Nam sẽ hoàn tất trước cuối năm các cách thức thỏa thuận thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì điều này sẽ tạo thêm việc làm và tăng đầu tư khắp khu vực và ở hai nước.

Trong lãnh vực nhân quyền, trước áp lực của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và một số các dân cử Hoa Kỳ, Tổng thống Obama cho biết trong cuộc thảo luận với Việt Nam Hoa Kỳ có đề cập đến sự tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Theo Phạm Chi Lan cựu Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong buổi họp Hoa Kỳ đã đặt vấn đề nhân quyền nhưng với sự hiểu biết hơn về tình hình nội bộ Việt Nam. Phát biểu này của bà Phạm Chi Lan một cách khéo léo đã lập lại nhận định của Trương Tấn Sang trước khi sang Mỹ rằng: “Sự kiện Hoa Kỳ quan tâm tới vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt giữ  nhiều người bất đồng chính kiến, sẽ không làm lu mờ mối quan hệ kinh tế và quân sự cận kề giữa hai nước.”
Điều này nói lên gì?
Nó nói lên vấn đề nhân quyền cho Việt Nam đã được giải quyết theo hướng quyền lợi của nước Mỹ , nghĩa là vấn đề nhân quyền cho Việt Nam đã không được Hoa Kỳ chú trọng bằng vai trò đối tác của Việt cộng trong lãnh vực an ninh và kinh tế, tuy có được nói đến gọi là cho phải phép. Sự kiện này được nhìn thấy qua một số ký kết về thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khi phía Việt Nam không có sự nhân nhượng cụ thể nào, trên mặt nhân quyền, dù là tượng trưng. Không có người tù bất đồng chính kiến nào được trả tự do.
Sự kiện này một lần nữa xác định một vấn đề căn bản cho người Việt Nam. Đó là người Việt hải ngoại tha hồ vận động thế giới và ngoại quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chính đáng của dân tộc Việt Nam, nhưng người Việt Nam không thể trông mong nơi Hoa Kỳ sẽ giải quyết cho dân tộc Việt Nam bài toán đất nước tức là giúp dân tộc Việt Nam chấm dứt chế độ độc tài cộng sản Việt Nam.
Điều này chính người Việt Nam phải tự làm lấy qua những phương thức phối hợp sức mạnh dân tộc trên những điều kiện có thể. Chỉ với sự tỉnh táo, hiểu biết, và không mơ hồ, người Việt khắp mọi nơi mới sẽ giải quyết được vấn nạn của đất nước, mà nền tảng là do sức lực chính mình.
Với bản chất cuồng tín, và kích động bởi căm thù giai cấp, những người cộng sản Việt Nam kể từ ngày thiết lập được chuyên chính vô sản tại miền Bắc đã gây ra biết bao tội ác, reo rắc biết bao khổ đau cho dân tộc. Sự cuồng tín, thúc đẩy bởi động cơ căm thù giai cấp này đã khiến họ coi đồng bào, đồng hương như thù địch, nhưng coi công nông vô sản “năm châu bốn bể” là anh em. Họ đã sung sướng và hãnh diện làm lính đánh thuê cho Liên Sô Trung quốc với hoang tưởng thi hành nghĩa vụ quốc tế cao quý phục vụ cho chủ nghĩa vô sản quốc tế, xây dựng một thế giới đại đồng không biên giới, không giai cấp nào khác ngoài công nông.  Một hệ quả giấy tờ là công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 gửi Chu Ân Lai công nhận quan điểm của Trung Cộng về hải phận và các quần đảo Tây Sa Nam Sa. Bây giờ, một số giới chức VC đã tìm cách bào chữa loanh quanh, coi đó là một văn thư không có giá trị, mà thực chất thì nó đã phản ảnh sự thực thi cái quan niệm không biên giới của đảng CSVN trong thiên đường CS quốc tế. Nói cho rõ thì trong nhãn quan CSVN từ thời Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Tây Sa hay cả lãnh thổ đất nước VN có là của Tầu, của Nga cũng không phài là điều họ quan tâm. Cũng chính sự cuồng tín và căm thù giai cấp này đã khiến cho những con người Cộng sản thản nhiên trước máu đổ thịt rơi của đấu tranh giai cấp mà họ thi hành, tàn bạo không thua chiến tranh tôn giáo thời trung cổ. Tình trạng này đã cắt nghĩa thái độ vô cảm của những con người CS trong xã hội CS biến thái thành tư bản hiện nay.
Bây giờ, sau khi thành trì Cộng sản Liên sô sụp đổ, không còn một thế giới CS nữa mà có nhiều nước CS khác nhau biến thái.  Những người CSVN không còn có một chủ nghĩa để cuồng tín và một triều đình để làm chư hầu tay sai. Thế giới trở thành một cái chợ bán buôn đủ loại. Cho nên Bộ Chính Trị Việt Cộng qua Trương Tấn Sang thực chất chỉ là một kẻ túng tiền đến tiệm cầm đồ trong chuyến đi Mỹ. Vì thế, Trương Tấn Sang đã bị Obama đối xử xem thường như mọi người đã thấy. Cho nên trong cuộc biểu tình trước toà Bạch Ốc, khẩu hiệu đơn giản nhất, nói đúng nhất bản chất lãnh đạo VC là 8 chữ: “đả đảo VC buôn dân bán nước”.
Nhưng chê bai mắng mỏ không làm cho họ lùi bước, rời ghế, bỏ cái vị trí buôn dân bán nước này. Vốn đã không coi đất nước là trọng mà say mê đi vào thế giới đại đồng cộng sản trong quá khứ, thì những người CS ngày nay cũng không ngần ngại gì mà không cầm cố gia sản của ông cha, trong cái thế giới toàn cầu tư bản buôn bán hiện tại để lấy tiền bỏ túi. Lại càng không thể kêu gọi những kẻ cầm đồ đừng cầm gia sản chúng tôi. Mà chỉ có cách mỗi người, mọi người, ở vị trí của mình, tuỳ sức của mình giữ lấy, không cho những thoả hiệp khai thác thành công.
Trên mặt khác, khía cạnh lắng nghe tiếng nói của dân, tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng người Việt Nam, cho nên tổng thống Obama đã không chiêu đãi TTSang tới mức để làm mất lòng những công dân người Mỹ gốc Việt. Tin tức và hình ảnh về sự việc này đã được các mạng truyền thông phổ biến khắp nơi. Cụ thể TTSang là chủ tịch nước Việt Nam mà khi đặt chân xuống phi trường quân sự Andrews TTSang chỉ được trưởng ban nghi lễ của Bộ ngoại giao và đại sứ Mỹ tại VN ra đón. Tại sân bay không trải thảm đỏ, không hoa, không kèn và không có chổ để nhà báo đứng chụp hình đưa tin. Bữa ăn duy nhất mà TTSang được đến dự là buổi ăn trưa hôm 24/7 do Bộ ngoại giao thiết đãi. Trong buổi họp tại tòa Bạch Ốc Tổng thống Obama đã lấy giấy từ trong túi áo ông ra ngồi đọc và xem đồng hồ trong khi TTSang đang phát biểu, vân vân.
Thế Long

0 comments:

Powered By Blogger